1. Lỗi là gì? Lỗi trong trách nhiệm dân sự quy định như thế nào?

– Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý.

  • Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
  • Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Theo điều 364 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “lỗi trong trách nhiệm dân sự” như sau:

“Điều 364. Lỗi trong trách nhiệm dân sự

Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý.

Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.”

2. Quan điểm về yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

Trong khoa học pháp lý dân sự Việt Nam hiện nay, còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Trong đó, các quan điểm đưa ra hầu hết chỉ tồn tại mâu thuẫn xoay quanh việc xác định lỗi có phải là một trong các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hạido tài sản gây ra hay không.

a. Quan điểm thứ nhất

Theo quan điểm thứ nhất cho rằng, “căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường theo hướng không dựa trên cơ sở lỗi như trong quy định của Bộ luật Dân sự trước kia”. Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ cần 3 điều kiện sau đây:

  • Có thiệt hại thực tế xảy ra;
  • Có sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại thực tế đã xảy ra.

=> Đây là quan điểm của những người đi theo nền tảng lý luận của học thuyết trách nhiệm khách quan (trách nhiệm nghiêm ngặt). Theo đó, khi tài sản gây thiệt hại, người bị thiệt hại không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản mà chỉ cần chứng minh có sự kiện tài sản gây ra thiệt hại cho mình là có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

b. Quan điểm thứ hai

Với quan điểm này cho rằng lỗi là cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra nói riêng.

=> Quan điểm trên phù hợp với học thuyết cổ điển, theo đó lỗi là một điều kiện bắt buộc phải chứng minh khi tài sản gây ra thiệt hại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu không có lỗi của chủ sở hữu, của người chiếm hữu, sử dụng tài sản thì người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường.

3. “Lỗi” có phải là một trong các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra phát sinh khi có ba điều kiện đó là:

  • Có thiệt hại xảy ra;
  • Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của tài sản và thiệt hại xảy ra.

Theo đó, khi tài sản gây thiệt hại, lỗi không phải là một trong các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ta có thể lý giải bởi những lý do:

Thứ nhất, “xét về hình thức, lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây ra thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý hay vô ý”. Như vậy, lỗi là yếu tố gắn liền với hành vi gây thiệt hại trái pháp luật của con người. Một hành vi bị coi là là có lỗi nếu người thực hiện hành vi đó có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Tức là lỗi không thể tồn tại ngoài hành vi có ý thức của con người. Do đó, khi tài sản gây thiệt hại thì bản thân tài sản không thể bị coi là có lỗi. Bởi vì hoạt động của tài sản không thể coi là một hành vi có ý thức. Đồng thời, “sẽ là không hợp lý khi một tài sản gây thiệt hại lại xét đến yếu tố hành vi,… gắn lỗi cho tài sản khi chúng gây thiệt hại là không thể xảy ra”.

Thứ hai, trong rất nhiều trường hợp, tài sản có thể gây thiệt hại mà ngay bản thân chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản cũng không thể kiểm soát được. Đây là những trường hợp mà chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản đã tuân thủ mọi quy định liên quan đến việc quản lý tài sản, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Điều đó cũng có nghĩa là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản không có lỗi trong việc quản lý tài sản (không có yếu tố lỗi). Nếu như coi lỗi là một điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì trong những trường hợp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều trên này sẽ rất vô lý và không công bằng đối với người bị thiệt hại. Bởi vì, thiệt hại xảy ra trong những trường hợp này có thể coi là rủi ro mà tài sản mang lại. Việc xác định người gánh chịu rủi ro phải căn cứ vào việc ai là người được hưởng lợi ích do tài sản mang lại. Và đương nhiên, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản mới là người được hưởng lợi ích mà tài sản mang lại. Hơn nữa, về nguyên tắc, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, nên chủ sở hữu phải gánh chịu những nghĩa vụ tương ứng. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc công bằng và nguyên tắc quyền không tách rời nghĩa vụ mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải gánh chịu rủi ro mà tài sản mang lại, tức là phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại ngay cả khi không có lỗi.

