1. Bảo hiểm thương mại là gì?
Bảo hiểm thương mại trong tiếng Anh là Commercial insurance.
Bảo hiểm thương mại là loại hình bảo hiểm được tạo ra bởi các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua các hợp đồng bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm phải có trách nhiệm đóng các khoản tiền gọi là phí bảo hiểm để duy trì hợp đồng, và được công ty bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường khi xảy ra sự kiện như trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Đặc trưng cơ bản của bảo hiểm thương mại
– Bảo hiểm thương mại (BHTM) là một cam kết giữa hai bên trên cơ sở hợp đồng (hợp đồng bảo hiểm) giữa bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm.
– Bên bảo hiểm (hay còn gọi là người bảo hiểm) có thể là một doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là người cung cấp sự bảo đảm sẽ trả tiền hay bồi thường nếu sự kiện (hay rủi ro) được bảo hiểm xảy ra gây tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
– Bên được bảo hiểm là bên nhận được sự bảo đảm từ người bảo hiểm và đổi lại phải đóng phí bảo hiểm. Thực chất, sẽ có ba chủ thể hiện diện khi nói đến bên được bảo hiểm, đó là người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.
– Cam kết bảo hiểm được thực hiện dựa trên nguyên tắc số đông bù số ít, nghĩa là việc bồi thường hay trả tiền bảo hiểm của người bảo hiểm phải dựa vào một quĩ tài chính được hình thành từ các khoản phí bảo hiểm đã được nộp (quĩ bảo hiểm) bởi rất nhiều người tham gia bảo hiểm.
3. Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm thương mại
Hoạt động của bảo hiểm thương mại cũng giống như các loại bảo hiểm khác đó là “sự đóng góp của số đông vào sự bất hạnh của số ít” trên cơ sở quy tụ nhiều người tham gia để giúp đỡ những người bất hạnh. Số người tham gia càng đông thì mức phí bảo hiểm phải đóng càng nhỏ, nếu như hết hợp đồng mà không xảy ra tai nạn để được bồi thường thì nó sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người tham gia. Những người tham gia bảo hiểm không thể và cũng không cần biết nhau, họ chỉ biết các doanh nghiệp bảo hiểm là người nhận phí bảo hiểm thông qua hợp đồng và cam kết sẽ bồi thường cho họ khi có rủi ro tổn thất xảy ra.
4. Vai trò của bảo hiểm thương mại
Sự ra đời và phát triển của bảo hiểm thương mại ngày càng cho thấy rõ vai trò kinh tế xã hội vô cùng to lớn mà hoạt động này mang lại cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và cho toàn xã hội.
– Góp phần ổn định tài chính cho người tham gia bảo hiểm, từ đó ổn dịnh đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc bồi thường chi trả đúng lúc, đúng mức cho bên được bảo hiểm khi không may gặp rủi ro đã giúp cho họ khắc phục được hậu quả rủi ro một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bồi thường bảo hiểm hay trả tiền bảo hiểm giúp cho bên được bảo hiểm có thể bảo toàn vốn và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh; giúp người được bảo hiểm hồi phục sức khoẻ và khả năng lao động…
– Góp phần đề phòng, hạn chế tổn thất, giúp cho cuộc sống con người an toàn hơn, xã hội trật tự hơn, giảm bớt nỗi lo cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức.
Vai trò này thể hiện rõ qua việc các DNBH thực hiện đề phòng hạn chế tổn thất (ví dụ như hỗ trợ tài chính cho mở đường lánh nạn, phối hợp mở các đợt hội thao phòng cháy chữa cháy, tham gia công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ thuỷ thủ, thuyền viên…)
– Góp phần ổn định chi tiêu của ngân sách Nhà nước qua cơ chế tăng tích luỹ và tiết kiệm chi cho ngân sách Nhà nước.
+ Tăng tích luỹ: Hàng năm các công ty bảo hiểm đều phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước.
+ Tiết kiệm chi: Khi có rủi ro bất thường xảy ra gây thiệt hại lớn, trên diện rộng cho con người và tài sản thì đã có quĩ bảo hiểm sẵn sàng chi trả. Điều này giúp cho ngân sách Nhà nước đỡ bị động với những khoản chi lớn bất thường để khắc phục thiệt hại nhưng lại gây ảnh hưởng đến kế hoạch chi hàng năm.
