1. Bảo hiểm tài sản là gì ?
Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm cho giá trị tài sản.
Bảo hiểm tài sản là hình thức bảo hiểm xuất hiện sớm nhất trong các loại bảo hiểm. Tài sản được bảo hiểm gồm: vật có thực như nhà cửa, máy móc, phương tiện vận tải, các loại hàng hoá, súc vật, mùa màng…, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bảo hiểm cho các trường hợp tài sản bị giảm hoặc mất giá trị do rủi ro xâm hại mà không bảo hiểm cho trường hợp do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Các rủi ro trong đời sống xã hội thường được bảo hiểm. Bảo hiểm tài sản sẽ đảm bảo trong những trường hợp có nguy cơ thiệt hại bao gồm thiệt hại do cháy, khói, gió, sét đánh, trộm cắp và nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, bảo hiểm tài sản cũng cung cấp bảo hiểm trách nhiệm trong trường hợp một người nào đó ngoài chủ sở hữu tài sản hoặc người thuê tài sản bị thương khi đang sử dụng tài sản, kèm theo đó là họ quyết định kiện ra tòa.
Hợp đồng bảo hiểm tài sản mang đặc tính của hợp đồng bồi thường. Số tiền mà bên bảo hiểm trả cho người có tài sản được bảo hiểm trong mọi trường hợp không vượt quá giá trị tài sản được bảo hiểm tại thời điểm và nơi xảy ra tai nạn.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận để hưởng bảo hiểm bất chính, pháp luật Việt Nam cũng như các nước khác đều quy định nghĩa vụ trung thực của người tham gia bảo hiểm khi xác định giá trị của tài sản bảo hiểm. Nếu người tham gia bảo hiểm có sự gian dối trong việc xác định giá trị của tài sản bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và đòi bồi thường các chỉ phí liên quan.
Trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bằng nhiều hợp đồng bảo hiểm với nhiều bên bảo hiểm thì khi xảy ra thiệt hại, tổng số tiền bảo hiểm mà các bên bảo hiểm chỉ trả không vượt quá giá trị thực tế của tài sản được bảo hiểm.
2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản
Khái niệm, đối tượng:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là hợp đồng sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, cam kết giữa công ty bảo hiểm đối với bên mua là cá nhân hay tổ chức kinh doanh về quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Trong đó, bên mua có trách nhiệm thực hiện đúng theo các quy định của những điều khoản và quy tắc hợp đồng đề ra, bên công ty bảo hiểm phi nhân thọ có trách nhiệm quản lý và bồi thường bảo hiểm tài sản theo đúng thỏa thuận ghi trong hợp đồng và pháp luật.
Theo điều 40 luật kinh doanh bảo hiểm 2000, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
3. Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị
Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm có định nghĩa và quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị như sau:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm.
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị
Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm có định nghĩa và quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị như sau:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
– Hợp đồng bảo hiểm trùng
Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm có định nghĩa và quy định về hợp đồng bảo hiểm trùng như sau:
Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
4. Căn cứ bồi thường và hình thức bồi thường
Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 có quy định cụ thể:
“Điều 46. Căn cứ bồi thường
1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.”
Hình thức bồi thường
Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:
– Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;
– Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;
– Trả tiền bồi thường.
Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền.
Trong trường hợp bồi thường theo những trường hợp thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác và trả tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.
Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn
Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 có quy định cụ thể:
“Điều 49. Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn
1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.”
5. Các quy định về an toàn
Theo điều 50 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về việc áp dụng biện pháp an toàn thì:
Người được bảo hiểm phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế rủi ro.
Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm khi được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tục bồi thường bảo hiểm tài sản
Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, bên mua có quyền yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường bảo hiểm tài sản theo quy định hợp đồng đã ký kết. Bên mua cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản như sau:
– Giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản
– Hợp đồng bảo hiểm tài sản đã ký kết
– Giấy chứng nhận đầy đủ về điều kiện phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy
– Biên bản giám định của bên công ty bảo hiểm hoặc người được công ty bảo hiểm ủy quyền
– Biên bản giám định nguyên nhân tổn thất của đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác hoặc các bằng chứng chứng minh thiệt hại
– Bản kê khai tổn thất và giấy tờ chứng minh tổn thất
Thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm tài sản và các sự kiện liên quan như sau:
– Thời hạn bên mua yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có nguyên nhân khách hàng hoặc bất khả kháng theo đúng quy định của pháp luật.
– Thời hạn công ty bảo hiểm phải bồi thường hoặc từ chối bồi thường bảo hiểm tài sản cho bên mua là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ bảo hiểm.
– Thời hiệu khởi kiện tranh chấp (nếu có) giữa hai bên là 3 năm kể từ phát sinh tranh chấp.
Phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm. Thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Phí bảo hiểm có thể đóng một lần hoặc theo định kỳ. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí bảo hiểm theo định kỳ thì bên bảo hiểm ấn định một thời hạn để bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm; nếu hết thời hạn đó mà bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng chấm dứt.
Giám định tổn thất
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm
Trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)