1. Ý nghĩa của thi hành án hành chính

Từ tính chất đặc thù của THAHC luôn có một bên đương sự là “cơ quan hành chính nhà nước” hoặc “người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước” hoặc “cá nhân, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước” với đối tượng phải thi hành là các quyết định hành chính, hành vi hành chính nên THAHC có nhiều ý nghĩa.
Một là, THAHC thể hiện bản chất nghiêm minh khách quan của pháp luật và hoạt động áp dụng pháp luật. Đây là giai đoạn quyết định trong việc hiện thực hóa kết quả của quá trình giải quyết vụ án hành chính trước đó. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải trải qua một quá trình phức tạp không phải chỉ để có bản án, quyết định phù hợp với quy định của pháp luật mà cuối cùng là để các phán quyết đó được thi hành trên thực tế.
Bản án, quyết định của Tòa án khi được thực hiện nghiêm chỉnh góp phần thể hiện bản chất nghiêm minh của pháp luật và của hoạt động áp dụng pháp luật. Hai là, THAHC đạt hiệu quả là thể hiện sự công bằng của xã hội, quyền dân chủ của người dân được đảm bảo. Bản án, quyết định của Tòa án là một kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xem như thể hiện công lý. Qua đó, người dân nhận được sự công bằng, lẽ phải mà họ mong muốn. Tuy nhiên, nếu kết quả đó không được thi hành trên thực tế hoặc thi hành không nghiêm chỉnh thì hoạt động giải quyết, xét xử của Tòa án cũng chưa đạt được hiệu quả về mặt thực tế. Điều đó cũng không thể hiện được sự công bằng của xã hội, quyền dân chủ và những lợi ích hợp pháp của người dân cũng chưa được đảm bảo.
Ba là, hiệu quả của THAHC có tác động lớn trong việc hình thành tâm lý pháp luật của người dân về hệ thống pháp luật và hoạt động của bộ máy nhà nước. Bản án, quyết định của Tòa án quyết định những vấn đề gắn với người dân, cơ quan nhà nước, nếu việc thi hành án trong trường hợp này không hiệu quả sẽ gây ra sự bất mãn và làm giảm sút niềm tin của người dân về sự nghiêm minh của pháp luật. Hiệu quả của THAHC có tác động đến việc hình thành tâm lý pháp luật của người dân về hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Nếu THAHC được nghiêm minh thì người dân càng có niềm tin vào pháp luật và sự bảo vệ của pháp luật đối với quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bốn là, thi hành án hành chính góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý hành chính. Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là một trong những yếu tố định hướng cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Những sai sót trong quản lý nhà nước được ngăn chặn, được cảnh báo và đề nghị sửa chữa, bên cạnh đó những quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng đắn trong quản lý được ủng hộ, từ đó hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Thông qua việc thi hành các bản án, quyết định hành chính, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải tự xem xét lại mình, cẩn trọng hơn trong việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi hành chính. Từ đó, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.
Năm là, THAHC hiệu quả là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua đó, giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.

