1. Áp dụng pháp luật nước ngoài là gì ?

Áp dụng pháp luật nước ngoài là hoạt động thi hành pháp luật quốc gia thông qua việc áp dụng quy định của pháp luật nước ngoài nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Khi nào thì áp dụng pháp luật nước ngoài ?

Để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của các bên chủ thể đồng thời thúc đẩy sự phát triển giao lưu dân sự quốc tế, pháp luật của các nước đều cho phép việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Theo pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp:

1) Được Bộ luật Dân sự, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam quy định;

2) Được điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập quy định;

3) Được các bên thoả thuận trong hợp đồng, nếu thoả thuận đó không trái với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng các quy định pháp luật nước ngoài mà trái với các quy định và nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì không được áp dụng các quy định của pháp luật nước ngoài mà phải áp dụng pháp luật Việt Nam.

Trong trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài mà quy định pháp luật của nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam; nếu pháp luật của nước đó dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì áp dụng pháp luật của nước thứ ba. Hoạt động thi hành pháp luật trong nước (dân sự, hôn nhân và gia đình hoặc lao động) của các chủ thể hữu quan nhằm đạt được những yêu cầu mà pháp luật đặt ra trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự – kinh tế – thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động.

Các quy định của pháp luật Việt Nam về dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động cũng được áp dụng đối với các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Áp dụng pháp luật quốc gia trong tư pháp quốc tế vừa là một hình thức thực hiện pháp luật quốc tế, vừa là một giai đoạn đặc thù của sự thực hiện các quy phạm tư pháp quốc tế, trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền cho phép các chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật trong nước. Mục đích trực tiếp của áp dụng pháp luật quốc gia trong các quan hệ tư pháp quốc tế là nhằm đảm bảo cho những quy phạm pháp luật trong nước được thực hiện trong thực tiễn giao dịch dân sự – kinh tế – thương mại có yếu tố nước ngoài; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên chủ thể tham gia giao dịch dân sự quốc tế.

Việc áp dụng pháp luật quốc gia trong tư pháp quốc tế là hoạt động mang tính tổ chức thể hiện quyền lực nhà nước, đồng thời, là hoạt động đòi hỏi hình thức, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, Đây là một hình thức thực hiện pháp luật phổ biến nhất trong tư pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực điểu chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng pháp luật Việt Nam phải tuân theo nguyên tắc nhất định:

1) Các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật này có quy định khác;

2) Các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp áp dụng điều ước quốc tế, áp dụng tập quán quốc tế hoặc áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Áp dụng điều ước quốc tế là gì ?

Áp dụng điều ước quốc tế là hoạt động thi hành điều ước quốc tế nhằm đạt được những yêu cầu mà pháp luật đặt ra trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế:

Việc áp dụng điều ước quốc tế được thực hiện trên các nguyên tắc sau: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời, có quyền đòi hổi các thành viên khác cũng phải tuân theo điều ước quốc tế đó.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc gia nhập có quy định việc áp dụng pháp luật khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.

3. Áp dụng tập quán là gì ?

Áp dụng tập quán là sử dụng tập tục, thói quen có tính chất phổ thông và tiến bộ được xã hội thừa nhận để điều chỉnh quan hệ dân sự cần giải quyết khi pháp luật không có quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.

Quy định về áp dụng tập quán:

Quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự có nét đặc thù nên trong trường hợp pháp luật không quy định, không có quy phạm pháp luật tương tự để áp dụng và các bên cũng không thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự đã được xác lập giữa các bên.

Việc toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp dân sự phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự.

4. Áp dụng tập quán quốc tế là gì ?

Áp dụng tập quán quốc tế là việc áp dụng quy tắc xử sự được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tập quán quốc tế.

Quy định về điều kiện áp dụng tập quán quốc tế:

Áp dụng tập quán quốc tế là hoạt động thi hành pháp luật thông qua việc áp dụng các quy định của tập quán quốc tế.

Trong trường hợp pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập không quy định hoặc hợp đồng dân sự không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì áp dụng tập quán quốc tế. Nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế trái với các quy định và nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam.

5. Luật áp dụng trong hợp đồng là gì ?

Luật áp dụng trong hợp đồng là luật được dùng để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể của hợp đồng.

Quy định về luật áp dụng trong hợp đồng: Trong thương mại quốc tế, luật áp dụng trong hợp đồng có thể là: luật do các bên chủ thể thoả thuận lựa chọn, luật nơi kí kết hợp đồng, luật nơi thực hiện hợp đồng hoặc luật do quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến.