Những tư tưởng chính của Đảng về sự phát triển của Việt Nam

Tư tưởng cơ bản về sự phát triển của Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là: đưa Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nước nghèo, chậm phát triển, trở thành một quốc gia giàu và mạnh, xã hội Việt Nam sẽ là một xã hội ổn định, dân chủ, bình đẳng, công bằng và văn minh, toàn dân Việt Nam có cuộc sống an toàn, phong phú về vật chất và tinh thần. Đó là xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm và bản sắc dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn, tính dân tộc và tính thời đại.

Tư tưởng phát triển của Việt Nam là sự kế thừa và phát triển lý thuyết về phát triển xã hội của Mác – Ăng-ghen – Lê-nin – Hồ Chí Minh, là kết quả tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tri thức, những kinh nghiệm có giá trị của thế giới về phát triển xã hội, phát triển con người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những tư tưởng cơ bản này sẽ biến thành những chiến lược, tư tưởng chỉ đạo và chính sách, thể hiện tinh thần khoa học, cách mạng trong thời kỳ mới, phù hợp với những đặc điểm của Việt Nam, với yêu cầu, khả năng hiện thực của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Hai điều kiện cơ bản để thực hiện thành công tư tưởng phát triển của Việt Nam là:

– Những giá trị khoa học, nhân văn và cách mạng của tư tưởng phát triển được truyền bá sâu, rộng trong xã hội và nhân dân, thuyết phục được các tầng lớp nhân dân rằng đó là con đường tốt nhất, hướng đi đúng nhất, cách làm tốt nhất trong điều kiện nước ta để Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, văn minh, hùng mạnh.

Đây cũng chính là nền tảng tư tưởng, nền tảng tinh thần của sự đoàn kết toàn dân tộc, của sự đồng thuận xã hội vững chắc, của mối quan hệ thân thiết giữa dân với quân, giữa các giới đồng bào, giữa người dân với người lãnh đạo. Nền tảng tư tưởng, nền tảng tinh thần ấy sẽ là sức mạnh để nước ta, dân ta vượt mọi khó khăn đi tới thắng lợi.

Đây là điều kiện nhất thiết phải có để bảo đảm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Không làm được như vậy, không tạo ra được sự hiểu biết sâu sắc, lòng tin vững chắc trên cơ sở khoa học cho toàn dân thì việc thực hiện sẽ hết sức khó khăn.

– Điều kiện cơ bản thứ hai là phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam vững mạnh, tiêu biểu cho chế độ dân chủ pháp quyền Việt Nam, có đủ ý chí và năng lực tổ chức, chỉ đạo, động viên các lực lượng chính trị, xã hội trong cả nước thực hiện tư tưởng phát triển.

Một nhà nước thật sự của dân, có trình độ tổ chức hiện đại và có hiệu năng quản lý cao là điều kiện không thể thiếu để thực hiện được những tư tưởng phát triển Việt Nam.

Những yêu cầu cơ bản xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam theo tư tưởng phát triển Việt Nam

Theo những tư tưởng chính về sự phát triển Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam phải được xây dựng và hoàn thiện theo 3 yêu cầu: là một Nhà nước thật sự dân chủ, là một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một Nhà nước hiện đại ở trình độ cao. Nói một cách khác, đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dân chủ và hiện đại.

Một là, Nhà nước Việt Nam phải là một nhà nước dân chủ đích thực.

Nhân dân Việt Nam là chủ và làm chủ đất nước Việt Nam. Dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhà nước là của dân, do dân lập ra qua bầu cử tự do và hoạt động vì dân, thực hiện chức năng quản lý nhà nước vì dân.

Bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam được thể hiện trong cuộc sống thực tế. Quyền làm chủ của dân được thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân. Người dân có quyền làm và có điều kiện làm những công việc mà pháp luật không cấm. Quyền làm chủ của dân còn thể hiện ngay trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; qua nội dung thực chất của pháp luật và qua việc thi hành pháp luật. Đó là chỗ khác nhau cơ bản giữa Nhà nước Việt Nam với nhà nước ở các quốc gia theo chế độ tư bản chủ nghĩa.

Ngày nay, hầu hết các đảng chính trị, các nhà nước, những người cầm quyền ở các nước đều tự nhận là đấu tranh cho dân chủ, là tôn trọng và thực hiện rất tốt các quyền tự do dân chủ của dân, đều tuyên truyền đề cao chế độ dân chủ, chính sách dân chủ của mình. Nhưng thực tế cho thấy ở không ít nơi, không ít quốc gia, không ít nhà nước nói dân chủ thì nhiều, dân chủ trên giấy tờ, trên văn bản luật pháp thì tốt, nhưng hành động, việc làm thì thiếu dân chủ, thậm chí trái với tinh thần dân chủ.

Tính chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam được thể hiện rất cụ thể:

Trước hết, qua hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp đến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; cách thức Nhà nước xây dựng, ban hành, thi hành luật pháp; mức độ tham gia của dân vào việc xây dựng luật pháp và các quyết định quan trọng của Nhà nước;

Thứ hai, ở tinh thần dân chủ trong cách thức tổ chức, xây dựng các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong cơ chế vận hành, trong mối quan hệ giữa các cơ quan ấy; trong sự phân công quyền lực và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền lực nhà nước;

Thứ ba, ở ý thức dân chủ của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. ý thức này thể hiện qua mối quan hệ giữa những cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền với dân, qua mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, các đoàn thể của dân;

Thứ tư, ở hiệu quả, tác động thực tế của sự giám sát xã hội của dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước.

Chính vì nhận thức đúng, quan niệm đúng đắn dân là chủ, dân làm chủ mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân; đảng viên Đảng Cộng sản vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân, cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của nhân dân.

Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn xã hội nhưng Đảng không phải là chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam được người làm chủ là nhân dân tín nhiệm, tôn vinh, giao trách nhiệm lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Nhà nước để thực hiện quyền làm chủ của dân, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ đích thực trên đất nước Việt Nam. Sứ mệnh này đòi hỏi Đảng Cộng sản cầm quyền tập trung lãnh đạo công tác tư tưởng đối với toàn thể cán bộ, công chức của Nhà nước ở cả ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp, làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên về tư tưởng dân chủ và đạo đức trọng dân, phục vụ dân.

Dân chủ được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của nhà nước do dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp. Trong các hoạt động dân chủ trực tiếp của người dân thì quan trọng nhất và tiêu biểu nhất là các cuộc bầu cử dân chủ tự do trong phạm vi toàn quốc. Một nhà nước dân chủ đích thực theo tư tưởng phát triển của Việt Nam phải tổ chức được các cuộc tổng tuyển cử toàn quốc và các cuộc bầu cử ở địa phương đúng với ý nghĩa bầu cử tự do trong một chế độ tự do, dân chủ. Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử tháng 1-1946 ở nước ta, trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, thù trong, giặc ngoài, nạn đói và thiên tai đang hoành hành nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và tự do vẫn diễn ra với sự náo nức chưa từng có của mỗi người dân, đúng là ngày hội của toàn dân. Cuộc Tổng tuyển cử ấy đã trở thành một sự kiện tiêu biểu cho tư tưởng tự do, dân chủ và đoàn kết dân tộc.

Với những tư tưởng tốt đẹp của Đảng về sự phát triển xã hội Việt Nam, tới đây, ngay trong những năm đầu của thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý sẽ phải bằng mọi cách thực hiện quyền dân chủ, tạo ra và phát huy không khí dân chủ, tự do cho các hoạt động dân chủ trực tiếp ở nước ta.

Hai là, Nhà nước Việt Nam phải là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước trong một xã hội dân chủ và văn minh. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đi liền với quan niệm về xây dựng và phát triển dân chủ. Để xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phải rất coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp. Đảng lãnh đạo xây dng nhà nước pháp quyền thì phải đặt nhiệm vụ xây dựng luật pháp và thi hành luật pháp lên hàng đầu, bảo đảm cho luật pháp thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân, thực sự bảo vệ được các quyền dân chủ của công dân và con người Việt Nam. Một nhà nước mạnh là một nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật theo mục tiêu chính trị đã xác định, làm cho pháp luật có hiệu lực cao trong thực tế.

Những nội dung cơ bản của một nhà nước pháp quyền là:

– Luật pháp chiếm vị trí tối thượng trong hoạt động của nhà nước và trong đời sống xã hội. Luật pháp được xây dựng và quyết định một cách dân chủ đúng với ý nghĩa nhà nước của dân, do dân, thể hiện được ý chí, trí tuệ và quyền lực của dân.

– Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Người dân sống và làm việc theo pháp luật. Nhà nước phải tổ chức và hoạt động sao cho quyền lực nhà nước được sử dụng theo đúng Hiến pháp và pháp luật, sao cho mọi quyền lực đều có sự giám sát, kiểm soát của nhân dân và có sự kiểm tra, kiểm soát ngay trong nội bộ bộ máy nhà nước.

– Nhà nước pháp quyền là nhà nước đặt dưới pháp luật, nhà nước phục tùng pháp luật và hành động theo pháp luật.

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền có giá trị phổ biến trong thế giới hiện đại nhưng thể hiện không đồng nhất ở các nước. Các biểu hiện cụ thể phụ thuộc vào điều kiện lịch sử của mỗi nước. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhà nước này về cơ bản có những điểm giống như các nhà nước pháp quyền khác nhưng có 2 đặc điểm riêng rõ rệt là:

Quyền lực nhà nước là thống nhất. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không theo thể chế “tam quyền phân lập”. Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp là ba nhánh quyền lực trong chỉnh thể quyền lực nhà nước thống nhất, có tính độc lập tương đối, có sự phối hợp và tác động lẫn nhau, không có nhánh quyền lực nào thâu tóm toàn bộ quyền lực nhà nước vào tay mình.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến, lập pháp, nhưng không phải là toàn quyền. Có những quyết định đặc biệt quan trọng phải do nhân dân trực tiếp xem xét và quyết định qua trưng cầu dân ý được quy định cụ thể trong Hiến pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam bằng tư tưởng cách mạng, đường lối chính trị, phương pháp lãnh đạo dân chủ và khoa học, với nhận thức và ý thức “dân là gốc” hoàn toàn có đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghị lực lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ba là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là một nhà nước hiện đại.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà nước Việt Nam cũng phải gấp rút vươn lên trình độ hiện đại để tiến kịp thời đại. Xét về trình độ khoa học và hiện đại, sau hơn hai mươi năm đổi mới, mặc dầu đã có những thành tựu và tiến bộ về nhiều mặt, không thể không thừa nhận rằng bộ máy nhà nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới, nhất là về năng lực tổ chức, phương pháp vận hành, kỹ năng chuyên môn và hiệu quả quản lý thực tế của cả bộ máy, con người trong bộ máy. Do vậy, Đảng Cộng sản cầm quyền phải lãnh đạo gắt gao việc hiện đại hóa bộ máy nhà nước. Bản thân các tổ chức và con người trong bộ máy nhà nước phải phấn đấu tự đổi mới mình, tự hiện đại hóa mình trước những tác động mạnh và sâu sắc của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhà nước ta phải nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn 64 năm hoạt động của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để rút ra những bài học có giá trị cao về tổ chức và hoạt động quản lý, coi trọng hơn nữa việc tìm hiểu, tiếp thu những tri thức, những giá trị phổ biến trên thế giới về khoa học tổ chức, khoa học quản lý, khoa học và công nghệ hành chính để tăng tính hiệu quả trong quản lý của Nhà nước.

Mức độ hiện đại của bộ máy nhà nước được thể hiện trước hết ở trình độ nhận thức, kiến thức, kỹ năng thực hành và tính chuyên nghiệp cao của đội ngũ cán bộ, công chức. Trình độ hiện đại của cán bộ, công chức được đánh giá bằng hiệu quả, hiệu suất, năng lực sáng tạo. Một đội ngũ cán bộ quản lý hành chính giỏi và chuyên gia hành chính giỏi là cơ sở và điều kiện chủ yếu của một nền công vụ chất lượng cao. Chất lượng cao của nền công vụ được xem là tiêu chí số một của một nền hành chính hiện đại, của một nhà nước hiện đại.

Từ 10 năm nay, các diễn đàn toàn cầu về cải cách chính phủ (hoặc tái tạo chính phủ) do Liên hợp quốc tổ chức hằng năm đều khuyến nghị các nhà nước rằng: một quốc gia muốn đứng vững được và thịnh vượng trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu hiện nay, phải cải cách chính phủ, tái tạo chính phủ, phải xây dựng một chính phủ có chất lượng cao, một chính phủ chuyên nghiệp, một chính phủ điện tử, một chính phủ tiết kiệm và có hiệu năng cao. Trong đó, nhấn mạnh đến xây dựng, hoàn thiện nền công vụ chất lượng cao với những nhà quản lý và công chức có trình độ chuyên môn cao về hành chính, quản trị và làm việc chuyên nghiệp.

Bộ máy quản lý hành chính nhà nước ở trình độ hiện đại phải được tổ chức và vận hành một cách khoa học, tinh gọn, các bộ phận hoạt động ăn khớp như các chi tiết một cỗ máy, một dây chuyền sản xuất, trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị, từng cá nhân rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo, trùng lặp về chức năng, trách nhiệm.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dân chủ và hiện đại là một sự nghiệp lớn. Những công việc về đổi mới điều chỉnh tổ chức, nhân sự, phương thc quản lý nhà nước sẽ tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần tiến hành một cách thận trọng và vững chắc, phải điều tra nghiên cứu kỹ trước khi triển khai, phải chỉ đạo chặt chẽ trong từng khâu thực hiện và phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau từng giai đoạn. Thận trọng và vững chắc, nhưng không được do dự và chậm trễ, không được để cho những yếu kém, trì trệ kéo dài, nhất là về tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đến việc thực hiện các mục tiêu chính trị chung của Đảng và nhân dân./.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 20 (188) NĂM 2009 – NGUYỄN KHÁNH – Nguyên Bí thứ TƯ Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)