2. Trình tự, thủ tục thi hành án hành chính

2.1 Tự nguyện thi hành án

Người phải thi hành án phải thi hành ngay việc lập danh sách cử tri, sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong những trường hợp này, người phải thi hành án không có thời hạn tự nguyện thi hành án mà phải thực hiện ngay khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án.
Người phải thi hành án có thời hạn tự nguyện thi hành án là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án đối với những trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri; hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc; hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật; hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật.
Quy định thời hạn tự nguyện thi hành án là cơ sở quan trọng để xác định người phải thi hành án đã tự thi hành án hay chậm thi hành án, từ đó có căn cứ xử lý trách nhiệm trong THAHC. Tuy nhiên, từ quy định của pháp luật về tự nguyện thi hành án cho thấy THAHC thực hiện theo cơ chế tự thi hành của người phải thi hành án, người phải thi hành án tự mình chấp hành các nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án mà không có sự tham gia của chủ thể khác được giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án như cơ chế thi hành án theo Luật THADS.
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, cơ quan phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản tình hình, kết quả thi hành án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan THADS cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cho cơ quan cấp trên trực tiếp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án.
Tuy nhiên, quy định quá chi tiết thời hạn thông báo làm cho cơ quan phải thi hành án rơi vào trạng thái bị động. Khi cơ quan phải thi hành án đã  thi hành án trong thời hạn tự nguyện nhưng phải chờ đến hết thời hạn tự nguyện mới thông báo về kết quả thi hành án mà cơ quan đó đã thực hiện. Điều này đã không tạo sự khuyến khích, chủ động trong việc thi hành án của cơ quan phải thi hành án. Bởi lẽ, việc thi hành án ngay khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án cũng giống như thời điểm thi hành án vào ngày cuối cùng của thời hạn tự nguyện. Do vậy, cần có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về thời hạn thông báo tình hình, kết quả thi hành án mang tính kịp thời và phát huy tính chủ động của người phải thi hành án.
Trách nhiệm phải thông báo tình hình, kết quả thi hành án chỉ áp dụng đối với người phải thi hành án là “cơ quan phải thi hành án”, còn trong trường hợp người phải thi hành án là cá nhân thì không có quy định về trách nhiệm phải thông báo. Đối với trường hợp người phải thi hành án là cá nhân nếu họ không thông báo tình hình, kết quả thi hành án thì không thể xác định họ đã thi hành án như thế nào. Trong khi đó, quy định về các trường hợp thi hành án có nhiều trường hợp người phải thi hành án là cá nhân như trường hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án về hành vi hành chính được quy định tại Điều 18 Nghị định số 71. Do vậy, cần có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về thông báo tình hình, kết quả thi hành án trong trường hợp là cá nhân phải thi hành án thì trách nhiệm thông báo phải do cơ quan nơi người phải thi hành án công tác. Có như vậy thì mới đảm bảo được thông tin về tình hình, kết quả thi hành án đầy đủ và kịp thời.

2.2 Yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính

Người được thi hành án có quyền làm đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án. Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THAHC trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án.
Theo tác giả Võ Công Hoàng cho rằng việc chuyển giao thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC cho Tòa án là điểm mới của Luật TTHC năm 2015, đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Luật TTHC năm 2010 đồng thời phát huy được vai trò trách nhiệm của Tòa án trong THAHC. Bên cạnh đó việc quy định thời hạn và quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc THAHC sẽ nâng cao trách nhiệm của đương sự trong việc yêu cầu giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của đương sự.
Thứ nhất, khi người được thi hành án chưa nắm được quy định về quyền gửi đơn đề nghị Tòa án ra quyết định buộc THAHC cho dù bản án, quyết định của Tòa án chưa thi hành trên thực tế nhưng Tòa án vẫn chưa có cơ sở để ra quyết định buộc THAHC. Trong khi đó, người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thì lẽ ra phải tự chủ động thi hành án khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong thời hạn tự nguyện thi hành án, không phải chờ đến khi người được thi hành án yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án.
Thứ hai, quyết định buộc THAHC là căn cứ xác định người phải thi hành án đã vi phạm nghĩa vụ THAHC nhưng chưa có ý nghĩa về mặt thực tế vì chưa có chế tài cụ thể. Trong khi bản án, quyết định của Tòa án nhân danh Nhà nước buộc các chủ thể phải nghiêm chỉnh chấp hành, vậy khi người phải thi hành án đã không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án thì liệu rằng quyết định buộc thi hành án có hiệu lực cao hơn bản án, quyết định của Tòa án. Do vậy, quyết định buộc THAHC chỉ mang tính hình thức, thủ tục chưa tạo ra một sự cưỡng chế mạnh mẽ để buộc người phải thi hành án nghiêm chỉnh chấp hành. Để đạt được điều này, quyết định buộc THAHC phải cần có chế tài rõ ràng, tương xứng trong từng trường hợp cụ thể.

