1. Phân loại quyền con người

Quyền con người là sự kết tinh những giá trị cao quý nhất được thừa nhận chung bởi nền văn minh nhân loại, thể hiện ước mơ, khát vọng cháy bỏng và sự quyết tâm đấu tranh để giành, giữ lấy của con người xuyên suốt cả chiều dài lịch sử. Do đó, quyền con người luôn thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các nhà nước, thiết chế, tổ chức và cộng đồng, ngày càng có vị trí nổi bật tại các diễn đàn quốc tế.

Quyền con người thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và nhóm quyền dân sự, chính trị. Việc Liên hiệp quốc thông qua hai công ước nhân quyền chủ chốt vào năm 1966 là Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) và Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cũng là kết quả của quá trình vận động và thúc đẩy sự hình thành hai nhóm quyền này. Có nhiều cách phân loại về quyền con người, như: (1) các quyền dân sự; (2) các quyền chính trị; (3) các quyền kinh tế; (4) các quyền văn hóa; (5) các quyền xã hội. Nhưng việc phân chia các quyền thành các nhóm nhỏ hơn cũng chỉ mang tính tương đối.

Trên thực tế, có quyền vừa có thể xếp vào nhóm quyền dân sự lại vừa có thể đưa vào nhóm quyền chính trị. Việc phân loại các quyền con người thành hai nhóm quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa xuất phát từ nhận thức cho rằng có sự khác nhau về đặc điểm và những yêu cầu trong bảo đảm hai nhóm quyền này.

2. Nội dung quyền dân sự, chính trị

Nội dung đảm bảo quyền dân sự và chính trị ở nước ta được thể hiện một cách cụ thể:

– Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân: Bình đẳng trong bầu cử, ứng cử, tự ứng cử; bình đẳng trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và nhiều dạng quan hệ dân sự khác, đặc biệt là bình đẳng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; bình đẳng trong lĩnh vực văn hoá – giáo dục, khoa học – công nghệ như quyền được học tập của công dân, quyền nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu của mọi công dân.

– Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, cụ thể: ngăn ngừa những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người (trong đó kể cả những bị can, bị cáo và những phạm nhân đang thi hành án phạt tù)…

– Bảo đảm một số quyền dân sự, chính trị khác: Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, hội họp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Thế nào là bảo đảm quyền dân sự, chính trị (QDSCT)?

Bảo đảm QDSCT có thể hiểu là việc các chủ thể (nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, hiệp hội quần chúng, các doanh nghiệp, gia đình, cá nhân) tạo ra các tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân (hoặc mọi người) thực hiện các QDSCT đã được pháp luật ghi nhận trên thực tế.

Các điều kiện, tiền đề ở đây chính là điều kiện, tiền đề về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, pháp luật… Các điều kiện này không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi con người mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan cùng với những phương tiện, phương thức quan trọng do nhà nước và xã hội tạo ra. Theo đó, bảo đảm QDSCT bao hàm từ việc tiến hành xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của nhà nước đến cả việc thực hiện chính sách, pháp luật đó trên thực tế. Việc bảo đảm tốt quyền con người nói chung, các QDSCT nói riêng, sẽ giúp giảm thiểu, ngăn ngừa những mâu thuẫn trong xã hội; đồng thời, củng cố tình đoàn kết, phát huy dân chủ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

4. Thực trạng bảo đảm các quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam hiện nay

Để tránh tiềm ẩn nguy cơ quyền con người nói chung và QDSCT nói riêng có thể bị thu hẹp, hạn chế bởi các văn bản dưới luật như: nghị định, thông tư…, tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân chỉ thuộc về Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, không thuộc về bất kỳ một chủ thể nào khác và chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mới được giới hạn.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, để bảo đảm các QDSCT ở nước ta, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Đối với quyền tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận, báo chí, hiện nay, về cơ bản pháp luật trong nước đã tương thích với pháp luật quốc tế, đầy đủ và đồng bộ, từ Hiến pháp, luật đến nghị định, tiêu biểu như: Luật Báo chí năm 2016,Luật Tiếp cận thông tin năm 2016,Luật An ninh mạng năm 2018… Có thể khẳng định rằng, quyền tiếp cận thông tin không chỉ được bảo đảm đầy đủ cho người dân Việt Nam mà cả đối với người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng được tiến hành một cách nghiêm túc. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin ở nước ta luôn được bảo đảm và trở thành một trong những biện pháp hữu hiệu, tích cực nhằm đẩy lùi nạn quan liêu, tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực khác trong xã hội.

Đối với các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước và xã hội luôn được phát huy. Quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân được quy định rõ tại Điều 27, 28, 29 Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, các quyền trên còn được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản khác có liên quan.
Tất cả đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh trong việc bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân, tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Người dân luôn có ý thức cao về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2007 – 2011, 2011 – 2016, 2016 – 2021 là một minh chứng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỷ lệ cử tri đi bầu cử năm 2007 đạt hơn 99,64%, năm 2011 là 99,51%6 và năm 2016 cao hơn 98,77%.

Đối với quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân, Nhà nước tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Đối với quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đây là một trong số những quyền con người, quyền cơ bản của công dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật” (Điều 19) và “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình,…”. (Điều 20). Cùng với đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng dành riêng Chương XIV (từ Điều 123 – 156) quy định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Đây là cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng cho mọi tín đồ.

Đối với quyền lập hội, hội họp, biểu tình: trong lịch sử nước ta, quyền biểu tình đã từng được quy định tại Sắc lệnh số 31/SL ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa; quyền tự do hội họp được quy định trong Luật Quyền tự do hội họp năm 1957; quyền lập hội được quy định chi tiết trong Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Luật Quy định quyền lập hội và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động quản lý hội và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác. Tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ. Hiện nay, ngoài Hiến pháp thì ở nước ta chưa có văn bản nào quy định trực tiếp hay hướng dẫn để thực hiện quyền biểu tình. Trong những vụ biểu tình, các cơ quan chức năng mới chỉ áp dụng thực hiện Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng và Thông tư số 09/2005/BCA ngày 05/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn chi tiết Nghị định số 38/2005/NĐ-CP để giải quyết.

5. Kết luận

Nhìn chung, về cơ bản, các QDSCT ở nước ta được bảo đảm thực hiện ngày một tốt hơn. Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các QDSCT năm 1966.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bảo đảm QDSCT của công dân nước ta cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định. Hiện nay, Việt Nam chưa tham gia các nghị định thư bổ sung của Công ước quốc tế về các QDSCT, ICCPR 1966. Do đó, công dân Việt Nam chưa thể gửi khiếu nại về QDSCT tới các cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc, đồng thời việc khiếu nại theo cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong khu vực ASEAN cũng không khả thi khi Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) chỉ là một “cơ quan tư vấn” chứ không có thẩm quyền nhận các khiếu nại của các cá nhân là nạn nhân của vi phạm nhân quyền trong khu vực.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)