1. Khái niệm

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan hay nói cách khác đó là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan.

Khi nghiên cứu hành vi nguy hiểm cho xã hội với ý nghĩa là một đặc điểm của tội phạm, chúng ta đã nghiên cứu một phần của mặt khách quan của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm với ý nghĩa là một yếu tố cấu thành tội phạm, chúng ta không nghiên cứu tính chất nguy hiểm của hành vi mà chỉ nghiên cứu biểu hiện của hành vi, hậu quả do hành vi gây ra, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Khoa học luật hình sự gọi mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không còn nằm trong ý nghĩ của người phạm tội nữa, những biểu hiện này có thể bằng hành động hoặc không hành động khi có nghĩa vụ phải hành động thì gọi là hành vi khách quan. Nếu đã thực hiện hành vi và đã gây ra thiệt hại thì các biểu hiện của những thiệt hại đó, khoa học luật hình sự gọi là hậu quả của tội phạm. Nhưng mặt khách quan của tội phạm không chỉ bao gồm hành vi, hậu quả mà còn nhiều yếu tố khách quan khác có tác động, chi phối việc thực hiện hành vi, chi phối việc phát sinh hậu quả như: không gian, thời gian, phương tiện, công cụ sử dụng để thực hiện tội phạm.

Mặt khách quan là mặt bên ngoài của tội phạm đối lập với mặt chủ quan là mặt bên trong của tội phạm, nhưng nó không nằm ngoài tội phạm mà nó là một mặt của cấu thành tội phạm, nó là những biểu hiện khách quan mà bằng những giác quan của con người chúng ta có thể nhận biết được như: nhìn thấy được, nghe thấy được…

Các dấu hiệu hợp thành mặt khách quan của tội phạm bao gồm: Hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, các điều kiện chỉ phối hành vi và hậu quả của hành vi.

2. Hành vi khách quan

Hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi khách quan nếu xét dưới góc độ nó là hành vi phạm tội thì đều giống nhau. Tuy nhiên, khi nói hành vi nguy hiểm cho xã hội là muốn nói đến tính chất của tội phạm, còn hành vi thuộc mặt khách quan chỉ là hành vi biểu hiện dưới dạng hành động và không hành động, xem xét nó như một hiện tượng khách quan tồn tại độc lập ngoài ý thức chủ quan của con người.

Hành vi phạm tội là một hiện tượng phức tạp, có thể nghiên cứu từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng khi nghiên cứu hành vi phạm tội thuộc mặt khách quan của cấu thành, chúng ta chỉ nghiên cứu các hình thức thể hiện mà không nghiên cứu những yếu tố khác như ý thức chủ quan, đặc điểm của chủ thể có tác động đến nó.

Hình thức thể hiện của hành vi phạm tội được thực hiện dưới dạng hành động và không hành động (làm hoặc không làm một việc). Có thể nói, hành động là một xử sự “tích cực” của con người còn không hành động là xử sự “tiêu cực”. Tiêu cực hay tích cực ở đây không phải là sự đánh giá của xã hội đối với chủ thể mà chỉ nói lên biểu hiện của hành vi.

Hành động là làm một việc mà pháp luật cấm, còn không hành động là không làm hoặc không làm đầy đủ một việc mà pháp luật buộc phải làm. Hành động, có thể chỉ là một động tác xảy ra một lần như: bắn một phát, đâm một nhát, đấm một cái, giật tài sản… nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần, được lặp đi lặp lại như: bắn nhiều phát, đâm nhiều nhát. Nó cũng có thể là tập hợp các động tác có liên quan với nhau tạo thành một hành vi phạm tội như: Sửa chữa hóa đơn, chứng từ, sổ sách… để được thanh toán khống một số tiền. Nó có thể xảy ra trong một thời gian ngắn, những cũng có thể kéo dài trong một thời gian nhất định như: đầu cơ, chứa chấp, che giấu tội phạm… Nó có thể tác động trực tiếp vào đối tượng tác động nhưng nó có thể thông qua những phương tiện, dụng cụ hoặc thông qua hành vi của người khác; có thể bằng lời nói hoặc việc làm.