2.3 Thi hành án hành chính sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án

Khi nhận được quyết định buộc THAHC, người phải thi hành án phải có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định được thi hành xong, cơ quan phải thi hành án thông báo kết quả cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát và cơ quan THADS cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Đối với trường hợp thi hành án khi có quyết định buộc THAHC thì không có thời hạn tự nguyện. Việc quy định thời hạn thực hiện thông báo này khác với thời hạn thực hiện thông báo kết quả trong trường hợp cơ quan phải thi hành án tự nguyện thi hành án về mức độ trách nhiệm trong thực hiện thông báo tình hình, kết quả thi hành án. Trường hợp đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án thì quy định bắt buộc là “phải”, tức là phải thực hiện việc thông báo tình hình, kết quả thi hành án cho dù chưa thi hành, đã thi hành, thi hành xong hoặc thi hành xong một phần bản án, quyết định của Tòa án. Đối với trường hợp đã có quyết định buộc thi hành án hành chính thì chỉ thực hiện thông báo kết quả khi đã thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án. Theo trình tự thì bản án, quyết định luôn có trước quyết định buộc THAHC và không phải vụ việc nào cũng ra quyết định buộc THAHC.

2.4 Những trường hợp thi hành án hành chính cụ thể

Trường hợp thứ nhất, thi hành bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật. Trường hợp quyết định  đó chưa được thi hành hoặc mới thi hành được một phần thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định đó.
Đây là những trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện trong vụ án hành chính. Vì cho rằng quyết định hành chính có nội dung bất lợi cho mình nên đã thực hiện quyền khởi kiện mà không xem xét, cân nhắc quyết định hành chính là đúng pháp luật hay không, khi Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện họ phải tiếp tục thi hành quyết định đó. Tuy nhiên, quy định này phát sinh nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề có nên xem đây là trường hợp thi hành án hành chính hay không.
Quan điểm thứ nhất cho rằng Hội đồng xét xử có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại, nếu yêu cầu khởi kiện đó không có căn cứ pháp luật thì Hội đồng xét xử có quyền bác yêu cầu khởi kiện. Luật TTHC quy định Hội đồng xét xử “bác yêu cầu khởi kiện” mà không có quy định “không chấp nhận yêu cầu khởi kiện” nên trong bản án, quyết định của Tòa án sẽ không có ghi nhận nội dung “không chấp nhận yêu cầu khởi kiện” để áp dụng vào trường hợp THAHC quy định tại Điều 15 Nghị định số 71. Điều này dẫn đến trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên “bác yêu cầu khởi kiện” sẽ không thực hiện việc THAHC.
Quan điểm thứ hai cho rằng thuật ngữ “bác yêu cầu khởi kiện” và “không chấp nhận yêu cầu khởi kiện” xét về bản chất là giống nhau, đều chỉ việc Tòa án xác định yêu cầu khởi kiện đó không có căn cứ pháp luật. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì bản án, quyết định của Tòa án đều phải được đưa ra thi hành trên thực tế. Theo quan điểm này thì trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri phải được thi hành theo quy định của Luật TTHC và Nghị định số 71.
Quan điểm thứ ba căn cứ vào nội dung và chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa án. Khi Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự thì trong bản án, quyết định của Tòa án không xác định người được thi hành án, người phải thi hành án đồng thời không xác định nghĩa vụ phải thi hành án, không có đối tượng để THAHC theo quy định của Luật TTHC và Nghị định số 71. Những đối tượng được điều chỉnh trong các quyết định hành chính đó sẽ trở về “trạng thái” như trước khi họ có yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính. Các đương sự trong bản án, quyết định mà Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện phải thực hiện các quyết định hành chính đó giống các quyết định hành chính khác. Nếu họ không thi hành, cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để thi hành quyết định hành chính có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính – Công ty Luật LVN Group