Tuy nhiên, trên thực tế, đời sống xã hội hết sức đa dạng, phức tạp vì cả những lí do chủ quan và khách quan, nên khi ban hành pháp luật, nhà nước đã không dự liệu hết được những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống nào đó. Trong trường hợp đó, để đảm bảo lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức, của nhà nước cũng như của cộng đồng, các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền vẫn phải can thiệp để giải quyết các vụ việc đã xảy ra. Giải pháp cho tình huống này là áp dụng pháp luật tương tự.
Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động giải quyết các vụ việc cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền khi không có các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó.
Áp dụng pháp luật tương tự có hai loại là áp dụng tương tự quy phạm pháp luật và áp dụng tương tự pháp luật.
Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật là giải quyết vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở quy phạm pháp luật điều chỉnh trường họp khác có nội dung gần giống với vụ việc cần giải quyết. Trường hợp này, các chủ thể có thẩm quyền phải tìm hiểu, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để có thể tìm thấy quy phạm pháp luật có nội dung tương tự với vụ việc đã xảy ra, lấy đó làm căn cứ để giải quyết vụ việc.
Áp dụng tương tự pháp luật là giải quyết một vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở những nguyên tắc chung của pháp luật hiện hành, ý thức pháp luật, kết hợp các quy phạm xã hội khác. Đây là hoạt động giải quyết các vụ việc cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền trong trường hợp không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh vụ việc đã xảy ra, đồng thời cũng không có quy phạm pháp lật điều chỉnh trường hợp khác có nội dung gần giống với vụ việc cần giải quyết. Trong trường hợp này, chủ thể có thẩm quyền phải dựa vào các nguyên tắc chung của pháp luật, quan niệm về sự công bằng, tính nhân đạo, ý thức pháp luật của chủ thể có thẩm quyền và của đối tượng được giải quyết.
Việc áp dụng pháp luật tương tự là cần thiết, tuy nhiên phải thật sự cần thiết mới được tiến hành. Để áp dụng pháp luật tương tự, cần đáp ứng các điều kiện, một là, áp dụng pháp luật tương tự nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; hai là, phải xác định chắc chắn không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp quy định cho trường hợp cần giải quyết; ba là, phải có quy phạm pháp luật điều chỉnh trường họp khác có nội dung gần giống với vụ việc càn giải quyết hoặc xác định được những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng… để tiến hành áp dụng tương tự pháp luật.
Áp dụng pháp luật tương tự cần được xác định là giải pháp tạm thời, nên phải thận trọng, tránh sự tùy tiện, chỉ khi nào thấy thật sự cần thiết mới quyết định áp dụng. Đối với mỗi trường hợp áp dụng pháp luật tương tự, sau khi giải quyết cần kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành các quy phạm pháp luật để khắc phục lỗ hổng của pháp luật.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)