Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017;

Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007;

Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính y tế;

Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường;

Các hành vi vi phạm và chế tài áp dụng:

1. Hành vi không sử dụng khẩu trang, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng quy định

Thứ nhất, hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng: Đeo khẩu trang tại nơi công cộng là một trong các quy định buộc người dân phải thực hiện để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh những người có ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng thì còn nhiều trường hợp chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên lơ là, không tuân theo nguyên tắc phòng, chống dịch nhà nước đã đưa ra. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công công sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 12. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;

Mức phạt cao nhất đối với mỗi trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng có thể lên tới 3.000.000 vnđ.

Thứ hai, hành vi vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định: Khẩu trang đã qua sử dụng, đối với người khoẻ mạnh bình thường thì chiếc khẩu trang do người đó sử dụng có lẽ không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác. Tuy nhiên, nếu người đang nhiễm Covid (có thể đang ủ bệnh mà không biết hoặc đã phát bênh) hoặc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác vứt khẩu trang mà mình đã sử dụng bừa bãi, không đúng nơi quy định thì hậu quả thực sự rất khó lường. Người thực hiện hành vi vứt khẩu trang đã sử dụng tại nơi công cộng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP như sau:

Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

c) Phạt tiền từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 7.000.0000đ đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Mức xử phạt đối với hành vi vứt khẩu trang không đúng nơi quy định trong khu chung cư, khi thương mại, dịch vụ, và nơi công công có thể lên tới 5.000.000 đến 7.000.000 vnđ.

Khẩu trang là một trong những công cụ phòng, chống dịch hữu hiệu. Đừng để chính chiếc khẩu trang đó trở thành vật trung gian làm tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh chóng! 

2. Hành vi che dấu, không khai báo tình trạng bệnh Covid-19, không xét nghiệm theo yêu cầu.

Thứ nhất, đối với hành vi che dấu tình trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; cụ thể:

Điều 12. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch.

Thứ hai, đối với hành vi không khai báo hoặc khai không kịp thời tình trạng bệnh Covid-19: Theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 7 Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A

Việc che dấu hoặc không khai báo có thể xuất phát từ tâm lý sợ hãi nhưng hành vi này chỉ làm tình trạng bệnh của bản thân và người khác trở lên nghiêm trọng hơn đồng thời khiến cho tình hình dịch bệnh cũng trở lên phức tạp hơn vì tốc độ lây lan nhanh của virus. Vì chính bản thân mình và vì sức khoẻ của cộng đồng, cần kịp thời khai báo tình trạng bệnh để được cách ly và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả ngoài ý muốn.

Thứ ba, hành vi không thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; cụ thể:

Điều 7 Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm

Xét nghiệm Covid-19 là một trong những biện pháp giúp phát hiện sớm nhất tình trạng bệnh cũng như để thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp nhằm bảo vệ sức khoẻ của người bệnh và cả của cộng đồng. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đối với bản thân người đi xét nghiệm vừa giúp tiết kiệm chi phí so với việc tự đi xét nghiệm lại vừa có thể kiểm tra tình trạng sức khoẻ bản thân. Do vậy, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các quy định để công cuộc phòng, chống dịch của nhà nước đạt hiệu quả tốt nhất.

3. Hành vi tụ tập đông người tại nơi công công hoặc đã có quy định giãn cách xã hội

Theo quy định tại Điều 52 Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định áp dụng biện pháp chống dịch “Hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng trong vùng có dịch”. Bởi vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong Chỉ thị đã nêu: “…thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.”

Căn cứ theo quy định này, tại điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Vì vậy, những cá nhân có hành vi tập trung đông người không cần thiết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19 sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Hành vi không tạm ngừng kinh doanh theo quy định để phòng, chống dịch bệnh

Phải tạm ngừng kinh doanh là điều không một chủ thể kinh doanh nào mong muốn, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, chỉ có nguồn thu duy nhất từ hoạt động kinh doanh này. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh như vậy, để hạn chế tối đa việc tiếp xúc và tập trung đông người thì điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

(Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần nêu trên)

Ngoài ra, theo khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà có thể bị phạt tù đến tối đa 12 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Như vậy, hành vi không thực hiện theo quyết định tạm ngừng kinh doanh mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì chủ thể kinh doanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

5. Hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã lập các chốt kiểm dịch để lấy thông tin y tế, kiểm tra thân nhiệt của những người qua lại nhằm kiểm soát tình trạng ra vào của người dân, đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đại đa số người dân cả nước hưởng ứng, chấp hành thì có nhiều người đã không những không chấp hành quy định khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh mà còn chống lại người thi hành công vụ. Đối với những hành vi này, quy định về xử phạt như sau:

Điều 20. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Trân trọng!