– Góp phần phát triển thị trường tài chính, phát triển sản xuất ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Hoạt động bảo hiểm đã huy động được một lượng tiền vốn rất lớn vẫn nằm rải rác, phân tán trong dân cư.
Số tiền này trong thời gian tạm thời “nhàn rỗi” sẽ được đem đầu tư. Có thể nói, quĩ bảo hiểm đã cung cấp một nguồn vốn đáng kể cho hoạt động đầu tư trong nền kinh tế.
– Góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp, cả thất nghiệp tự nhiên và thất nghiệp trá hình.
5. Các loại hình bảo hiểm thương mại
5.1. Bảo hiểm tài sản
Đối tượng của bảo hiểm tài sản là tài sản nhằm bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro gây tổn thất cho tài sản như mất cắp, cháy nổ, đâm va, hỏng hóc do thiên tai…
Đặc điểm | Bảo hiểm tài sản |
Đối tượng được bảo hiểm | Tài sản, ví dụ nhà cửa, ô tô, xe máy, hàng hóa, trang thiết bị máy móc, nhà xưởng… |
Thời hạn bảo hiểm | Thường là một năm (12 tháng), tái tục hàng năm để tiếp tục hưởng quyền lợi. |
Thời hạn đóng phí | Đóng một lần duy nhất cho mỗi lần mua |
Đáo hạn hợp đồng | Không có |
Các loại bảo hiểm tài sản trong bảo hiểm thương mại
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, các loại bảo hiểm tài sản thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:
+ Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại
+ Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không
+ Bảo hiểm hàng không
+ Bảo hiểm xe cơ giới
+ Bảo hiểm cháy, nổ
+ Bảo hiểm thân tàu
+ Bảo hiểm trách nhiệm
+ Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính
+ Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh
+Bảo hiểm nông nghiệp
5.2. Bảo hiểm con người
Bảo hiểm con người bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe đều bảo hiểm cho đối tượng là sức khỏe, thân thể và tính mạng con người. Các trường hợp được bảo hiểm được quy định trong hợp đồng bảo hiểm bao gồm ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thương tật, bệnh hiểm nghèo hoặc chăm sóc sức khỏe.
Đặc điểm | Bảo hiểm sức khỏe | Bảo hiểm nhân thọ |
Đối tượng được bảo hiểm | Sức khỏe, thân thể và tính mạng con người | |
Mục đích | Chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tài chính trước các rủi ro | Dự phòng tài chính trước các rủi ro không lường trước, chăm sóc sức khỏe và tích lũy, đầu tư cho tương lai |
Thời hạn bảo hiểm | Thường là một năm (12 tháng), tái tục hàng năm để tiếp tục hưởng quyền lợi. | Linh hoạt: 10 năm, 20 năm… hoặc trọn đời. |
Thời hạn đóng phí | Đóng một lần duy nhất cho mỗi lần mua | Linh hoạt: 8 năm 10 năm… hoặc bằng thời hạn hợp đồng. Định kỳ đóng phí theo tháng/quý/nửa năm/năm. |
Đáo hạn hợp đồng | Không có tiền đáo hạn | Nhận tiền đáo hạn khi hết thời hạn hợp đồng hoặc khi xảy ra rủi ro kết thúc hợp đồng, hoặc dừng hợp đồng giữa chừng. |
Các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe
+ Bảo hiểm tai nạn con người
+ Bảo hiểm y tế
+ Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe
Các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ
+ Bảo hiểm trọn đời
+ Bảo hiểm sinh kỳ
+ Bảo hiểm tử kỳ
+ Bảo hiểm hỗn hợp
+ Bảo hiểm trả tiền định kỳ
+ Bảo hiểm liên kết đầu tư
+ Bảo hiểm hưu trí
5.3. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm hay nghĩa vụ bồi thường. Thông thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự được thực hiện dưới hình thức bắt buộc.
