1. Hành vi vi phạm liên quan đến thực hiện biện pháp cách ly để phòng, chống dịch
Các hành vi vi phạm trong nhóm này bao gồm có: Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không phải người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A); Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; Trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ các quy định tại khu cách ly,…
Mức phạt hành chính đối với các hành vi nêu trên được quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không phải người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A): mức phạt từ 5.000.000 vnđ – 10.000.000 vnđ.
– Hành vi từ chối hoặc trốn tránh (gồm cả bỏ trốn khỏi nơi cách ly) việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu: mức phạt từ 10.000.000 vnđ – 20.000.000 vnđ.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, theo hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC năm 2020, tuỳ mức độ nguy hiểm cho xã hội và tình trạng bệnh covid, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều sau:
– Đối với người vi phạm là người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù đến 12 năm tù và còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
– Đối với người vi phạm là người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295. Hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù đến 12 năm tù và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Hành vi đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19
Nhóm này bao gồm:
– Các hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội theo quy định tại Điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính thông thường từ 10.000.000 vnđ – 20.000.000 vnđ.
Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù đến 07 năm tù và còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Các hành vi vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm như: đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ( dịch bệnh Covid-19) sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp. Mức phạt đối với hành vi này là từ 10.000.000 vnđ – 15.000.000 vnđ. Trong đó, mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp 02 lần mức phạt nêu trên.
3. Hành vi liên quan giá bán của hàng hoá trong mùa dịch Covid-19
Nhóm này gồm các hành vi như:
– Hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Theo quy định tại khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi này là từ 500.000 vnđ đến 1.000.000 vnđ với cá nhân vi phạm (mức phạt của tổ chức gấp 02 lần mức phạt của cá nhân); trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Khoản 3 và 7 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi này là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.
– Hành vi lợi dụng sự khan hiếm để đầu cơ, tích trữ hàng hoá và tạo sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá bán hàng hoá đối với những mặt hàng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là hàng bình ổn giá nhằm thu lợi bất chính. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt cao nhất của tội này là đến 15 năm tù.
– Hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh đưa thông tin không đúng về công dụng của thuốc nhằm trục lợi bất chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt cao nhất của tội này là đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
4. Hành vi trục lợi từ hoạt động tiêm chủng Vacxin Covid-19
Chiến dịch tiêm vacxin Covid-19 giai đoạn 2021-2022 hoàn toàn miễn phí không thu tiền, không nhận “bồi dưỡng” từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng là một trong những nội dung được Bộ y tế nêu rõ trong công điện về việc tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và Quyết định số 3355. Do vậy, những hành vi trục lợi trong công tác tiêm chủng vacxin Covid-19, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt như sau: Các hành vi như:
– Tính vào giá dịch vụ tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch đối với các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm;
– Bán vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mức xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP là từ 3.000.000 vnđ – 5.000.000 vnđ.
– Người có hành vi sách nhiễu, đòi hỏi tiền bồi dưỡng, thu tiền ngoài các khoản tiền theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
5. Hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế khi ra vào vùng dịch
– Đối với các hành vi như không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bệnh Covid-19, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức xử phạt từ 20.000.000 vnđ – 30.000.000 vnđ.
– Các hành vi đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định tại Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức xử phạt từ 30.000.000 vnđ – 40.000.000 vnđ.
– Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-Cp, mức xử phạt từ 1.000.000 vnđ – 3.000.000 vnđ.
– Hành vi không chấp hành quy định khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, hành vi chống lại người thi hành công vụ. Đối với những hành vi này, quy định về xử phạt như sau:
Điều 20. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
Ngoài ra, theo công văn số 45/TANDTC-PC, người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù có thể lên đến 7 năm tù.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp hoặc gửi câu hỏi theo địa chỉ mail: [email protected]
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính – Công ty luật TNHH LVN Group