1. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
Tài sản với tư cách là đối tượng của quan hệ pháp luật tham gia vào các giao dịch dân sự luôn có chủ sở hữu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tài sản không có chủ sở hữu (tài sản vô chủ) hoặc không thể xác định được ai là chủ sở hữu. Trong tất cả những trường hợp này đều tồn tại khả năng xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không có chủ sở hữu hoặc không xác định được chủ sở hữu.
Theo Điều 228 Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản vô chủ là những tài sản có thể trở thành đối tượng của quyền sở hữu và vào thời điểm hiện tại không có chủ sở hữu. Tài sản không xác định được chủ sở hữu là những tài sản đã từng có chủ sở hữu nhưng vào thời điểm hiện tại, do những lý do khách quan, không thể xác định được chủ sở hữu.
Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu phụ thuộc vào việc tài sản đó là động sản hay bất động sản.
– Đối với tài sản vô chủ: Nếu tài sản vô chủ là động sản thì người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nếu tài sản vô chủ là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.
– Đối với tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu: Vào thời điểm được phát hiện không thể xác định được chủ sở hữu, tuy nhiên, quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản đó chưa bị chấm dứt vào thời điểm này. Người phát hiện ra tài sản có trách nhiệm phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công công an cấp xã gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu nhận lại. Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. Sau khi thông báo công khai, việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản được xác định như sau:
+ Nếu tài sản là động sản thì sau 01 năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.
+ Nếu tài sản là bất động sản thì sau 05 năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước. Trong trường hợp này người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận giao nộp tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
2. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy
Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm là những tài sản đã từng có chủ sở hữu nhưng do những lý do khách quan (chủ yếu là những lý do từ điều kiện thiên nhiên) mà không xác định được chủ sở hữu vào thời điểm được phát hiện. Khác với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên (tài sản không còn nằm trong sự chi phối của chủ sở hữu hoặc người đang quản lý họp pháp xảy ra ngoài ý chí của những người này), tài sản bị chôn, giấu là những tài sản được che giấu có chủ định.
Trong khi tài sản bị vùi lấp, chìm đắm cũng có thể là tài sản không còn nằm trong sự chi phối của chủ sở hữu, người đang quản lý hợp pháp do những lý do ngoài ý chí của các chủ thể này, nhưng có sự khác biệt với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên ở cách thức cụ thể mà tài sản đó ra khỏi sự chi phối nói trên. Tài sản bị vùi lấp, chìm đắm thường xảy ra do những nguyên nhân khách quan từ tự nhiên. Trong khi tài sản đánh rơi, bỏ quên thường do những lý do chủ quan từ chính chủ sở hữu hoặc người quản lý (do lơ đễnh,…).
Việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm sẽ căn cứ vào Điều 229 Bộ luật dân sự 2015:
1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;
b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
3. Tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên được xác lập quyền sở hữu khi nào?
Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là những tài sản có chủ sở hữu nhưng do những lý do khách quan hoặc chủ quan từ chính chủ sở hữu hoặc người đang quản lý mà tài sản không còn nằm trong sự chi phối, chiếm hữu của các chủ thể đó. Việc xác định tài sản là bị đánh rơi hay là bị bỏ quên phụ thuộc vào điều kiện, bối cảnh cụ thể phát hiện ra tài sản. Nếu tài sản được phát hiện trên đường đi, vỉa hè,… thì thường được xác định là tài sản bị đánh rơi. Ngược lại, nếu tài sản được xác định ở những vị trí thường được lựa chọn để đồ, đặc biệt ở những nơi công cộng thì thường được xác định là tài sản bị bỏ quên.
Ngoài ra, căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên chỉ có thể áp dụng với các tài sản là động sản vì chỉ có các động sản mới có thể dịch chyển, di dời mà không làm ảnh hưởng đến tính năng, công dụng của nó. Kể từ thời điểm tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, chủ sở hữu chưa mất quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó. Do vậy, người phát hiện ra tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Trong trường hợp nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Người nhặt được tài sản có thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo quy định tại Điều 230 Bộ luật dân sự 2015:
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
4. Khi nào thì được xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc?
– Gia súc là khái niệm dùng để chỉ những loài động vật 4 chân, có vú, được thuần hóa và nuôi trong điều kiện gia đình, trang trại. Gia súc bị thất lạc là những gia súc được nuôi trong trong điều kiện gia đinh, trang trại nhưng do sơ suất trong quá trình chăn thả hoặc do tập quán thả rông, không trông coi nên bị thất lạc. Gia súc thất lạc là những gia súc mà vào thời điểm bắt được gia súc đó không nằm trong sự quản lý của bất kỳ chủ thể nào.
– Đổi với trường hợp gia súc bị thất lạc, người bắt được gia sức có nghĩa vụ theo Khoản 1 Điều 231 Bộ luật dân sự 2015:
“Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.”
Quy định này xuất phát từ tính đặc thù của tài sản là gia súc, nếu không có người nuôi giữ thì gia súc có thể bị chết hoặc tiếp tục bị thất lạc. Điều sẽ gây thiệt hại cho chủ sở hữu của gia súc bị thất lạc hoặc đặt anh ta vào vị trí tiếp tục bị thất lạc mất gia súc đó.
– Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
– Trong trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.
5. Gia cầm bị thất lạc có được xác lập quyền sở hữu không?
– Gia cầm là khái niệm dùng để chỉ các loài động vật có hai chân, thuộc nhóm động vật có cánh, có lông vũ được nuôi giữ trong điều kiện gia đình, trang trại với mục đích lấy trứng, lấy thịt hoặc lông vũ. Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc được xác định với những nguyên tắc tương tự như trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc. Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc được thực hiện theo quy định tại Điều 232 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 232. Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc
1. Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm.
6. Xác lập quyền sở hữu đối với vậy nuôi dưới nước được quy định như thế nào?
Vật nuôi dưới nước là những loại động vật được con người nuôi thả và sinh sống trong môi trường nước. Vật nuôi dưới nước sinh sống ở ruộng, ao, hồ của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Di chuyển tự nhiên (di chuyển không do tác động của con người) là đặc tính của động vật nuôi dưới nước. Nếu do quá trình di chuyển tự nhiên (ví dụ: mưa làm nước tràn và cá di chuyển từ ruộng, ao, hồ của người này sang ruộng, ao hồ của người khác) mà vật nuôi dưới nước di chuyển vào ruộng, ao, hồ của người khác thì việc xác lập quyền sở hữu đối vật nuôi dưới nước được được thực hiện theo quy định tại Điều 233 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 233. Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước
Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.