Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có các quy định ghi nhận và bảo vệ người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự, bao gồm: người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Về bản chất, quan hệ dân sự được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận và tự do ý chí giữa các bên. Do đó, các bên tham gia quan hệ dân sự phải là các chủ thể có khả năng nhận thức, tự do ý chí, bình đẳng về khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, có những chủ thể vì những lý do nào đó mà không có khả năng nhận thức đầy đủ, không có tự do ý chí cũng như khả năng tự mình thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ dân sự như những đối tượng khác, do đó, khi tham gia giao dịch dân sự, họ không thể tự mình mà phải thông qua người khác để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cũng như không thể tự mình bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng phát sinh từ các quan hệ pháp luật dân sự. Chính vì vậy, có thể hiểu họ chính là những người “yếu thế” trong các quan hệ pháp luật dân sự. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có các quy định ghi nhận và bảo vệ người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự, bao gồm: người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
1. Người mất năng lực hành vi dân sự
Người mất năng lực hành vi dân sự được hiểu là một người đã từng có năng lực hành vi dân sự nhưng vì một lý do nào đó mà năng lực hành vi dân sự của họ không còn nữa. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể bằng nhận thức để làm chủ, kiểm soát hành vi của bản thân nên mọi giao dịch đều thông qua người đại diện hợp pháp của họ xác lập và thực hiện. Điều 22 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần…..
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.
Quy định này cho thấy, một người bị mắc bệnh tâm thần hay mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình mới chỉ là điều kiện cần, chưa là điều kiện đủ để xác định người đó đã mất năng lực hành vi dân sự, pháp luật chỉ thừa nhận việc giám hộ cho những người này khi có kết luận của Tòa án. Trong trường hợp lý do khiến một người bị mất năng lực hành vi dân sự không còn thì Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, phục hồi lại năng lực hành vi dân sự cho họ.
2. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là những người đã từng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (người đã thành niên, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi) nhưng lại rơi vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 24 BLDS năm 2015:
“Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Kể từ thời điểm quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự của Tòa án đối với một người có hiệu lực pháp luật cho đến khi quyết định đó bị hủy bỏ: “Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự” thì cá nhân đó chỉ được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự có giá trị nhỏ nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bản thân họ. Nếu họ muốn tham gia các giao dịch khác phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp. Trên thực tế, những người nghiện ma túy, các chất kích thích như rượu, bia… thì việc họ phá tán tài sản của gia đình và xã hội là điều dễ xảy ra, nên chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khá rộng. Không chỉ người có quyền lợi liên quan mà các cơ quan, tổ chức hữu quan đều có quyền này. Từ phân tích trên có thể thấy, quy định của BLDS về năng lực hành vi dân sự bị hạn chế có ý nghĩa quan trọng, có tác dụng ngăn ngừa tệ nạn xã hội cùng các hệ lụy tiêu cực liên quan đến hành vi của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Theo quy định của Điều 23 BLDS năm 2015, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Quy định trên cho thấy, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người mà họ chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự nhưng vì lý do thể chất hay tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, đây là cũng là căn cứ phát sinh giám hộ theo quy định của BLDS năm 2015.
4. Bảo vệ người yếu thế trong pháp luật dân sự
Để bảo vệ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, BLDS năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 đã thiết lập các biện pháp bảo vệ như: chế độ giám hộ, chế độ đại diện….
4.1 Chế độ giám hộ
Chế độ giám hộ được BLDS năm 2015 quy định từ Điều 46 đến Điều 63. Theo quy định của BLDS năm 2015, giám hộ bao gồm giám hộ đương nhiên, giám hộ được cử. Đặc biệt, việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Quy định này là cần thiết để hợp thức hóa quan hệ giám hộ giữa người giám hộ và người được giám hộ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của không chỉ người được giám hộ, người giám hộ và cả người thứ ba trong quan hệ dân sự. Nếu như việc giám hộ không ghi nhận rõ tư cách pháp lý của người được giám hộ và người giám hộ sẽ dẫn đến sự thiếu chính xác trong việc xác định trách nhiệm của người giám hộ đối với người được giám hộ. Ví dụ, trong trường hợp anh cả/chị cả là người giám hộ đương nhiên cho em chưa thành niên nhưng sau đó lại không đủ điều kiện làm người giám hộ nữa thì anh/chị ruột tiếp theo là người giám hộ.
Về người giám hộ: Người giám hộ bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Việc BLDS năm 2015 bổ sung pháp nhân có thể là người giám hộ sẽ tạo thuận lợi cho việc thi hành chế độ giám hộ trên thực tế.
Về giám sát người giám hộ: Trên tinh thần chủ động, tôn trọng ý chí của những người thân thích của người được giám hộ, việc giám sát người giám hộ trước hết được ghi nhận dựa trên sự thỏa thuận của những người thân thích của người được giám hộ để cử ra người giám sát việc giám hộ. Việc lựa chọn này hướng đến một trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác. Điều này bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể này cũng như bảo đảm việc giám hộ được thực hiện bằng sự thiện chí, tự nguyện của các chủ thể.
4.2 Chế độ đại diện
Chế độ đại diện được BLDS năm 2015 quy định từ Điều 134 đến Điều 143. Về cơ bản, các quy định về đại diện của BLDS năm 2015 đã đáp ứng được những yêu cầu trong xác lập, thực hiện các quan hệ dân sự. Những nội dung quan trọng về đại diện đã được BLDS năm 2015 quy định cụ thể, rõ ràng như: đại diện trong trường hợp một cá nhân, pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền; đại diện trong trường hợp một cá nhân, pháp nhân làm đại diện cho nhiều chủ thể khác nhau; thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không thực hiện đúng quy định về đại diện, đặc biệt trong trường hợp người đại diện thực hiện vượt quá phạm vi đại diện của mình và người thứ ba có lý do chính đáng để tin rằng người đại diện có thẩm quyền để thực hiện hành vi đó; thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên giao kết hợp đồng với người không có thẩm quyền đại diện nhưng lại giao kết hợp đồng với tư cách là người đại diện cho người khác và người bị cho là người được đại diện yêu cầu tuyên bố đại diện không có giá trị pháp lý; đại diện của cộng đồng, dòng họ trong các giao dịch và trách nhiệm ngoài hợp đồng; trường hợp pháp nhân là người đại diện theo ủy quyền của cá nhân hoặc pháp nhân khác.
4.3 Khôi phục năng lực hành vi khi căn cứ “yếu thế” không còn
Điều 22, Điều 23 và Điều 24 BLDS năm 2015 quy định: Người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ được khôi phục hành vi dân sự khi các căn cứ để xác định họ bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không còn và theo yêu cầu của chính họ hoặc của những người có quyền, lợi ích liên quan, cá nhân, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Những quy định này vừa bảo đảm quyền lợi cho người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, vừa bảo đảm tôn trọng ý chí tự nguyện của các bên.
5. Một số hạn chế trong quy định của pháp luật dân sự về bảo vệ người yếu thế trong quan hệ dân sự
BLDS năm 2015 và Bộ luật TTDS năm 2015 mặc dù mới áp dụng được gần 3 năm, tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, các quy định pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng liên quan đến vấn đề bảo vệ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đã bộc lộ một số hạn chế sau đây:
Về chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Thuật ngữ “cơ quan, tổ chức hữu quan” sử dụng trong các Điều 22, 23, 24 BLDS năm 2015 là những khái niệm chưa rõ ràng. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, cần giải thích rõ “cơ quan, tổ chức hữu quan” là cơ quan, tổ chức nào có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự; khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Vềgiám hộ
Quy định hiện hành theo hướng chỉ ghi nhận một người là chưa thực sự thuyết phục. Khoản 2 Điều 47 BLDS năm 2015 quy định “một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu”. Đối với một số trường hợp, chúng ta nên xem xét theo hướng cho phép tách vấn đề giám hộ về chăm sóc cá nhân và giám hộ về tài sản nếu thấy rằng có thể giao hai việc này cho hai chủ thể khác nhau nhằm giám hộ tốt hơn cho người mất năng lực hành vi dân sự.
