1. Khái niệm bào chữa trong tố tụng hình sự
1.1 Khái niệm
Khái niệm về bào chữa trong tố tụng hình sự được tiếp cận với tư cách là quyền của người bị buộc tội. Trong những trường hợp luật định, nếu người bị buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn Luật sư của LVN Group cử người bào chữa cho họ. Mặt khác để đảm bảo cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội thì việc bào chữa là cần thiết, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án. Hơn nữa việc tranh tụng diễn ra tại phiên tòa không chỉ có việc buộc tội của Viện kiểm sát mà tranh tụng chỉ có thể tồn tại và đạt hiệu quả cao khi tồn tại song song hai chức năng buộc tội và gỡ tội. Đó cũng là một trong những căn cứ, cơ sở để có thể giúp Tòa án giải quyết vụ án một cách chính xác, đảm bảo sự khách quan, công bằng, không bỏ lọt tội phạm và cũng không xử oan cho người vô tội. Chủ thể có quyền bào chữa là người bị buộc tội.
=> Dựa trên các phân tích nêu trên ta có thể hiểu: “Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và pháp nhân thương mại phạm tội là tổng hợp tất cả các hành vi, phương thức mà pháp luật quy định cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc pháp nhân thương mại sử dụng trong các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự để chống lại sự buộc tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự cho họ”.
1.2 Mục đích của bào chữa trong tố tụng hình sự
Mục đích của bào chữa là chống lại sự buộc tội từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng buộc tội trong tố tụng hình sự và ở đâu có buộc tội thì ở đó có bào chữa. Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định cho người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ Luật sư, người khác có am hiểu về pháp luật để đảm bảo cho việc bào chữa cho mình.
Các biện pháp mà pháp luật tố tụng hình sự quy định để người bị buộc tội tự đưa ra hoặc nhờ người khác đưa ra ý kiến chứng cứ để bác bỏ hoặc phản bineje lại quan điểm, chứng cứ buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng là biểu hiện của việc thực hiện quyền bào chữa được bảo đảm trong tố tụng hình sự. Các chứng cứ được đưa ra nhằm mục đích chứng minh cho sự vô tội (lỗi) hoặc giảm nhẹ tội, như vậy những chủ thể nào có sự liên quan mật thiết đến việc buộc tội và cần phải phản bác lại việc buộc tội đó hoặc để giảm nhẹ các trách nhiệm hình sự do việc buộc tội gây ra thỉ mới có thể trở thành chủ thể quyền bào chữa.
2. Ý nghĩa của bào chữa trong tố tụng hình sự
2.1 Thực hiện quyền bào chữa góp phần bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội
Quyền con người là một trong những quyền cơ bản nhất của con người được quy định trong Hiến pháp và các Luật cụ thể. Đồng thời quyền con người cũng là một quyền tự nhiên gắn bó mật thiết nhất với con người. Nhìn chung quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người đực ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia cũng như là pháp luật quốc tế. Nhà nước được thành lập với một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ quyền con người, là công cụ, phương tiện để nhà nước khẳng định và ghi nhận cơ chế đảm bảo cá quyền con người đó và nhằm mục đích hạn chế các bất công trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ngoài ra cũng xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực” do vậy người bị buộc tội được đảm bảo các quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự thì quyền này được thể hiện bằng quyền bào chữa của họ.
=> Như vậy việc ban hành một chế định bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội là một nguyên tắc trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người của họ.
2.2 Thực hiện quyền bào chữa là góp phần cho việc bảo vệ công lý
Những giá trị của công lý có thể được nhận diện trong các chính sách bảo đảm công bằng xã hội, công bằng trong phân phối thu nhập, cơ hội phát triển và điều kiện thực hiện cơ hội nhằm thỏa mãn một cách hợp lý những nhu cầu của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội, các cá nhân, xuất phát từ khả năng thực hiện của những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định. Những giá trị mang tính chất công lý cũng thể hiện trong các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Các cơ quan tiến hành tố tụng và các thủ tục tố tụng luôn được xác định là những yếu tố quan trọng trong quá trình giúp các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, tiếp cận công lý. Sự thừa nhận quyền bào chữa của người bị buộc tội cùng cơ chế bảo đảm thực hiện bằng chính sách pháp luật góp phần xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
2.3 Thực hiện quyền bào chữa nhằm bảo đảm giải quyết vụ án một cách khách quan
Trong tố tụng hình sự bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội góp phần quan trọng vào việc mang lại sự thật khách quan cho quá trình giải quyết vụ án. Sự tham gia của người bào chữa cũng chính là sự đảm bảo cho sự cọ sát để tìm ra sự thật khách quan mà nếu thiếu cơ chế này, từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sẽ có nguy cơ bị khép kín và không có cơ chế kiểm soát.
Trong thực tế xét xử các vụ án hình sự chính quá trình tham gia của người bào chữa, đặc biệt là Luật sư của LVN Group đã giúp cho chính các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật của vụ án, khắc phục những sai phạm trogn quá trình tố tụng hình sự. Với vai trò của quyền bào chữa là việc đưa ra các chứng cứ chứng minh cho sự vô tội của mình hoặc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với cáo buộc mà các cơ quan buộc tội đưa ra thì việc bảo đảm các yếu tố khách quan trong việc bào chữa là một việc hết sức cần thiết. Dựa trên các chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được, Tòa án sẽ dựa vào đó để có thể xem xét và quyết định tội danh, tuy nhiên phải căn cứ vào quá trình tranh luận tại phiên tòa để mới có thể đưa ra được một quyết định chính xác nhất. Do đó mà bị cáo có thể thông qua quyền bào chữa của mình để thể hiện việc phản bác lại các cáo buộc hoặc yêu cầu giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình.
2.4 Thực hiện quyền bào chữa góp phần bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật
Pháp chế là một phạm trù thể hiện sự đòi hỏi và những yêu cầu đối với các chủ thể pháp luật, phải triệt để tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội.
Trong tố tụng hình sự việc đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội thuể hiện sự bảo về pháp chế. Do quyền bào chữa của người bị buộc tội cũng chính là một quyền con người được bảo vệ nên việc thực hiện quyền bào chữa trong hoạt động tố tụng hình sự là việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ các quy định của pháp luật đã được ban hành. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo cho người bị buộc tội được thực hiện quyền bào chữa của mình. Cũng tương tự việc bảo vệ trật tự pháp lý nhằm bảo đảm rằng các quy định của pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục nhất định.
3. Nội dung quyền bào chữa trong tố tụng hình sự
Quyền bào chữa là sự thể hiện quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự bằng cách thừa nhận trong pháp luật quốc gia. Trên cơ sở Hiến pháp, nội dung của quyền bào chữa trong Tố tụng hình sự được thể hiện qua các quy định của pháp luật tố tụng hình sự với các đặc điểm sau:
– Thứ nhất chủ thể thụ hưởng quyền bào chữa là cá nhân người bị buộc tội và pháp nhân thương mại, tức là con người cụ thể (với tư các tư cách tố tụng khác nhau, trong các giai đoạn tố tụng khác nhau) hoặc là một thực thể pháp lý như doanh nghiệp hoặc là các tổ chức kinh tế khác.
– Thứ hai phương thức (cách thức) thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội được thực hiện bằng hai phương thức chính là:
- Tự mình bào chữa
- Nhờ người khác bào chữa
– Thứ ba: Cơ sở phát sinh sự tham gia của người bào chữa vào các hoạt động tố tụng hình sự để bào chữa cho người bị buộc tội dựa trên:
- Sự lựa chọn của chính người bị buộc tội. Pháp luật dành quyền lựa chọn người bào chữa cho chính người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội. Việc người bào chữa tham gia vào quá trình tố tụng để thực hiện việc bào chữa cho người bị buộc tội là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và sự lựa chon của người có quyền bào chữa.
- Trên cơ sở yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng (còn được gọi là bào chữa chỉ định hoặc là bào chữa bắt buộc). Pháp luật quy định cơ chế đảm bảo cho người bị buộc tội có người bào chữa ngay cả khi họ hay người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa theo quy định của pháp luật.
– Thứ tư: Quyền bào chữa được thực hiện trong các giai đoạn của tố tụng hình sự
– Thứ năm: Nội dung cụ thể thực hiện quyền bào chữa được thực hiện thông qua các hành vi pháp lý (được/ không được/ phải thực hiện) quy định cho người bào chữa thể hiện ở quyền và nghĩa vụ của người bào chữa (trong trường hợp có người bào chữa) hoặc thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bị buộc tội (trong trường hợp tự mình bào chữa)
Khi tham gia bào chữa cho người bị buộc tội, người bào chữa có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa
1. Người bào chữa có quyền:
a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;
b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.
2. Người bào chữa có nghĩa vụ:
a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo;
b) Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
c) Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan;
d) Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
đ) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
g) Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Người bào chữa vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của luật”.
Luật LVN Group