Định nghĩa Thuận tình ly hôn
Ly hôn thuận tình là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản (hoặc đồng ý tách riêng yêu cầu chia tài sản vợ chồng thành một vụ án khác sau khi đã ly hôn). Tòa án sẽ thực hiện theo thủ tục ly hôn thuận tình. Tòa án ra quyết định công nhận đồng thuận ly hôn.
Thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về thuận tình ly hôn như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Như vậy, điều kiện để yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là vào thời điểm viết đơn, ký đơn, gửi đơn, vợ chồng cùng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc:
- Đồng ý chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai bên;
- Quyền trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng (hoặc tự nguyện không yêu cầu tòa giải quyết);
- Tài sản chung và nợ chung.
Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận của vợ chồng cũng được xem xét sao cho bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người vợ và người con khi ly hôn.
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Trong trường hợp Toà án hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải đoàn tụ không thành.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn
- Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con
- Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Trong trường hợp hoà giải tại Toà án mà thiếu một trong các điều kiện về thuận tình, Toà án lập biên bản về việc hoà giải đoàn tụ không thành về những vấn đề hai bên không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Đồng thời, Tòa tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
Trong trường hợp việc ly hôn chỉ theo ý chí của một bên hoặc vụ việc ly hôn có sự tranh chấp về con cái hoặc tài sản thì tòa án sẽ thụ lý vụ việc ly hôn đơn phương. Trường hợp này sẽ có những sự quy định riêng về căn cứ ly hôn, trình tự thủ tục giải quyết ly hôn.
Thẩm quyền, hồ sơ, thời gian làm thủ tục thuận tình ly hôn
Thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình
Vợ và chồng đồng thuận ly hôn với nhau thì hai bên có quyền lựa chon nộp đơn ở Tòa án nhân dân cấp huyện/cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng đang cư trú.
Điểm h Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết vụ việc thuận tình ly hôn như sau:
“h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;”
Điều 12 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.”
Theo quy định trên thì các bên thuận tình ly hôn có thể nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai bên đang cư trú, làm việc. Mà nơi cư trú bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Do đó, vợ chồng thuận tình ly hôn có thể nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi tạm trú của một trong hai bên vợ chồng.
Về thẩm quyền của tòa án được quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự như sau:
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Là tất cả các yêu cầu về đồng thuận ly hôn, về hôn nhân và gia đình. Trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền Tòa cấp tỉnh.
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết
Hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn
- Đơn ly hôn thuận tình/đơn yêu cầu;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- CMND và hộ khẩu (bản sao y chứng thực);
- Giấy khai sinh các con (bản sao);
- Các giấy tờ khác chứng minh sở hữu tài sản(nếu có);
Các bước tiến hành thủ tục ly hôn đồng thuận
- Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền;
- Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án kiểm tra đơn và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
- Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật để xem xét ra Quyết định công nhận ly hôn.
Thời gian giải quyết thủ tục thuận tình ly hôn
- Thời gian từ 2 tháng đến 03 tháng.
- Thời gian làm thủ tục ly hôn thuận tình nhanh là 30 ngày.
Theo khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm thì:
“4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.”
Định nghĩa Biên bản thuận tình ly hôn
Văn bản ghỉ lại việc toà án hoà giải đoàn tụ không thành, sự tự nguyện thoả thuận xin li hôn, phân chia tài sản và nuôi con của các đương sự.
Biên bản thuận tình li hôn được toà án lập trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu li hôn, toà án hoà giải đoàn tụ không thành, các đương sự thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung và nuôi con và sự thoả thuận đó không trái pháp luật. Biên bản thuận tình li hôn là cơ sở để toà án ra quyết định công nhận thuận tình li hôn. Biên bản thuận tình li hôn được toà án lập như nội dung biên bản hoà giải vụ án dân sự (Xf. Biên bản hoà giải vụ án dân sự), trong đó ghi rõ sự thỏa thuận của các đương sự về việc tự nguyện li hôn, phân chia tài sản và nuôi con… Biên bản thuận tình li hôn là một trong những căn cứ để Toà án quyết định ra quyết định công nhận thuận tình li hôn của đương sự.
Phân biệt thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn
Thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về thuận tình ly hôn như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Còn đơn phương ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 được quy định tại Điều 56 như sau:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn…”
Trường hợp thuận tình ly hôn là do yêu cầu của hai bên vợ và chồng cùng đồng ý ly hôn, thật sự tự nguyện ly hôn. Còn đơn phương ly hôn là do ý chí của một bên yêu cầu ly hôn. Cả hai trường hợp này Toà án đều bắt buộc phải tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành thì mới tiến hành giải quyết cho ly hôn.
Nhưng trong thuận tình ly hôn, do tính chất của việc hai bên đã thỏa thuận được về việc ly hôn nên thường đã có thỏa thuận trước về chia tài sản và người chăm sóc con cái. Khi đã có thỏa thuận của hai bên, Tòa án công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về chia tài sản, con cái. Nếu không có thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản và giải quyết người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng…
Còn đơn phương ly hôn, tính chất của nó là do ý chí của một bên đứng ra yêu cầu ly hôn nên thường không đạt được các thỏa thuận về tài sản và con cái. Trường hợp này, Tòa án tiến hành hòa giải, các bên có thể có thỏa thuận về chia tài sản và người nuôi con.
Cho dù chia tài sản và con cái trong trường hợp thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn thì hai bên đều có quyền tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhưng thủ tục giải quyết việc đơn phương ly hôn thường sẽ lâu hơn thuận tình ly hôn bởi nhiều nguyên nhân mang tính khách quan: Bị đơn (người không muốn ly hôn) không ra tòa án; thường xảy ra tranh chấp tài sản, quyền nuôi con…; một bên bỏ đi mất tích không rõ địa chỉ….Trong những trường hợp đó thẩm phán thường ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc.