1. Khái niệm biên bản phiên tòa hình sự
Biên bản phiên tòa hình sự là văn bản ghi lại diễn biến của phiên toà hình sự.
Biên bản phiên toà do thư kí phiên toà ghi, cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình vạ diễn biến phiên tòa. Biên bản phải phản ánh mọi diễn biến của phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi tuyên án. Các thủ tục được tiến hành trước khi xét hỏi, những câu hỏi và câu trả lời, vật chứng được đưa ra xem xét, lời khai được công bố, việc vi phạm trật tự phiên toà và cách giải quyết của chủ tọa phiên toà, lời luận tội của kiểm sát viên, lời bào chữa của người bào chữa và ý kiến bổ sung của bị cáo, các ý kiến tham gia tranh luận, lời nói sau cùng của bị cáo và quyết định của bản án đều phải được ghi vào biên bản phiên toà. Biên bản phiên toà ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm của phiên toà. Sau khi kết thúc phiên toà, chủ tọa phiên toà kiểm tra biên bản phiên toà và cùng với thư kí phiên toà kí vào biên bản đó. Nếu biên bản phiên toà được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của những người đó thì chủ tọa phiên toà, thư kí phiên toà và người có yêu cầu sửa đổi, bổ sung cùng kí xác nhận. Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu sửa đổi, bổ sung của người tham gia tố tụng thì chủ tọa phiên toà thông báo cho người có yêu cầu biết. Người này vẫn có quyền làm đơn nêu rõ yêu cầu của mình. Đơn này được đưa vào hồ sơ vụ án.
Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên tòa và kí xác nhận.
2. Quy định về biên bản phiên tòa hình sự
Theo Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, biên bản phiên tòa được quy định như sau:
“1. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.
2. Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày và quyết định tại phiên tòa đều được ghi vào biên bản.
3. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.
4. Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.”
3. Trách nhiệm ghi biên bản phiên tòa
Việc ghi biên bản phiên tòa một cách đầy đủ và chính xác là trách nhiệm của Thư ký phiên tòa.
Trong trường hợp ghi bằng tốc ký hoặc ghi âm thì sau khi kết thúc phiên tòa phải được ghi ra bằng văn bản để vào hồ sơ. Sau khi phiên tòa kết thúc, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra văn bản và cùng với thư ký phiên tòa ký vào biên bản phiên tòa.
4. Những người được xem biên bản phiên tòa
Sau khi phiên tòa kết thúc, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của những người đó có quyền yêu cầu được xem biên bản phiên tòa.
Trong trường hợp chủ tọa phiên tòa hoặc những người có quyền được xem biên bản thấy có chỗ chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, thì có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Chủ tọa phiên tòa quyết định việc sửa đổi, bổ sung, và trong trường hợp thấy cần thiết thì triệu tập lại các hội thẩm nhân dân để quyết định. Đối với những chỗ được sửa đổi, bổ sung thì chủ tọa phiên tòa, thư ký phiên tòa ký xác nhận. Trong trường hợp, yêu cầu không được chấp nhận thì chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho người có yêu cầu biết. Tuy nhiên, người bị bác bỏ yêu cầu vẫn có quyền làm đơn nêu rõ ý kiến của mình và đơn này được đưa vào hồ sơ vụ án.
5. Vướng mắc trong việc thực hiện quyền yêu cầu xem biên bản hiên tòa
Việc thực hiện quyền yêu cầu được xem biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm của Kiểm sát viên trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc như sau:
Thứ nhất: Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cụ thể là trong khoảng thời gian bao lâu sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên có quyền được xem biên bản phiên tòa nên trên thực tế quyền này của Kiểm sát viên không được Chủ tọa phiên tòa đảm bảo. Vì không có quy định cụ thể về mặt thời gian, nên có thể là một ngày, hai ngày hoặc là một khoảng thời gian không xác định sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên mới được xem biên bản phiên tòa.
Thứ hai: Điều luật chỉ quy định khi xem biên bản phiên tòa, nếu Kiểm sát viên có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Những yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải ghi tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa. Theo quy định trên thì Kiểm sát viên chỉ ký vào cuối biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm trong trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa. Còn đối với trường hợp sau khi xem biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên không có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên không được ký vào biên bản phiên tòa. Do đó, trên thực tế sẽ xảy ra việc, sau khi xem biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên nhận thấy biên bản phiên tòa được thể hiện đầy đủ diễn biến khách quan tại phiên tòa nên nhất trí và không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung gì, nhưng sau đó Chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án thay đổi một số nội dung của biên bản phiên tòa so với biên bản phiên tòa mà Kiểm sát viên đã xem và ký lại thì Kiểm sát viên không thể nào biết được.
Thứ ba: Theo Điều 29 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của VKSND tối cao) quy định: “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên tòa, nếu phát hiện biên bản phiên tòa ghi không đầy đủ hoặc không chính xác thì yêu cầu Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung vào cuối biên bản phiên tòa và đề nghị chủ tọa phiên tòa ký xác nhận.”. Đây là quy định của Ngành, Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ này của Kiểm sát viên hiện nay cũng gặp khó khăn, vướng mắc như: Trên thực tế Kiểm sát viên có thực hiện việc kiểm tra biên bản phiên tòa và nhất trí với biên bản phiên tòa (Kiểm sát viên không được ký vào biên bản phiên tòa) nhưng việc kiểm tra biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên trong trường hợp này không có tài liệu gì để chứng minh được là Kiểm sát viên đã kiểm tra biên bản phiên tòa.
Thứ tư: Theo Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá công tác nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân (Ban hành theo Quyết định số 139/QĐ-VKST ngày 29/4/2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa. Tuy nhiên để thực hiện việc này trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn như sau:
– Mặc dù Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá công tác nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân yêu cầu 100% phiên tòa xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa (là chỉ tiêu bắt buộc Kiểm sát viên phải thực hiện). Nhưng đây là chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành Kiểm sát, không có văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn, kể cả Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Kiểm sát viên khi kiểm tra biên bản phiên tòa phải lập biên bản kiểm tra biên bản phên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa. Nên khi lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa, ngoài Kiểm sát viên ra thì ai là người có trách nhiệm ký vào biên bản do Kiểm sát viên lập? Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa hay là Thư ký Tòa án? Nếu Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa hay là Thư ký Tòa án không đồng ý ký vào biên bản kiểm tra phiên tòa do Kiểm sát viên lập thì phải xử lý như thế nào? Vì không có văn bản pháp luật nào quy định về việc này nên họ có quyền từ chối và không ký. Đồng thời, việc lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa chỉ có duy nhất Kiểm sát viên ký vào thì sẽ không có ý nghĩa gì đối với việc thực hiện chỉ tiêu này của Ngành. Do đó, việc Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ký hay không ký vào biên bản phiên tòa phụ thuộc vào mối quan hệ phối hợp giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán; giữa Viện kiểm sát và TAND. Đồng thời nếu Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đồng ý ký vào biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa do Kiểm sát viên lập thì không có nghĩa là biên bản phiên tòa sẽ không được sửa chữa, thay đổi một số nội dung so với biên bản phiên tòa mà Kiểm sát viên đã kiểm tra và thống nhất.
– Hiện nay theo hệ thống biểu mẫu của ngành Kiểm sát nhân dân chưa có mẫu biên bản kiểm tra phiên tòa nên chưa được áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa bao gồm những nội dung gì, hình thức như thế nào cũng chưa được hướng dẫn cụ thể nên gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng.