XOAY QUANH VIỆC MUA BÁN DOANH NGHIỆP THEO LUẬT DOANH NGHIỆP HIỆN NAY

Ở Việt Nam, hiện nay loại hình doanh nghiệp phổ biến và được ưa chuộng chính là Công ty TNHH và Công ty cổ phần.

Thực trạng mua bán doanh nghiệp đang diễn ra rất sôi nổi trên thị trường hiện nay nhưng lại không có văn bản điều chỉnh rõ ràng. Có những doanh nghiệp được bán với giá 0 đồng. Số phận của người lao động, tài sản của công ty, chủ nợ của công ty sẽ ra sao khi công ty thay toàn bộ chủ sở hữu. Họ chỉ mất 0 đồng để mua được toàn bộ cổ phần, phần vốn góp trong công ty và trở thành chủ sở hữu của cổ phần, phần vốn góp của công ty nhưng họ lại có toàn quyền định đoạt việc sử dụng tài sản của công ty. Liệu những người chủ sở hữu công ty mới này có vì mục đích muốn phục hồi và  phát triển công ty không hay chỉ nhòm ngó công ty để lợi dụng thời cơ để làm lợi cho bản thân. Họ có xây dựng phương án kinh doanh mới không? quan tâm đến người lao động không? có thực hiện nghĩa vụ trả nợ của công ty hay chỉ nhằm vào những tài sản có giá trị còn lại tại doanh nghiệp đây?

Câu hỏi trên đặt ra nhưng chưa có lời giải đáp bởi quy định của pháp luật còn thiếu và chưa rõ ràng cho việc mua bán doanh nghiệp.

Cần phân biệt mua bán công ty với mua bán cổ phần, phần vốn góp trong công ty vì quyền và nghĩa vụ của công ty khác quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, thành viên. Hiện nay, Luật doanh nghiệp 2014 cũng chỉ có quy định về mua bán doanh nghiệp tư nhân mà chưa điều chỉnh vấn việc mua bán các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, nhiều người muốn mua lại doanh nghiệp thì không biết phải làm gì? LDN cần có quy định cụ thể trình tự, thủ tục mua bán cho các loại hình doanh nghiệp khác để khắc phục những khó khăn đang gặp phải trên thực tế. Việc mua hết toàn bộ cổ phần trong công ty và mua công ty (tài sản của công ty gồm cổ phần, máy móc, trang thiết bị,…) được quy định như thế nào?

Hiên nay, không có quy định nào điều chỉnh về mua bán công ty TNHH, công ty cổ phần nên đã có nhiều quan điểm cho rằng mua bán doanh nghiệp cũng chính là mua toàn bộ cổ phần, phần vốn góp trong công ty. Cách hiểu này sẽ có thể dẫn đến thực trạng sau:

Nếu như ở phần trên là dẫn chiếu đến việc người mua giá rẻ để hưởng được lợi lớn thì đối lập với trường hợp mua bán này thì có thể xảy ra tình trạng cá nhân phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua cổ phần, phần vốn góp trong Công ty, nhưng khi đã thực hiện xong việc chuyển nhượng rồi thì họ mới phát hiện ra rằng công ty này có số nợ lớn gấp nhiều lần so với tài sản hiện có của Công ty. Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi cho người mua cổ phần trong trường hợp này là rất khó. Có thể kết luận rằng cổ đông, thành viên đã bán cổ phần, phần vốn góp trên đã thực hiện một hành vi lùa đảo không? Họ có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên mua tất cả thông tin này không? Liệu giao dịch mua bán này có bị coi là vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 do lừa dối không hay chỉ bị điều chỉnh theo Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như để quy kết cho bên bán (cổ đông, thành viên) thì trách nhiệm thì theo quy định của pháp luật chỉ hạn chế trong phần vốn mà họ đã góp vào công ty, nếu họ chỉ đơn thuần là cổ đông, thành viên trong công ty thì quyền được biết về tình hình tài chính của công ty của cổ đông, thành viên căn cứ vào quy định của luật doanh nghiệp. Nếu trong công ty cổ phần, theo Điều 114 Luật doanh nghiệp về quyền của cổ đông thì không thấy có quyền được cung cấp tài liệu về tình hình tài chính của công ty.

Do vây, pháp luật cần phải có quy định rõ ràng đối với thực tế mua bán công ty TNHH và Công ty cổ phần để hạn chế được những bất cập trên.