Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất 1307/VBHN-BLĐTBXH năm 2019 hợp nhất Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
1. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ người học và hình thức kỷ luật buộc thôi học
Trả lời:
Hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ người học bị xử phạt theo quy định tại Điều 18 như sau:
– Hành vi để xảy ra việc sửa chữa sổ điểm, phiếu điểm hoặc các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập của người học: Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng.
+) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.
– Hành vi không lập hoặc lập không đầy đủ hồ sơ quản lý người học theo quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
+) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập đầy đủ hồ sơ quản lý người học.
Hành vi vi phạm quy định về hình thức kỷ luật buộc thôi học bị xử phạt theo quy định tại Điều 19 như sau:
– Hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định đối với dưới 03 người học: Phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng.
– Hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định đối với từ 03 người đến dưới 05 người học: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
– Hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định đối với từ 05 người học trở lên: Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật, khôi phục quyền lợi học tập cho người học
2. Xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến giảng viên trong giáo dục nghề nghiệp
Trả lời:
2.1. Các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên, giảng viên cơ hữu chuyên ngành hoặc nghề đào tạo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt theo quy định tại Điều 20, Cụ thể:
– Trung tâm giáo dục nghề nghiệp vi phạm: Mức phạt từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
– Trường trung cấp vi phạm: Mức phạt từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng.
– Trường cao đẳng vi phạm: Mức phạt từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bố trí đủ giáo viên, giảng viên cơ hữu đúng tỷ lệ quy định.
2.2. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 như sau:
– Hành vi sử dụng mỗi giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá 1/2 số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với giáo viên, giảng viên; 1/3 số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với người làm công tác quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng.
– Trung tâm giáo dục nghề nghiệp sử dụng giáo viên, giảng viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy theo quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng.
– Trường trung cấp sử dụng giáo viên, giảng viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy theo quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng.
– Trường cao đẳng sử dụng giáo viên, giảng viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy theo quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bố trí, sử dụng giáo viên, giảng viên đủ tiêu chuẩn để giảng dạy theo quy định.
2.3. Các hành vi vi phạm quy định về chính sách đối với giảng viên, theo quy định tại Điều 22 bị xử phạt như sau:
– Hành vi không thực hiện đúng quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí thời gian thực tập tại doanh nghiệp đối với giáo viên, giảng viên: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
+) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện đúng quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; bố trí thực tập tại doanh nghiệp cho giáo viên, giảng viên theo quy định.
3. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định sử dụng tài liệu giảng dạy, đảm bảo cơ sở vật chất.
Trả lời:
3.1. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy được quy định tại Điều 23 như sau:
– Hành vi sử dụng giáo trình, tài liệu không đúng quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy đúng quy định.
3.2. Các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo bị xử phạt theo Điều 24 như sau:
– Hành vi gây thiệt hại về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất.
– Hành vi không tổ chức thư viện, y tế, khu rèn luyện thể chất theo quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
– Hành vi không bảo đảm diện tích đất xây dựng; diện tích tối thiểu đối với phòng học lý thuyết, phòng thực hành, xưởng, trạm, trại thực hành, thực nghiệm theo quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
– Hành vi không bảo đảm thiết bị đào tạo tối thiểu theo quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.
4. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 25, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt như sau:
– Hành vi không nộp lại thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền: Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.
– Hành vi cung cấp thông tin sai về tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
– Hành vi không nộp lại quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo thời hạn quy định tại quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
– Hành vi sử dụng quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp giả mạo: Phạt tiền từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng.
– Hành vi cung cấp thông tin sai về điều kiện để được tiến hành kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
– Hành vi không nộp lại giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình giáo dục nghề nghiệp theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền: Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
– Hành vi không thực hiện tự kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp : Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
– Hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng thẻ kiểm định viên của người khác: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ 06 tháng đến 12 tháng
– Hành vi cung cấp thông tin về kết quả kiểm định không đúng quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ 06 tháng đến 12 tháng
– Hành vi làm sai lệch nội dung báo cáo tự kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ 06 tháng đến 12 tháng
– Hành vi làm sai lệch kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của đoàn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ 06 tháng đến 12 tháng
– Hành vi sử dụng giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình giáo dục nghề nghiệp giả mạo: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
– Hành vi thông tin sai về kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình giáo dục nghề nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc nộp lại thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
– Buộc nộp lại quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
– Buộc nộp lại giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình giáo dục nghề nghiệp.
– Buộc báo cáo đầy đủ, chính xác nội dung báo cáo kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
– Buộc cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng.
– Buộc tiêu hủy quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
(Việc áp dụng biện pháp nào phụ thuộc vào từng hành vi vi phạm cụ thể)
5. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
Trả lời:
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Điều 26 sau đây:
– Hành vi không nộp lại thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Buộc nộp lại thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.
– Hành vi báo cáo sai về tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Buộc nộp lại thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia
– Hành vi không nộp lại giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo thời hạn quy định tại quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Buộc nộp lại giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
– Hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia của người khác: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia từ 06 tháng đến 12 tháng.
– Hành vi làm sai lệch hoặc xác nhận sai kết quả đánh giá kỹ năng nghề: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia từ 06 tháng đến 12 tháng.
– Hành vi sử dụng giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giả mạo mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Buộc tiêu hủy giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Các thông tin trên có giá trị tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính – Công ty luật LVN Group