1. Chủ thể nào là đương sự trong vụ việc dân sự?

Căn cứ Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) quy định:

“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Như vậy, có thể khẳng định đương sự bao gồm: nguyên đơn, bị đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cụ thể:

– Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

– Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.”

2. Bác yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự là gì?

Yêu cầu của đương sự sẽ là yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vụ án/ việc dân sự, đề nghị Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Yêu cầu của đương sự là sự thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự. Yêu cầu của đương sự bao gồm yêu cầu về nội dung (yêu cầu trả nợ, yêu cầu phân chia thừa kế, yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, yêu cầu bồi thường thiệt hại, ….) hoặc là yêu cầu về hình thức (yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu điều tra, ….). Đương sự thể hiện yêu cầu của mình bằng cách gửi trực tiếp đơn ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc trực tiếp đến trụ sở Tòa án để trình bày và được cán bộ Tòa án ghi nhận vào văn bản. Đương sự có thể đưa ra yêu cầu khi soạn thảo đơn khởi kiện, trong quá trình Tòa án chuẩn bị giải quyết vụ việc dân sự, trực tiếp tại phiên tòa khi đang xét xử hoặc phiên họp giải quyết việc dân sự. Sau khi đưa ra yêu cầu, đương sự có quyền thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu hoặc rút yêu cầu. Tòa án có nhiệm vụ xem xét, giải quyết các yêu cầu của đương sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Bác yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự là việc Toà án không công nhận, không đồng ý với yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vụ việc dân sự.

3. Quy định về bác bỏ yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự

Theo quy định của pháp luật, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Do vậy, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Theo đó, Đối với nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

Còn bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án thì các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.

4. Thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn sẽ được Toà chấp nhận trong trường hợp nào?

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự liên tục thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu hoặc sau khi Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đương sự mới có thay đổi, bổ sung yêu cầu. Giả sử, nếu xem xét yêu cầu này của đương sự thì Tòa án phải quay lại giai đoạn xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ yêu cầu của đương sự trước khi đưa ra phán quyết, song cũng không loại trừ sau khi thay đổi , bổ sung yêu cầu thì tại phiên tòa đương sự lại rút yêu cầu này. Điều này rõ ràng không chỉ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án của Tòa án mà còn làm lãng phí thời gian, tài chính của các bên đương sự cũng như kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Kể từ sau khi có hiệu lực, BLTTDS năm 2015 đã phần nào tháo gỡ khó khăn này, song thiết nghĩ vẫn chưa triệt để. Bởi, theo quy định tại khoản 3- Điều 200- BLTTDS quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, xác định “bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” và khoản 2- Điều 201- BLTTDS cũng quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, xác định “người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Điều này cho thấy, đối với yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thì Tòa án chỉ chấp nhận xem xét khi yêu cầu hoặc thay đổi yêu cầu của bị đơn hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đưa ra trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Trong khi trên thực tế nguyên đơn là người đưa ra yêu cầu khởi kiện có thể có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình so với yêu cầu tại đơn khởi kiện nhưng BLTTDS lại chưa quy định mốc thời điểm cụ thể để xem xét việc chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu như đối với bị đơn hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Mặc dù theo quy định tại Điều 70, Điều 233 và Điều 234-BLTTDS đều xác định nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu của mình. Tuy nhiên, nội dung các quy phạm này cho thấy BLTTDS chỉ mới giới hạn việc xem xét, chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn trong trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm nếu việc thay đổi, bổ sung đó của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Vậy, trước khi đưa vụ án ra xét xử nếu nguyên đơn có thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Có chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó của nguyên đơn ?

Tại các Điều 208, 209, 210, 211- BLTTDS có thể thấy rằng mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là một thủ tục tố tụng hoàn toàn mới so với quy định tố tụng trước đây. Mục đích của phiên họp này là nhằm xác định rõ các nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án như thế nào, bao gồm: yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của các đương sự; những vấn đề các bên đương sự thống nhất được; những vấn đề các bên đương sự chưa thống nhất được và yêu cầu Tòa án giải quyết; các tài liệu, chứng cứ mà các bên đương sự đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Đồng thời, việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ có ý nghĩa bảo đảm quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự, bảo đảm cho các đương sự có điều kiện thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, tức là BLTTDS “chốt” lại những vấn đề, những nội dung liên quan đến việc phải xem xét, giải quyết vụ án của Tòa án và thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ được xác định là thời điểm “chốt” nên kết quả phiên họp này là một trong những cơ sở có ý nghĩa quan trọng để Tòa án quyết định ra một trong các các quyết định được quy định tại khoản 3-Điều 203-BLTTDS, bao gồm: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trước mắt, để giải quyết vướng mắc này Tòa án nhân dân tối cao có công văn số 01/2017 ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án các địa phương, trong đó tại mục 7, Phần IV đã hướng dẫn thực hiện nội dung như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.

Như vậy, trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được chấp nhận. Trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện từ thời điểm Tòa án mở phiên họp trở đi thì việcthay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

5. Quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ việc dân sự

Theo Điều 70 BLTTDS 2015 quy định

“Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

2. Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

3. Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

7. Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

8. Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

9. Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

10. Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

11. Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

12. Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

13. Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

14. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

15. Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.

16. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

17. Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

18. Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này.

19. Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

20. Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

21. Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

22. Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

23. Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

24. Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

25. Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật này quy định.

26. Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.”