Căn cứ pháp lý:

– Hiến pháp năm 2013;

– Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014;

– Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;

– Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

1. Khái quát về yêu cầu thi hành án dân sự

Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) được thực hiện nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định về mặt thực tế. Theo quy định của Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2014), khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn; trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện để yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, Cơ quan Thi hành án phải tiến hành nghiên cứu, xem xét yêu cầu thi hành án cùng các tài liệu kèm theo của đương sự để ra một trong các văn bản như thông báo về việc từ chối yêu cầu THADS hoặc quyết định THADS. Tại Điều 3 Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 810) thì VKSND có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại trong việc thi hành án dân sự. Do vậy, văn bản xử lý yêu cầu thi hành án của Cơ quan THADS phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện hoạt động kiểm sát theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu thi hành bản án dân sự là thủ tục tố tụng mà sau khi bản án dân sự có hiệu lực pháp luật nhưng bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì người được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự.

Điều 6 Quy chế số 810 cũng quy định về kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu THADS, hành chính. Căn cứ để kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án được quy định tại điểm 13 Điều 1, Điều 30, 31 Luật THADS năm 2014; Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015). Đồng thời cán bộ, Kiểm sát viên có thể tham khảo phần III, mục I Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ Cơ quan THADS ban hành kèm theo Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.

2. Về kiểm sát quyền yêu cầu thi hành án

Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật THADS năm 2014 thì việc yêu cầu thi hành án là quyền của người được thi hành án và người phải thi hành án. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 7a Luật THADS khi quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án cũng đã quy định về quyền yêu cầu thi hành án của người được thi hành án và người được thi hành án. Theo đó, khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc được thi hành ngay theo quy định của pháp luật thì đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án) có quyền yêu cầu được thi hành án; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và người có liên quan tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành, vì vậy khi đương sự có yêu cầu thì cơ quan, tổ chức và người có liên quan có trách nhiệm phải thi hành (trừ một số trường hợp do pháp luật quy định). Với quy định này, khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án của đương sự thì cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm tổ chức thi hành và chỉ được từ chối yêu cầu thi hành án khi đảm bảo các điều kiện mà luật quy định, không được tùy nghi hay chủ quan mà từ chối.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, chỉ có người được thi hành án, người phải thi hành án mới có quyền yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Để thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, theo quy định của pháp luật thì đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Đối với những trường hợp mà người được thi hành án, người phải thi hành án là người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì thực hiện quyền yêu cầu thi hành án thông qua người đại diện theo pháp luật.

Khi kiểm sát về quyền yêu cầu thi hành án, Kiểm sát viên cần kiểm tra bản án, quyết định được đem ra thi hành; đồng thời kiểm tra đơn yêu cầu thi hành án để xác định người yêu cầu thi hành án; người phải thi hành án; người được thi hành án; xác định người yêu cầu thi hành án có phải là người được hưởng quyền, lợi ích hoặc người phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành hay không, nếu không thì cần kiểm tra các tài liệu kèm theo trong hồ sơ thi hành án để xác định người này có mối liên hệ như thế nào với người được hưởng quyền, lợi ích; người phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành (thông qua văn bản ủy quyền, đại diện hợp pháp, hay giám hộ (tài liệu chứng minh như giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,…) và xác định thời hạn đại diện nếu có.

3. Về kiểm sát thời hiệu yêu cầu thi hành án

Khi thực hiện kiểm sát nội dung về quyền yêu cầu THADS của đương sự, một trong những hoạt động quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân là xác định thời hiệu yêu cầu THADS của đương sự nhằm đảm bảo việc đồng ý hay từ chối tổ chức THADS của Cơ quan THADS, của Chấp hành viên là đúng căn cứ pháp luật.

Thời hiệu yêu cầu THADS – một trong những căn cứ để Cơ quan THADS tiếp nhận hay từ chối yêu cầu thi hành án, do vậy, đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của đương sự, đặc biệt là của người được thi hành án. Việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 151 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 30, khoản 1 Điều 31 Luật THADS năm 2014, Điều 4 Nghị định số 62/2015 và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự (Nghị định số 33/2020).

Trên cơ sở ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và ngày yêu cầu thi hành án của đương sự, Cơ quan THADS xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Do vậy, Kiểm sát viên cần nắm rõ quy định pháp luật và xác định chính xác ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và xác định ngày nào được coi là ngày yêu cầu thi hành án. Theo Điều 31 Luật THADS năm 2014 thì ngày yêu cầu thi hành án được xác định tùy thuộc vào hình thức yêu cầu thi hành án của đương sự, cụ thể: (1) Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án được gửi qua đường bưu điện thì ngày yêu cầu thi hành án của đương sự được tính từ ngày có dấu bưu điện nơi gửi; (2) Trường hợp đương sự trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Cơ quan THADS thì ngày yêu cầu thi hành án là ngày đương sự nộp đơn; (3) Trường hợp đương sự trình bày trực tiếp bằng lời nói tại Cơ quan THADS thì ngày yêu cầu thi hành án là ngày trình bày trực tiếp tại Cơ quan THADS.

Qua quá trình kiểm sát THADS nhận thấy, dạng vi phạm thường gặp của Cơ quan thi hành án là, khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án cán bộ thụ lý không vào sổ ngay theo quy định mà để gần ngày ra quyết định mới vào sổ nhằm hợp thức về quy định thời hạn phải ra quyết định thi hành án là 5 ngày kể từ ngày nhận đơn; ra quyết định thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, cụ thể nhiều trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không bảo đảm nhưng với mục đích vụ lợi Cơ quan Thi hành án vẫn tiếp nhận đơn yêu cầu và ra quyết định thi hành án; có trường hợp để giảm số lượng thụ lý có Cơ quan Thi hành án đã không vào sổ thụ lý sau khi đã tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự…

4. Về kiểm sát nội dung yêu cầu thi hành án

Đơn yêu cầu thi hành án cần đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật THADS năm 2014.

Trường hợp người yêu cầu trình bày trực tiếp bằng lời nói tại Cơ quan THADS thì người tiếp nhận phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật THADS có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu. Biên bản ghi nhận yêu cầu THA cần phải được lập theo Mẫu số D32-THADS, Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự (Thông tư số 01/2016).

Trên thực tế, Cơ quan THADS thường hay xảy ra một số vi phạm quy định tại Điều 30 Luật THADS năm 2014, Điều 4 Nghị định số 62/2015 nêu trên như: Ra quyết định về thi hành án không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án và đơn yêu cầu thi hành án như về trách nhiệm của từng người phải thi hành, họ tên đương sự, số tiền phải thi hành, tiền lãi chậm trả; vi phạm về xử lý tài sản đảm bảo, không hướng dẫn người làm đơn yêu cầu thi hành án ghi rõ nội dung yêu cầu; hay vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20, khoản 3 Điều 36 Luật THADS năm 2014 (viện dẫn không đủ căn cứ, sai căn cứ để ra quyết định thi hành án, thiếu nội dung trong quyết định thi hành án (chủ yếu là thiếu phần lãi suất chậm thi hành án, thiếu phần tài sản đảm bảo thi hành án, không đúng với nội dung đơn yêu cầu của đương sự hoặc chưa đúng với quyết định, bản án)…

Việc xác định đúng đắn nội dung yêu cầu thi hành án có vai trò vô cùng quan trọng, bởi theo quy định của pháp luật nếu “nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định” thì được coi là một căn cứ để Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án.  Không những thế, kiểm tra nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự còn giúp Kiểm sát viên đánh giá được tính đúng đắn của các quyết định về thi hành án sau này và yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm nếu có trong trường hợp Cơ quan THADS tiếp nhận yêu cầu thi hành án. Bởi theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì quyết định thi hành án là căn cứ để lập hồ sơ thi hành án, đồng thời khi một quyết định thi hành án đã ban hành thì phát sinh quyền và lợi ích của người được thi hành án; người phải thi hành án và cũng là căn cứ để các đương sự có quyền khiếu nại, tố cáo, cơ quan có thẩm quyền kiến nghị hoặc kháng nghị khi phát hiện có vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Về kiểm sát thủ tục tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án

Việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 4 Điều 31 Luật THADS năm 2014; Điều 7 Nghị định số 62/2015, khoản 5 Điều 1 Nghị định số 33/2020.

Theo quy định, sau khi nhận đơn thì người nhận đơn có trách nhiệm chuyển đơn cho Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án để xử lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành án phù hợp với nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự. Cũng cần lưu ý các trường hợp như đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Cơ quan THADS phải thực hiện ngay; đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì Cơ quan THADS phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu thi hành án, bản án. Do vậy, nếu đương sự có yêu cầu thi hành án đối với những loại bản án, quyết định này, Cơ quan THADS vẫn phải đảm bảo quy định về mặt thời gian ra quyết định thi hành án đối với một số loại bản án, quyết định nói trên. Cơ quan THADS có trách nhiệm thông báo cho đương sự về quyết định thi hành án trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thông qua hình thức thông báo theo quy định tại Điều 39 – 43 của Luật THADS năm 2014.

Như vậy, Cơ quan THADS chỉ tiếp nhận yêu cầu thi hành án khi đủ các điều kiện theo đúng quy định, việc tiếp nhận yêu cầu thi hành án được thực hiện như sau:

– Người tiếp nhận đơn yêu cầu vào sổ nhận yêu cầu thi hành án;

– Thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thi hành án về việc tiếp nhận đơn yêu cầu. Thông báo về việc nhận yêu cầu thi hành án được soạn thảo theo Mẫu số D29-THADS, Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016.

Khoản 5 Điều 31 Luật THADS năm 2014 quy định Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp luật định. Thông báo về việc từ chối yêu cầu thi hành án được soạn thảo theo Mẫu số D14-THADS, Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016. Liên quan đến vấn đề này, Kiểm sát viên cũng cần lưu ý trường hợp Cơ quan THADS nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự khi việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định của pháp luật, thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật THADS hiện tại chưa quy định về hướng xử lý của trường hợp quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án đang có hiệu lực thi hành thì Cơ quan THADS nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự. Cụ thể, Luật THADS năm 2014 quy định kết quả xử lý yêu cầu thi hành án gồm: Tiếp nhận yêu cầu thi hành án (thể hiện bằng việc ra quyết định thi hành án) hoặc từ chối yêu cầu thi hành án. Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án khi đảm bảo các điều kiện; ra văn bản thông báo từ chối yêu cầu thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật THADS năm 2014. Với quy định này, yêu cầu của đương sự về thi hành án trong trường hợp đang có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án không thuộc trường hợp từ chối yêu cầu thi hành án nhưng Cơ quan THADS cũng chưa ra quyết định thi hành án được, vì đã có quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ để xem xét kháng nghị hoặc giải quyết kháng nghị. Tuy nhiên, hiện nay Luật THADS năm 2014 chưa quy định kết quả xử lý trong trường hợp này.