Với những phân tích trên có thể thấy, yếu tố lỗi không gắn với hoạt động của tài sản mà chỉ gắn với hoạt động quản lý tài sản của con người. Khi tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản bị suy đoán là có lỗi trong việc quản lý tài sản. Tức là họ bị suy đoán rằng đã không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản. Tuy nhiên, lỗi trong việc quản lý tài sản không phải là một trong các yếu tố cấu thành các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra mà nó chỉ là yếu tố xác định người quản lý tài sản có được loại trừ trách nhiệm bồi thường hay không, có được giảm mức bồi thường theo các nguyên tắc chung hay không. Để chứng minh mình không có lỗi khi tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng tài sản phải đưa ra bằng chứng để chứng minh đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về quản lý tài sản. Việc đưa ra bằng chứng để chứng minh có thể bằng cách trực tiếp (quy trình quản lý tài sản đã thực hiện, quy trình bảo quản tài sản, hoạt động kiểm tra tài sản đã thực hiện trước khi sử dụng,…) hoặc gián tiếp thông qua người làm chứng,… Tuy nhiên, hoạt động chứng minh thuộc lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự và do Tòa án có thẩm quyền quyết định.

4. Vai trò của việc xác định lỗi khi thiệt hại do tài sản gây ra

Như vậy, mặc dù lỗi không phải là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, nhưng việc xác định lỗi của các bên cũng có những vai trò nhất định trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trên thực tế.

Thứ nhất, nếu xác định thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phát sinh.

Nội dung này được ghi nhận tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 là một căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Khi người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi, tức là chủ sở hữu hoặc chủ thể có liên quan sẽ được xác định là không có lỗi. Điều này có thể dẫn đến cách hiểu rằng “chủ sở hữu hoặc chủ thế có liên quan sẽ chỉ phải bồi thường nếu có lỗi” tức là “lỗi là một trong các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Tuy nhiên cách hiểu này không chính xác, bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường không có lỗi hoặc có lỗi vô ý chỉ được coi là căn cứ để xem xét giảm mức bồi thường. Tức là ngay cả khi không có lỗi vẫn có thể phải bồi thường. Khẳng định này có thể được minh chứng thông qua bốn trường hợp cụ thể như sau:

  • Người phải bồi thường thiệt hại hoàn toàn có lỗi, người bị thiệt hại không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường sẽ phát sinh.
  • Người phải bồi thường thiệt hại có một phần lỗi, người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi đối với thiệt hại xảy ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh. Tuy nhiên, phần thiệt hại do lồi của người bị thiệt hại gây ra sẽ không được bồi thường.
  • Người phải bồi thường thiệt hại không có lỗi, người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được loại trừ theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
  • Người phải bồi thường thiệt hại không có lỗi, người bị thiệt hại không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh. Song, người chịu trách nhiệm bồi thường có thể được giảm mức bồi thường.

Thứ hai, xác định lỗi của các bên góp phần xác định mức bồi thường khi người bị thiệt hại cũng có lỗi hoặc thiệt hại do nhiều người cùng gây ra.

Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

=> Quy định về trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi để thiệt hại xảy ra thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 587 Bộ luật Dân sự, khi nhiều người cùng gây thiệt hại cho một người thì trước hết phải căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người để xác định mức bồi thường mà từng người phải gánh chịu.

Thứ ba, việc xác định lỗi là căn cứ để xem xét giảm mức bồi thường khi người chịu trách nhiệm bồi thường không có lỗi hoặc có lỗi vô ý. Đây cũng là một trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Điều 585 Bộ luật Dân sự. Theo đó, nếu người chịu trách nhiệm bồi thường chứng minh được mình không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của họ thì có thể được xem xét để giảm mức bồi thường.

Thứ tư, việc xác định lỗi của người gây thiệt hại là căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả khi người của pháp nhân, người làm công, người học nghề gây thiệt hại. Khi người của pháp nhân, người làm công, người học nghề gây thiệt hại khi đang thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao thì pháp nhân, người sử dụng người làm công, người học nghề phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Việc yêu cầu người gây thiệt hại hoàn lại khoản tiền đã bồi thường chỉ đặt ra khi chứng minh được họ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại.

Trân trọng!

5. Yếu tố “lỗi” có là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

Theo Bộ luật dân sự trước đây, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng yêu cầu người gây thiệt hại phải có “lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý”. Với quy định trên, ngoài việc chứng minh người gây thiệt hại có “hành vi trái pháp luật”, cần phải chứng minh thêm rằng người gây thiệt hại phải có “lỗi vô ý hay cố ý”, tức phải có lỗi thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tuy nhiên, đến Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ yếu tố lỗi trong căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác…”

Theo Bộ luật dân sự trước đây, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng yêu cầu người gây thiệt hại phải có “lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý”. Với quy định trên, ngoài việc chứng minh người gây thiệt hại có “hành vi trái pháp luật”, cần phải chứng minh thêm rằng người gây thiệt hại phải có “lỗi vô ý hay cố ý”, tức phải có lỗi thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

=> Khi bỏ yếu tố lỗi khỏi danh sách căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thì không có nghĩa là “lỗi” không còn có vai trò quan trọng trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trân trọng!