Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Hiến pháp năm 2013
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
2. Tự do cá nhân là gì?
Tự do cá nhân là quyền của con người với những đặc điểm riêng về thể chất, tâm sinh lý được sống và hoạt động trong lĩnh vực dân sự theo ý nguyện của mình trong những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định.
3. Biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là gì?
Biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là cách thức mang tính quyền lực nhà nước do cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng theo trình tự, thủ tục được pháp luật tố tụng hình sự quy định, tác động lên tư tưởng, hành vi người tham gia tố tụng, buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm cho việc tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
4. Ý nghĩa của việc quy định các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự
Các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là một chế định quan trọng của luật tố tụng hình sự, lần đầu tiên được quy định một cách có hệ thống, cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, được hoàn thiện một bước trong Bộ luật tô tụng hình sự năm 2003, tiếp tục được kế thừa và ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đánh dấu sự tiến bộ về kỹ thuật lập pháp tố tụng hình sự của nước ta.
Đối với chế định các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, khái niệm biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, biện pháp ngăn chặn là hai khái niệm cơ bản, để từ đó xác định các quy phạm khác của chế định này như căn cứ, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự… Việc nhận thức và áp dụng đúng đắn chế định các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự nói chung, các biện pháp ngăn chặn nói riêng, không để xảy ra oan, sai trong lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm này, có ý nghĩa to lớn, góp phần tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do cá nhân của con người đã được Hiến pháp ghi nhận.
Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc tạo cơ sở pháp lý để ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn bị can, bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội và để bảo đảm thi hành án. Vì vậy, việc quy định các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự còn góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mặt khác, việc lạm dụng, áp dụng sai các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, bị coi là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm các quyền tự do cá nhân của con người; xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nưổc. Vì những lý do đó, việc quy định một cách chặt chẽ, chính xác, cụ thể chế định các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự không những thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước ta đối với các quyền tự do cá nhân, mà còn là cơ sở pháp lý bảo đảm sự giám sát của nhân dân, xã hội đối với toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự nói chung, áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự nói riêng.
Việc quy định trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong luật tố tụng hình sự, ngoài ý nghĩa về mặt lập pháp tố tụng hình sự, còn có ý nghĩa nâng cao trình độ, nhận thức của nhân dân, cán bộ các cơ quan chức năng về sự cần thiết phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng hình sự trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự. Pháp luật tố tụng hình sự càng quy định cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự bao nhiêu, càng tạo điều kiện giúp các cơ quan chức năng nắm vững nội dung, nhận thức đúng đắn bản chất pháp lý của các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, từ đó áp dụng thống nhất chế định này, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời góp phần tích cực vào việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
5. Phân loại các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự
Các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự có tính chất, nội dung, vai trò khác nhau. Vì vậy, cần phân loại các biện pháp cưỡng chế này thành các nhóm khác nhau theo một trật tự nhất định để nghiên cứu dưới nhiều góc độ.
Căn cứ vào mục đích áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, PGS. TS. Võ Khánh Vinh chia các biện pháp cưỡng chế thành bốn nhóm:
“Nhóm 1: Các biện pháp ngăn chặn.
Nhóm 2: Các biện pháp cưỡng chế áp dụng với mục đích thu thập chứng cứ của vụ án, bao gồm các biện pháp: khám người, chỗ ở, địa điểm, đồ vật, thư tín, bưu điện, bưu phẩm; thu giữ thư tín, điện ,tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện, tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án; xem xét dấu vết trên thân thể.
Nhóm 3: Các biện pháp cưỡng chế áp dụng với mục đích bảo đảm thi hành án về tài sản (tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường). Đó là biện pháp kê biên tài sản…
Nhóm 4: Các biện pháp cưỡng chế với mục đích bảo đảm sự có mặt theo giấy triệu tập, bao gồm các biện pháp áp giải bị can, bị cáo, dẫn giải người làm chứng”.
Trong sách pháp lý của Liên Xô trước đây, có nhiều cách phân loại các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự. GS. TS. D.Ph. Kôvriga (người Nga) chia các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự thành hai nhóm:
1) các biện pháp ngăn chặn;
2) các biện pháp bảo đảm thu thập chứng cứ;
GS. TS. V.M. Kôrnukôv chia các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự thành hai nhóm:
1) các biện pháp bảo đảm sự tham gia của bị can, bị cáo và những ngưòi khác trong tố tụng hình sự;
2) các biện pháp bảo đảm phát hiện, thu thập, nghiên cứu chứng cứ;
Có thể nói rằng, phân loại các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là việc chia các biện pháp cưỡng chế thành các nhóm khác nhau dựa trên cơ sở những căn cứ (tiêu chí) xác định nhằm thực hiện những mục đích nhất định trong tố tụng hình sự.
Phân loại theo căn cứ nào cho hợp lý là phụ thuộc vào mục đích của sự phân loại, chứ không nhất thiết phải trên cơ sở một căn cứ nhất định. Việc tranh luận nên phân loại các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự theo căn cứ nào là đúng, theo căn cứ nào là sai, là không cần thiết.
Căn cứ vào mục đích áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, việc chia các biện pháp cưỡng chế thành ba nhóm trong Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, các tác giả Giáo trình luật tô tụng hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội là hợp lý.
Nhóm thứ nhất, các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Nhóm thứ hai, các biện pháp cưỡng chế nhằm thu thập chứng cứ như khám người, khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm; thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện; tạm giữ đồ vật là vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án; xem xét dấu vết trên thân thể.
Nhóm thứ ba, các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm cho việc tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như áp giải bị can, bị cáo, dẫn giải người làm chứng, tạm đình chỉ chức vụ của bị can, kê biên tài sản, những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa.
Căn cứ vào đối tượng bị áp dụng, có thể chia các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất, các biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với những người tham gia tố tụng như khám người, khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm; thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện; tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét; xem xét dấu vết trên thân thể…
Nhóm thứ hai, các biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như áp giải bị can, bị cáo, kê biên tài sản, bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Căn cứ vào tính chất tác động của biện pháp ngăn chặn, có thể chia các biện pháp cưỡng chế thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất, các biện pháp cưỡng chế tác động về thể chất đốì với đốì tượng bị áp dụng như bắt, tạm giữ, tạm giam, khám người, xem xét dấu vết trên thân thể, áp giải bị can, bị cáo…
Nhóm thứ hai, các biện pháp cưỡng chế tác động về tâm lý, tư tưởng đối với đối tượng bị áp dụng như khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm; thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện; tạm giữ đồ vật, tài liệu….
6. Mối quan hệ giữa biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự và tự do cá nhân
Hiến pháp năm 2013 và các Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta rất quan tâm đến việc tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do cá nhân. Sức mạnh của cộng đồng sẽ phát huy quyển tự do, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; đồng thời, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự là những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của con người trong Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những quyền đó có được tôn trọng và bảo đảm thực hiện, thì các quyền tự do cá nhân khác mới có tính khả thi. Vì vậy, không ai có thể xâm phạm trái phép đến tự do thân thể của con người như bắt, giam giữ; xâm phạm trái phép tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người như hành hạ, tra tấn, làm bị thương, gây chết người; chỉ trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, cơ quan, người có thẩm quyền mới được hạn chế hoặc tước quyền tự do thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Thực sự tôn trọng và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự là một trong những biểu hiện mang tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín là những quyền tự do cá nhân, có mối quan hệ hữu cơ, gắn liền với quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Chỗ ở là nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí, hưởng hạnh phúc riêng của con người. Vì vậy, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác, nếu không được người đó đồng ý hoặc được pháp luật cho phép. Chỉ trong những trường hợp cần thiết, cơ quan, người có thẩm quyền do pháp luật quy định, mới được vào chỗ ở của công dân, mà không cần phải có sự đồng ý của người đó.
Thư tín, điện thoại, điện tín chúa đựng những nội dung bí mật về cuộc sống, tình cảm riêng tư của con người. Vì vậy, không ai được tự ý bóc thư, điện tín hoặc nghe điện thoại của người khác, nếu không được người đó đồng ý hoặc được pháp luật cho phép. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, cơ quan, người có thẩm quyền do pháp luật quy định mới được khám xét thư tín, điện tín, nghe điện thoại của công dân; cơ quan, người có thẩm quyền không được phổ biến, tiết lộ nội dung thư tín, điện thoại, điện tín của công dân cho người không có trách nhiệm biết.
Quyền tự do đi lại và cư trú của con người được hiểu là việc con người có quyền tự do chọn chỗ ở cho bản thân và gia đình, được tự do đi lại ỏ mọi nơi trên đất nước, trừ những khu vực xung yếu về an ninh, quốc phòng. Đây là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng, vì nó bảo đảm cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường của con người. Vì vậy, không ai có quyển xâm phạm quyền tự do đi lại và cư trú của con người, trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.
Sự phân tích ở trên cho thấy, các quyền tự do cá nhân đã được Hiến pháp quy định và bảo đảm thực hiện, chỉ trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, cơ quan, người có thẩm quyền mới được phép hạn chế hoặc tước các quyền tự do cá nhân đó. Trong tố tụng hình sự, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, hạn chế các quyền tự do cá nhân, chỉ được áp dụng đối với những người tham gia tố tụng, tức là đốì với một bên chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng hình sự.
Quan hệ pháp luật tô tụng hình sự phát sinh từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu của tội phạm; chủ thể của mối quan hệ này là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc xác định có dấu hiệu của tội phạm của cơ quan có thẩm quyền nhìn chung là có cơ sở, nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp, do xác định không đúng dấu hiệu của tội phạm, nên dẫn đến oan, sai trong tố tụng hình sự.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đã chứng minh không ít trường hợp người bị khỏi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, hạn chế quyền tự do cá nhân oan, tức là quan hệ giữa những người này với Nhà nước không phải là quan hệ pháp luật hình sự như lúc đầu một số cơ quan chức năng đã ngộ nhận, mà chủ thể của mối quan hệ này là người khác với Nhà nước.
Ngoài ra, không ít trường hợp, có thể bị can thực sự phạm tội, nói cách khác chính người đó là chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự, nhưng việc đó phải do Tòa án có thẩm quyền xác định bằng bản án có hiệu lực pháp luật như quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013 của nước ta và quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Điều đó có nghĩa, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, nhưng có thể không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự. Bị can, bị cáo chỉ được coi là chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự khi đôi với người đó có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; trong trường hợp chưa có bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, thì theo nguyên tắc suy đoán vô tội đã được thừa nhận chung, bị can, bị cáo được coi là chưa có tội. Với những trường hợp bị can, bị cáo được Tòa án tuyên là vô tội, tức là không có quan hệ pháp luật hình sự, thì phải coi đây là biểu hiện của công lý xã hội chủ nghĩa.
Từ sự phân tích ở trên cho thấy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, tạm thời hạn chế quyền tự do cá nhân của một số người tham gia tố tụng nhằm làm rõ quan hệ pháp luật hình sự, tức là làm sáng tỏ sự thật của vụ án hình sự một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác nhằm phát hiện nhanh chóng, kịp thời tội phạm để có biện pháp xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Như vậy, suy cho cùng, mục đích của việc tạm thời hạn chế quyền tự do cá nhân của một số người tham gia tố tụng do việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự cũng là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo đảm sự công minh của pháp luật.
Mối quan hệ giữa các quyền tự do cá nhân với biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là mối quan hệ giữa các quyền hiến định về tự do cá nhân của con người vói biện pháp mang tính quyền lực nhà nước do pháp luật tố tụng hình sự quy định, được các cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng, tác động lên tâm lý, tư tưởng, hành vi người tham gia tố tụng, buộc họ phải thực hiện các nghĩa vụ của mình, bảo đảm xử lý đúng ngưòi, đúng tội, đúng pháp luật. Việc áp dụng đúng đắn các biện pháp ngăn chặn có tác dụng ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội, phòng ngừa họ tiếp tục phạm tội hoặc gây khó khăn, trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Ngược lại, việc áp dụng»oan, sai các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là sự vi phạm thô bạo các quyền tự do cá nhân của con ngưòi, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; tạo cố cho các thế lực thù địch xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta vi phạm “nhân quyền”, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Ngoài ra, việc lạm dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những người tham gia tố tụng thuộc các lĩnh vực nhạy cảm như tôn giáo, dân tộc, đối với giới văn nghệ sĩ, trí thức còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này, không phân hóa được kẻ địch, tranh thủ được những người bị lừa phỉnh, ép buộc, những người lầm đường nhằm đưa họ trở về với nhân dân.
Từ sự phân tích ở trên cho thấy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự liên quan đến sự tạm thời hạn chế quyền tự do cá nhân của con người, cho nên phải được thực hiện một cách khách quan, chính xác, bảo đảm đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó không những bảo đảm các quyển tự do cá nhân của con người, mà còn thể hiện tính nhân đạo, nhân bản và nhân văn sâu sắc của chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất ưu việt của Nhà nước pháp quyển xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân mà chúng ta đang xây dựng
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập