>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Trong một cuộc hòa giải tranh chấp lao động ở TPHCM trước đây, một ông giám đốc người Pháp sau khi trình bày các nỗ lực, thiện chí giải quyết của công ty, đột ngột buông ra một câu: “We are not the Korean company”- (chúng tôi không phải là công ty Hàn Quốc). Nghe thì rất đụng chạm nhưng nó cho thấy các công ty Hàn Quốc đã “mất điểm” như thế nào trong những vấn đề về quan hệ lao động với người lao động Việt Nam.

“Nợ tứ phía” rồi xù

Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH) cho biết, tính đến cuối tháng 1/2009, trên địa bàn thành phố có 62 doanh nghiệp Hàn Quốc nợ BHXH với số tiền trên 30 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có doanh nghiệp số nợ lên đến hàng tỷ đồng và thời gian nợ cũng kéo dài tới vài năm. Điển hình có công ty TNHH Kwang Nam (Q. Phú Nhuận) nợ BHXH từ tháng 12/2006 với số tiền trên 7 tỷ đồng. Hay trong vòng gần 1 năm, từ tháng 2/2007 đến cuối năm ngoái, công ty TNHH Giày AnJin trở thành con nợ của BHXH với hơn 6,5 tỷ đồng. Danh sách các công ty Hàn Quốc nợ lớn còn có công ty TNHH Sin B, công ty TNHH đồ chơi quốc tế Lucky …

Không chỉ nợ BHXH mà việc thực hiện pháp luật lao động tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc còn rất phức tạp. Như công ty TNHH Giày AnJin vừa nợ khoản trợ cấp thôi việc, vừa nợ trợ cấp thai sản của người lao động. Công ty TNHH Sin B cũng không có gì khá hơn, lao động vẫn chưa được lãnh lương từ tháng 12/2008. Tương tự, 236 lao động làm việc tại công ty Lucky đến nay vẫn chưa lãnh được tiền lương tháng 12/2008, thưởng cuối năm và tháng 1/2009.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - 1900.0191

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa

Ông Trương Lâm Danh – Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM tỏ ý nghi ngại rằng, không rõ các công ty này làm ăn như thế nào mà “đụng đâu nợ đó”. Trong quá trình làm việc tại công ty Sin B, cơ quan chức năng chứng kiến một số khách hàng đến yêu cầu thanh toán khoản nợ khoảng 560 triệu đồng. Công ty này cũng đang nợ chủ cho thuê mặt bằng khoảng 80 triệu đồng. Từ thực tế đó, ông Danh thẳng thắn: “Khó để thông cảm với doanh nghiệp bởi không hẳn họ vi phạm pháp luật lao động do khó khăn về kinh tế. Dường như ở đây có kịch bản chung mà khi vỡ lở ra mới hay đó là nợ khách hàng, nợ thuê mặt bằng, nợ thuê mướn máy, nợ BHXH rồi đến nợ công nhân và cuối cùng là chủ doanh nghiệp bỏ trốn”.

Điển hình là công ty Sin B. Giám đốc người Hàn Quốc bỏ trốn để lại khoản nợ lương trên 200 triệu và hàng tỉ đồng của nhiều đơn vị khác. Cơ quan thi hành án dân sự TPHCM đã ra quyết định giao 7 máy thêu và máy móc thiết bị kèm theo cho Công ty cho thuê tài chính Kexim quản lý bởi đây là tài sản Cty Sin B thuê của Kexim. Tuy nhiên, lao động tại đây đã kiên quyết không cho di dời số máy móc thiết bị trên. Chưa hết, Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn lại có công văn gửi các cơ quan chức năng khẳng định Sin B đang thế chấp năm máy thêu tự động để vay tiền. Lúc này các cơ quan chức năng mới “ngã ngửa” khi biết ông Lee Tae Hee đến Việt Nam gần như “tay trắng lập nghiệp”. Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.12 ví von: “Dường như ông ta chỉ phải xách mỗi chiếc ca táp đến Việt Nam rồi vay tiền ngân hàng, thuê nhà xưởng, máy móc và trở thành giám đốc”.

Theo thống kê sơ bộ của ngành lao động TPHCM, đến nay đã có khoảng 3.000 lao động lao đao do các chủ đầu tư Hàn Quốc bỏ trốn.

“Tắc” trong xử lý

Bà Nguyễn Thị Dân, trưởng phòng lao động tiền lương tiền công, Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM lắc đầu ngán ngẩm: “Việc các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ trốn đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Hiện Sở Lao động đang phối hợp cùng các các cấp chính quyền tại địa phương tiến hành niêm phong, kiểm kê giữ tài sản cho chủ doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng công nhân đến lấy bù cho các khoản mà doanh nghiệp còn nợ”.

Để trấn an và ổn định tình hình trong khi chờ đợi hướng xử lý rốt ráo, cuối cùng Chính phủ đã phải tạm ứng ngân sách “trả nợ lương” giùm cho các chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Về phía UBND cũng đã chỉ đạo Sở ngoại vụ liên hệ với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM để hỗ trợ yêu cầu chủ doanh nghiệp sớm quay trở lại để giải quyết hậu quả. Thậm chí, đã có ý kiến đề nghị Interpol hỗ trợ để buộc các ông chủ nợ này trở lại Việt Nam.

Tuy nhiên sau nhiều lần chờ đợi, trung tuần tháng 3 vừa qua, câu trả lời đã rất rõ ràng. Biện pháp khả thi nhất được đưa ra sau cuộc làm việc giữa các sở ngành với Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM là… “thuyết phục chủ doanh nghiệp trở lại”. Theo lý giải của đại diện Sở Tư pháp, TAND TPHCM, việc các doanh nghiệp nợ BHXH, nợ lương của người lao động là quan hệ dân sự. Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam – Hàn Quốc chỉ áp dụng cho các tội phạm hình sự, vì vậy không thể dẫn độ chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc về Việt Nam để xử lý.

Xử lý nhà đầu tư trốn nợ

Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng nhà đầu tư hàn Quốc ôm tiền bỏ trốn khỏi Việt Nam. Những năm trước đều đã có tình trạng này và đều đã được báo chí phản ánh khi nhà đầu tư có dấu hiệu tẩu tán tài sản và bỏ trốn. Tuy nhiên, sự cảnh báo của báo giới tới cơ quan chức năng đều ít có tác dụng do TPHCM lo ngại ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Chủ đầu tư về nước an toàn còn lao động thì mất trắng. Lúc đó biện pháp thuyết phục rồi kêu gọi chủ đầu tư trở lại đã được áp dụng nhưng hoàn toàn không có kết quả.

Tới đợt này, trong cách xử lý hậu quả có được cải thiện nhờ hỗ trợ của Chính phủ tạm ứng ngân sách trả nợ, sau đó sẽ thanh lý tài sản của doanh nghiệp để thu hồi lại. Nói là vậy nhưng ai cũng hiểu, doanh nghiệp làm gì có tài sản mà thu hồi. Như thế đồng nghĩa với việc tiền thuế của dân được mang ra gánh nợ cho nhiều nhà đầu tư “chụp giựt”.

Theo các chuyên gia, với một nhà nước pháp quyền thì cách xử lý này không ổn, tạo ra tiền lệ xấu trong xử lý sai phạm, bất bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước khi gặp khó khăn. Về lâu dài, cần phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật tại các công ty đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật lao động. Khi có sai phạm, các doanh nghiệp này phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật chứ không thể “giơ cao đánh khẽ” như từ trước tới nay.

SOURCE: BÁO DOANH NHÂN – MAI THẢO – HẢI VINH

Trích dẫn từ: http://www.dddn.com.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)