1. Bồi thường thế nào khi vượt quá phòng vệ chính đáng ?
Ngày 23/5/2016 tôi và em rể đi lắp cổng cho nhà cậu của tôi, trong quá trình làm việc, đến chiều thì gần xong việc, em rể tôi dọn đồ để về thì có làm rơi máy hàn điện ra ngoài đường và em rể tôi chạy ra nhặt. Đúng lúc đó thì có anh Đ (21 tuổi), người cùng ở xã trên đi xe máy qua đường, thấy em rể tôi đang cúi nhặt đồ thì anh ta dừng xe máy và xuống hạnh họe, đánh em rể tôi vì lý do cản trở đường anh ta đi. Tôi thấy vậy liền chạy xuống để can ngăn, lúc đó tôi nói rằng “em tao làm gì mày mà mày đánh nó “, trong người anh Đ chắc chắn đã có rượu, tôi ngửi thấy mùi nồng nặc từ người anh ta. Lúc đó tôi hoàn toàn không có ý định đánh anh ta và cũng không làm gì anh ta, tôi chỉ can ngăn.
Rồi anh Đ chạy tới chỗ xe máy của anh ta và lấy con dao phớ cất bên xe, dài khoảng 40 -50 cm rồi lao ra chém liên tiếp tôi, tôi vùng vằng tìm cách chống đỡ và chạy, lúc đó thấy có cây chổi bên cạnh tôi liền lấy về đỡ và cuối cùng bị anh ta chém đứt chổi, 3 ngón tay phải của tôi bị anh ta chém gần đứt. Không nghĩ được gì nữa, tôi cố chạy được khoảng 4m thì thấy có thanh sắt (để làm cổng ) ngay trước mặt, tay trái tôi liền vơ lấy và vung ra chống đỡ, trúng vào đầu anh Đ, làm anh ta ngã xuống và tôi đã thoát chết. Lúc đó, thấy anh ta bất tỉnh tôi liền chạy vào nhà cậu tôi (cách 100m) bảo mọi người ra giúp. Các cậu tôi đã đưa anh ta và tôi vào bệnh viện để điều trị, đến bệnh viện các cậu của tôi đã đưa cho gia đình anh ta 3 triệu đồng để lo tiền viện phí.
Theo kết luận của bác sĩ thì anh ta bị nứt hộp sọ. Công an đã tới xem xét hiện trường, lấy lời khai của tôi, họ bảo sẽ xem xét giải quyết. Theo tôi được biết thì bố anh ta cũng làm công an và có quen biết với các anh công an đến xem xét hiện trường. Hiên tại, thì các ngón tay phải của tôi chưa co được, tôi cũng không làm được gì từ khi bị thương tích đến giờ, gia cảnh lại nghèo khó, tôi lại là lao động chính trong nhà nên thu nhập ngày càng giảm sút, bố mẹ tôi đã gần 60 tuổi, vợ tôi vừa mới sinh cháu thứ 2 cách đây 1 tháng, còn con đầu tiên của tôi mới được 3 tuôi. Còn anh ta thì đã được trả về nhà cách đây 1 tháng. Tôi và anh ta chưa đi giám định là bị bao nhiêu phần trăm thương tích. Từ khi xảy ra sự cố đến giờ, gia đình anh ta cũng không đến hỏi thăm tôi gì cả, không một chút tin tức từ gia đình anh ta, trong khi đó gia đình tôi còn cho hẳn tiền viện phí cho anh ta lúc nhập viện. Tôi cảm thấy rất bức xúc và không công bằng. Tôi đã nhờ người viết đơn lên công an để yêu cầu xử lý, nhưng họ từ chối nhận đơn của tôi và vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Tôi cũng lo lắng sợ anh trai của anh ta (1 người hung hăng, nóng tính ) sẽ trả thù tôi vì tôi đã làm cho em anh ta bi như vậy. Vậy cho tôi hỏi: Tôi có bị phạm tội gì không ? Tôi có phải bồi thường gì không ? – Anh ta sẽ bị kết tội gì ? Anh ta phải bồi thường cho tôi những khoản tiền nào ? Anh ta và gia đình phải có những nghĩa vụ nào đối với tôi và gia đình tôi ? – Hiện tại công an huyện họ vẫn chưa xử lý vụ việc, giải quyết những quyền lợi cho tôi, vậy tôi có nên khởi kiện ra tòa không ? – Luật sư hãy tư vấn cho tôi biết hiện giờ tôi nên làm đơn gì hay thủ tục gì để đảm bảo quyền lợi cho tôi? Thật sự giờ tôi đang rất bối rối và lo lắng Tôi rất mong nhận được sự tư vấn sớm nhất từ Luật sư.
Cảm ơn Luật sư rất nhiều !
