1. Mở đầu

Tố tụng hình sự là quá trình chứng minh tội phạm và người phạm tội, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền cơ bản nhất của con người, của công dân. Yêu cầu đặt ra là phải quy định và kiểm soát nghiêm ngặt quá trình này, trong đó có vấn đề thời hạn. Đây luôn là nội dung được cân nhắc mỗi khi sửa Bộ luật tố tụng hình sự, mặc dù rất khó bởi lẽ phải đáp ứng cả hai yêu cầu: một là, bảo đảm ở mức cao nhất quyền con người, quyền công dân; hai là, khả năng thực tế của các cơ quan tố tụng xét trên tổng thể các yếu tố về năng lực, biên chế, thực tế đầu tư trang thiết bị, phương tiện. Không gây áp lực cho các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án nhưng phải thiết chế để đặt các cơ quan này trong trạng thái luôn phải nỗ lực, chủ động để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất. Đây chính là mục tiêu hướng tới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

2. Những sửa đổi trong BLTTHS 2015

Trên tinh thần đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng:

Thứ nhất, xác lập nguyên tắc mọi biện pháp tố tụng phải bị ràng buộc chặt chẽ về mặt thời hạn, khắc phục “khoảng trống’” trong pháp luật hiện hành, chưa quy định thời hạn áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân (như: biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp bảo lĩnh, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm) (Điều 121, 122, 123).

Thứ hai, rút ngắn thời hạn từ 24 giờ xuống còn 12 giờ Cơ quan điều tra phải lấy lời khai, xem xét trả tự do cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nếu không đủ căn cứ (Điều 110).

Thứ ba, rút ngắn thời hạn tạm giam nhằm tránh kéo dài tình trạng pháp lý căng thẳng của bị can, đồng thời, buộc các cơ quan tố tụng phải cân nhắc thận trọng thời điểm bắt giam; theo đó, rút ngắn 01 tháng đối với tội nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 04 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (Điều 119).

Thứ tư, rút ngắn căn bản thời hạn tạm giam với người chưa thành niên; theo đó, thời hạn tối đa chỉ còn hai phần ba thời hạn so với trước đây (Điều 419);

Thứ năm, rút ngắn thời hạn giải quyết tố cáo của công dân từ 60 ngày xuống còn 30 ngày nhằm khẩn trương giải quyết những khúc mắc của người dân, đồng thời, sớm xử lý cán bộ tố tụng nếu có hành vi vi phạm.

Thứ sáu, lượng hóa các thời hạn quy định có tính định tính trong Bộ luật hiện nay “thông báo ngay, gửi ngay…” bằng các thời hạn cụ thể nhằm tránh lạm dụng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án.

Xây dựng nền tư pháp công bằng, nhân đạo, dân chủ, nghiêm minh, vì con người, vì nhân dân đã được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Ngoài những nội dung sửa đổi lổn nêu trên, còn rất nhiều nội dung quan trọng và tiến bộ khác đã được cụ thể hóa trong Bộ luật. Chúng ta tin tưởng rằng, cùng với tiến trình đi lên của đất nước, việc thực thi Bộ luật tố tụng hình sự sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, vì cuộc sống thanh bình của nhân dân, vì những giá trị cao đẹp của nền công lý xã hội chủ nghĩa.

3. Thời hạn tạm giam

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giam. Mục đích của biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn buộc phải nắm vững nội dung, thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giam sẽ bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng đúng pháp luật, tránh vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực thi công vụ.

Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992; Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm,…”; “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang…”.

Khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…”.

Khoản 1 Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Khoản 1 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đều quy định “ Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc gia hạn tạm giam (trừ điểm a) thì các điểm b, c, d có sự thay đổi so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Cụ thể là:

– Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:

  • Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng;
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

– Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

  • Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

Với việc sửa đổi quy định nêu trên, chúng ta thấy rõ thời hạn tạm giam để điều tra theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được rút ngắn. Điều đó thể hiện quan điểm của Nhà nước ta, thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

4. Thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên

BLTTHS 2003 không có quy định riêng về thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi. Do đó, người dưới 18 tuổi nếu bị áp dụng biện pháp tạm giam thì thời hạn tạm giam cũng bằng với thời hạn tạm giam người từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc không quy định thời hạn tạm giam riêng dành cho người dưới 18 tuổi là chưa xem xét đến các nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này. Với quy định tại khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015, thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi được rút ngắn, chỉ còn bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại BLTTHS. Cụ thể như sau:

Thời hạn tạm giam để điều tra: Không quá 40 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 02 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 02 tháng 20 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải gia hạn điều tra thì việc gia hạn tạm giam được tính như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể gia hạn tạm giam 01 lần không quá 20 ngày; đối với tội phạm nghiêm trọng có thể gia hạn tạm giam 01 lần không quá 40 ngày; đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 02 tháng; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể gia hạn tạm giam 02 lần, mỗi lần không quá 02 tháng 20 ngày.

Thời hạn tạm giam để truy tố: Không quá 13 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, không quá 20 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn tạm giam để truy tố, nhưng không quá 07 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng; không quá 10 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm: Không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 40 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 50 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và không quá 70 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với vụ án phức tạp thì thời hạn tạm giam có thể được gia hạn thêm không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, không quá 20 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm: Đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì thời hạn tạm giam không quá 40 ngày, đối với Tòa án nhân dân cấp cao thì thời hạn tạm giam không quá 60 ngày.

5. Thời hạn giải quyết tố cáo

Thời hạn giải quyết tố cáo theo BLTTHS năm 2015 được rút ngắn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo (BLTTHS năm 2003 quy định là không quá 60 ngày) và đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày (BLTTHS năm 2003 là không quá 90 ngày).

Quy định về người có quyền tố cáo tại Điều 478 BLTTHS năm 2015 được mở rộng hơn về chủ thể đó là: “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” thay vì quy định với chủ thể người có quyền tố cáo là “công dân” như trước đây. Việc quy định như vậy vừa phù hợp với Điều 3 của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết đối với tố cáo của một số chủ thể đặc biệt, ví dụ như người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam …

Việc giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự được thể hiện bằng “Quyết định giải quyết tố cáo”, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 479, điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 480 BLTTHS 2015 mà không gọi là “Kết luận tố cáo” như trước đây.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)