Chào Luật sư Luật LVN Group !
Tôi vừa gặp tình trạng bị hack mất nick facebook cá nhân và kẻ xấu đã nhắn tin cho người thân của tôi bảo chuyển tiền vào tài khoản, rất may là tôi nhờ người quen nên lấy lại được tài khoản của mình và cũng chưa ai bị mất tiền. Hiện nay tôi thấy tình trạng này xảy ra rất phổ biến, không chỉ mình với facebook mà còn nhiều hình thức liên lạc khác bị kẻ xấu trộm mật khẩu hoặc chiếm quyền điều khiển, truy cập trái phép vào thiết bị hoặc tài khoản của người khác.
Vậy với Hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển như vậy thì có biện pháp xử lý gì hay không ? Mức độ xử lý được quy định ở văn bản pháp luật nào ? Tôi muốn tham khảo để biết được nếu gặp những trường hợp như vậy thì quyền lợi của tôi có được đảm bảo không ?
Rất mong nhận được tư vấn của quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn !
Luật sư tư vấn:
Hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác được hiểu là hành vi thực hiện tội phạm trên không gian mạng, không gian kỹ thuật số, công nghệ. Những hành vi này của chủ thể phạm tội dùng những thủ đoạn khác nhau tác động khách quan nhằm xâm phạm đến những lợi ích của chủ thể khác hoặc thông qua những dữ liệu cá nhân của chủ thể bị xâm phạm để đạt được mục đích xấu.
Hiện nay, hành vi lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức qua không gian mạng diễn ra vô cùng phổ biến. Bằng hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm chiếm dụng về lòng tin, về tài sản hoặc vì các mục đích vật chất. Trên thực tế, hành vi này có thể là hack các tài khoản mạng xã hội của cá nhân như facebook, zalo, twitter,…; nghiêm trọng và tinh vi hơn, các đối tượng phạm tội còn hack cả những trang web của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, thâm chí là ngân hàng, sau đó gửi các đường link cho người sử dụng để đăng nhập vào và kết quả là người sử dụng đã có nhiều trường hợp tiền trong tài khoản “không cánh mà bay”.
Tình trạng này hiện nay ở mức độ sử dụng mật khẩu, truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị của người khác bị xử phạt về vi phạm hành chính với mức độ răn đe thấp nhất. Chính phủ quy định biện pháp và mức độ xử lý này theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Theo Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;
b) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;
c) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;
d) Ngăn chặn việc truy nhập đen thông tin của tổ chức, cá nhân khác ttên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;
đ) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính nêu trên là mức phạt đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, thông thường theo Điều 80 của Nghị định này, người có hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu ; khóa mật mã và thông tin của tổ chức; cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Mức phạt này sẽ dao động từ 30 – 50 triệu đồng ; đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác ; để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị. Phổ biến nhất thực trạng hiện nay đối với hành vi hack Facebook, zalo,… cá nhân của người khác nếu bị phát hiện và tố giác tội phạm thì sẽ bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng
Không chủ dừng lại ở xử phạt về vi phạm hành chính khi những quyền lơi cơ bản của chủ thể khác bị xâm phạm mà nếu như ở mức độ nghiêm trọng hơn, chủ thể phạm tội sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại Điều 289 về Tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác như sau :
– Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm ;
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm :
+ Có tổ chức ;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ;
+ Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng ;
+ Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng ;
+ Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia ;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm :
+ Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh ;
+ Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông ;
+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên ;
+ Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển sau đo thực hiện hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính từ hành vi này thì có thể phải chịu án phạt tù cao nhất lên tới 12 năm tù giam theo quy định của pháp luật Hình sự.
– Công nghệ 4.0 phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ, không thể phủ nhận được lợi ích to lớn mà mạng lưới kỹ thuật số mang lại cho đời sống con người, sự khoa học – xã hội, nền kinh tế thị trường và thâm chí là đối với sự phát triển an ninh – quốc phòng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính vì điều này, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với các quốc gia trên thế giới, việc đảm bảo an ninh trên không gian mạng và giữ vững mạng lưới quốc phòng – an ninh của quốc gia cũng như những thông tin quan trọng của Nhà nước là điều vô cùng cấp thiết. Luật An ninh mạng năm 2018 ra đời đánh dấu sụ tiến bộ và hoàn thiện về mặt chuyên môn kỹ thuật công nghệ đi đôi với việc thiết lập pháp luật để duy trì trật tự xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia. Luật An ninh mạng năm 2018 chính là quy định cao nhất đối với “Hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số nhằm chiếm quyền điều khiển để thực hiện các mưu đồ cá nhân”, đặc biệt là đối với những hành vi nhằm làm lộ bí mật quốc gia, chống phá an ninh, bạo loạn, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng theo quy định tại Chương III – Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
Trên đây là những phân tích của Công ty Luật LVN Group. Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Trong trường hợp bài viết có nội dung nhầm lẫn hoặc bạn có thắc mắc về vấn đề này xin vui lòng liên hệ qua email: [email protected], để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin chân thành cảm ơn !