Từ nhận thức về tầm quan trọng to lớn của việc chiếm lĩnh khoảng không vũ trụ, nhiều quốc gia trên thế giới – ngoài việc tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ vũ trụ (CNVT) – còn không ngừng đẩy mạnh việc  xây dựng và ban hành hàng loạt các đạo luật nhằm điều chỉnh hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ của quốc gia mình. Cùng với các ngành luật khác, pháp luật về hoạt động vũ trụ đã trở thành một ngành luật độc lập, có vai trò quan trọng ở nhiều quốc gia, không chỉ ở những nước có nền kinh tế phát triển.

Bài viết nêu bật sự cần thiết xây dựng pháp luật vũ trụ ở Việt Nam, các điều kiện đảm bảo và nêu một số định hướng xây dựng pháp luật vũ trụ ở nước ta.

1. Sự cần thiết của việc xây dựng pháp luật vũ trụ ở việt nam

1.1. Đáp ứng nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam

Ngày nay, với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng đã ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNVT vào đời sống và gia nhập tiến trình chinh phục khoảng không bao la ngoài trái đất của nhân loại.

Việt Nam đã từng bước ứng dụng các thành tựu của CNVT vào các lĩnh vực khí tượng – thủy văn, thông tin liên lạc, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh… và đã đạt được một số thành tựu nhất định nhằm hỗ trợ cho việc khai thác và chinh phục vũ trụ, hàng loạt các hoạt động đã được triển khai, như:

– Thành lập Uỷ ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung khoa học cho Chương trình “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam”2; thực hiện chuyến bay vũ trụ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trong 08 ngày từ ngày 23/7/19803. Đến ngày 20/11/2006, Viện CNVT thuộc Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập, là cơ quan thường trực của Uỷ ban nghiên cứu và ứng dụng CNVT Việt Nam4.

– Triển khai các chương trình nghiên cứu về vật lý vũ trụ và CNVT như Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước mã số 48.70 “Ứng dụng thành tựu nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ” (1981-1985); Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước mã số 46A về “Trắc địa bản đồ” (1985-1990)5

– Hoạt động của các ngành bưu chính viễn thông, phát thanh, truyền hình, hàng hải từ những năm 80 của thế kỷ trước nhằm lắp đặt và đưa vào khai thác nhiều trạm mặt đất như: trạm Hoa Sen (thông qua hệ Intersputnik – hệ thống vệ tinh của Tổ chức Viễn thông vệ tinh quốc tế), trạm VISTA (thông qua hệ Intelsat), mạng các trạm VSAT, trạm truyền chương trình số hoá qua vệ tinh và mạng TVRO, trạm Inmarsat ven biển6.

– Xây dựng “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010”, trong đó khẳng định CNVT là một ngành công nghệ trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cho ngành CNVT là nghiên cứu tiếp thu, làm chủ CNVT và phóng vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, trạm thu mặt đất, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh7. Chính phủ cũng đã đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020” nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của nước ta8.

– Các sự kiện khoa học CNVT chính khác: Ngày 9/11/2005, Công ty viễn thông quốc tế đã đưa trạm cổng VSAT- IP đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động. Ngày 19/4/2009, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam được phóng vào quỹ đạo địa tĩnh – vệ tinh Vinasat I, là một mốc son của chiến lược chiếm lĩnh khoảng không vũ trụ và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo địa tĩnh. Hiện nay, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam cũng đang tiến hành dự án hợp tác chế tạo vệ tinh viễn thám Vinaredsat chụp ảnh trái đất phục vụ chủ yếu cho công tác bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, giúp quản lý và giám sát lãnh thổ, lãnh hải từ trên cao9.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

1.2. Đáp ứng nhu cầu bảo vệ nguồn tài nguyên vũ trụ và môi trường vũ trụ

Ram Jakhu, giáo viên Viện Luật hàng không và vũ trụ, Khoa Luật, Đại học McGill, trong tác phẩm “Khả năng xây dựng luật vũ trụ và chính sách vũ trụ” đã nêu ra những lý do cần phải có hệ thống luật pháp và chính sách vũ trụ, cụ thể: “(a) duy trì trật tự; (b) bảo vệ lợi ích công; (c) quản lý nguồn tài nguyên (ví dụ như quang phổ tần số radio); (d) xác định phạm vi, bản chất, khả năng và sự phát triển của các hoạt động vũ trụ”. Như vậy, bảo vệ các nguồn tài nguyên vũ trụ cũng làm nảy sinh nhu cầu cần có pháp luật điều chỉnh các hoạt động vũ trụ.

Các nguồn tài nguyên vũ trụ được khai thác, sử dụng trên thực tế hiện nay và khá thông dụng trên thế giới là các dải tần số và các vị trí quỹ đạo. Đây là hai nguồn tài nguyên vũ trụ rất quý hiếm, được coi là di sản chung của nhân loại.

Ngoài các nguồn tài nguyên vũ trụ trên, con người còn có thể khai thác được nhiều lợi ích từ khoảng không vũ trụ. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có ngành khoa học, CNVT phát triển đang tiếp tục nghiên cứu khoảng không vũ trụ, Mặt trăng và các thiên thể khác, nhằm mục đích khai thác và sử dụng chúng một cách hiệu quả phục vụ cho các nhu cầu của con người.

Tuy nhiên, không phải nguồn tài nguyên nào của vũ trụ cũng là vô tận. Vì vậy, để đảm bảo tài nguyên vũ trụ cho thế hệ mai sau, thì chính sách và pháp luật là công cụ đặc biệt quan trọng và hiệu quả. Bằng pháp luật (pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia), chúng ta có thể quản lý việc khai thác tài nguyên của các quốc gia, tổ chức, cá nhân theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn; đồng thời ngăn chặn những hoạt động khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ bất hợp pháp.

1.3. Nhằm khắc phục và hạn chế những rủi ro từ các hoạt động khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ

Trong khi mang lại nhiều ứng dụng hữu ích, sử dụng khoảng không vũ trụ cũng có thể dẫn đến những tác động bất lợi cho con người, thậm chí có thể gây ra những thảm họa khôn lường. Ví dụ: vấn đề rác thải vũ trụ, chạy đua vũ trang trên vũ trụ, sử dụng vũ trụ vào các mục đích quân sự và tranh chấp về việc sử dụng khoảng không vũ trụ10… Nếu không được giải quyết thỏa đáng, chúng sẽ thách thức cuộc sống con người trên Trái đất, đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới. Thực tế đó đặt ra yêu cầu hình thành những nguyên tắc và quy phạm của pháp luật quốc tế để điều chỉnh các hoạt động trên khoảng không vũ trụ của các quốc gia và các thực thể nằm dưới quyền tài phán quốc gia.

Không thể phủ nhận một điều rằng, khai thác khoảng không vũ trụ mang lại nhiều lợi ích cho con người, song chính nó cũng gây ra nhiều tác động xấu. Để khắc phục những mặt trái của hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, thì bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý quốc tế, đòi hỏi sự nỗ lực của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vũ trụ quốc gia. Cùng với các điều ước quốc tế, hệ thống pháp luật quốc gia là công cụ pháp lý hiệu quả góp phần bảo vệ nhân loại khỏi tác động xấu của hoạt động vũ trụ.

1.4. Góp phần bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế

Là thành viên của Công ước Viên về điều ước quốc tế năm 1969 của Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế đa phương và khu vực quan trọng, Việt Nam cần phải tuân thủ triệt để nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế. Chúng ta cần phải có các văn bản pháp luật cụ thể hóa các điều ước quốc tế và thực thi chúng có hiệu quả. Việc ban hành pháp luật vũ trụ quốc gia còn có ý nghĩa to lớn hỗ trợ Việt Nam trong  khai thác và tận dụng những lợi thế mà pháp luật vũ trụ quốc tế mang lại.

Trước hết, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nếu như trên đất liền và trên biển, giới hạn phạm vi chủ quyền của mỗi quốc gia đã được xác định cụ thể, thì trong khoảng không vũ trụ, vấn đề này phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật của mỗi quốc gia. Vì vậy, vươn lên chiếm lĩnh khoảng không vũ trụ để khẳng định vị thế của mình đang là xu thế hiện nay của tất cả các quốc gia. Bên cạnh đó, trong hoạt động bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, các loại vệ tinh do thám hình ảnh, vệ tinh do thám tín hiệu, vệ tinh thông tin liên lạc, vệ tinh định vị dẫn đường, vệ tinh hỗ trợ phòng thủ… được sử dụng rộng rãi, tạo thành nhân tố quan trọng của hoạt động này.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ đóng vai trò quan trọng vì hoạt động này góp phần thực hiện các mục đích chính: liên kết chương trình vũ trụ của các quốc gia; nâng cao cơ sở hạ tầng vũ trụ; tăng cường kinh phí cho hoạt động vũ trụ; thúc đẩy sự phát triển của khoa học, CNVT và các ứng dụng của khoa học, công nghệ vũ trụ; tạo điều kiện thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm và công nghệ giữa các quốc gia trên cơ sở thỏa thuận; tăng cường sự xích lại gần nhau của toàn thế giới và mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.

