“Ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một mục tiêu chừng mực. Bởi ngoài lợi ích quốc gia, người dân còn phải cân nhắc cho gia đình mình từng chi phí. Người dân không thể tiếp tục “chi tiêu lòng yêu nước” cho những món hàng kém chất lượng mà lại đắt hơn. Vấn đề là trong khuôn khổ các cam kết ở WTO, Nhà nước phải làm hết trách nhiệm của mình để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài, trên “sân nhà”, với cùng điều kiện.
Mặt hàng trái cây, rau quả, nhập về trong thời gian qua vẫn tăng. Các vựa lớn ở các chợ đầu mối TP.HCM thường nhập mỗi lần hàng chục tấn trái cây Trung Quốc. Theo các chủ vựa: “Các cửa hàng bán lẻ chuộng trái cây Trung Quốc vì chúng có thể để cả chục ngày sau vẫn còn tươi nguyên, thậm chí để gần cả tháng vẫn cứ tươi roi rói”. Trong khi đó, cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã từng phát hiện trong mẫu táo, lê của Trung Quốc dư lượng hoá chất bảo quản lên tới 45,8%; chưa kể trong 24 mẫu táo, lê Trung Quốc kiểm nghiệm, có đến 75% số mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Thế nhưng, trong khi trái cây Trung Quốc cứ “tươi rói” khắp các chợ Việt Nam thì lúc nào cũng có thể nhìn thấy từng đoàn xe chở trái cây từ Việt Nam bị chặn lại trước từng cửa khẩu. Năm loại trái cây: dưa hấu, nhãn, vải, chuối và thanh long khi xuất sang Trung Quốc buộc phải kê khai nguồn gốc (nơi trồng và đóng gói). Đây là một thoả thuận song phương, và cần thiết, nhưng nếu xếp trong thứ tự ưu tiên thì nó chỉ có giá trị “hàng rào” ngăn phía Việt Nam vì phần lớn trái cây Trung Quốc từ lâu đã được “đóng gói” và “ghi xuất xứ”. Một “hàng rào” kỹ thuật về kiểm nghiệm gắt gao lượng hoá chất sử dụng trong trái cây nhập lẽ ra phải được sớm đặt ra, bởi nó không chỉ “bình đẳng” với trái cây Việt Nam mà còn bảo vệ sức khoẻ cho người dân Việt.
Thịt heo đông lạnh nhập về từ Mỹ và Canada được bán trên thị trường với giá chỉ từ 40 – 43 ngàn đồng/kg, trong khi, giá heo ta lên tới 65 – 70 ngàn đồng/kg. Lòng yêu nước của người tiêu dùng rõ ràng đã bị đặt trong thách thức. Nhưng, rất tiếc, không phải vì “heo Mỹ” rẻ hơn “heo ta” mà vì, người tiêu dùng không biết phần lớn số thực phẩm này thường là hàng “cận đát”. Đạo đức của các nhà doanh nghiệp cũng rất cần được khơi dậy, nhưng, vai trò nhà nước cũng phải được đòi hỏi ở đây. Nếu “tuổi thọ” của thực phẩm đông lạnh theo tiêu chuẩn Việt Nam là 18 tháng, thì tại sao lại không khống chế “tuổi” của thực phẩm đông lạnh nước ngoài, tính từ khi sản xuất cho đến khi hàng nhập về, không lâu hơn sáu tháng.
Một mặt hàng khác tuy không cạnh tranh với hàng Việt Nam nhưng đã khai thác lòng yêu nước của người Việt Nam, đó là xe hơi. Với mong muốn có một ngành công nghiệp ôtô, từ thập niên 90, Nhà nước đã đánh thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc gần 100%, trong khi thuế linh kiện chỉ khoảng 20%. Các “đại gia” xe hơi đã đưa các nhà máy vào Việt Nam khai thác giá rẻ cả về đất đai lẫn nhân công nhưng vẫn làm ra những chiếc xe hơi bán giá cao như xe nhập. Sau gần hai thập niên hưởng lợi từ chính sách ưu đãi đó, trong sáu liên doanh sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam, theo con số của bộ Tài chính, chỉ có duy nhất một đơn vị đạt tỷ lệ nội địa hoá 10% là Honda Việt Nam; tỷ lệ này của Ford Việt Nam chỉ là 2%; Suzuki 3%…
Nhà nước, với tư cách là nơi ban hành chính sách vừa đóng vai trò phát động tinh thần dân chúng vừa là một chủ thể thực hiện có giá trị nêu gương. Không thể kêu gọi nhân dân dùng hàng Việt Nam trong khi các công sở lại kê đặt những bàn rồng, ghế phượng như những đạo cụ vẫn thấy trong các “phim Tàu”; đồ đạc, xe cộ thì sắm toàn hàng nhập. Các doanh nghiệp nhà nước, hàng thập kỷ qua vẫn độc quyền khai thác các tài nguyên quý giá nhất của quốc gia nhưng, phải tự hỏi vì sao những doanh nghiệp ấy lại không dẫn đầu trong việc tạo ra những thương hiệu lớn.
Nếu cứ bảo hộ tuyệt đối, như trường hợp các doanh nghiệp nhà nước và ngành lắp ráp xe hơi, thì chỉ giúp các nhà doanh nghiệp khai thác tuyệt đối từ người tiêu dùng “lòng yêu nước”. Nhà nước với vai trò quan trọng của mình, cần phải tạo ra một môi trường để trái cây Trung Quốc cũng không có hoá chất như trái cây Việt Nam; giò heo Mỹ không quá đát như giò heo Việt Nam và “lòng yêu nước” chỉ dùng để “ưu tiên” khi lựa chọn.
“Ưu tiên chọn hàng Việt Nam” rõ ràng không đơn giản là một hành vi kinh tế. Ủng hộ hàng nội, bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng là góp phần “vệ quốc”. Thật đúng lúc khi ở thời điểm này, Bộ Chính trị kêu gọi phát huy lòng yêu nước. Lòng yêu nước tuy không khó để khơi dậy nhưng cũng không dễ để nuôi dưỡng. Không thể cổ động người dân yêu nước chỉ trong hành vi mua sắm. Cách ứng xử nhất quán và sự trân trọng của nhà nước với sự đa dạng trong phương thức bày tỏ lòng yêu nước của người dân sẽ quyết định khả năng tập hợp lòng yêu nước của nhân dân cả nước.
SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ – HUY ĐỨC
Trích dẫn từ: http://sgtt.com.vn/
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:
1. Tư vấn xin cấp phép đầu tư;
2. Tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư;
3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh;
4. Các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư trong nước;
5. Tư vấn thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam;
6. Dịch vụ tư vấn Cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài;