1. Bảo hiểm tài sản là gì?
Bảo hiểm tài sản là một loại bảo hiểm thuộc nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, đã được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Theo đó, phía công ty bảo hiểm sẽ tiến hành thu phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm và cam kết bồi thường cho bên được bảo hiểm khi tài sản bảo hiểm gặp rủi ro trong phạm vi bảo hiểm dẫn đến tổn thất.
Bảo hiểm tài sản là hình thức bảo hiểm cho các đối tượng là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
Các hình thức bồi thường dành cho bảo hiểm tài sản bao gồm trả tiền mặt bằng giá trị, thay thế hoặc sửa chữa tài sản nếu có khả năng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp khách hàng đều được trả tiền mặt để bồi thường.
2. Đặc điểm của bảo hiểm tài sản
– Đối tượng bảo hiểm là tài sản bao gồm: Vật có thực, tiền, các giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền về tài sản.
– Bên mua bảo hiểm phải chứng minh được quyền lợi được bảo hiểm.
– Quan hệ bảo hiểm tài sản là quan hệ bồi thường
– Trách nhiệm trả tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) giới hạn trong phạm vi giá trị của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm và nơi xảy ra tổn thất.
– Phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ % trên giá trị của tài sản bảo hiểm
– Trách nhiệm trả tiền bồi thường bảo hiểm của DNBH phát sinh khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
– Trong bảo hiểm việc áp dụng chế định chuyển yêu cầu đòi bồi hoàn là bắt buộc
3. Mục đích của bảo hiểm tài sản
Mục đích của bảo hiểm tài sản là giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phòng ngừa những rủi ro có thể bất ngờ xảy đến trong tương lai mà chúng ta không thể nào dự báo trước được hết nhằm hạn chế tổn thất, bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của người tham gia bảo hiểm.
Khi xảy ra rủi ro, sự cố thuộc phạm vi bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm theo các khoản mục được đưa ra trong hợp đồng bảo hiểm.
Tùy vào mức bảo hiểm bạn tham gia mà các khoản bồi thường có thể lên đến tổng toàn bộ giá trị tài sản bị thiệt hại của bạn. Điều này phần nào giúp bạn san sẻ gánh nặng tài chính và những áp lực phải đối mặt và có thể yên tâm tập trung khắc phục hậu quả sau khi xảy ra rủi ro.
4. Các loại bảo hiểm tài sản
4.1. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Trong số 25 loại bảo hiểm phổ biến hiện nay, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là loại hợp đồng bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu thiết thực nhất cho cá nhân, tổ chức nộp bảo hiểm và thực hiện đúng theo yêu cầu pháp lý theo Nghị định số 130 của Chính phủ, Thông tư số 220 của Bộ Tài Chính.
Đối tượng bảo hiểm tài sản nhà cửa, công trình kiến trúc, không bao gồm nền móng, giá trị đất đai, thiết bị máy móc, hàng hóa lưu kho và các tài sản khác.
Phạm vi bảo hiểm bao gồm các tổn thất vật chất, tài sản được quy định rõ trong hợp đồng đã thỏa thuận trước, thiệt hại do nguyên nhân cháy nổ không lường trước.
4.2. Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt
Trong nhiều trường hợp, tài sản không hẳn là do cháy thông thường mà với bảo hiểm này, chủ doanh nghiệp sẽ còn được đảm bảo khắc phục bồi thường mất mát tài sản bởi những rủi ro đặc biệt khác.
Đối tượng tham gia bảo hiểm tài sản này bao gồm: tài sản, vật tư, kho hàng, nguyên vật liệu, trụ sở, nhà cửa của các xí nghiệp, trung tâm thương mại, khách sạn, các văn phòng dịch vụ thương mại.
Phạm vi bảo hiểm gồm có do các rủi ro cháy nổ, máy bay rơi, đình công, hành động ác ý, động đất, giông bão, lũ lụt, thiệt hại do nước tràn ra bể chứa, đường ống dẫn nước bị vỡ, đâm vào xe cơ giới hay động vật.
4.3. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh
Đây là giải pháp tối ưu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm hạn chế tối đa các rủi ro khi công việc kinh doanh, sản xuất bị ngưng trệ do thiệt hại tài sản hoặc một số tài sản đang được hưởng bảo hiểm. Với loại hình bảo hiểm này, chủ doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tồn tại, vực dậy thành công sau thất bại.
Đối tượng bảo hiểm tài sản phục vụ cho những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang bị ngưng trệ, gián đoạn do lợi nhuận mất đi.
Phạm vi bảo hiểm quy định người được bảo hiểm vẫn phải tiếp tục chi trả trong khi hoạt động kinh doanh gặp vấn đề trục trặc hoặc bị ảnh hưởng bởi sự cố tổn thất tài sản. Lợi nhuận và chi phí cố định sẽ được xem là nền tảng cụ thể xác định số tiền bảo hiểm.
4.4. Bảo hiểm mọi rủi ro văn phòng
Nhằm giảm thiểu một cách tối đa tổn thất kinh tế cho văn phòng làm việc của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bảo hiểm mọi rủi ro văn phòng áp dụng cho các đối tượng là tòa nhà, tài sản văn phòng và một số tài sản cố định. Các đối tượng này phải được đặt trong phạm vi lãnh thổ, được bảo hiểm nếu xảy ra sự cố, tổn thất bất ngờ, chi phí sửa chữa cũng như một số chi phí theo đúng thủ tục.
4.5. Bảo hiểm hỏa hoạn nhà tư nhân
Giá trị bồi thường bảo hiểm tài sản cố định, kiến trúc, tài sản bên trong nhà được lắp đặt cố định hoặc không cố định tương đương với giá trị tổn thất, rủi ro bất ngờ do nguyên nhân cháy nổ, sét đánh, lũ lụt hay tiền thuê nhà thất thu.
4.6. Các loại bảo hiểm khác
Ngoài các loại bảo hiểm tài sản phổ biến trên đây thì các bạn cũng có thể tham khảo các gói bảo hiểm hữu ích như sau:
– Bảo hiểm trộm cắp
– Bảo hiểm lòng trung thành
– Bảo hiểm tiền
– Bảo hiểm nhà chung cư
5. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản
5.1. Căn cứ bồi thường
Việc bồi thường cho người tham gia bảo hiểm tài sản sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là kết luận nguyên nhân và mức độ thiệt hại do giám sát viên kiểm định, từ đó xác định sự kiện bảo hiểm có nằm trong điều khoản ký kết trong hợp đồng hay không. Nếu như chúng thuộc điều khoản thì cần tuân thủ Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên mua.
Nội dung đầu tiên đó là số tiền bồi thường tùy vào giá thị trường tài sản tại thời điểm xảy ra sự cố, mức độ thiệt hại, trừ các trường hợp không có trong thỏa thuận.
Tiếp theo đó là số tiền bồi thường không vượt quá với phí bảo hiểm tài sản bạn đóng, tùy vào việc có yêu cầu phát sinh khác trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm cũng phải chi trả cho người nhận những chi phí khắc phục, hạn chế tổn thất, đề phòng thiệt hại tối đa theo chỉ dẫn.
5.2. Hình thức bồi thường
Áp dụng theo nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản, hình thức bồi thường có thể xảy ra 3 trường hợp cụ thể. Nếu như đã có sự đồng nhất ý kiến về hình thức bồi thường: sửa chữa tài sản thiệt hại, thay thế tài sản bằng tài sản khác và trả tiền bồi thường. Nếu không thỏa thuận được giữa bên mua và bên bán thì trả tiền bồi thường. Trong trường hợp áp dụng việc bồi thường theo các quy định điểm b, điểm c khoản 1 của Luật kinh doanh bảo hiểm thì công ty bảo hiểm được phép thu hồi tài sản đã bị thiệt hại ngay sau khi đã bồi thường hoàn thành theo giá thị trường.
5.3. Giám định tổn thất
Giám định tổn thất sau sự kiện bảo hiểm sẽ xác định được nguyên nhân, mức độ tổn thất, từ đó đề xuất phương án bồi thường và số tiền chi trả hợp lý. Nếu như bên bán và bên mua bảo hiểm không thống nhất ý kiến thì có thể thực hiện việc trưng cầu thông qua giám định viên độc lập. Nếu vẫn không thể giải quyết được vấn đề bồi thường thì một trong hai bên được phép yêu cầu tòa án tại nơi cư trú hay nơi xảy ra tổn thất chỉ định thay thế giám định viên khác. Lưu ý, kết luận giám định của giám định viên sau cùng này sẽ là điều bắt buộc hai bên cần tuân thủ.
5.4. Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi thường
Nếu như tài sản bị thất thoát do người thứ 3 có lỗi thì người được bảo hiểm cũng sẽ được công ty bảo hiểm chi trả, sau đó người được bảo hiểm sẽ chuyển quyền yêu cầu đến người thứ 3 phải bồi hoàn lại khoản tiền đã nhận từ phía công ty bảo hiểm.
Nếu người hưởng lợi bảo hiểm không nhận chuyển quyền cho công ty hoặc không bảo lưu thì công ty được quyền khấu trừ số tiền đã bồi thường tùy thuộc vào mức độ lỗi sự kiện.
Công ty bảo hiểm không được phép yêu cầu người thân người hưởng bảo hiểm bồi hoàn lại khoản tiền công ty đã bồi thường cho sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp cố ý gây tổn thất.
6. Hợp đồng bảo hiểm tài sản
6.1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là gì?
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là văn bản thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm tài sản phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro với tài sản được bảo hiểm. Đối tượng tài sản được bảo hiểm bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
6.2. Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản
Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản phổ biến bao gồm:
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm trùng: Là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm
6.3. Nội dung hợp đồng bảo hiểm tài sản
– Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
– Đối tượng bảo hiểm;
– Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
– Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
– Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
– Thời hạn bảo hiểm;
– Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
-Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
– Các quy định giải quyết tranh chấp;
– Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.