1. Báo cáo tài chính hợp nhất là gì ?
Báo cáo tài chính hợp nhất là báo cáo kế toán tổ hợp các tài sản và nợ của một ngân hàng, các chi nhánh nội địa của nó, và các chi nhánh lớn trong một báo cáo duy nhất. Các ngân hàng thương mại lớn báo cáo những thay đổi về vị thế tài chính của họ hàng tuần cho ủy ban Thống đốc Dự trữ Liên bang. Các ngân hàng và các công ty cổ phần ngân hàng, trừ các công ty tài chính, được yêu cầu theo quy định lập báo cáo hợp nhất.
Báo cáo tài chính bao gồm các tài sản, nợ, và vốn cổ đông của các công ty liên doanh với mục đích báo cáo hay công khai.
2. Mục đích của báo cáo tài chính hợp nhất
– Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính của tập đoàn, tổng công ty như một doanh nghiệp độc lập, không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt.
– Cung cấp thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu cho việc đánh giá thực trạng tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ của tập đoàn trong năm tài chính đã qua và dự đoán trong tương lai.
Thông tin của báo cáo tài chính hợp nhất là căn cứ quan trọng cho việc đề ra các quyết định về quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh, hoặc đầu tư của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai.
3. Đối tượng phải lập báo cáo
- Tất cả công ty mẹ nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con, có thể là sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp thông qua một công ty con khác.
- Tất cả tổng công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo mô hình có công ty con phải lập, nộp báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của luật kế toán.
4. Kỳ lập báo cáo
Công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất hàng năm và báo cáo tài chính giữa niên độ hàng quý (bao gồm cả Quý IV).
5. Hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất
– Bảng cân đối kế toán hợp nhất
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
– Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất
Các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính hợp nhất được thiết kế tương tự như các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp độc lập. Tuy nhiên, để phản ánh đầy đủ hơn tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của tập đoàn, trên báo cáo tài chính hợp nhất có thêm các chỉ tiêu:
– Lợi thế thương mại
– Lợi ích của cổ đông không kiểm soát
– Lãi lỗ trong công ty liên doanh, liên kết
– Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ
– Lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số
Đối với Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cần bổ sung và giải trình thêm các thông tin về các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết được hợp nhất và không được hợp nhất, thông tin về các giao dịch với các bên liên quan.
6. Kỹ thuật điều chỉnh khi lập báo cáo tài chính hợp nhất
Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con bằng việc hợp cộng các chỉ tiêu tương ứng trên các báo cáo tài chính và thực hiện điều chỉnh các giao dịch nội bộ và các khoản mục liên quan khác như tách lợi ích cổ đông thiểu số, ghi nhận lợi thế thương mại…
Các bút toán điều chỉnh có thể thực hiện theo nguyên tắc ghi tăng/giảm hoặc nguyên tắc ghi Nợ/Có vào các chỉ tiêu cần điều chỉnh nhằm điều chỉnh tăng/giảm số liệu của các chỉ tiêu đó.
– Nếu thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu trên từng báo cáo thì thực hiện tính toán và điều chỉnh trực tiếp tăng/giảm vào từng chỉ tiêu trong từng báo cáo.
– Nếu thực hiện điều chỉnh liên báo cáo thì dùng kỹ thuật ghi Nợ/Có để thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu. Kỹ thuật ghi Nợ/Có là việc vận dụng phương pháp tài khoản để thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Các bút toán điều chỉnh phải tuân thủ nguyên tắc cân đối trong kế toán. Theo đó, tổng điều chỉnh Nợ phải bằng với tổng điều chỉnh Có trong một bút toán. Tổng giá trị điều chỉnh tăng bằng tổng giá trị điều chỉnh giảm.
7. Thời hạn nộp và công khai
- Báo cáo tài chính hợp nhất phải lập và nộp vào cuối kỳ kế toán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
- Thời hạn công khai trong vòng 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
8. Báo cáo tài chính hợp nhất cần loại trừ các giao dịch bán hàng nội bộ
Người sử dụng báo cáo tài chính của công ty mẹ luôn quan tâm đến thực trạng tài chính, kết quả hoạt động và các thay đổi về tình hình tài chính của toàn bộ tập đoàn. Báo cáo tài chính hợp nhất là báo cáo tài chính lập cho toàn bộ nhóm công ty mẹ-công ty con với tư cách là một thực thể kinh tế. Báo cáo tài chính hợp nhất có đặc điểm chủ yếu là không có tính pháp lý về nghĩa vụ tài chính của tập đoàn bởi vì tập đoàn không có tính pháp nhân.
Báo cáo tài chính hợp nhất có ý nghĩa và tác dụng quan trọng đối với những đối tượng sử dụng thông tin kế toán về một tập đoàn, đặc biệt là nhà đầu tư. Việc loại trừ ảnh hưởng của các giao dịch nội bộ trong tập đoàn giúp người sử dụng thông tin đánh giá chính xác hơn về thực trạng tài chính, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ nhóm công ty với tư cách một thực thể kinh tế duy nhất.
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 27- Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con, được áp dụng cho một công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn chịu sự kiểm soát của công ty mẹ. Sự kiểm soát được định nghĩa là quyền quản lý các chính sách tài chính và các chính sách hoạt động của một công ty để thu được lợi ích từ hoạt động của công ty đó. Việc kiểm soát được thể hiện:
+ Công ty mẹ sở hữu (trực tiếp hoặc gián tiếp) thông qua các công ty con, trên 50% quyền biểu quyết;
+ Quyền biểu quyết thực tế chiếm trên 50% theo thảo thuận với các nhà đầu tư khác;
+ Quyền quản lý các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế hoặc theo thoả thuận;
+ Quyền bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số thành viên của hội đồng quản trị;
+ Quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp hội đồng quản trị.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh công ty mẹ có thể cung cấp các sản phẩm phẩm dịch vụ cho công ty con hoặc ngược lại, công ty con cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho công ty mẹ. Những giao dịch bán hàng nội bộ trong các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ-công ty con phải được loại trừ hoàn toàn khi lập báo cáo tài chính hợp nhất. Công ty mẹ là công ty có quyền kiểm soát công ty con, vì vậy, trong các giao dịch nội bộ, công ty mẹ có thể “yêu cầu” công ty con mua hàng với giá cao hơn giá thị trường nhằm thực hiện những mục đích có lợi như tăng lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư, làm cho giá cổ phiếu của công ty mẹ tăng lên. Các giao dịch nội bộ trong những trường hợp như trên làm cho báo cáo tài chính hợp nhất không phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của tập đoàn nếu các giao dịch nội bộ không được loại trừ hoàn toàn trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Theo hướng dẫn của thông tư 161/2007/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2007. Trong báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu và giá vốn của hàng tiêu thụ nội bộ Tập đoàn phải được loại trừ toàn bộ. Các khoản lãi lỗ chưa thực hiện của các giao dịch bán hàng đang phản ánh trong giá trị của hàng tồn kho cũng phải được loại trừ hoàn toàn.
Lãi hoặc lỗ chưa thực hiện của hàng tồn kho cuối kỳ được xác định như sau:
– Lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phải được loại trừ khỏi giá trị hàng tồn kho cuối kỳ, đồng thời lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ cũng phải được loại trừ khỏi giá vốn hàng bán trong kỳ.
– Việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giao dịch Công ty mẹ bán hàng cho Công ty con (Giao dịch xuôi chiều) không ảnh hưởng đến việc phân chia lợi ích cho các cổ đông thiểu số của Công ty con vì toàn bộ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện thuộc về Công ty mẹ.
– Trường hợp Công ty con ghi nhận lãi hoặc lỗ từ giao dịch bán hàng nội bộ trong Tập đoàn (Giao dịch ngược chiều) thì lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho phải được phân bổ giữa Công ty mẹ và các cổ đông thiểu số theo tỷ lệ lợi ích của các bên .
– Các khoản lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch bán hàng nội bộ cũng phải được loại bỏ, trừ khi chi phí tạo nên khoản lỗ đó không thể thu hồi được. Trường hợp giá bán hàng nội bộ thấp hơn giá gốc của hàng hóa mua vào, kế toán phải đánh giá khả năng bên mua hàng sẽ bán được hàng tồn kho này với giá cao hơn giá gốc của Tập đoàn. Trường hợp xét thấy bên mua hàng không thể bán được hàng với giá cao hơn giá gốc của Tập đoàn thì việc phản ánh khoản lỗ chưa thực hiện là phù hợp với việc ghi nhận hàng tồn kho theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được của Tập đoàn do đó không cần phải thực hiện việc loại trừ.
Việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ giao dịch bán hàng giữa các đơn vị trong nội bộ Tập đoàn sẽ làm cho giá trị ghi sổ của hàng tồn kho cuối kỳ trong Báo cáo tài chính hợp nhất nhỏ hơn cơ sở tính thuế của nó. Trường hợp này sẽ phát sinh một khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này sẽ làm phát sinh tài sản thuế thu nhập hoãn lại, đồng thời làm giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trong kỳ của cả Tập đoàn. Do đó, kế toán phải phản ánh tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và phải ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
Việc loại trừ khoản lỗ trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ giao dịch nội bộ chỉ được thực hiện khi chắc chắn rằng giá vốn xét trên phương diện Tập đoàn đối với lô hàng này vẫn nhỏ hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của chúng.