1. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là gì?

Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Sự hình thành của quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm thuộc nhóm quyền nhân thân được hình thành đầu tiên tại Pháp (Calvin D, 1999, tr. 422) và sau đó được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới ở những mức độ khác nhau. Đây là quyền phi kinh tế được coi là quyền gắn liền với mỗi cá nhân tác giả.

Nội dung quyền này bao gồm quyền của người được thừa nhận là tác giả của tác phẩm, quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền công bố tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Trong các quyền nhân thân đó, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền dễ bị xâm phạm nhất trong số các quyền nhân thân của tác giả, vì về nguyên tắc, Quyền tác giả (QTG) chỉ bảo hộ hình thức của tác phẩm.

Hình thức thể hiện của tác phẩm là sự diễn đạt, sắp xếp các bố cục của tác phẩm được thể hiện bằng các dạng ngôn ngữ, ký tự viết mà con người có thể đọc được, nhận biết được. Sự thay đổi các bố cục này: sắp xếp lại, bổ sung, cắt xén… sẽ dẫn đến sự thay đổi tác phẩm. Do vậy, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm – là quyền bảo vệ sự cố định của bố cục, diễn đạt tác phẩm có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống các nhóm QTG.

Luật của Mỹ và Pháp không có định nghĩa cụ thể thế nào là quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm mà chỉ quy định các hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm như điều L121-5 và L121-7 Bộ Luật Sở hữu trí tuệ Pháp 1992, điều 106 A Luật Bản quyền Mỹ năm 1976. Riêng mục (2a) điều 80 Đạo Luật Bản quyền, Thiết kế và Sáng chế 1988 của Anh có định nghĩa: “Hành vi xâm phạm quyền toàn vẹn của tác phẩm nghĩa là bất kỳ sự bổ sung, xóa, hoặc thay đổi, hoặc biến đổi để thích nghi của tác phẩm”.

3. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2009 về quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản

Quyền nhân thân được quy định cụ thể tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền:

– Đặt tên cho tác phẩm.

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Như vậy, bảo vệ toàn vẹn tác phẩm là quyền nhân thân thuộc về tác giả. Tất cả những hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm là những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả. Các tác giả sáng tạo ra tác phẩm cần trang bị kiến thức Sở hữu trí tuệ để bảo vệ tác phẩm của mình tránh những hành vi xâm phạm

Khoản 4 điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 (sửa đổi năm 2009, 2019) quy định về một trong những quyền nhân thân của tác giả là” Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Tuy nhiên,Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan tại quy định tại khoản 3 điều 20: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính (CTMT) trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”. Như vậy, Nghị định hướng dẫn thi hành đã bỏ đi yếu tố gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và thêm vào tiêu chí phải có sự đồng ý của tác giả là thuận tiện hơn trong việc xác định hành vi vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Từ khái niệm đó, chúng ta có các tiêu chí xác định hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là: thứ nhất, có hành vi làm thay đổi nội dung của tác phẩm; thứ hai, không có sự đồng ý của tác giả.

Có thể thấy, tác phẩm là kết quả lao động sáng tạo của tác giả và luôn là một chỉnh thể thể hiện chủ đề tư tưởng sáng tạo của tác giả. Bất cứ hành vi huỷ hoại nào đối với tác phẩm cũng đều xâm hại đến kết quả sáng tạo của tác giả cũng như bất cứ hành vi cắt xén, sửa đổi nào đối với nội dung của tác phẩm cũng đều làm thay đổi ít nhiều về ý tưởng sáng tạo của tác giả. Vì thế, chỉ có tác giản mới có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung tác phẩm của mình. Cũng như chỉ có tác giả mới có quyền cho phép người khác sửa đổi, bổ sung nội dung của tác phẩm.

Quyền bảo vệ sự trọn vẹn của tác phẩm, quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dứoi bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là quyền nhân thân luôn gắn liền với tác giả. Vì vậy, bất cứ người nào sửa đổi tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả làm cho chủ đề tư tưởng, giá trị nghệ thuật, văn hoá, khoa học của tác phẩm bị thay đổi so với ý đồ của tác giả đều bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả và do đó tác giả có quyền yêu cầu người đó phải châm dứt hành vi đó, xin lỗi, hoàn lại sự toàn vẹn của tác phẩm và phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi đó gây thiệt hại cho tác giả.

4. Thời hạn bảo hộ quyền bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm là bao lâu?

Theo Khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.”

