Hiện nay Ban soạn thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005 đang quyết tâm xác định các vật quyền tồn tại một cách khách quan để đưa vào Bộ luật sửa đổi này. Mặc dù đây là một việc làm hết sức cần thiết và đầy ý nghĩa, khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường mà ở đó luôn luôn đòi hỏi sự rõ ràng về tài sản, tuy nhiên không phải là dễ, khi mà nhận thức chung về vật quyền ở nước ta hiện nay còn chưa bắt kịp với nhận thức chung của các luật gia ở các nước khác về vấn đề này. Vì vậy, sự lược giải về các vật quyền có ý nghĩa thiết thực trước khi nói một cách đơn giản nhất về quyền hưởng dụng- một vật quyền lớn nhất mà không nền tài phán nào không chú ý tới nó.

1. Lược giải về các vật quyền và xác định vị trí của quyền hưởng dụng

Con người sống không thể thiếu sự đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần. Nguồn đầu tiên, cơ bản và quan trọng để đáp ứng các nhu cầu này là các vật thể vật chất hay các vật chất liệu. Ví dụ nhà để ở, quần áo để mặc, xe cộ để đi lại, ruộng để cày cấy, lúa gạo để ăn, bút để viết, mực để in ấn, máy ảnh để chụp hình…Đối với các vật thể vật chất này, người ta có một số nhận xét đơn giản sau đây mà đã kéo theo các hệ quả về việc thiết lập các quy chế pháp lý.

Nhận xét thứ nhất, để các vật thể vật chất này có thể đáp ứng nhu cầu sống của ai đó (người có nó) thì người này cần ngăn cản hay loại trừ người khác từ việc tiếp cận tới vật thể vật chất đó, đến việc quản lý và khai thác nó… Pháp luật đã hỗ trợ cho người nắm giữ hay tạo lập vật thể vật chất (mà pháp luật cho rằng họ nắm giữ hay tạo lập hợp pháp) ngăn cản hay loại trừ tất cả những người khác bằng cách xây dựng chế định quyền sở hữu để cho người này thống trị đối với vật thể vật chất. Như vậy, quyền sở hữu là quyền thống trị của một người đối với vật thể vật chất của mình và loại trừ tất cả những người khác, nên được gọi là vật quyền hay quyền đối vật.

.Ý tưởng về chế định quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự tương lai của Việt Nam

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Nhận xét thứ hai, con người luôn luôn cần tới sản phẩm của nhau hay cần tới các vật thể vật chất của nhau do nhu cầu ngày càng phát triển, sự đáp nhu cầu hạn hẹp, và sự phân bổ không đồng đều của cải vật chất… Do đó, chủ sở hữu vật thể vật chất có thể cho người khác một vài quyền trên vật của mình. Ví dụ cho sử dụng và hưởng hoa lợi trên một vườn cây, cho qua lại một thửa đất hay cho sử dụng xe đạp để đi lại… Như vậy, trên một vật có thể có nhiều quyền được thiết lập. Bởi pháp luật nhiều khi phải nói chung tới tất cả các quyền trên vật mà bao gồm cả quyền sở hữu và các quyền này, nên người ta gọi chung chúng là “vật quyền” hay “quyền đối vật”. Các quyền này được gọi như vậy từ xa xưa, có ý nghĩa quan trọng trong việc phân biệt với một loại quyền khác là quyền đối nhân (quyền yêu cầu của trái chủ đối với người thụ trái xác định) mà cũng là đối tượng điều chỉnh quan trọng của luật dân sự. Nếu không có sự đặt tên theo đúng bản chất của vấn đề như vậy, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phân biệt giữa hai loại quyền này để thiết lập cho từng loại qui chế pháp lý thích ứng do chính bản chất của chúng đòi hỏi. 

Nhận xét thứ ba, các vật thể vật chất có thể được chia thành hai loại: Một loại di dời được (như xe cộ, quần áo, lúa gạo, bút, mực, máy ảnh…); và một loại không di dời được (như ruộng, nhà…). Vật di dời được rất dễ bị mất mát, nhầm lẫn, hư hỏng. Còn vật không di dời được gắn bó lâu dài hơn đối với đời sống con người. Do đó các quyền được thiết lập trên hai loại vật này khó có thể giống nhau hoàn toàn. Chẳng hạn ông A có nhu cầu đi ngang qua thửa đất của ông B, chứ không thể có nhu cầu đi ngang qua cái lưỡi cưa của ông B. Do đó về mặt kỹ thuật pháp lý, người ta mô hình hóa, điển hình hóa quan hệ giữa các chủ bất động sản trong việc bên này đáp ứng các nhu cầu chính đáng của bên kia liên quan tới bất động sản của mình. Ở đây kỹ thuật pháp lý đã đi ra ngoài phạm vi quan hệ giữa những chủ sở hữu bất động sản liên hệ để xác định quan hệ giữa các bất động sản này (sẽ được nói sau).

Từ các lẽ trên, vật quyền được chia thành hai phân loại lớn: (1) quyền trên tài sản của mình (quyền sở hữu); và (2) quyền trên tài sản của người khác. Chẳng hạn, xét từ một người cụ thể, ông A có quyền sở hữu một biệt thự, và có quyền hưởng dụng một căn hộ của một người khác, quyền đi qua bất động sản của người khác để ra đường quốc lộ. Quyền trên tài sản của người khác được gọi là dịch quyền (servitude). Dịch quyền tới lượt nó lại được chia thành hai tiểu phân loại là dịch quyền thuộc người (personal servitudes), và dịch quyền thuộc vật (real servitude hay predial servitude).

Dịch quyền thuộc người là một quan hệ mà trong đó, một tài sản tự gánh chịu dịch quyền hay dịch lụy vì lợi ích của một người. Nó lại được chia nhỏ nữa thành các vật quyền cụ thể. Trong số các vật quyền cụ thể này quyền hưởng dụng (usufruct) là vật quyền lớn nhất. Tiếp đó là các vật quyền khác nhỏ hơn, bao gồm quyền sử dụng (use), quyền ngụ cư (inhabitation), quyền thuê dài hạn (emphyteusis), quyền bề mặt (superficies). Ngoài ra trong loại này còn có các vật quyền đặc biệt trên tài sản công được tạo lập bởi Nhà nước vì lợi ích của chính mình hay vì lợi ích của tư nhân. Chẳng hạn quyền khai thác mỏ, quyền đánh cá, quyền khai thác rừng…

Dịch quyền thuộc vật hay địa dịch là một quan hệ mà trong đó một bất động sản gánh chịu dịch quyền hay dịch lụy vì lợi ích của một bất động sản khác. Từ thời La Mã cổ đại có lẽ người ta đã xét đến việc bất động sản có thể bị chuyển nhượng và quyền trên bất động sản đối kháng hay loại trừ tất cả những người khác, do đó đã chia hai bất động sản liên hệ thành bất động sản gánh chịu dịch quyền và bất động sản được hưởng dịch quyền. Bất kể ai có quyền đối với các bất động sản đó đều phải gánh chịu hoặc được hưởng dịch quyền tương ứng, có nghĩa là dịch quyền hay mối quan hệ dịch quyền được gắn trực tiếp vào các bất động sản liên hệ. Kỹ thuật pháp lý này rất quan trọng để bảo đảm sự ổn định và trật tự của các quan hệ hàng xóm.

Ngoài các vật quyền này còn phải kể đến quyền chiếm hữu – một quan hệ thực tế. Ở đây pháp luật quy định về quan hệ giữa người chiếm hữu và tài sản.

Các quyền nêu trên là các vật quyền chính yếu. Bên cạnh đó còn có các vật quyền phụ thuộc có chức năng tạo lập sự bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, bao gồm: cầm cố, thế chấp, để đương và một số quyền ưu tiên.

Các quyền đối vật hay vật quyền cho phép người có quyền được trực tiếp và tự do tiếp cận vật để thực hiện quyền của mình. Rất nhiều quan điểm cho rằng, quyền đối vật là thứ quyền xác định, khác với quyền đối nhân là thứ quyền vô hạn định.

2. Khái niệm về quyền hưởng dụng

Từ trước tới nay người ta vẫn thường quan niệm, quyền hưởng dụng là một vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác. Nó bao gồm quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi trên tài sản của người khác.

Quyền sở hữu thường được xem là có ba thành tố bao gồm quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi và quyền định đoạt. Nếu một người cấp cho người khác quyền hưởng dụng trên tài sản của mình, thì có nghĩa là anh ta cho người khác quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi, và giữ lại quyền định đoạt. Quyền sử dụng cho phép người được cấp thu được các lợi ích khác nhau từ tài sản như cư trú, săn bắn, cấy cày, lái xe… Tất nhiên, việc chiếm hữu đối với tài sản là một thực tế để thực hiện quyền này. Quyền hưởng hoa lợi cho phép người được cấp thụ hưởng tất cả các hoa lợi tự nhiên (natural fruit) và hoa lợi dân sự (civil fruit) từ tài sản. Hoa lợi là tài sản (hay sản phẩm) được tạo ra hoặc thu được từ tài sản khác mà không làm mất hoặc giảm đi bản chất của tài sản này. Hoa lợi tự nhiên là sản phẩm của đất hoặc súc vật. Hoa lợi dân sự là thu nhập có được từ tài sản bởi hiệu lực của pháp luật hoặc bởi một hành vi pháp lý (hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương). Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam tại Điều 175 gọi hai loại hoa lợi trên là “hoa lợi” và “lợi tức”. Cách gọi như vậy gây khó khăn cho trường hợp gọi chung cho cả hai loại này và không cho thấy bản chất thật hay gốc gác pháp lý của hai loại này.

3. Phạm vi và bản chất của quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được thiết lập trên cả tài sản tiêu hao và tài sản không tiêu hao. Ở đây cần phân biệt: (1) Tài sản tiêu hao là tài sản không thể được sử dụng mà không bị hao tổn hoặc tiêu biến hoặc bị thay đổi về chất như tiền, nông phẩm, nước giải khát…; và (2) tài sản không tiêu hao là tài sản có thể hưởng dụng mà không biến chất, mặc dù chất của nó có thể bị giảm thiểu hoặc bị hư hỏng một cách tự nhiên bởi thời gian hoặc bởi việc sử dụng như đất, nhà, chứng khoán, động vật, đồ đạc, và xe cộ. Bộ luật Dân sự 2005 tại Điều 178 gọi hai loại tài sản này là “vật tiêu hao” và “vật không tiêu hao”, và định nghĩa về chúng có phần khác biệt. Lưu ý rằng, vật được Bộ luật Dân sự này quan niệm theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các vật thể vật chất, không mang tính bao quát.

Bản chất của quyền hưởng dụng là tài sản vô hình. Tuy nhiên việc xem nó là động sản vô hình hay bất động sản vô hình phụ thuộc vào tài sản là đối tượng của nó là động sản hay bất động sản.

Các nhận xét ở mục 1 nói trên đã cho thấy, có vật không di dời được và vật di dời được. Vật không di dời được là bất động sản hữu hình. Vật di dời được là động sản hữu hình. Tuy nhiên bất động sản hữu hình còn được mở rộng tới cả các động sản gắn liền với vật không di dời được hay để phục vụ cho vật không di dời được. Các quyền có giá trị kinh tế là tài sản vô hình vì chúng không có đặc tính vật lý. Các quyền thiết lập trên bất động sản hữu hình được gọi là bất động sản vô hình. Còn các quyền thiết lập trên động sản hữu hình và các quyền khác không có đối tượng là vật hữu hình được gọi là động sản vô hình. Quyền hưởng dụng có thể thiết lập trên bất động sản hoặc động sản. Do đó, nó có thể là bất động sản vô hình hoặc động sản vô hình.

Quyền hưởng dụng có thể được thiết lập trên tất cả các loại tài sản: bất động sản hữu hình, bất động sản vô hình, động sản hữu hình hoặc động sản vô hình. Quyền hưởng dụng có thể được thiết lập trên một công ty hay một quyền đối nhân khác. Vì vậy, hệ quả kéo theo ở đây là cần hiểu vật quyền theo nghĩa rộng hay hiểu vật theo nghĩa rộng, và phải thiết kế các qui chế pháp lý tương ứng cho các trường hợp thiết lập quyền hưởng dụng căn cứ vào đối tượng của nó.

4. Hệ quả pháp lý của phạm vi quyền hưởng dụng

Nếu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao, thì người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản đó. Quyền hưởng dụng có thời hạn. Do đó quyền hưởng dụng phải chấm dứt vào lúc mãn hạn, và người hưởng dụng phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Nếu tài sản bị hưởng dụng là tài sản tiêu hao thì khó có thể trả lại đúng vật đó. Vì vậy logic của vấn đề là người hưởng dụng trả lại giá trị tương ứng của tài sản hoặc trả lại tài sản khác cùng số lượng, chất lượng. Người hưởng dụng là chủ sở hữu tài sản tiêu hao là đối tượng của quyền hưởng dụng, nên có thể tiêu dùng, chuyển nhượng tài sản đó hoặc dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Nếu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản không tiêu hao, thì người hưởng dụng phải thụ hưởng tài sản đó như một người quản lý tận tâm và trao trả tài sản đó khi chấm dứt quyền hưởng dụng. Vì quyền hưởng dụng bao gồm việc sử dụng và hưởng hoa lợi, nên sự xuống cấp của tài sản khó tránh khỏi. Do đó, người hưởng dụng phải trao trả tài sản cho chủ sở hữu trong tình trạng tốt như có thể sau khi đã hưởng dụng nó. Nên việc buộc người hưởng dụng vào nghĩa vụ của một người quản lý tận tâm để duy trì tài sản trong tình trạng đó là cần thiết cho lợi ích của chủ sở hữu và không gây lãng phí cho xã hội.

5. Căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng có thể phát sinh bởi hành vi pháp lý giữa những người đang sống hoặc di chúc. Hành vi pháp lý tạo lập quyền hưởng dụng có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không đền bù. Di chúc có thể thiết lập quyền hưởng dụng cho người sống, chẳng hạn người để lại di chúc vẫn muốn giữ tài sản cho người này nhưng cho người khác hưởng dụng tài sản đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ ông A viết di chúc để lại tài sản cho con, nhưng muốn người mẹ kế của nó (vợ hai của ông A) có quyền hưởng dụng tài sản đó trong thời gian bà ta còn sống. Quyền hưởng dụng phát sinh bởi hành vi pháp lý gọi là quyền hưởng dụng ước định.

Quyền hưởng dụng cũng có thể phát sinh bởi hiệu lực của luật và được gọi là quyền hưởng dụng pháp định. Pháp luật có thể cho một người quyền hưởng dụng trên tài sản của người khác (chẳng hạn muốn có sự công bằng trong trường hợp chia tài sản).

 6. Những người có liên quan tới quyền hưởng dụng

Những người cần phải đưa vào quy chế của quyền hưởng dụng bao gồm: Chủ sở hữu giảm thiểu, người cấp quyền hưởng dụng, và người hưởng dụng.

Chủ sở hữu giảm thiểu là chủ sở hữu của tài sản mà quyền hưởng dụng được thiết lập trên đó. Khi quyền hưởng dụng được cấp cho một người trên một tài sản thì chủ sở hữu của tài sản đó chỉ còn lại quyền định đoạt, bởi quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi đã thuộc về khác, vì vậy được gọi là chủ sở hữu giảm thiểu. Người cấp quyền hưởng dụng có thể là một người khác có thẩm quyền do luật định mà không phải là chủ sở hữu. Còn người có quyền hưởng dụng được gọi là người hưởng dụng.

Quyền hưởng dụng có thể được cấp cho thể nhân hoặc pháp nhân. Trước pháp luật, thể nhân hay pháp nhân đều là chủ thể của các quyền. Chúng có các quyền dân sự như nhau, trừ một số quyền chỉ có thể có bởi thể nhân do bản chất của thể nhân đòi hỏi. Hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay cũng được xem là chủ thể của một số quyền. Nên chăng, cần mở rộng thêm các chủ thể của quyền hưởng dụng?

7. Các quyền của người hưởng dụng

Người hưởng dụng có quyền nhận tài sản trong tình trạng thực tế tại thời điểm phát sinh quyền hưởng dụng. Bởi quyền hưởng dụng cho phép người hưởng dụng được giao tài sản để sử dụng và hưởng hoa lợi trong một khoảng thời gian nhất định và trao trả lại tài sản sau khoảng thời gian đó, nên việc quy định quyền này không chỉ để xác định quyền chiếm hữu thực tế đối với tài sản, mà còn để xác định thời điểm thụ hưởng các quyền liên quan. Hơn nữa việc trao trả tài sản trong tình trạng nào phụ thuộc vào tình trạng của tài sản khi nhận.

Người hưởng dụng có quyền hưởng hoa lợi của tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Quyền này phát sinh từ thời điểm có hiệu lực của quyền hưởng dụng. Như vậy người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi tự nhiên trong khoảng thời gian có quyền hưởng dụng. Sau khoảng thời gian này hoa lợi thuộc về chủ sở hữu giảm thiểu. Cũng như vậy, người hưởng dụng có quyền thủ đắc hoa lợi dân sự tích lũy trong khoảng thời gian tồn tại quyền hưởng dụng. Trong hoa lợi dân sự phải kể đến các lợi ích công ty. Cổ tức được tuyên bố trong khoảng thời gian tồn tại quyền hưởng dụng thuộc về người hưởng dụng. Tuy nhiên cổ tức thanh lý hay khoản chi trả thu hồi chứng khoán, cổ tức chi trả bằng chứng khoán, chứng chỉ đặc quyền dài hạn đăng ký mua chứng khoán và quyền đăng ký được tuyên bố trong khoảng thời gian tồn tại quyền hưởng dụng thuộc về chủ sở hữu giảm thiểu. Quyền tham gia biểu quyết thuộc về người hưởng dụng.

Quyền hưởng dụng được mở rộng tới tài sản phụ thêm của tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Việc mở rộng này có hiệu lực tại thời điểm phát sinh quyền hưởng dụng. Việc mở rộng có thể tới cả vùng đất bồi hay bị bỏ hoang hóa tùy thuộc vào quy định của pháp luật.

Quyền hưởng dụng có thể được xem xét trong không gian ba chiều tùy thuộc vào pháp luật. Việc khai thác đất, đá, cát, sỏi, cây trồng, về nguyên tắc thuộc về người hưởng dụng trong thời gian hưởng dụng. Tuy nhiên hoạt động này bị ràng buộc bởi hành vi pháp lý làm phát sinh quyền hưởng dụng và pháp luật. Các quyền của người hưởng dụng và của chủ sở hữu giảm thiểu đối với tài nguyên, khoáng sản trong lòng đất do pháp luật về tài nguyên, khoáng sản qui định. Tài sản quí hiếm tìm thấy trong khu vực là đối tượng của quyền hưởng dụng phải trao trả cho chủ sở hữu giảm thiểu hoặc nhà nước tùy thuộc vào nguồn gốc của tài sản quí hiếm đó. Tuy nhiên, công phát hiện, tìm thấy của người hưởng dụng cần được xem xét thích đáng.

Người hưởng dụng có thể cải tạo tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng bằng chi phí của mình với điều kiện phải được sự đồng ý của chủ sở hữu giảm thiểu. Việc cải tạo tài sản đôi khi rất cần thiết cho việc hưởng dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, người hưởng dụng có nghĩa vụ cơ bản là trao trả tài sản cho chủ sở hữu giảm thiểu. Nên quy định việc cải tạo phải được sự đồng ý một cách rõ ràng của chủ sở hữu giảm thiểu là rất cần thiết, kể cả cho việc giảm bớt các tranh chấp xảy ra trong tương lai. Việc cải tạo trong nhiều trường hợp là rất cần thiết, nhưng gặp phải sự chống trả hay bất hợp tác của chủ sở hữu giảm thiểu, nên cần có quy chế pháp lý cho các trường hợp này. Có thể cho người hưởng dụng quyền yêu cầu tòa án can thiệp.

Người hưởng dụng có quyền thụ hưởng dịch quyền thuộc vật gắn với tài sản mà mình có quyền hưởng dụng. Quyền này cho phép người hưởng dụng có thể thụ hưởng quyền hưởng dụng của mình một cách đầy đủ. Chẳng hạn khi bất động sản là đối tượng của quyền hưởng dụng bị vây bọc bởi các bất động sản khác của chủ sở hữu giảm thiểu hoặc của người cấp quyền hưởng dụng, thì người hưởng dụng có quyền qua lại các bất động sản vây bọc đó một cách tự do và miễn phí.

Người hưởng dụng có quyền định đoạt động sản hữu hình là đối tượng của quyền hưởng dụng khi nó bị hư hỏng thực sự và theo thời gian. Tuy nhiên, người hưởng dụng không có quyền định đoạt tài sản không hao mòn là đối tượng của quyền hưởng dụng trừ khi người cấp quyền hưởng dụng đã qui định một cách rõ ràng về quyền định đoạt đó. Về nguyên tắc, người hưởng dụng phải trao trả tài sản không hao mòn cho chủ sở hữu giảm thiểu khi chấm dứt quyền hưởng dụng. Nhưng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng đôi khi bị hư hỏng do sử dụng hoặc hư hỏng tự nhiên (như các thiết bị, phụ tùng và phương tiện…). Việc trao trả tài sản như vậy là không cần thiết, gây tốn kém. Vì thế, nhà làm luật cần cho phép người hưởng dụng định đoạt những tài sản đó, nhưng phải trả cho chủ sở hữu giảm thiểu giá trị bằng tiền của tài sản đó tại thời điểm định đoạt. Trong trường hợp đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản không hao mòn và không bị hư hỏng nhiều theo thời gian, thì người hưởng dụng chỉ có quyền định đoạt khi được phép rõ ràng (thường là bằng văn bản) của chủ sở hữu giảm thiểu, như trong trường hợp chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản cho người thuê tại thời điểm mãn hạn thuê trong thuê tài chính. Nếu tài sản bị hư hỏng nhưng người hưởng dụng không có quyền định đoạt, thì người hưởng dụng phải trao trả tài sản đúng với hiện trạng tại thời điểm kết thúc quyền hưởng dụng và không được làm cho tình trạng tài sản xấu thêm. Nhiều nền tài phán miễn cho người hưởng dụng nghĩa vụ trao trả tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng nếu như tài sản đó đã hoàn toàn bị suy kiệt. Liên hệ tới các quyền này của người hưởng dụng là nghĩa vụ quản trị tài sản như một người quản lý tận tâm. Ngoài ra, nếu việc bán tài sản như vậy phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào thì việc chi trả thuế được lấy từ số tiền bán tài sản.

Người hưởng dụng có quyền định đoạt đối với quyền hưởng dụng của mình. Quyền hưởng dụng là tài sản thuộc quyền sở hữu của người hưởng dụng. Do đó, người hưởng dụng có quyền cho thuê, chuyển nhượng hoặc dùng quyền đó làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên các quyền này cùng chấm dứt theo quyền hưởng dụng, khi quyền hưởng dụng bị chấm dứt.Pháp luật thông thường thiết lập giải pháp đối với trường hợp người thuê, người được chuyển nhượng hoặc người nhận cầm cố, thế chấp quyền hưởng dụng mà lạm dụng hay gây thiệt hại cho tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Trong trường hợp này, người hưởng dụng phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu giảm thiểu.

Người hưởng dụng có tất cả các tố quyền hay quyền khởi kiện chống lại chủ sở hữu giảm thiểu hoặc bất kỳ người thứ ba nào để bảo vệ quyền hưởng dụng của mình. Quyền hưởng dụng của người hưởng dụng được thể hiện cụ thể ra bằng quyền chiếm hữu, quyền thụ hưởng và quyền duy trì các quyền đó. Quyền hưởng dụng là một tài sản, nên chủ sở hữu của nó cần phải được bảo vệ bằng các tố quyền liên quan tới các quyền cụ thể như chiếm hữu, thụ hưởng và duy trì nói trên. Nếu không có các tố quyền này thì quyền hưởng dụng trở nên vô nghĩa. Chủ sở hữu giảm thiểu hoặc bất kỳ ai cũng có thể quấy nhiễu người hưởng dụng bằng các hành vi như chiếm hữu hay xâm phạm bất hợp pháp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng hoặc ngăn cản không cho người hưởng dụng hưởng hoa lợi từ đó…

8. Nghĩa vụ của người hưởng dụng

Người hưởng dụng phải lập bản kê khai tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Bởi người hưởng dụng có quyền hưởng dụng tài sản trong trạng thái như trạng thái tài sản tại thời điểm phát sinh quyền hưởng dụng, cho nên, việc lập bản kê khai tài sản như vậy nhằm xác nhận tình trạng tài sản tại thời điểm đó vừa bảo đảm cho lợi ích của người hưởng dụng, vừa bảo đảm cho lợi ích của chủ sở hữu giảm thiểu, và để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp sau này (nếu có). Nhiều nền tài phán đưa ra quy trình, thủ tục lập bản kê khai này trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc kê khai không được lập hoặc lập không đúng với qui định của pháp luật có thể ngăn trở người hưởng dụng thực hiện quyền của mình hoặc bị chủ sở hữu giảm thiểu chiếm hữu lại tà sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.

Người hưởng dụng phải thụ hưởng quyền của mình với một sự cẩn trọng cao nhất và phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng. Tiêu chuẩn đánh giá sự cẩn trọng của người hưởng dụng dựa trên cách thức và thái độ tâm lý của người quản lý tận tâm. Người hưởng dụng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sự lừa dối, lơ là hoặc bất cẩn của mình gây ra.

Người hưởng dụng có nghĩa vụ sửa chữa thông thường tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Sửa chữa thông thường khác với sửa chữa đặc biệt. Việc sửa chữa nhằm tái cấu trúc lại toàn bộ hoặc một phần cơ bản của tài sản được hiểu là việc sửa chữa đặc biệt. Ngoài ra là sửa chữa thường xuyên. Thông thường sửa chữa thường xuyên phát sinh từ việc sử dụng tài sản hoặc khi gặp sự cố, hoặc khi hỏng hóc do lỗi của người hưởng dụng gây ra. Sửa chữa đặc biệt thuộc nghĩa vụ của chủ sở hữu giảm thiểu. Tuy nhiên, chủ sở hữu giảm thiểu cũng tiến hành sửa chữa đặc biệt bằng chi phí của người hưởng dụng khi việc sửa chữa đó là hậu quả do lỗi của người hưởng dụng gây ra. Cả người hưởng dụng và chủ sở hữu giảm thiểu đều có các tố quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ sửa chữa. Với sự chấp thuận của tòa án, người hưởng dụng có thể từ bỏ toàn bộ hay một phần quyền hưởng dụng để giải phóng khỏi nghĩa vụ sửa chữa, tuy nhiên, không thể giải phóng khỏi các chi phí thụ hưởng trong thời gian còn tồn tại quyền hưởng dụng, cũng như các trách nhiệm đối với thiệt hại do mình hoặc người của mình gây ra.

Người hưởng dụng không phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của người cấp quyền hưởng dụng khi quyền này được thiết lập giữa những người đang sống. Nếu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng bị đem thế chấp, cầm cố hay chịu đặc quyền, thì người hưởng dụng có thể thanh toán khoản nợ và yêu cầu chủ sở hữu hoàn trả. Tuy nhiên, đối với quyền hưởng dụng không có đền bù, việc thực hiện tố quyền đòi hoàn trả như trên phụ thuộc vào các quy định về tặng cho.

Người hưởng dụng có thể phải đưa ra biện pháp bảo đảm khi nhận quyền hưởng dụng. Bởi người hưởng dụng có nghĩa vụ quản trị tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng như một người quản lý tận tâm và thực hiện trung thực nghĩa vụ của mình, trong nhiều trường hợp để bảo đảm cho người có lợi ích liên quan, pháp luật đòi hỏi người hưởng dụng phải đưa ra biện pháp bảo đảm thích hợp. Các biện pháp này có thể do tòa án quyết định.

9. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng chấm dứt trong các trường hợp sau: (1) khi người hưởng dụng chết; (2) khi quyền hưởng dụng và quyền sở hữu giảm thiểu hòa nhập về một người; (3) khi đối tượng của quyền hưởng dụng bị tiêu hủy hoàn toàn hoặc người hưởng dụng không hưởng dụng trong một khoảng thời gian dài.

Sự kiện người hưởng dụng chết chỉ làm chấm dứt quyền hưởng dụng trong một số trường hợp. Pháp luật nên quy định cụ thể các trường hợp này. Việc hưởng dụng đất ở Việt Nam hiện nay có thể truyền lại cho người thừa kế. Việc không thực hiện quyền hưởng dụng trong một khoảng thời gian liên tục quá 10 năm có thể là lý do chấm dứt quyền hưởng dụng để bảo đảm không lãng phí tài sản xã hội và coi như người có quyền hưởng dụng không có nhu cầu hưởng dụng.

 10. Kiến nghị

Khi xây dựng Bộ luật Dân sự mới thay thế Bộ luật Dân sự 2005 (như mong ước của nhiều luật gia hiện nay) cần nghiên cứu cụ thể, chi tiết về tất cả và từng vật quyền trong sự suy ngẫm đến truyền thống, hiện tại và tương lai; phải tìm và xử lý từng chi tiết trong nội dung của vật quyền liên quan tới các chế định pháp luật khác. Điều đặc biệt quan trọng ở Việt Nam hiện nay (nếu không thay đổi được chế độ sở hữu đất đai) là thay thuật ngữ “quyền sử dụng đất” bằng “quyền hưởng dụng đất”, và thiết lập hai loại quy chế pháp lý đối với quyền hưởng dụng đất căn cứ vào quyền hưởng dụng có thời hạn và không thời hạn, bên cạnh các quy chế được thiết lập dựa trên các căn cứ khác. Tuy vật quyền nói chung và quyền hưởng dụng nói riêng xuất phát từ chế độ tư hữu, nhưng kỹ thuật pháp lý này có thể sử dụng vào chế độ công hữu đất đai ở Việt Nam hiện nay.

Tác giả: TS. Ngô Huy Cương – Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội

Nguồn: http://www.nclp.org.vn/

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)