1. Phân loại quyền con người

Quyền con người (QCN) thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và nhóm quyền dân sự, chính trị. Việc Liên hiệp quốc thông qua hai công ước nhân quyền chủ chốt vào năm 1966 là Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) và Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cũng là kết quả của quá trình vận động và thúc đẩy sự hình thành hai nhóm quyền này. Có nhiều cách phân loại về quyền con người, như: (1) các quyền dân sự; (2) các quyền chính trị; (3) các quyền kinh tế; (4) các quyền văn hóa; (5) các quyền xã hội. Nhưng việc phân chia các quyền thành các nhóm nhỏ hơn cũng chỉ mang tính tương đối.

Trên thực tế, có quyền vừa có thể xếp vào nhóm quyền dân sự lại vừa có thể đưa vào nhóm quyền chính trị. Việc phân loại các quyền con người thành hai nhóm quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa xuất phát từ nhận thức cho rằng có sự khác nhau về đặc điểm và những yêu cầu trong bảo đảm hai nhóm quyền này.

2. Nội dung bảo đảm quyền kinh tế, xã hội, văn hoá

Trong ICESCR năm 1966, nội dung các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (KTXHVH) được công ước bảo hộ quy định cụ thể tại phần III, từ Điều 6 – 15. Theo đó, các quyền KTXHVH, bao gồm quyền lao động, quyền sở hữu, quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở, quyền giáo dục, quyền được bảo đảm mức sống phù hợp, quyền nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế…
Nội dung bảo đảm quyền kinh tế, xã hội, văn hoá ở Việt Nam được cụ thể trong các quyền tiêu biểu nhất như:

– Bảo đảm quyền làm việc: Bên cạnh việc thiết lập một hành lang pháp lý, từ khi đổi mới đến nay, Nhà nước đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách, chương trình kinh tế – xã hội nhằm thúc đẩy việc bảo đảm quyền làm việc, tập trung vào việc mở mang, phát triển các ngành nghề tại các địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nghề và xuất khẩu lao động

– Bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục: Ngay từ khi mới giành được độc lập, Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến quyền được tiếp cận với giáo dục của nhân dân. Quan điểm này được thể chế hoá trong Điều 35 Hiến pháp năm 1992: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đây là cơ sở tư tưởng cho việc hiện thực hóa quyền được tiếp cận với giáo dục của nhân dân trong thời kỳ mới. Bên cạnh quy định kể trên, Hiến pháp năm 1992 cũng xác định nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền này (Điều 36). Trên cơ sở đó, một loạt các văn bản pháp luật khác được ban hành nhằm cụ thể hoá việc bảo đảm quyền được tiếp cận với giáo dục, trong đó quan trọng nhất là Luật Giáo dục (1998).

– Bảo đảm quyền được chăm sóc y tế: Từ khi đổi mới đến nay, cũng giống như các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác, có sự chuyển đổi về hướng tiếp cận việc bảo đảm quyền được chăm sóc y tế từ chế độ bao cấp hoàn toàn của Nhà nước sang hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ y tế, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe.

– Quyền được bảo đảm xã hội: Từ khi đổi mới, Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới chính sách bảo đảm xã hội theo hướng mọi người lao động và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ đóng góp BHXH, tách quỹ BHXH với công nhân, viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương ra khỏi ngân sách theo hướng xã hội hoá công tác BHXH. Điều 56 Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ BHXH đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương, khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động. Ban hành Luật BHXH (2006), hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 đối với BHXH bắt buộc, từ ngày 1/1/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ ngày 1/1/2009 đối với bảo hiểm thất nghiệp.

Thành công nổi bật nhất trong việc thực hiện quyền được bảo đảm xã hội ở nước ta từ khi đổi mới đến nay là việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo – một chủ trương và quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Xuất phát từ quan điểm: Vấn đề nghèo khó không được giải quyết thì không có một mục tiêu nào mà cộng đồng quốc tế, cũng như quốc gia đặt ra như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, hoà bình, ổn định, bảo đảm các quyền con người được thực hiện, Nhà nước ta đã coi Chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong bảy chương trình mục tiêu quốc gia và đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn nhân lực, vật lực cho chương trình này.

3. Bảo đảm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là gì?

Bảo đảm quyền KTXHVH có thể hiểu là việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, xã hội nhằm tạo ra các tiền đề, điều kiện cần thiết để mọi người thực hiện được các quyền KTXHVH của mình đã được pháp luật ghi nhận trên thực tế.

Như vậy, bảo đảm quyền KTXHVH bao hàm bảo đảm từ việc tiến hành xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cả việc bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật đó trên thực tế. Trong đó, bảo đảm pháp lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện các quyền KTXHVH cũng như các quyền khác trên thực tế.

4. Các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa

Các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền KTXHVH…, trước hết và chủ yếu là Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, thực hiện các biện pháp về thể chế lập pháp, hành pháp, tư pháp và về quản lý chính trị, KTXHVH để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về QCN trong hoạt động của Nhà nước và các hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, đặc biệt trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhằm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, KTXHVH. Việc bảo đảm tốt các quyền KTXHVH nói riêng, QCN nói chung sẽ giúp giảm thiểu, ngăn ngừa những mâu thuẫn trong xã hội, đồng thời củng cố tình đoàn kết, phát huy dân chủ và thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của đất nước.

5. Thực trạng đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam hiên nay

Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ̣ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Việc nâng cao chất lượng thụ hưởng các QCN nói chung, quyền KTXHVH nói riêng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, việc hạn chế QCN, quyền công dân chỉ thuộc về Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, không thuộc về bất kỳ một chủ thể nào khác và không trong bất kỳ trường hợp nào khác.

Trên cơ sởHiến pháp năm 2013, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, để bảo đảm các quyền KTXHVH ở nước ta, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, cụ thể: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đầu tư năm 2018, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… Gần đây, Chính phủ ban hành các văn bản như: Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 hướng dẫn thi hành Luật Người cao tuổi; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng…

Quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh đã được cụ thể hóa trong hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014… Từ đó cho thấy, Nhà nước ta luôn ưu đãi, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do kinh doanh. Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp (DN) đã không ngừng tăng lên. Qua số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 126,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.574,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.137,1 nghìn lao động, tăng 4,5% về số DN, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 36,9 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2019 lên 163,6 nghìn DN.

Đối với quyền được bảo đảm an sinh xã hội, Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương đặt chính sách bảo đảm an sinh xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế, phù hợp nguồn lực trong từng thời kỳ. Hệ thống chính sách an sinh xã hội được thực hiện theo 3 nhóm: nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, tập trung vào việc làm bền vững; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro; nhóm chính sách khắc phục rủi ro. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói, giảm nghèo, phát triển con người cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động, chúng ta đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này. Điển hình như: Luật Việc làm năm 2013, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi năm 2018), Bộ luật Lao động năm 2019… cùng hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Đối với các quyền về văn hóa, đặc biệt đã chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, khuyến khích, cổ vũ tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về văn hóa từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, điển hình như: Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009), Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Xuất bản năm 2012, Luật Thư viện năm 2019

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)