Để hoạt động hợp tác quốc tế được diễn ra thuận lợi thì các quy định của luật, quy chế pháp lý quốc gia kể trên là hành lang pháp lý quan trọng. Nó trở thành công cụ chủ yếu để thúc đẩy hoạt động hợp tác, đặc biệt là hoạt động hợp tác giữa các quốc gia có trình độ khoa học CNVT phát triển với các quốc gia có trình độ khoa học CNVT kém phát triển, nhằm cung cấp, hỗ trợ các CNVT phục vụ hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ.

1.5. Phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới

Hiện nay, khá nhiều quốc gia trên thế giới11 đã xây dựng, ban hành luật về khoảng không vũ trụ, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và hợp tác với các quốc gia khác về khoảng không vũ trụ. Một số cường quốc về khoảng không vũ trụ như Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Pháp… đã xây dựng “thế hệ thứ hai” của luật khoảng không vũ trụ, với hệ thống các quy phạm không chỉ điều chỉnh hoạt động thăm dò và khai thác khoảng không vũ trụ của các quốc gia mà còn điều chỉnh các hoạt động mang tính chất thương mại trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ.

2. Điều kiện đảm bảo cho việc xây dựng pháp luật vũ trụ ở việt nam

2.1. Đường lối, chính sách, chiến lược của Việt Nam về khoảng không vũ trụ

       Muốn đạt mục đích phát triển ngành CNVT nhằm sớm khai thác, sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, cần sớm ban hành khung pháp lý về nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vũ trụ. Đồng thời, cần có những chiến lược và chính sách cụ thể nhằm đảm bảo nguồn nhân lực, vốn đầu tư cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng.

“Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020” của Nhà nước ta đã đã xác định mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2010, hình thành chính sách quốc gia và khung pháp lý về nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNVT; hình thành cơ quan chỉ đạo quản lý, phối hợp hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở cấp trung ương; từng bước kiện toàn về mặt tổ chức, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn  của  hệ thống các đơn vị  nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng CNVT ở nước ta, trong đó xây dựng mới một Viện chuyên ngành về KHCN vũ trụ. Với việc đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược này và từ sau sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 vào quỹ đạo vũ trụ ngày 19/4/2008, khoa học CNVT Việt Nam đã, đang và sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng pháp luật về sử dụng khoảng không vũ trụ, là bệ đỡ tạo lập hành lang cho việc chiếm lĩnh và sử dụng khoảng không vũ trụ.

2.2. Hệ thống pháp luật phát triển đồng bộ

Đến nay, Việt Nam đã có được một hệ thống VBQPPL khá hoàn chỉnh, gián tiếp và trực tiếp hỗ trợ cho việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về sử dụng khoảng không vũ trụ, như: Bộ luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Giáo dục 2005, Luật Khoa học công nghệ năm 2000, Luật Công nghệ cao 2007, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2007, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông năm 2009, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009… và hàng trăm văn bản dưới luật (nghị định, thông tư).

Hệ thống văn bản pháp luật nêu trên – nhìn một cách tổng quan – còn tồn tại một số điểm hạn chế nhất định, như: i) vấn đề CNVT và sử dụng khoảng không vũ trụ mới chỉ được đề cập trong văn bản mang tính chủ trương, còn sơ khai, tản mát, thiếu định hướng và sự phối hợp liên ngành; ii) chưa có văn bản nào điều chỉnh chuyên biệt về lĩnh vực CNVT và sử dụng khoảng không vũ trụ; iii) các vấn đề pháp lý cơ bản như: biên giới quốc gia trên không, khoảng không vũ trụ, hoạt động CNVT, hành vi sử dụng khoảng không vũ trụ… chưa được đề cập hoặc giải thích; iv) cơ chế vận hành các hoạt động CNVT cụ thể và sử dụng khoảng không vũ trụ chưa được định hình…

Tuy vậy, hệ thống VBQPPL này sẽ tạo nên một khung pháp luật khá hoàn chỉnh và đồng bộ hỗ trợ cho việc xây dựng và ban hành một đạo luật tương lai của Việt Nam: Luật về Sử dụng khoảng không vũ trụ quốc gia. Đạo luật này phải giải quyết được những vấn đề pháp lý cơ bản như: i) nguyên tắc chung phải thực hiện trong các hoạt động CNVT, bao gồm: ii) quyền và nghĩa vụ pháp lý của tổ chức/cá nhân khi thực hiện các hoạt động CNVT; iii) các cơ quan có thẩm quyền quản lý các hoạt động CNVT và sử dụng khoảng không vũ trụ; iv) trình tự, thủ tục cấp phép, đăng ký hoạt động CNVT và sử dụng khoảng không vũ trụ; v) trách nhiệm pháp lý của quốc gia, tổ chức, cá nhân khi vi phạm pháp luật, gây ra những tổn thất, thiệt hại trong hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ.

2.3. Các thiết chế và bộ máy quản lý hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ của Việt Nam

Trong tổ chức quản lý, cho đến trước tháng 9/2010, Việt Nam chưa có một cơ quan quốc gia đủ năng lực tổ chức phối hợp nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Với tiềm lực hiện nay, ngành CNVT chưa thể đáp ứng được đòi hỏi ngày càng to lớn và cấp bách của thực tiễn. Sự ra đời của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam12 là một cơ hội lớn để Việt Nam từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học CNVT, đồng thời là điều kiện quan trọng để tiến hành xây dựng và thực thi pháp luật Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. 

2.4. Điều kiện về nhận thức và nguồn nhân lực

Lợi thế cạnh tranh của một quốc gia được cấu thành từ nhiều yếu tố như: hạ tầng, tiềm lực khoa học công nghệ, môi trường pháp lý, nhân lực,… trong đó nhân lực được coi là yếu tố cạnh tranh có tính chất quyết định, mang bản sắc quốc gia trong quá trình toàn cầu hoá, vì những giá trị thuộc về nguồn nhân lực là bền vững và không thể sao chép. Việt Nam là quốc gia mới bước đầu tham gia vào quá trình chinh phục khoảng không vũ trụ. Vì vậy, phải chú trọng đặc biệt đến “con người” có trình độ và tư duy phù hợp với công nghệ cao. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, vấn đề đào tạo công nghệ cao thông qua các dự án và công việc cụ thể, đặc biệt có ý nghĩa đối với phát triển CNVT.

Việc đầu tiên phải quan tâm là tích cực phổ biến kiến thức, để toàn xã hội, nhất là các cấp các ngành nhận thức được về lợi ích to lớn và vai trò của chính sách, pháp luật vũ trụ đối với phát triển kinh tế – xã hội, trong sự phát triển bền vững và tăng trưởng của Việt Nam.

Tiếp theo đó, cần xây dựng một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn bằng việc mở các chuyên ngành công nghệ chuẩn, theo kinh nghiệm và mô hình của các quốc gia tiên tiến. Nhu cầu nhân lực CNVT trong tương lai sẽ rất lớn. Với kiến thức cơ bản như toán học, vật lý, cơ học và công nghệ thông tin, các kỹ sư CNVT có thể tìm được cơ hội làm việc không chỉ trong ngành công nghiệp vũ trụ truyền thống, mà trong cả các lĩnh vực khác như công nghiệp ô tô, hóa dầu, hải dương học, các công ty nghiên cứu và phát triển, cơ quan chính phủ, trường đại học…

2.5. Điều kiện về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ và tài chính

Việc đầu tư cho CNVT là việc làm lâu dài và cần hàng tỷ đô la Mỹ, do đó, theo kinh nghiệm các nước thì không chỉ Nhà nước mà các doanh nghiệp khi nhận thấy rõ lợi ích của CNVT cần tham gia đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghệ cao này.

Nhận thức được điều trên, Việt Nam cũng đã quyết tâm đầu tư vào những dự án cụ thể như: Vệ tinh viễn thông VINASAT-1 (do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện); Vệ tinh nhỏ quan sát trái đất – VNREDSat do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện; Dự án sử dụng CNVT phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam (do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện). Tổng kinh phí các dự án này đã là hàng trăm triệu đô la Mỹ. Nhưng khi các dự án này đi vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước và phục an ninh quốc phòng, đồng thời nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực.

2.6. Điều kiện về hợp tác trong nước và quốc tế

Do trình độ khoa học, CNVT của nước ta còn kém phát triển nên hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm và công nghệ để phát triển nhanh chóng, bền vững và đạt được kết quả cao là mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn hiện nay của ngành vũ trụ nước ta.

Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương, khu vực cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNVT, trong việc xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng và chia sẻ cơ sở dữ liệu viễn thám; xây dựng quan hệ đối tác với các nước có chung nhu cầu và lợi ích; xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao về CNVT và nhiều lĩnh vực có liên quan khác. Để xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, chúng ta cần xây dựng các quy định về việc quản lý và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu nhằm đẩy nhanh việc gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế quan trọng về hoạt động vũ trụ. Hoạt động này tất yếu sẽ dẫn đến việc nội luật hóa và thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ.