Đặc điểm | Bảo hiểm trách nhiệm dân sự |
Đối tượng được bảo hiểm | Trách nhiệm hay nghĩa vụ bồi thường |
Thời hạn bảo hiểm | Thường là một năm (12 tháng), tái tục hàng năm để tiếp tục hưởng quyền lợi. |
Thời hạn đóng phí | Thường là đóng một lần duy nhất cho mỗi lần mua, hoặc đóng thành nhiều kỳ |
Đáo hạn hợp đồng | Không có |
Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
+Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe máy
+Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba
+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách trên xe
+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách
+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển
+ Bảo hiểm trách nhiệm đối với hàng hóa vận chuyển trên xe
+ Bảo hiểm trách nhiệm đối với sản phẩm và của chủ lao động đối với người lao động
6. Phân biệt bảo hiểm xã hội với bảo hiểm thương mại
TIÊU CHÍ |
BẢO HIỂM THƯƠNG MẠI |
BẢO HIỂM XÃ HỘI |
Bản chất |
Hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước |
Tập trung trong tay một hệ thống thống nhất từ trung ương đến địa phương |
Chủ thể tiến hành và địa vị pháp lý |
– Các doanh nghiệp, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. – Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân |
– Bảo hiểm xã hội Việt Nam – Cơ quan nhà nước |
Nguyên tắc hoạt động |
Tự nguyện, trừ trường hợp bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, tàu đánh cá |
Đa số là bắt buộc với người làm công ăn lương trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và các loại hình doanh nghiệp |
Phương pháp hạch toán |
Kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận |
Lấy thu bù chi, không nhằm mục đích lợi nhuận. |
Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm |
Đóng góp của người được bảo hiểm và lãi từ hoạt động đầu tư |
Đóng góp của người mua bảo hiểm, từ ngân sách nhà nước và tiền ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước |
Đối tượng bảo hiểm |
Con người, tài sản, trách nhiệm dân sự |
Con người |
Phí bảo hiểm |
Do doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm thoả thuận |
Do nhà nước quy định theo 1 mức nhất định, các bên không được thoả thuận |
Điều kiện tham gia bảo hiểm |
Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào |
Người lao động hoặc người sử dụng lao động |
Luật điều chỉnh |
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 , sửa đổi bổ sung 2010 |
Bộ luật Lao động 2012, Luật bảo hiểm xã hội 2014 |
7. Pháp luật về bảo hiểm thương mại
– Pháp luật bảo hiểm thương mại trong tiếng Anh là Commercial insurance law.
Pháp luật bảo hiểm thương mại (Commercial insurance law) là tập hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, quản lí, sử dụng các quĩ bảo hiểm thương mại.
– Phân loại pháp luật bảo hiểm thương mại
Căn cứ vào mối quan hệ giữa trách nhiệm bảo hiểm và rủi ro, bảo hiểm được chia thành bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Do vậy, pháp luật bảo hiểm thương mại được cấu thành bởi pháp luật bảo hiểm nhân thọ và pháp luật bảo hiểm phi nhân thọ.
+ Pháp luật bảo hiểm nhân thọ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, quản lí, sử dụng quĩ bảo hiểm nhân thọ mà việc trả tiền của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh khi có sự kiện tiếp tục sống đến thời hạn xác định hoặc có sự kiện chết của người được bảo hiểm.
+ Pháp luật bảo hiểm phi nhân thọ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, quản lí, sử dụng quĩ bảo hiểm phi nhân thọ mà việc trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh khi có rủi ro xâm hại đối tượng bảo hiểm
.- Nội dung chủ yếu của pháp luật bảo hiểm thương mại
+ Qui định nội dung, cách thức, trình tự tạo lập quĩ bảo hiểm thương mại
Quĩ bảo hiểm thương mại của doanh nghiệp bảo hiểm được tạo lập từ nhiều nguồn khác nhau, đó là: Nguồn vốn chủ sở hữu; nguồn phí bảo hiểm do các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm góp; nguồn vốn phát sinh từ hoạt động đầu tư quĩ bảo hiểm; nguồn vốn huy động của doanh nghiệp bảo hiểm và các nguồn vốn khác.
+ Qui định nội dung, trình tự, thủ tục sử dụng quĩ bảo hiểm thương mại
Quĩ bảo hiểm thương mại được doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng đáp ứng yêu cầu kinh doanh của mình, trong đó, trước hết và chủ yếu là trả tiền bảo hiểm theo qui định và theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
Quĩ bảo hiểm còn được sử dụng để đầu tư sinh lời. Việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm
+ Qui định các phương thức, cách thức quản lí quĩ bảo hiểm thương mại
Nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền) còn trực tiếp thực hiện một số hoạt động thanh tra tài chính theo qui định của pháp luật.
+ Qui định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể quan hệ bảo hiểm thương mại, trong đó qui định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
+ Qui định loại nghiệp vụ bảo hiểm thương mại
+ Qui định sự kiện bảo hiểm