1. Khái niệm bản án lao động

Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta thường xuyên bắt gặp cụm từ “bản án, quyết định của Tòa án”; đây là hai loại văn bản khác nhau nhưng lại thường xuyên đi chung với nhau dẫn đến việc nhiều người dễ nhầm lẫn chúng là một và tùy tiện sử dụng các khái niệm này.

Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án thể hiện các thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể và phải được thi hành nghiêm chỉnh khi có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Bản án lao động là văn bản tố tụng của Tòa án sau quá trình cung cấp chứng cứ, tài liệu và tranh luận cũng như xem xét phụ thuộc vào tình tiết khách quan trong vụ án lao động để đưa ra kết luận.

Soạn thảo bản án là công việc thường xuyên của Thẩm phán; chất lượng bản án phụ thuộc vào trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh và kỹ năng nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội đồng xét xử.

Để bảo đảm chất lượng của bản án, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng, Tòa án nhân dân Tối cao đã có một số văn bản hướng dẫn việc soạn thảo bản án và mẫu các bản án, cụ thể: Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP đối với tố tụng dân sự, Nghị quyết 02/2017/NQ-HĐTP đối với tố tụng hành chính, Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP đối với tố tụng hình sự.

2. Các tranh chấp lao động thường gặp

– Các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về thực hiện hợp đồng lao động, và trong quá trình học nghề mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện, quận hòa giải không thành hoặc Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động không giải quyết trong thời hạn quy định.

– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

– Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.

– Tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

3. Thủ tục khởi kiện vụ án lao động

Đối tượng áp dụng:

Các tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố thuộc Trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động.

Các tranh chấp lao động cá nhân có yếu tố nước ngoài, gồm:

+ Các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về thực hiện hợp đồng lao động, và trong quá trình học nghề mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện, quận hòa giải không thành hoặc Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động không giải quyết trong thời hạn quy định.

+ Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.

+ Tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội.

+ Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Hồ sơ cần thiết:

– Đơn khởi kiện (theo mẫu).

– Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).

– Hợp đồng lao động.

– Quyết định chấm dứt HĐ lao động hoặc quyết định sa thải, thông báo cho nghỉ việc;

– Quyết định, biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp quận, huyện của Hội đồng hòa giải cấp cơ sở hoặc của hội đồng trọng tài lao động thành phố đối với những trường hợp tranh chấp lao động tập thể;

– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có);

– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

– Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ về tư cách pháp lý như: giấy phép đầu tư, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, giấy ủy quyền nếu người đại diện theo pháp luật không tham gia vụ kiện. Biên bản các cuộc họp xét kỷ luật nếu có;

Lưu ý: Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc. Các văn bản tài liệu khác nếu nộp bản sao thì phải được xác nhận sao y bản chính.

Thời gian giải quyết:

  • Thời hạn chuẩn bị xét xử từ 2 đến 4 tháng
  • Thời hạn mở phiên tòa từ 1 đến 2 tháng

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Nộp đơn (hồ sơ khởi kiện) tại TAND có thẩm quyền;

Bước 2: Tiếp nhận đơn và hồ sơ khởi kiện, sau đó ra thông báo nộp tạm ứng án phí;

Bước 3: Đương sự nộp biên lai nộp tạm ứng án phí cho Tòa án, thẩm phán phụ trách ra quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý tới các đương sự và Viện kiểm sát.

Bước 4: Các bên đương sự có văn bản trình bày ý kiến đối với nội dung khởi kiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo; Sau đó có Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

4. Lệ phí

1/ Án phí Lao động bao gồm án lao động sơ thẩm, án phí lao động phúc thẩm.

2/ Mức án phí lao động sơ thẩm đối với các vụ án lao động không có giá ngạch là 200.000 đồng.

3/ Mức án phí lao động sơ thẩm đối với các vụ án lao động có giá ngạch được quy định

– Từ 4.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng

– Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 3% của trị giá tranh chấp, nhưng không dưới 200.000 đồng.

– Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.

– Từ trên 2.000.000.000 đồng: 44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng.

5. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.

– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Lao động: Khi hết hạn hợp đồng lao động, nếu các bên không có nhu cầu tiếp tục duy trì quan hệ lao động thì có quyền chấm dứt hợp đồng. Riêng đối với người lao động là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, khi hợp đồng lao động hết hạn mà chưa hết nhiệm kỳ công đoàn thì người lao động này được quyền tiếp tục làm việc cho đến khi hết nhiệm kỳ công đoàn.

– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động: Công việc người lao động phải làm cũng là một trong các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động do hai bên thống nhất khi giao kết hợp đồng lao động. Vì vậy, khi công việc theo hợp đồng lao động đã hoàn thành, cho dù hợp đồng lao động chưa hết hạn thì hợp đồng lao động cũng chấm dứt hiệu lực. Trong trường hợp này áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng với công việc xác định.

– Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động có thể xuất hiện ở người lao động hoặc người sử dụng lao động. Bên có nhu cầu có quyền đề nghị việc chấm dứt hợp đồng lao động với bất kỳ lý do gì và nếu được bên còn lại chấp nhận thì hợp đồng lao động chấm dứt.

– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

– Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật lao động.

– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật lao động.

– Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật lao động.

– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động.

– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Kết luận: Bản án lao động là văn bản tố tụng pháp lý của Nhà nước trong quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở- đây chính là tính chất điển hình của bản án để phân biệt với các loại văn bản khác của Nhà nước như văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính,… hay các văn bản khác của cá nhân, tổ chức khác như báo chí, các tác phẩm văn học nghệ thuật,..