1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015
– Luật thi hành án hình sự 2019
2. Bản án hình sự là gì?
– Bản án là loại văn bản đặc trưng riêng có và quan trọng nhất của Tòa án. Chỉ Tòa án mới có thẩm quyền ban hành bản án theo trình tự tố tụng chặt chẽ được quy định trong pháp luật tố tụng. Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cho nên nội dung của nó phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của hội đồng xét xử. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ viết bản án
– Bản án hình sự là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án hình sự hoặc là quyết định của toà án thừa nhận . Bản án hình sự sơ thẩm là phán quyết của Hội đồng xét xử, dựa trên kết quả tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm (giữa bên công tố và bên bào chữa). Đây là một văn bản tố tụng quan trọng nhưng chưa có hiệu lực pháp luật ngay và có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
– Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, bản án hình sơ sơ thẩm có thể bị bị cáo (người bị kết tội) kháng cáo (hay còn gọi là chống án) hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp kháng nghị (chống án) – nếu cho rằng phán quyết của tòa là quá nặng hay quá nhẹ, không đúng pháp luật … Thời hạn kháng cáo/kháng nghị theo qui định là 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án.
Trong nội dung bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà, họ tên của các thành viên hội đồng xét xử và thư kí phiên tòa, họ tên của kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội và tiền án của bị cáo; ngày bị cáo bị giam giữ, tạm giam; họ, tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo, họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ.
3. Đặc điểm của bản án hình sự?
– Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật.
– Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
– Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
4. Phân loại bản án hình sự
Bản án hình sự gồm có: Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, cụ thể:
Bản án sơ thẩm:
– Khái niệm:
+ Là bản án được tuyên tại phiên xét xử sở thẩm. Xét xử sơ thẩm là lần xét xử đầu tiên của 1 vụ án theo thẩm quyền của từng cấp toà án. Ví dụ Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ những tội như các tội xâm phạm an ninh quốc gia;…Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành mẫu và hướng dẫn viết bản án hình sự sơ thẩm thống nhất trong toàn ngành.
Bản án phúc thẩm:
– Khái niệm
+ Là bản án được tuyên tại phiên toà phúc thẩm. Xét xử pohúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đó chưa có hiệu lực pháp luật và bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
+ Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.
5. Hiệu lực của bản án hình sự
– Theo Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
– Theo khoản 2 Điều 355 Bộ luật tổ tụng hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
6. Nguyên tắc thi hành án hình sự
Việc thi hành án hình sự ngoài việc đảm bảo việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật cần lưu ý các nguyên tắc sau:
Hiện nay, nguyên tắc thi hành án hình sự được quy định cụ thể tại ĐIều 4 Luật thi hành án Hình sự 2019 với nội dung cụ thể như sau:
” Điều 4: Nguyên tắc thi hành án hình sự
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bản án, quyết định của Tòa áncó hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự,nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.
4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
5. Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật “.
7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự
Bản án hình sự phải được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm sát thi hành án hình sự được thực hiện bởi Viện kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự. Những hành vi gây cản trở, chống đối nhằm gián đoạn việc thi hành án hình sự đều bị xem xét xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự với nội dung như sau:
– Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị áp giải, dẫn giải.
– Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
– Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.
– Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luậtvà quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
– Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi hành án hình sự.
– Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành ánphạt tù, ántử hình hoặc án phạt trục xuất trốn.
– Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách cho người không đủ điều kiện; không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; đề nghị hoặc không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; cản trở người, pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các quyền theo quy định của Luật này.
– Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục ngườichấp hành án, biện pháp tư pháp.
– Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặcxâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án.
– Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự.
– Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.
Thực tế khi xét xử một số vụ án hình sự hiện nay, vấn đề về nội dung được ghi trong bản án còn tồn tại hoặc chưa thống nhất trong hình thức và nội dung viết bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án các cấp. Nhằm đảm bảo việc thống nhất trong toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nói chung cũng như chất lượng viết bản án nói riêng cần có sự điều chỉnh từ các cơ quan thuộc các cấp xét tử và sự tham vấn của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có liên quan.