Như vậy, các quyền được pháp luật bảo hộ vô thời hạn là các quyền nhân thân gắn liền với tác giả không thể chuyển dịch, bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả

5. Thực trạng và nguyên nhân dẫn đến xâm phạm quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay, thực trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá phổ biến, rộng khắp các lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, âm nhạc, phát thanh truyền hình, biểu diễn, trên mạng internet… Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và internet đã mang đến những tiện ích mới cho người sử dụng nhưng cũng mở ra các lối đi khác cho nạn xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Những vi phạm với tác giả nước ngoài đã giảm (chỉ xảy ra một, hai vụ bị kiện) trong mấy năm gần đây, nhưng trong nước thì tình trạng xuất bản, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghệ thuật tạo hình bị sao chép nhiều (như tranh ký tên Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Tư Nghiêm trên thị trường nhiều gấp ba, bốn lần số tranh đích thực do hai họa sĩ này vẽ). Nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp ghi âm, ghi hình, sao chép lậu sách báo, phim ảnh, các chương trình biểu diễn ca nhạc, chương trình truyền hình cũng ở tình trạng tương tự (như các phim do Trung tâm truyền hình Việt Nam, Chương trình “Gặp nhau cuối tuần” bị in bán tràn lan trên thị trường, nguy hiểm hơn đã có nhiều phim và chương trình truyền hình của VTV bị đánh cắp, biên tập lại và phát hành băng đĩa lậu tại Việt Nam, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, châu Âu…). Sự xâm phạm quyền tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thậm chí cả khoa học và nổi bật nhất là những phần mềm máy tính vẫn diễn biến phức tạp.

Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan của Việt Nam đã tạo được khung pháp lý tương đối đầy đủ cho việc bảo hộ đối với quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhưng trên thực tế tình trạng xâm phạm quyền tác giả đặc biệt là trong môi trường Internet tại Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức độ rất phổ biến và phức tạp. Hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung, trên môi trường Internet nói riêng diễn ra đối với tất cả các loại hình tác phẩm, từ tác phẩm văn học, khoa học đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, chương trình máy tính,…Các hành vi xâm phạm quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm,…

Hành vi xâm phạm này xảy ra ngày càng rộng rãi và phức tạp, không chỉ về số lượng các hành vi mà còn về mức độ đa dạng và các lĩnh vực xâm phạm. Hành vi này diễn ra ở nhiều lĩnh vực hơn, từ báo chí, xuất bản, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, tạo hình, phát thanh, truyền hình, kiến trúc đến các chương trình máy tính.=

Hàng năm, lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xử lý tới gần 1 triệu các tác phẩm xâm phạm; hàng nghìn đầu sách; hàng chục nghìn các phần mềm, website, các bộ phim đăng tải trên mạng Internet; xử phạt hành chính lên đến hơn 10 tỷ đồng, tuy vậy con số này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Những số liệu trên chỉ phản ánh một phần rất nhỏ thực trạng xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam, còn đối với những tác phẩm nhỏ, đơn lẻ, các bài hát thì hành vi xâm phạm này còn không thể thống kê được hết.

Nguyên nhân dẫn đến xâm phạm quyền tác giả

– Đầu tiên phải kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự ra đời của Internet và các thiết bị cho phép truy cập mạng Internet đã khiến cho việc truyền tải, sao chép các tác phẩm trở nên rất dễ dàng hơn bao giờ. Việc kiểm soát mạng Internet là một bài toán khó cho các nhà quản lý khi mà khả năng kiểm soát không thể bắt kịp với những bước tiến của công nghệ.

– Tiếp đó là do ý thức của con người, một bộ phận thì không hiểu biết pháp luật cũng như tầm quan trọng của bản quyền tác giả, còn một bộ phận biết nhưng lại quen thói “XÀI CHÙA” và thái độ không tôn trọng pháp luật sở hữu trí tuệ.

– Năng lực chuyên môn, sự thiếu hụt về nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện kỹ thuật trong các cơ quan thực thi quyền SHTT cũng là một trong những yếu tố làm cho việc thực thi quyền tác giả nói riêng, quyền SHTT tại Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế, bất cập.

– Một phần không nhỏ các chủ thể là chủ sở hữu quyền tác giả chưa có ý thức bảo vệ quyền của mình.

– Ngoài ra, trong nhiều trường hợp pháp luật chưa thực sự bắt kịp được với sự phát triển của công nghệ, chưa thực sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả trong môi trường Internet.

– Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, số tiền phạt với các hành vi vi phạm còn khiêm tốn chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

– Trong trường hợp đưa vụ việc ra tòa án để phân xử thì hiếm khi bên có hành vi xâm phạm thừa nhận việc vi phạm vì việc xác định rõ hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan không hề dễ dàng, tòa án không phải là cơ quan chuyên môn thẩm định hành vi vi phạm.