Không hành động là không làm một việc mà có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được. Việc đánh giá hành vi ở dạng không hành động có phải là hành vi phạm tội hay không là một vấn đề phức tạp, cần đặt nó trong một hoàn cảnh cụ thể và trong mối quan hệ giữa người không hành động với những người khác và những quy định của pháp luật, của những quy tắc xử sự để xác định nghĩa vụ đối với người không hành động. Ví dụ: Một người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến người không được cứu bị chết. Muốn xác định hành vi không cứu giúp có phải là hành vi phạm tội không, phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc đó và khả năng của người không cứu giúp. Nếu vào hoàn cảnh cụ thể đó ai cũng không thể cứu được thì hành vi không cứu giúp của người này không phải là hành vi phạm tội. Một người thực hiện hành vi phạm tội ở dạng hành động hoặc không hành động đều là một xử sự có ý thức, có ý chí, nhưng đối với người thực hiện hành vi ở dạng không hành động chỉ coi là hành vi phạm tội khi họ phải có nghĩa vụ thực hiện hành vi, nghĩa vụ này xuất phát từ nghĩa vụ do luật định như: Không tố giác tội phạm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…; do lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc của Tòa án như: không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh thi hành án…; do nghĩa vụ xuất phát từ tính chất của nghề nghiệp như: Thầy thuốc đối với bệnh nhân, lái xe đối với người bị tai nạn nằm ở đường bộ, thuỷ thủ đối với người sắp bị chết đuối…; do có hợp đồng như: không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ mà bỏ trốn…

Căn cứ vào đặc điểm của hành vi khách quan, khoa học luật hình sự có thể chia tội phạm thành tội kéo dài, tội liên tục, tội ghép.

3. Hậu quả của tội phạm

Khi nói đến hậu quả với ý nghĩa là một dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, là chúng ta nghiên cứu những thiệt hại về vật chất và phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Những thiệt hại vật chất như thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản…; những thiệt hại phi vật chất như nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, trật tự công cộng…Tuy nhiên, những thiệt hại này chỉ là biểu hiện của những quan hệ xã hội, nhưng tội phạm không thể xâm phạm đến các quan hệ xã hội mà lại không gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội đó.

Vì vậy, hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho khách thể của tội phạm, tức là gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Căn cứ vào tính chất quan trọng của các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ, mà nhà làm luật xây dựng các cấu thành tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau và hình phạt tương ứng với các loại tội phạm đó. Ví dụ: Tội giết người nguy hiểm hơn tội cố ý gây thương tích, nên hình phạt đối với tội giết người cũng nặng hơn đốì với tội cố ý gây thương tích.

Về lý luận cũng như thực tiễn, việc phân biệt hậu quả của tội phạm với những thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội gây ra là rất cần thiết, nếu không sẽ không lý giải được vì sao có nhiều cấu thành tội phạm nhà làm luật không quy định phải có thiệt hại xảy ra nhưng hành vi đó vẫn cấu thành tội phạm. Khi nêu khái niệm về tội phạm, khoa học luật hình sự coi tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, hành vi đe dọa gây ra thiệt hại cũng đã gây ra hậu quả, nhưng hậu quả này chưa được biểu hiện dưới dạng vật chất mà nó chỉ là những yếu tố khách quan xác định khả năng thực tế gây ra thiệt hại.

4. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả

Khi nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phải xuất phát từ triết học Mác – Lê-nin. Cơ sở khoa học này không chỉ giúp chúng ta xác định hành vi của một người có phải là tội phạm hay không, mà trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ: A vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn làm B bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trên đường đi đến bệnh viện thì bị chết do một chiếc xe khác đâm vào xe chở B đi cấp cứu. Trong trường hợp này, cái chết của B không phải do A gây nên, do đó A không phải chịu trách nhiệm về cái chết của B, mà chỉ chịu trách nhiệm về thương tích mà A đã gây ra cho B trước đó.

Mối quan hệ nhân quả là tất yếu khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Khi nói đến quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là xác định hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả, còn hậu quả là kết quả tất yếu của hành vi. Để xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần căn cứ vào các yếu tố sau:

– Hành vi phạm tội phải xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian.

Tội phạm là là một hiện tượng xã hội, trong đó hành vi và hậu quả đều là hai hiện tượng, hành vi là một hiện tượng nguyên nhân, còn hậu quả là hiện tượng kết quả, nguyên nhân phải có trước kết quả, nếu không nó không còn là nguyên nhân nữa. Ví dụ: A bỏ thuốc độc vào nước để B uống. Sau khi B uống nước có thuốc độc nên mới bị ngộ độc chết. Trong trường hợp này, cái chết của B xảy ra sau hành vi bỏ thuốc độc của A. Nguyên nhân bao giờ cũng xuất hiện trước hậu quả về thời gian, nếu hành vi xảy ra sau khi đã có hậu quả thì hành vi đó không được coi là nguyên nhân, và người thực hiện hành vi đó không phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã xảy ra. Ví dụ: H có ý định đổ thuốc trừ sâu xuống ao nhà T, nhưng Q đã đổ thuốc trừ sâu xuống ao nhà T trước và cá trong ao nhà T đã chết do thuốc Q đổ xuống, nhưng H không biết vẫn đổ thuốc sâu xuống ao nhà T. Khi vụ án bị phát hiện, do Q xoá được dấu vết nên không bị phát hiện, còn H không xoá được dấu vết nên bị bắt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại tài sản. Sau khi H bị kết án, mới phát hiện Q là người đổ thuốc sâu xuống ao nhà T trước. H được minh oan vì hành vi của H không phải nguyên nhân gây ra hậu quả vì nó xảy ra sau khi đã có hậu quả.

– Giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nội tại và tất nhiên.

Mối quan hệ nội tại tất nhiên giữa hành vi và hậu quả xét dưới góc độ triết học là một hành vi trong những điều kiện nhất định sẽ tất yếu phát sinh hậu quả, không thể khác được. Tính quy luật của hành vi thể hiện ở chỗ, trong những điều kiện nhất định, hậu quả phát sinh phản ảnh đúng xu hướng phát triển tất yếu của hành vi.

Khi xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần phải xem xét một cách tổng thể các mối quan hệ qua lại giữa nguyên nhân và hậu quả, giữa nguyên nhân này với nguyên nhân khác, nếu không sẽ không lý giải được vì sao trường hợp không hành động gì cả nhưng vẫn gây ra hậu quả. Trong trường hợp không hành động, hành vi không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng vì họ không thực hiện hành vi mà theo nghĩa vụ họ phải thực hiện và vì vậy, kết quả của việc không thực hiện hành vi đó đã tạo ra nguyên nhân khác và nguyên nhân này đã trực tiếp gây ra hậu quả.

Như vậy, một hậu quả xảy ra có thể do một nguyên nhân nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân. Ngược lại một nguyên nhân có thể gây ra một hậu quả nhưng cũng có thể gây ra nhiều hậu quả.

Theo quan điểm duy vật biện chứng, khi nghiên cứu nguyên nhân, người ta chia nguyên nhân ra thành nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Sự phân biệt này lại càng có ý nghĩa không chỉ có ý nghĩa về lý luận, mà có ý nghĩa thiết thực khi xác định trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp phạm tội cụ thể. Ví dụ: Trong một vụ án đồng phạm có tổ chức, không phải tất cả những người đồng phạm đều trực tiếp thực hiện tội phạm, mà có người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó có hành vi là nguyên nhân chủ yếu gây ra hậu quả, có hành vi chỉ là nguyên nhân thứ yếu gây ra hậu quả.

Thực tiễn xét xử nhiều trường hợp người có hành vi là nguyên nhân gián tiếp lại là nguyên nhân chủ yếu, đó là hành vi của người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm trong các vụ án đồng phạm. Ngược lại có có hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả lại không phải là nguyên nhân chủ yếu mà chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Ví dụ: Vũ Thành Ch, không có bằng lái xe hợp lệ đã lái xe quá trọng tải vận hành trên Quốc lộ số 5 từ Hải Phòng về Hà Nội. Trong vận hành, Ch cho xe đi đúng phần đường với tốc độ cho phép. Đến đoạn đường thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, Trần Quang L điều khiển xe đạp đang đi trong phần đường dành riêng cho xe thô sơ đã vượt ra đường dành cho xe cơ giới, làm cho anh Trần Văn H điều khiển xe máy đụng vào xe đạp của L, anh H mất tay lái đụng vào xe tải do Ch điều khiển gây tai nạn làm anh H và anh Q ngồi sau xe máy chết ngay tại chỗ. Mặc dù cái chết của anh H và anh Q, nguyên nhân trực tiếp là do hành vi của Ch gây ra, nhưng nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết của hai anh H và Q lại là hành vi của L.

Nhưng dù là nguyên nhân chủ yếu hay nguyên nhân thứ yếu cũng đều là nguyên nhân gây ra hậu quả, nên tất cả những người đồng phạm khác trong vụ án có tổ chức đều phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên khi quyết định hình phạt Tòa án có thể cân nhắc, nếu các yếu tố khác như nhau, thì người có hành vi là nguyên nhân chủ yếu gây ra hậu quả sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn người có hành vi là nguyên nhân thứ yếu gây ra hậu quả.

Nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân tự nó phát sinh hậu quả, còn nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân tự nó không phát sinh ra hậu quả, mà phải thông qua một nguyên nhân khác mới gây ra hậu quả. Thông thường những tội phạm được thực hiện do không hành động hoặc trong vụ án có tổ chức hành vi của người phạm tội là nguyên nhân gián tiếp gây ra hậu quả. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những nguyên nhân gián tiếp nhưng lại là nguyên nhân chủ yếu. Ví dụ: Hành vi của người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nhưng lại là nguyên nhân chủ yếu gây ra hậu quả.

– Điều kiện

Khi nghiên cứu mốì quan hệ nhân quả không thể không nghiên cứu điều kiện, bởi vì không một hiện tượng tự nhiên và xã hội nào sinh ra và phát triển lại không cần có những điều kiện nhất định. Trong lĩnh vực tội phạm cũng vậy, nếu một hành vi được thực hiện nhưng nếu không có điều kiện thì hành vi là nguyên nhân đó có thể không gây ra hậu quả, hoặc nếu có gây ra hậu quả thì hậu quả đó không đúng như ý định của người phạm tội. Ví dụ: A muôn giết B bằng một khẩu súng săn, nhưng khi A giương súng lên bóp cò thì súng không nổ nên B không bị chết. Trong trường hợp điều kiện khách quan đã ngăn cản sự phát triển tất yếu của hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, nên hậu quả không xảy ra.

Điều kiện không tự nó sinh ra hậu quả, nhưng nó có tác dụng thúc đẩy hoặc lùm hãm sự phát triển của nguyên nhân, làm cho hậu quả sinh ra nhanh hơn hoặc chậm hơn, thậm chí triệt tiêu hậu quả. Ví dụ: Một người muốh đốt nhà người khác đúng vào lúc trời hanh khô, lại có gió to thì nhà dễ bị cháy và cháy nhanh hơn, nhưng nếu gặp phải trời mưa thì nhà khó cháy hoặc cháy chậm hơn. Tuy nhiên, trong một sô’ trường hợp việc phân biệt giữa nguyên nhân và điều kiện không dễ dàng, nhất là trong các vụ án hậu quả xảy ra do nhiều nguyên nhân gây ra, trong số các nguyên nhân đó có nguyên nhân dễ bị nhầm với điều kiện. Ví dụ: Ạ cho B mượn súng đi săn nên B đã bắn chết c, hành vi cho mượn súng của A xét trong mối quan hệ với cái chết của c không phải là nguyên nhân mà chỉ là điều kiện, nhưng nếu xét trong mối quan hệ với hành vi của B, thì hành vi cho mượn súng của A là nguyên nhân dẫn đến hành vi của B, nên A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không tuân thủ các quy định về quản lý vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Những dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan

Khi nghiên cứu mặt khách quan của cấu thành tội phạm, ngoài hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, chúng ta không thể bỏ qua các dấu hiệu khách quan khác có liên quan đến tội phạm như: thời gian, không gian, công cụ phương tiện phạm tội… Mặc dù các dấu hiệu này không phải là các yếu tố cấu thành tội phạm (cấu thành chung), nhưng trong cấu thành cụ thể (tội phạm cụ thể) nhiều trường hợp nó lại là dấu hiệu bắt buộc, thiếu nó thì hành vi chưa phải là tội phạm. Ví dụ: Hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới, thì địa điểm phạm tội ở đây lại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan của cấu thành hầu như đều có ý nghĩa trong việc xác định khung hình phạt hoặc có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt như: giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là dấu hiệu định khung hình phạt của tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt theo quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.v.v…

Như vậy, mặt khách quan của cấu thành tội phạm rất phong phú, đa dạng, nhưng hành vi là dấu hiệu đặc trưng cơ bản nhất. Từ hành vi phạm tội, chúng ta có thể nghiên cứu các dấu hiệu khác có liên quan đến hành vi, các dấu hiệu bị chi phối, phụ thuộc vào hành vi tạo thành một thể thống nhất mà khoa học luật hình sự gọi là mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Không có mặt khách quan thì không cấu thành tội phạm, nhưng mặt khách quan là mặt có nhiều dấu hiệu nhất không chỉ để xác định tội phạm, xác định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trong vụ án, mà trong nhiều trường hợp để chúng ta phân biệt tội phạm này với tội phạm khác, nếu các yếu tố khác như nhau. Tuy nhiên, khi nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm không thể tách rời với các yếu tô’ khác của cấu thành tội phạm.