1. Ký văn bản đồng ý cho chồng nuôi khi ra tòa có quyền thay đổi không ?

Kính chào Luật LVN Group, em có một vấn đề mong Luật sư của LVN Group giải đáp: Em và chồng kết hôn đầu năm 2014, đến tháng 01 năm 2015 thì em sinh con gái đầu lòng, vợ chồng em xảy ra mâu thuẫn nên quyết định ly hôn. Khi em viết đơn có cả bố mẹ chồng, bố mẹ em và chồng em chứng kiến.

Em và gia đình em có xin cho em được nuôi con vì cháu chỉ mới 02 tháng tuổi nhưng gia đình chồng em không đồng ý, sau đó bắt em phải ghi trong đơn là tôi đồng ý cho chồng nuôi con, rồi bắt em ký tên bên dưới, nếu không chồng em sẽ không đồng ý ly hôn, vì quá áp lực và không hiểu rõ pháp luật nên em đã ký tên để có thể ra khỏi nhà chồng an toàn nhưng em hy vọng khi ra Tòa, em vẫn có thể nuôi con.

Khi hai vợ chồng em lên nộp đơn thì Tòa không nhận hồ sơ vì trong đó có chữ ký của chồng em, và con dưới 12 tháng tuổi chồng không được ly hôn. Hiện giờ, chồng em vẫn đang giữ tờ đơn đó, còn em đã về làm lại tờ khác và nộp lên Tòa rồi.

Cho em hỏi khi xét xử, em có bị hạn chế quyền nuôi con vì tờ đơn mà chồng em đang giữ không ạ? Và em phải làm sao để có thể giành quyền nuôi con ạ? Hiện giờ, con em được 03 tháng rồi, và nhà chồng em vẫn đang trông nom, chăm sóc. Xin Luật sư của LVN Group cho em câu giải đáp?

Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: N.K

Youtube video

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình về quyền nuôi con, gọi:1900.0191

Trả lời:

Việc bạn ký vào đơn thỏa thuận cho chồng nuôi con không có giá trị pháp lý, vì được thực hiện trên cơ sở bắt buộc. Vì vậy, theo quy định của pháp luật: Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo quy định này, con của bạn mới 03 tháng tuổi, vì vậy về nguyên tắc bạn sẽ là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

>> Xem ngay: Tư vấn quyền nuôi con khi ly hôn theo quy định mới nhất của luật hôn nhân gia đình hiện hành?

2. Hướng dẫn giành quyền nuôi con khi ly hôn?

Xin chào Luật LVN Group, tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Tôi xin hỏi Luật sư của LVN Group như sau: Vợ chồng tôi kết hôn được 05 năm và đã có hai con trai. Cháu lớn 04 tuổi, cháu bé 02 tuổi. Vợ chồng tôi muốn ly hôn vì lý do như sau: Chồng tôi đã có quan hệ ngoài vợ ngoài chồng với người khác. Gia đình và tôi đã khuyên bảo và muốn chồng quay về với vợ con nhưng chồng tôi vẫn không thay đổi. Vợ chồng tôi hay mẫu thuẫn nhau vì lý do đó. Tôi bây giờ không thể chịu được vì chồng tôi vẫn qua lại với người kia. Tôi muốn ly hôn. Nhưng tôi muốn nuôi cả hai con. Vậy tòa có giải quyết nguyện vọng này của tôi không? Để được nuôi cả hai con thì tôi phải làm gì? Tôi mong nhận được câu trả lời. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: M.T

Youtube video

Luật sư tư vấn luật Hôn nhân gia đình trực tuyến gọi số: 1900.0191

Trả lời

Vợ chồng bạn có thể đồng thuận ly hôn hoặc bạn có thể đơn phương ly hôn. Điều này không ảnh hưởng đến việc nuôi con sau ly hôn.

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, theo đó, trước tiên, vợ chồng bạn phải thỏa thuận với nhau xem ai nuôi con với mục đích là tạo môi trường và cuộc sống tốt nhất cho các con.

Nếu chồng bạn từ chối nuôi con thì bạn sẽ nuôi con và chồng bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Căn cứ khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 cháu 02 tuổi sẽ đương nhiên do bạn nuôi nếu bạn đảm bảo được điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt cho con. Đối với cháu lớn 04 tuổi, bạn cũng cần chứng minh được mình đủ khả năng nuôi và tạo điều kiện sống tốt cho con hơn chồng bạn thì Tòa án sẽ xem xét trao quyền nuôi con sau khi ly hôn cho bạn và yêu cầu chồng bạn cấp dưỡng cho hai con theo khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Vấn đề này khi giải quyết, tòa án sẽ xem xét và đánh giá khách quan cho cả hai bên khi tiến hành thủ tục ly hôn.

