1. Sự từ bỏ

Sự từ bỏ là việc từ bỏ tự nguyện các quyền, quyền sở hữu, hay khiếu nại về tài sản, và bị tước mất mọi quyền lợi sở hữu hợp pháp. Một tài sản tiết kiệm hay tài sản môi giới sẽ được coi là tài sản bị từ bỏ nếu nó không được sử dụng trong một số năm nhất định và không tìm thấy chủ sở hữu; về mặt pháp lý, tài sản này sẽ trở thành tài sản quốc gia theo luật ESCHEAT (sung công).

 

2. Sự từ bỏ trong một số lĩnh vực

Abandonment là hành động mà bên nắm quyền chi phối tài sản tự nguyện từ bỏ hoàn toàn tài sản cũng như mọi quyền lợi pháp lý với tài sản đó mà không có ý định đòi lại hay chỉ định người thừa kế.

Trong lĩnh vực tài chính abandonment được hiểu là hành động cho phép hợp đồng quyền chọn đáo hạn mà không được thực hiện, tức là không có giao dịch xảy ra (xem thêm option), trong trường hợp mà người mua hợp đồng (option holder) cảm thấy không có lợi khi thực hiện hợp đồng đó.

Hoặc abandonment cũng có thể hiểu là hành động cho phép người mua rút lui khỏi một hợp đồng kì hạn (forward contract) giao chứng khoán khi đến hạn.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, hành động từ bỏ hàng gắn liền với khái niệm tổn thất toàn bộ ước tính (constructive total loss), tức là tình trạng đối tượng bảo hiểm trên thực tế chưa bị hư hỏng hoàn toàn nhưng chi phí để sửa chữa khôi phục đối tượng còn vượt quá giá trị thực tế của nó. Lúc này chưa xảy ra tổn thất toàn về mặt thực tế mà xảy ra tổn thất toàn bộ về mặt tài chính. Khi xảy ra tổn thất toàn bộ ước tính, người mua bảo hiểm có thể từ bỏ hàng bằng cách gửi đến người bảo hiểm một bản tuyên bố từ bỏ hàng bằng văn bản và đòi bồi thường như với tổn thất toàn bộ thực tế. Hành động này cũng được gọi là “Abandonment” .

Trong luật phá sản của Mỹ, hành động từ bỏ là biện pháp để trả tài sản thế chấp cho chủ nợ đã được đảm bảo với sự đồng ý của người thụ uỷ.

 

3. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu là những quyền dân sự đối với tài sản và Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác nhận: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Đây là những quyền dân sự cụ thể của chủ sở hữu, ba quyền năng trên hợp thành nội dung quyền sở hữu.

Đối với tài sản vô chủ hoặc tài sản không có chủ sở hữu thì phải xác định xem có được xác lập quyền sở hữu đối với các loại tài sản này không?

– Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

– Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

– Thu hoa lợi, lợi tức.

– Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.

– Được thừa kế.

– Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.

– Chiếm hữu, được lợi về tài sản trong trường hợp 10 năm với động sản, 30 năm với bất động sản.

Như vậy nếu như đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ hoặc tài sản không xác định được chủ sở hữu thì có quyền xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản này.

 

4. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu

Việc xác lập quyền sở hữu trong trường hợp này được quy định tại điều 228 BLDS 2015

Đối với tài sản vô chủ

– Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với tài sản bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

– Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nếu như tài sản vô chủ là bất động sản thì bất động sản đó sẽ thuộc về Nhà nước.

Đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu

Việc thực hiện xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu được thực hiện như sau:

Thông báo công khai cho chủ sở hữu tài sản

– Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

– Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

– Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu

– Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

– Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

 

5. Xác nhận từ bỏ quyền sở hữu đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu?

Điều 441 Bộ luật Dân sự quy định thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán tài sản như sau:

“Điều 441. Thời điểm chịu rủi ro

1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Vậy nên trong trường hợp này, khi bạn không còn sử dụng tài sản, cũng không biết tài sản ở đâu, không liên hệ được với người mua để hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ thì việc bạn muốn chấm dứt quyền sở hữu trong trường hợp này là hợp lý. Điều 237 quy định các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu bao gồm:

“Điều 237. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.

2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.

3. Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.

4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.

5. Tài sản bị trưng mua.

6. Tài sản bị tịch thu.

7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.

8. Trường hợp khác do luật quy định.”

Đối với trường hợp của bạn, bạn đang muốn từ bỏ quyền sở hữu của mình. Bộ luật dân sự 2015 quy định về từ bỏ quyền sở hữu như sau:

“Điều 239. Từ bỏ quyền sở hữu

Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, để có thể từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện các hành vi chứng tỏ mình chấm dứt quyền sở hữu. Tuy nhiên, về hình thức tuyên bố công khai hay các hành vi nào thì được coi là từ bỏ quyền sở hữu tài sản thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan ban hành văn bản pháp luật. Vậy nên chủ sở hữu có thể gửi thông báo về việc mình từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó đến Cơ quan đang quản lý.

 

6. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Nếu dựa vào quy trình hình thành và thay đổi quyền sở hữu thì các căn cứ xác lập quyền sở hữu có thể chia thành:

Thứ nhất, căn cứ đầu tiên: Là những sự kiện pháp lý do đó mà quyền sở hữu được xác lập đầu tiên đối với vật. Theo căn cứ này, quyền sở hữu mới phát sinh không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu trước đó. Ví dụ: Sản phẩm mới được tạo ra trong quá trình sản xuất hoặc việc nhận những kết quả các tài sản mang lại.

Thứ hai, căn cứ kế tục: Là những sự kiện pháp lý xác lập quyền sở hữu mới trên cơ sở chuyển dịch quyền theo ý chí của chủ sở hữu cũ thông qua các hợp đồng dân sự hợp pháp hoặc do thừa kế. Đối với các căn cứ kế tục, chủ sở hữu mới phải chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ liên quan đến tài sản đã chuyển giao của chủ sở hữu cũ với người thứ ba. Ví dụ: Người đã mua nhà của chủ sở hữu nhưng nhà đó chủ sở hữu đang cho người khác thuê mà hợp đồng thuê chưa hết kỳ hạn thì chủ sở hữu mới không có quyền hủy bỏ hợp đồng thuê của chủ sở hữu cũ với người thuê khi chưa kết kỳ hạn thuê.

Có thể nói, quyền sở hữu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Do đó, cũng giống như bất cứ quan hệ pháp luật dân sự nào, quyền sở hữu phát sinh phải dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Nó chỉ xuất hiện khi có những sự kiện thực tế mà Bộ luật Dân sự có quy định ý nghĩa pháp lý đối với sự kiện đó. Pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ các quyền của chủ sở hữu nếu quyền đó được xác lập trên những căn cứ do pháp luật quy định.

 

Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).