1. Nội dung bảo trợ nhân quyền

Nhân quyền là quyền lợi quan trọng không thể xâm phạm, tuy nhiên trong hiện thực, có nhiều vi phạm nhân quyền khác nhau xảy ra hàng ngày. Trong trường hợp xảy ra sự vi phạm nhân quyền, người bị hại phải được cứu trợ. Câu châm ngôn pháp lý “ở đâu có quyền ở đó có cứu trợ” đã thể hiện rằng nếu quyền không đi kèm với sự bảo trợ khi bị vi phạm thì quyền đó cũng là vô nghĩa.

Vậy khi bị vi phạm quyền con người thì cần thiết phải có sự bảo trợ như thế nào? Người bị vi phạm nhân quyền là người bị người khác làm tổn thương về phẩm giá con người, bị làm cản trở sinh tồn của nhân cách, cho nên trước hết cần loại bỏ tổn hại rồi sau đó khôi phục quyền lợi, lợi ích và phẩm giá cho người bị hại. Vì thế bảo trợ nhân quyền trước hết là phải loại bỏ hành vi xâm phạm nhân quyền, bồi thường tổn hại, bù đắp lợi ích đã mất, khôi phục tính quan hệ giữa hai bên bằng việc xin lỗi của người gây hại đối với người bị hại. Hơn nữa, chế tài đối với người gây hại cũng là một loại chính sách bảo trợ. Ngoài ra, theo nghĩa rộng, những nỗ lực nhằm phòng chống vi phạm nhân quyền trong tương lai như giáo dục nhân quyền, tuyên truyền phổ biến nhân quyền cũng thuộc phạm trù bảo trợ nhân quyền.

2. Bảo trợ nhân quyền thông qua con đường tư pháp

Khi bàn về Quyền con người, Ayn Rand định nghĩa rất xác đáng rằng “Quyền con người là điều kiện mà bản chất con người đòi hỏi để tồn tại một cách thích đáng”. Bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ của bất cứ nhà nước pháp quyền và không chỉ dừng lại ở những tuyên bố chính trị, ghi nhận trong pháp luật mà còn có cơ chế bảo vệ cụ thể và mục đích cuối cùng là thực hiện việc bảo vệ quyền con người trong thực tiễn. Bảo vệ quyền con người có nhiều cơ chế khác nhau. Trong các nhà nước cận đại, bảo trợ nhân quyền truyền thông là vai trò của tòa án. Vì thế, người ta thường dành cho toà án tính độc lập cao và kỳ vọng ở tòa án chức năng vọng gác của nhân quyền, người trông coi hiến pháp.

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án chính là cách thức, phương thức mà tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật thực hiện việc xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền con người và giải quyết các tranh chấp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này khác với cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính, hay cơ chế bảo vệ xã hội.

3. Đặc điểm của cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án có những đặc điểm riêng phân biệt với các cơ chế bảo vệ khác. Những đặc điểm riêng này do bản chất, chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí của tòa án quy định. Những đặc điểm đó là:

– Cơ chế bảo vệ quyền con người của tòa án được được các tòa án áp dụng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này xuất phát từ tính đa dạng và phức tạp của quyền con người khi nó hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống mà không thể có sự phân biệt đối xử các quyền con người với nhau, không thể nói quyền nào quan trọng hơn quyền nào. Bên cạnh đó, chức năng của tòa án trong nhà nước pháp quyền là giải quyết mọi các tranh chấp tranh chấp trong xã hội (tội phạm xét cho cùng cũng là việc tranh chấp giữa nhà nước và người phạm tội). Đây là điểm khác biệt giữa cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính. Từ góc độ này có thể nói, thẩm quyền của tòa án càng rộng, càng bao trùm tất cả các lĩnh vực khác nhau thì quyền con người càng được bảo vệ tốt nhất bằng con đường tòa án.

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án được thực hiện thông qua con đường tố tụng. Tố tụng là toàn bộ trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án tại tòa án. Tố tụng bao gồm tố tụng hình sự và tố tụng phi hình sự khác như dân sự, hành chính. Quá trình bảo vệ quyền con người bằng tòa án có thể bắt đầu ngay từ tòa án như việc giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính, cũng có thể là quy trình có sự tham gia của nhiều cơ quan qua nhiều giai đoạn khác nhau như việc giải quyết các vụ án hình sự. Chính vì vậy, cũng có thể nói bảo vệ quyền con người bằng con đường tòa án hay bảo vệ quyền con người bằng con đường tư pháp. Tuy nhiên, điểm cuối cùng của cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường tòa án (hay tư pháp) vẫn là phán quyết của tòa án và đảm bảo thi hành phán quyết đó.

– Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án là cơ chế pháp lý. Việc quy định tổ chức, thẩm quyền, quy tắc vận hành của hệ thống tòa án, cách hành xử của nhân viên tư pháp và thẩm phán; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào cơ chế này đều do pháp luật quy định và đảm bảo thực hiện.

– Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án chính là cơ chế hoạt động của hệ thống tòa án. Nói cách khác, bảo vệ quyền con người bằng tòa án – từ quy định của pháp luật đến thực tiễn vận hành xoay quanh trục chính là hoạt động của các tòa án và được quy định bằng chính những yếu tố bản chất, đặc thù của cơ quan này và làm nên sự khác biệt với các cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính hay bằng hoạt động của các tổ chức xã hội. Đó chính là vấn đề độc lập xét xử của tòa án. Đặc điểm này được giải thích: “Nếu nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp thường được tổ chức và vận hành thoe mục tiêu công quyền thì tòa án được tổ chức vận hành theo mục tiêu vì công lý. Vì vậy, tư pháp độc lập sẽ là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa sự xâm hại trái pháp luật vào các quyền con người”6 . Bảo vệ quyền con người được đặt ra khi có sự xâm phạm từ cá nhân trong xã hội và từ phía công quyền. Mục đích xử lý tội phạm, giải quyết tranh chấp chỉ đạt đến công lý và bảo vệ được quyền con người chỉ được thực hiện bằng cơ chế tòa án khi vấn đề độc lập xét xử của tòa án được đảm bảo. Hệ thống tòa án được tổ chức và hoạt động nhằm bảo vệ công quyền hay bảo vệ quyền con người cũng là câu hỏi cần được giải đáp khi nghiên cứu cơ chế bảo vệ quyền con người bừng tòa án.

4. Những hạn chế của việc bảo trợ quyền con người thông qua con đường tư pháp

Người ta cũng sớm phát hiện thấy những điểm hạn chế trong bảo trợ nhân quyền của toà án.

Thứ nhất, việc phán xử của toà án thường rất tốn kém về thời gian, đi đôi với gánh nặng về kinh tế, về tâm lý… nên vì thế không thể thực hiện bảo trợ một cách đơn giản được. Phán xử thông thường phải mất vài tháng, có khi vài năm, và chi phí cũng rất tốn kém, bao gồm nhiều khoản như phí tố tụng, phí Luật sư của LVN Group… Hơn nữa, ở Việt Nam có câu châm ngôn “chờ được vạ thì má đã sưng” cho thấy ấn tượng về tòa là khá tiêu cực, những người muốn trông đợi công lý ở tòa án cần phải giác ngộ trước khi đi kiện. Người bị vi phạm nhân quyền thì hầu hết đều là người yếu thế trong xã hội. Vì vậy, các yếu tố để trở thành một thứ rào cản to lớn cho việc bảo đảm quyền con người.

Thứ hai, nhân quyền trở thành đối tượng được tòa bảo trợ chỉ hạn định trong quyền được hiến pháp và luật pháp bảo đảm rõ ràng. Điều này không áp dụng cho rất nhiều loại vi phạm nhân quyển xảy ra trong xã hội. Ví dụ, quyền môi trường, nếu không được ghi trong hiến pháp và luật thì không phải là quyền có thể được bảo trợ bởi toà án. Ngoài ra, sự phân biệt đối xử với người đồng tính, hay nhưng diễn đạt không rõ ràng như là tập thể tội phạm thì với lý do không có quy định rõ ràng ai có trách nhiệm về vi phạm nhân quyền thì trường hợp này cũng thường bị đặt ra ngoài vòng cứu trợ. Ó nước ta, Luật Bảo vệ môi trường đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc bảo vệ những quyền lợi của những người bị vi phạm, tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều trường hợp tội phạm môi trường vẫn có thể lách luật vi phạm mà chưa có chế tài xử lý. Ví dụ việc sử dụng chất thải y tế để tái chế đồ nhựa làm thành thìa đĩa dùng trong ăn uống, nước tương chứa chất MCPD có nhiều khả năng gây ung thư cho người sử dụng, thực phẩm bị ướp hóa chất, hay hoa màu bị phun thuốc kích thích tăng trưởng ngoài luồng, rồi hiện tượng nhập khẩu rác thải rắn… Các tội phạm trong các trường hợp này nếu bị phát hiện chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền chứ chưa có đối tượng nào bị xử lý hình sự, dù rằng hành vi và hậu quả gây ra cho con người và môi trường sống là rất nghiêm trọng. Rõ ràng là trong trường hợp này.toà án cũng bó tay đôì với việc quyền an toàn về thực phẩm, quyền an toàn về môi trường sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng. Có nhiều tội phạm đã bị báo giới phanh phui, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết luận sai phạm nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, như Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường chỉ rõ vướng mắc chính là do quy định pháp luật.

Thứ ba, biện pháp bảo trợ chủ yếu ở toà án chỉ hạn định ở tiền bồi thường đối với những tổn hại trong quá khứ, trong không ít trường hợp người bị vi phạm nhân quyền cảm thấy giải quyết không thỏa đáng. Người bị hại trong vi phạm nhân quyền cho dù có yêu cầu khôi phục lại danh dự bằng việc người gây hại phải xin lỗi, nhưng pháp luật hiện hành lại quy định rất hạn chế về trường hợp này, chủ yếu chỉ giải quyết yêu cầu từ người bị hại đối với người gây hại giới hạn ở tiền bồi thường.

Thứ tư, những trường hợp được bảo trợ bởi toà về nguyên tắc chỉ có đương sự, không thể thực hiện đối với người bị hại trong tương lai. Nhiều vi phạm nhân quyền có nguyên nhân sinh ra vi phạm từ cơ cấu tổ chức nhưng toà án không thể đi sâu vào vấn đề cơ bản này, nên kết quả cũng chỉ dừng lại ỗ bảo trợ người bị hại bằng cách trị liệu, đối phó. Do đó, toà án có thể làm được chỉ là bảo trợ cá biệt đối với bản thân người bị hại, chứ không thể bảo trợ tận gốc, phòng chống sự phát sinh những người bị hại trong tương lai.

5. Kết luận

Bảo vệ quyền con người thông qua con đường tư pháp là một trong những cơ chế hữu hiệu. Thậm chí có quan điểm cho rằng: Tòa án là nơi đầu tiên và trước nhất mà người dân trông cậy để gìn giữ quyền con người. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên thì bảo vệ quyền con người thông qua hệ thống tòa án cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế và sử dụng đồng thời những cơ chế bảo vệ quyền con người khác để quyền con người được bảo vệ một cách tất nhất.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)