1/ Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2005;
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.
2/ Xử lý đối với hành vi thả rông chó dữ
Nuôi chó trông nhà là một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta từ xa xưa, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, chó cũng là một loài vật nuôi có khả năng gây hại cho con người. Do đó, pháp luật cũng có các quy định về trách nhiệm của người nuôi chó đối với việc đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh. Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó như sau:
“1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó:
a) Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô.
b) Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y;
c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;
d) Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi”.
Theo đó, gia đình nhà kia đã không thực hiện đúng trách nhiệm của người nuôi chó, thường xuyên thả rông, không có rọ mõm, không có người trông dắt khiến chó thường xuyên cắn người. Đối với trường hợp này, pháp luật quy định về các hình thức xử phạt như sau.
Điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng”. Nếu chó gây thiệt hại tài sản cho người khác thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đồng thời, Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
“Điều 625. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Như vậy, trong trường hợp này, mọi người đã nhiều lần yêu cầu gia đình kia chấm dứt hành vi vi phạm nhưng không được, nên anh và mọi người khác có thể báo lên Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố hoặc báo lên UBND xã, phường, thị trấn nơi gia đình kia cư trú để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu gia đình bên kia có các biện pháp khắc phục để đảm bảo quyền và lợi ích cũng như sự an toàn cho những người dân xung quanh.
Trân trọng ./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Luật LVN Group biên tập