Về đại diện
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa có quy định cụ thể về trường hợp vợ, chồng đại diện cho nhau trong việc thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu như bên có tài sản riêng đột nhiên bị mất năng lực hành vi dân sự thì pháp luật quy định bên còn lại có quyền quản lý tài sản đó, nhưng việc quản lý đó có đương nhiên được tiếp tục thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản riêng nữa không thì pháp luật chưa quy định rõ nên chưa có cơ chế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Pháp luật hiện hành chưa quy định về trường hợp người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xâm phạm đến lợi ích của người được đại diện thì ai sẽ khởi kiện bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người được đại diện[1].
Về giải quyết ly hôn trong trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự là bị đơn
Đối với trường hợp khi bị đơn là người bị bệnh tâm thần thì họ không thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Khoản 4 Điều 69 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “Người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi TTDS. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”. Vậy, trong trường hợp xin ly hôn thì người đại diện cho vợ (chồng) bị tâm thần là ai? Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn. Việc chỉ định của Toà án phải căn cứ vào quy định về giám hộ trong BLDS. Tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật TTDS năm 2015 cũng có đề cập: khi tiến hành TTDS, nếu có đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, Toà án chỉ được chỉ định người giám hộ trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của BLDS năm 2015 về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Những quy định trên cho thấy, BLDS và Bộ luật TTDS năm 2015 không có điều khoản nào quy định cho trường hợp Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.
Về trường hợp ly hôn với một bên có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh tâm thần nhưng chưa có quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự, Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật Hôn nhân và Gia đìnhnăm 2014 không có quy định về trường hợp ly hôn với người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh tâm thần nhưng chưa có quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự. Khi gặp tình huống này, Toà án thường yêu cầu đương sự làm thủ tục xác định tình trạng năng lực pháp luật của người này để xác định họ có thể đủ năng lực tham gia tố tụng tại Toà án hay không. Một trong trong những cách thức đó là yêu cầu làm thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng để tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự vì lý do bị bệnh tâm thần thì cần phải có tài liệu chứng cứ chứng minh như kết luận của cơ quan chuyên môn và đó là một việc dân sự nên đòi hỏi những thủ tục nhất định theo quy định của Bộ luật TTDS. Trên thực tế, trong trường hợp đương sự chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, ở đây là kết luận giám định pháp y tâm thần dẫn đến việc Tòa án không thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, từ chối thụ lý, tạm đình chỉ hay đình chỉ đều không rõ ràng vì tất cả các cách này TTDS hiện hành đều không cho phép và không nằm trong các trường hợp trả đơn khởi kiện tại Điều 192, tạm đình chỉ Điều 214 (Trừ trường hợp áp dụng điểm d Khoản 1 Điều 214), đình chỉ Điều 217 của Bộ luật TTDS 2015.
6. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ người yếu thế trong quan hệ dân sự
Thứ nhất, cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của BLDS năm 2015.
Thứ hai, sửa đổi BLDS năm 2015 theo hướng sau:
– Bổ sung quy định về năng lực hành vi dân sự của người có nhược điểm về thể chất. Theo đó, cần bổ sung quy định trường hợp cá nhân có nhược điểm về thể chất như bị mù, câm, điếc, không có chân, tay… vào trường hợp bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và cần phải có người đại diện theo pháp luật.
– Mở rộng thêm phạm vi những chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như: bạn bè, người thân, hàng xóm, những người tuy không có quyền, lợi ích liên quan nhưng có quan hệ mật thiết với người mất năng lực hành vi dân sự.
– Quy định cụ thể tính chất liên quan giữa quyền và lợi ích của người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhằm tránh tình trạng tùy tiện trong việc lợi dụng quyền yêu cầu để hạn chế khả năng của cá nhân khác trong thực tế đời sống.
ành động (thực hiện những hành vi nhất định) hoặc không hành động (không được thực hiện những hành vi nhất định). Trong các giao lưu dân sự các hành vi được thực hiện theo các nguyên tắc bình đẳng, thiện chí, trung thực, tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, nghiêm chỉnh thực hiện trách nhiệm dân sự.
Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)