Trả lời:

Luật Minh Khuê tư vấn như sau:

 

1. Tự thay đổi hình dáng, kết cấu xe máy điện thành xe theo kiểu dáng mô tô có được không?

Hiện nay, xe máy điện đang là một trong những sự lựa chọn về phương tiện giao thông an toàn, thông minh và đang được sử dụng rất phổ biến trong thực tiễn đời sống. Mỗi loại xe máy điện sẽ có một kiểu dáng, mẫu mã thiết kế riêng đã được các công ty sản xuất thực hiện đăng ký ở các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ lại có sở thích độ xe, tức là làm thay đổi đi kết cấu và kiểu dáng cơ bản của xe, đặc biệt là đối với các loại xe máy điện, xe máy và xe ô tô. Chính vì thế, Nhà nước đã ban hành ra các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này.

Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì xe máy điện được hiểu là một loại xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lơn hơn 50km/h. Nên khi áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan đến xe máy điện, ta sẽ căn cứ vào điều khoản pháp luật quy định về loại xe gắn máy để xử lý.

Đầu tiên, theo quy định tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì các đối tượng không được bảo hộ sở hữu trí tuệ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Theo quy định trên, ta có thể thấy hình dáng của chiếc xe mô tô sẽ không được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp. Bởi vì hình dáng bên ngoài của xe mô tô là do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có, tức là tất cả các loại xe mô tô đều có kiểu dáng chung giống nhau về cấu trúc bên ngoài và chỉ khác nhau ở các đặc điểm như màu sắc, hình dáng cách điệu khác nhau của mỗi sản phẩm xe mô tô với nhau. Do đó, bạn có thể tự thay đổi hình dáng, kết cấu của chiếc xe máy điện thành kiểu dáng giống với chiếc xe mô tô.

Tuy nhiên, khi xét dưới góc độ pháp luật hành chính thì theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham giam giao thông đường bộ thì chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, theo pháp luật giao thông thì chủ các loại phương tiện (trong đó có bao gồm cả xe máy điện) không được tự thay đổi kết cấu của xe, làm thay đổi thiết kế ban đầu của xe đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước đó bởi tính không an toàn của quá trình tự thay đổi hình dáng, kết cấu xe.

Song, vấn đề xảy ra là trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 không đưa ra giải thích cụ thể về hành vi thay đổi kết cấu của xe là như thế nào. Do đó, để xác định được trường hợp nào bị coi là hành vi thay đổi kết cấu của xe và mức xử phạt đối với hành vi tự ý thay đổi hình dáng, kết cấu xe ra sao thì ta có thể căn cứ vào trực tiếp vào các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Những quy định xử phạt hành chính đối với hành vi này ra đời cụ thể là ở Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang có hiệu lực thi hành đã chỉ ra một số hành vi cụ thể của việc thay đổi kết cấu xe đối với một số loại xe cụ thể, bao gồm các hành vi sau đây:

– Thứ nhất, hành vi tự ý thay đổi hình dáng, kết cấu xe đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô

+ Chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn.

+ Chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.

+ Chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.

– Thứ hai, hành vi tự ý thay đổi hình dáng, kết cấu xe đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô

+ Chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.

+ Chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Như vậy, căn cứ vào nội dụng pháp luật nêu trên thì chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu xe, làm sai lệch kết cấu so với thiết kế ban đầu của xe theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Việc bạn muốn thay đổi hình dáng, kết cấu xe máy điện thành kiểu dáng xe mô tô sẽ thuộc vào trường hợp chủ xe gắn máy tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe. Do đó, hành vi độ xe, tự chế xe được xem là hành vi trái với quy định của pháp luật. Khi đó, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định pháp luật.

 

2. Mức phạt khi tự ý thay đổi hình dáng, kết cấu xe 

Căn cứ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm d khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

– Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;

– Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

– Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;

– Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;

– Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);

– Không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe theo quy định;

– Đưa phương tiện không có Giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng; đưa phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời, phương tiện có phạm vi hoạt động hạn chế tham gia giao thông quá thời hạn, tuyến đường, phạm vi cho phép;

– Đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông; đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe tham gia giao thông;

– Lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định;

– Đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông; đưa phương tiện gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông.

Theo đó, đối với hành vi tự ý thay đổi hình dáng, kết cấu của xe gắn máy thì cá nhân là chủ xe gắn máy thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Còn đối với chủ thể thực hiện hành vi tự ý thay đổi hình dáng, kết cấu xe gắn máy là tổ chức thì có thể áp dụng phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Cũng theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông có nội dung như sau:

Áp dụng hình phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây, cụ thể:

– Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép.

– Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. 

Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định nêu trên, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

+ Người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng;

+ Người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật LVN Group chúng tôi về vấn đề quý khách đang thắc mắc. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ tới bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.