3. Một số định hướng cơ bản trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật việt nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình

Việc xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình không chỉ góp phần khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay trong khoa học pháp lý nước nhà, nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNVT, mà còn giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới về vấn đề sử dụng khoảng không vũ trụ, từng bước tiệm cận những thành tựu hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực này, hỗ trợ Việt Nam thực hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia ở khoảng không – vũ trụ trên cơ sở các nguyên tắc, quy phạm và tập quán quốc tế hiện đại.

Là quốc gia đi sau so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang trên con đường xây dựng hệ thống pháp luật vũ trụ để tạo cơ chế pháp lý phù hợp cho việc phát triển CNVT. Với một hoạt động vừa mới mẻ, vừa mang tính quốc tế hóa nhưng cũng gắn liền với quyền lợi và chủ quyền quốc gia như hoạt động chinh phục, sử dụng khoảng không vũ trụ, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh các hoạt động này cần được xây dựng theo một số nguyên tắc chung và định hướng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, pháp luật vũ trụ Việt Nam phải phù hợp với pháp luật quốc tế và các nguyên tắc chung trong sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Thứ hai, pháp luật vũ trụ Việt Nam phải là công cụ quan trọng, làm bệ đỡ cho việc củng cố lợi ích quốc gia trong lĩnh vực vũ trụ, cho việc hướng tới các mục đích cụ thể và các nhiệm vụ của chính sách vũ trụ trong giai đoạn lịch sử trước mắt.

Thứ ba, cần dành các ưu tiên cho hoạt động vũ trụ. Nếu Nhà nước không có chính sách ưu tiên cho hoạt động vũ trụ thì không thể có sự phát triển ngành khoa học cũng như công nghiệp vũ trụ được. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, chưa có thành tựu đáng kể trong việc sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Đặc biệt, đối với Việt Nam, nhu cầu sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích kinh tế – thương mại là nhu cầu cấp thiết và đang phát triển rất mạnh mẽ. Vì vậy, pháp luật vũ trụ Việt Nam cần ưu tiên điều chỉnh, tạo cơ chế khuyến khích thúc đẩy các hoạt động CNVT vì mục đích kinh tế, thương mại, kể cả sự tham gia của các thực thể tư trong các hoạt động mang tính kinh tế – kỹ thuật này.

Thứ tư, cần điều chỉnh pháp luật quốc gia để đảm bảo sự phát triển một cách tổng thể và sử dụng một cách có hiệu quả tiềm năng vũ trụ của quốc gia vì mục đích phát triển kinh tế, khoa học và hợp tác quốc tế, củng cố an ninh quốc gia. Đây là một yêu cầu rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Bởi như chúng ta đã biết, thành tựu trong nghiên cứu và khai thác vũ trụ được sử dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu sự điều chỉnh pháp luật không tính tới các vấn đề mang tính tổng thể thì sẽ có thể gây lãng phí và ngành công nghiệp vũ trụ cũng không thể phát triển được.

(1) David Howarth, Space – Subjectivity and  politics; Alternatives: Global, Local, Political, Vol. 31, 2006, p.15.

(2) Theo Quyết định số 454/CP ngày 27/12/1979 của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Chuyến bay đưa phi hành gia đầu tiên của Việt Nam – Phạm Tuân và phi hành gia người Nga – V.V Gorơbatcô thám hiểm khoảng không vũ trụ.

(4) Theo Quyết định số 1549/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

(5) Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg, ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVTđến năm 2020”.

(6) Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg, ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVTđến năm 2020”.

(7) Ban hành kèm theo Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

(8) Nghị định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg, ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVTđến năm 2020”.

(9) http://www.baodaidoanket.net/đk/print.ddk?id=5097

(10) Các chuyên gia người Đức I.H.Ph.Diederiks và Verschoor V.Kopal đã từng đề cập đến 06 loại thiệt hại xảy ra trong khoảng không vũ trụ, bao gồm: Thiệt hại gây ra do sự lưu thông các mảnh vỡ trong vũ trụ; Thiệt hại gây ra do ô nhiễm và những can thiệp có hại; Thiệt hại gây ra do các hoạt động hạt nhân và phóng xạ trong vũ trụ; Thiệt hại đối với tầng ozon; Thiệt hại gây ra do các trạm không gian; Thiệt hại gây ra do vệ tinh trong hệ mặt trời.

(11) Như: Argentina, Autralia, Vương quốc Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Nam Phi, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ…

(12) Theo Quyết định số 1720/QĐ-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

PGS, TS. Nguyễn Bá Diến – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn: http://www.nclp.org.vn/

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;