>> Xem thêm: Tư vấn khởi kiện giành lại quyền nuôi con khi đã ly hôn?

3. Tư vấn ly hôn và được quyền nuôi con trai 16 tháng tuổi ?

Xin chào Luật LVN Group, tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Tôi lập gia đình năm 2008, đến nay được 06 năm có với nhau hai đứa con một gái và một trai, con gái tôi năm nay được 05 tuổi sang năm là vào lớp 1, chỉ thích theo mẹ không thích theo ba cho dù có nhớ ba hay bà nội thì cũng vẫn theo mẹ, còn con trai nhỏ thì 16 tháng tuổi cũng rất dễ ba hay bà nội thì đều theo, hai vợ chồng tôi có bàn nhau mở quán buôn bán được gần 04 tháng vào ngày 01/12/2014 vợ tôi có suy gì tôi không rõ.

Tối đó vợ nói tôi dậy để bàn tí việc vì đã khuya nên tôi mới nói vợ là bàn gì thì sáng rồi bàn còn bây giờ khuya rồi ngủ cho con nó ngủ, thế là cô ấy nói sáng mai chở mấy đứa đi về ngoại chơi, đi cả ngày để quán cho tôi một mình xoay sở. Đến chiều cô ấy về lấy ít đồ đạc rồi đi đến trường đón con gái tôi và về bên bà ngoại luôn. Vài bữa sau về lấy hết đồ đạc rồi đi và nói với mẹ tôi là chồng còn bỏ được thì quán xá có là gì, tôi thấy tình cảm vợ chồng đã hết nên tôi muốn ly hôn và muốn giành quyền nuôi đứa con trai, còn con gái thì để cô ấy nuôi vì con gái tôi chỉ theo mẹ, nếu không có mẹ là khóc ngay, với lại tôi là đàn ông nên chăm sóc con gái cũng hơi bất tiện vì sau này cháu lớn lên về vấn đề sinh lý và phát triển thể chất tôi không biết nói và dạy con như thế nào, chỉ có mẹ mới tâm sự được với con gái. Luật sư tư vấn giúp tôi và tôi có thể được quyền nuôi đứa con trai không? Xin cảm ơn!

Người gửi: Nguyen

Youtube video

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình về thủ tục ly hôn đơn phương, gọi:1900.0191

Trả lời:

Để biết được bạn có được quyền nuôi con trai hay không? Căn cứ vào Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì căn cứ khoản 3 Điều 81, con trai bạn mới được 16 tháng tuổi. Do vậy, con trai bạn sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp bạn chứng minh được rằng người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Hoặc bạn có thể thỏa thuận được với vợ, bạn sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con trai và vợ bạn đồng ý.

Đối với người con gái 05 tuổi này thì việc quyết định do ai nuôi sẽ phải căn cứ trực tiếp vào quyền lợi mọi mặt của người con, nhưng không cần phải xem xét đến nguyện vọng của con (chỉ xem xét nguyện vọng của con khi con từ đủ 07 tuổi trở lên). Dựa vào điều kiện kinh tế, nhân thân của vợ và chồng Tòa án sẽ xem xét sao cho đáp ứng được quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định cho ai là người nuôi con.

>> Tham khảo thêm: Nghĩa vụ chung về trả nợ và quyền nuôi con sau khi ly hôn?

4. Cách chia tài sản và xác định quyền nuôi con khi ly hôn ?

Chào công ty tư vấn luật: Mình kết hôn từ 10 năm nay, hiện tại mình đang có một cháu trai 08 tuổi và cháu gái 05 tuổi. Mình đang muốn ly hôn chồng, nhưng hiện tại mình chưa có nhà riêng, chỉ có nhà chung xây trên nền đất mà trước khi cưới chồng mình mua, mình đang muốn công ty tư vấn cho mình xem khi chia tài sản mình có được chia nhà không? Vì thật ra, mình thì chẳng cần nhưng mình muốn chăm hai đứa con nên cần có nhà để cho con có chỗ ở. Thu nhập của mình không ổn định vì ăn theo doanh số, tháng 10 triệu tháng 16 triệu.
Mình muốn nuôi cả hai con, nhưng mình chắc chắn một điều chồng mình không cho, kiểu gì cũng giành nuôi con trai (vì chỉ thich con trai thôi) mình muốn công ty tư vấn xem có luật nào mà trên giấy tờ chồng được phép nuôi nhưng vợ có thể chăm sóc con không? Vì chồng mình thương xuyên đi công tác cuối tuần mới về, hơn nữa thường xuyên nhậu nhẹt và đánh đập vợ con. Mình sợ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thơ của con nên mình không thể để con cho chồng chăm được. Hơn nữa bố mẹ ly hôn các con đã thiệt thòi rồi mình không muốn anh em phải xa nhau ?
Mong công ty tư vấn về vấn đề nuôi con giúp mình!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình:1900.0191

Trả lời:

Về vấn đề chia tài sản:

Theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

– Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân

– Tài sản chung của vợ chồng là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

Theo đó, mảnh đất là tài sản có trước thời kỳ hôn nhân nên nếu chồng bạn chứng minh được điều đó thì mảnh đất là tài sản riêng của chồng bạn. Còn ngôi nhà, được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, tạo dựng bởi công sức của hai vợ chồng nên sẽ được coi là tài sản chung theo khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”

Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.”

Từ những quy định kể trên, bạn và chồng cùng xây dựng nhà nên giá trị căn nhà sẽ được chia đôi theo quy định của pháp luật, vì nhà là tài sản gắn liền với đất nên có thể Tòa án sẽ yêu cầu bạn phải trả cho chồng 1/2 tiền mua đất, sau đó, giá trị căn nhà sẽ được chia đôi cho mỗi bên.

Về vấn đề quyền nuôi con:

Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ xem xét nguyện vọng của con, còn con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng (trừ trường hợp người được con muốn ở cùng hoặc hai vợ chồng có thỏa thuận riêng thì người còn lại sẽ được nuôi dưỡng con nếu chứng minh có đủ điều kiện, có đủ khả năng nuôi dưỡng con). Người chồng không nuôi con sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Xem thêm: Phân định quyền nuôi con sau khi ly hôn?

5. Tư vấn về việc thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn ?

Chào quý Công ty. Tôi muốn nhờ công ty tư vấn giúp tôi về trường hợp muốn thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn của tôi: Gia đình tôi sống không hạnh phúc, chồng tôi luôn giải quyết việc khúc mắc giữa hai vợ chồng bằng bạo lực và có vẻ anh có quan hệ ngoài luồng nhưng tôi chưa tìm được chứng cứ nên sau 02 năm lấy nhau chúng tôi ly hôn. Chúng tôi ly hôn từ tháng 03/2016.

Khi ly hôn con gái tôi được 02 tuổi. Tại phiên tòa đó, bố cháu có nói sẽ để tôi đón cháu 01 tuần, 01 tháng hoặc tùy thích nếu để bố cháu nuôi. Khi đó, do suy nghĩ không tỉnh táo và bị sức ép từ nhiều phía và điều kiện kinh tế của bản thân, tôi đã dứt ruột đồng ý để bố cháu nuôi cháu. (Bản thân anh ta cũng kiếm được nhiều tiền và gia đình cũng thuộc hàng khá giả.) Từ khoảng thời gian đó đến nay, thương con, tuần nào tôi cũng về thăm con và muốn đón con về ngoại, tuy nhiên, anh ta và cả gia đình anh ta không cho tôi đón con, nói năng thì tục tĩu (anh ta là leader chứ chẳng phải người vô học mà ăn nói như đầu đường xó chợ vậy) với toàn những lý do với vẩn như sợ muỗi đốt, sợ lạ, sợ nắng,… Tôi khó chịu lắm nhưng cũng vẫn phải nhịn nhục vì mình còn phải về thăm con mình nữa. Rồi đến việc hàng tuần về với con cũng bị anh ta khó chịu, trước mặt con trẻ mà toàn những lời thô thiển, tôi không muốn con mình phải nghe những lời đó (cũng vì lý do này mà tôi ly hôn).

Tôi lại phải nhịn nhục nuốt nước mắt vào trong, 02 tuần về với con 1 lần. Trước khi xuống bao giờ tôi cũng nhắn tin hoặc gọi điện trước. Nhưng cũng chẳng được yên với anh ta. Biết tôi xuống là anh ta đưa con đi đâu đó, khi thì bảo đi tiêm phòng cách nhà anh ta cả 60km (chỗ này gần chỗ tôi ở) mà không hề nói với tôi, để tôi đi xe máy cả 60km về thăm con rồi công cốc về không. Gọi điện thì anh ta không thèm nói, cộc lốc, chỏng lỏn và cũng chẳng đưa thông tin về con cho tôi. Cứ thấy tôi xuống thăm con là anh ta quẳng vào mặt tôi những câu tục tĩu, xúc phạm nhân phẩm và danh dự của tôi. Rồi khi con đang chơi với mẹ thì anh ta chạy tới bế con bé đi chỗ khác làm con bé đòi mẹ mà khóc nằng nặc. Mà bảo để tôi đón con cho con đi chơi thì anh ta không đồng ý. Nghĩ lại những cảnh ấy mà ruột gan tôi như nát vụn. Giờ con tôi được 27 tháng tuổi. Lương tháng của tôi được 4 triệu/tháng.

Tôi có thể làm cách nào đó để giành lại quyền nuôi con không? Mong công ty tư vấn giúp tôi với! Tôi dường như không thể ngủ nổi. Lao đầu vào công việc nhưng không lúc nào quên được chuyện này ?

Mong công ty hồi âm sớm giúp tôi. Cảm ơn công ty rất nhiều!

Trả lời:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn, cụ thể như sau:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Như vậy, việc chồng bạn thường xuyên cản trở, gây khó dễ cho chị khi thăm con là hành vi vi phạm pháp luật. Để bảo vệ mình, cũng như thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, bạn có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án về hành vi cản trở việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định cụ thể tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên….”

Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn khởi kiện giành quyền nuôi con, bạn phải chứng minh được mình cũng có đủ điều kiện đảm bảo cho cuộc sống, cho sự phát triển bình thường của con bạn.

Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện gồm có:

– Đơn khởi kiện;

– Bản án ly hôn;

– Bản sao hợp lệ giấy tờ tùy thân;

– Giấy khai sinh của con;

– Chứng cứ chứng minh chồng bạn cản trở việc thăm nom, chăm sóc con của bạn (nếu có).

Nếu bạn không có giấy khai sinh để nộp hồ sơ đầy đủ tại Tòa thì bạn có thể về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của con để xin trích lục; hoặc bạn có thể đến Tòa án nơi mà hai vợ chồng bạn đã ly hôn để xin trích lục bản án trong đó sẽ có giấy khai sinh của con bạn. Xem ngay: Quyền nuôi con và sở hữu tài sản khi ly hôn?

6. Tư vấn về quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương ?

Kính chào các Luật sư công ty Luật LVN Group! Chồng tôi đi nước ngoài được 6 năm, trong thời gian này vợ chồng tôi ly thân. Chồng tôi sang đó có người khác. Chúng tôi có với nhau một đứa con gái. Khi chồng tôi đi nước ngoài lúc đó con tôi được 14 tháng tuổi. Trong suốt thời gian đó tôi nuôi con. Bây giờ, chồng tôi về hẳn Việt Nam. Và có nộp đơn ly hôn đơn phương.

Vậy trong trường hợp chồng tôi cũng đòi nuôi con thì chồng tôi có được nuôi không? Tôi có dành được quyền nuôi con không?

Xin cảm ơn!

Người gửi: Vũ Ngọc

Trả lời:

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì thời điểm chồng bạn đi nước ngoài con bạn được 14 tháng tuổi, chồng bạn đi nước ngoài 6 năm. Như vậy, đến thời điểm vợ chồng bạn ly hôn con gái bạn được 7 tuổi 02 tháng. Trường hợp này, phải hỏi ý kiến của cháu xem cháu muốn ở với bố hay với mẹ.

Nếu như cháu không quyết định được thì tòa án sẽ tiến hành quyết định căn cứ trên cơ sở điều kiện về kinh tế, phẩm chất đạo đức của hai bên để tạo điều kiện tốt nhất cho môi trường sống và phát triển của trẻ. Xét theo những thông tin mà bạn cung cấp thì khả năng bạn giành được quyền nuôi con là rất lớn vì đã 6 năm chồng bạn không ở bên cạnh chăm sóc con, bạn là người gần gũi với con hơn, ngoài ra còn có hành vi chung sống với người khác, khi đó, bạn chỉ cần chứng minh bạn có đủ điều kiện về tài chính, kinh tế, đủ khả năng để nuôi dưỡng, chăm sóc con thì Tòa án sẽ giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất về mọi mặt cho con bạn.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật hôn nhân gia đình – Công ty luật LVN Group