Trả lời:
Thứ nhất, về trường hợp của bạn
Căn cứ quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Trong trường hợp này, Đ là người cố ý đuổi theo, dùng hung khí tấn công bạn. Hành vi chống cự lại của bạn là nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình không bị coi là tội phạm khi sự chống trả nằm trong giới hạn của phòng vệ chính đáng. Hành vi của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi vượt quá giới hạn của phóng vệ chính đáng. Vấn đề đặt ra ở đây là như thế nào thì được coi là vượt quá giới hạn cho phép? Điều này sẽ căn cứ vào phương tiện, công cụ và hậu quả mà hai bên gây ra cũng như mức độ của hành vi tấn công và khả năng của người phòng vệ.
Theo như lời kể của anh trong tình huốn này, hành vi của anh được coi là phòng vệ chính đáng bởi:
– Anh Đ là người đuổi đánh và sử dụng hung khí là chiếc phớ với mục đích là đánh anh,
– Công cụ anh sử dụng chỉ là cây chổi và thanh sắt và mục đích của anh là ngăn cản, chống lại hành vi đánh người của anh Đ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình mà không hề có sự đánh trả lại anh Đ.
Nếu trường hợp anh có hành vi cố tình chống trả, dùng thanh sắt đánh lại anh Đ mà vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 136 Bộ luật này
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
>> Tham khảo ngay: Mẫu đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Như vậy, cả bạn và anh Đ nên đi giám định tỷ lệ thương tật để xác định mức độ chịu trách nhiệm hình sự của mỗi bên. Nếu kết quả giám định thương tật của anh Đ thấp hơn 31% thì bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường. Nếu kết quả giám định sức khỏe của anh Đ tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 136, Bộ luật hình sự năm 2015 và phải bồi thường tiền thuốc men, viện phí cho anh Đ.
“ Điều 13. Phạm tội do dùng rượu bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, khi anh Đ đánh em rể của bạn và chém bạn mà trong người có mùi rượu thì phải chịu trách nhiệm hình sự và việc anh Đ dùng dao phớ chém bạn vi phạm quy định tại điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2017 như sau:
Như vậy, việc anh Đ chém bạn bằng “dao phớ” thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1, điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2017. Nếu kết quả giám định thương tật của bạn dưới 11% thì anh Đ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì anh Đ sử dụng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho bạn và nếu kết quả giám định thương tật từ 11% trở lên thì anh Đ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2017.
Ngoài ra, anh Đ có nghĩa vụ phải bồi thường cho bạn theo quy định tại điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trong trường hợp này bạn có quyền gửi đơn tố cáo đối với hành vi của anh Đ đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát để giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích cho mình.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.
2. Cách xác định có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không ?
Vào ngày 9/12/2015 trong lúc em đang cân hàng phân loại thì có một thanh niên là tài xế của một lái thanh long lại nhận lại ki( sọt) thì em thấy và đi ra để kiểm. Khi đang đi ra em có hỏi anh thanh niên kia: ” lấy bao nhiêu cái ki á, đủ chưa”. Nhưng mắt em nhìn về hướng chồng ki (sọt). Vì Trời nắng gắt nên mắt em có nhíu lại để điều tiết. Anh thanh niên kia nói: tao lại lấy ki làm gì mặt mầy chầm dầm khó chịu vậy. Em cũng không quan tâm để ý tới anh ta nói gì và tiếp tục hỏi y như câu trước: lấy nhiu cái ki á. Đủ chưa. Thì lúc đó anh thanh niên kia lao đến dùng cùi trỏ tay đánh vào mặt em. Em đã không phản ứng lại mặc dù tay em đang cầm một móc sắt dùng để kéo ki( công cụ làm việc) em nói trong lúc anh thanh niên đó đánh em : ” tôi hỏi anh lấy ki (sọt) đủ chưa làm gì anh đánh tôi”. Không dừng lai ở đó anh thanh niên này dã dùng tay bóp cổ em và tiếp tục hắc em vào đầu xe tải đang đậu gần đó để xuống hàng. E vẫn không phản kháng và tiếp tục hỏi:” tôi hỏi anh lấy đủ ki chưa làm gì anh đánh tôi.” Một lần nữa anh thanh niên này vung tay lên chuẩn bị đánh em. Thì em đẩy anh ta ra xa mình và đã dùng móc sắt trên tay đánh lại anh ta trúng vào phía sao đầu và chảy máu.
Lúc em đánh anh ta thì anh ta đã quay mặt hướng khác. Sau cú đánh đó anh ta ngã xuống đất và lập tức đứng dậy xô xát với em. Tiếp theo là được mọi người can ngăn. Chủ của em( dì dượng 4) đã chở anh ta đi băng bó. Và vết thương phía sau đầu đã phải khâu lại 7 đường kim. Em đã cảm thấy mình đã quá nông nổi. Và chờ chủ em( dì dượng 4) em chở anh ta lại vựa lần nữa. Thì em đã xin lỗi anh ta. Nhưng anh ta không chấp nhận lời xin lỗi của em mà thay vào đó là câu nói: đụ má, mày nên tự xử đi. Đừng để tao chém mày. Tao may bao nhiêu mũi thì mày cũng vậy…… Và còn nhiều lời hâm doạ khác nữa.
Xin hỏi Luật sư của LVN Group là em đã phạm phải lỗi gì? Khung hình phạt ra sao? Và em có được tình tiết giảm nhẹ nào không? Xin nói thêm với Luật sư của LVN Group là anh thanh niên này đã có tiền án tiền sự về tội cố ý gây thương tích. Còn em đang trong quá trình xét duyệt để đi nghĩa vụ công an. Em là sinh viên mới ra trường và vừa ra làm tiếp dì dượng em được năm tháng thì xảy ra cớ sự này. Em rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư của LVN Group.
Em chân thành cảm ơn./.
Luật sư Tư vấn Luật hình sự về phòng vệ chính đáng, gọi:1900.0191
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Phòng vệ chính đáng:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Theo như bạn nói bạn đã dùng móc sắt để chống trả hành vi của anh kia (trong khi anh kia không dùng phương tiện mà lấy tay đánh bạn) thì bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 136 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy bạn còn phải căn cú vào tỷ lệ thương tật của người bạn làm bị thương nếu tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% nên thì bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, khung hình phạt là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
3. Sự khác nhau giữa Phòng vệ chính đáng và Tình thế cấp thiết ?
>> Luật sư tư vấn luật hình sự trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191
Sự khác nhau giữa tình thế cấp thiết và phòng vệ chính đáng
Bản chất
– Phòng vệ chính đáng: Chống lại ở mức độ cần thiết đối với hành vi xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức
– Tình thế cấp thiết: Gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa mà không còn cách nào khác
Đặc điểm
– Phòng vệ chính đáng quyền của công dân và không phải là nghĩa vụ pháp lý mà chỉ là nghĩa vụ đạo đức
– Tình thế cấp thiết: là quyền của công dân không phải nghĩa vụ pháp lý
Điều kiện
– Phòng vệ chính đáng
+ Có hành vi tấn công xâm hại đến các lợi ích hợp pháp
+ Hành vi tấn công có thật và đang diễn ra chứ không phải là tưởng tượng
+ Gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công
+ Giữa hành vi phòng vệ và tấn công phải có sự tương xứng
– Tình thế cấp thiết
+ Có sự nguy hiểm thực tế đang đe dọa lợi ích hợp pháp
+ Việc gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp này là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích hợp pháp khác
+ Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần khắc phục
Mục đích ý nghĩa
– Phòng vệ chính đáng: Bảo vệ các lợi ích hợp pháp, ngăn chặn các hành vi tấn công bằng cách gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công
– Tình thế cấp thiết: Bảo vệ lợi ích của nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của mình và người khác
Các trách nhiệm pháp lý liên quan
– Phòng vệ chính đáng: Không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phòng vệ chính đáng là không vượt quá mức cần thiết và ngược lại
– Tình thế cấp thiết: Không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa và ngược lại
Trân trọng./.
>> Tham khảo dịch vụ liên quan: Luật sư tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực hình sự
4. Vượt quá phòng vệ chính đáng có bị phạt tù không ?
Luật sư trả lời:
Thứ nhất, về vấn đề vượt quá phòng vệ chính đáng.
Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 có quy định như sau:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Xét thấy, hành vi cầm dao đâm anh họ khi bị anh họ đấm vào bụng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Vì vậy, bạn sẽ thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Lúc này bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Mặc dù, tỷ lệ thương tật ở đây dưới 11% nhưng bạn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì bạn đã sử dụng hung khí nguy hiểm (dao). Tuy nhiên, nếu bạn có thể thỏa thuận với anh họ để rút đơn thì vụ án sẽ được đình chỉ vì khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là điều khoản khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Cụ thể như sau:
Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp. Trân trọng./.
5. Điều kiện để một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng.
Không phải mọi trường hợp người có hành vi phòng vệ, gây thiệt hại cho người khác đều được thừa nhận là phòng vệ chính đáng. Một hành vi được thừa nhận là phòng vệ chính đáng phải có đầy đủ những điều kiện do Luật Hình sự quy định.
>> Luật sư tư vấn Luật Hình sự gọi: 1900.0191
Thứ nhất, những điều kiện thuộc về hành vi tấn công:
– Hành vi xâm phạm các lợi ích hợp pháp mà người phòng vệ chính đáng chống trả lại phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi bất hợp pháp. Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi được Luật Hình sự quy định, gồm hành vi phạm tội hoặc hành vi nguy hiểm khác như hành vi của người không đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi nguy hiểm mà người phòng vệ chính đáng chống trả lại phải là hành vi của con người cụ thể chứ không phải là hành vi của súc vật. Người phòng vệ chính đáng có quyền chống trả lại mọi hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp, kể cả hành vi của tội phạm và hành vi nguy hiểm khác của người không đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
– Hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp phải đang diễn ra, phải có thật chứ không phải suy đoán tưởng tượng, hành vi ấy ai trông thấy cũng nhận biết được. Về mặt thời gian, hành vi nguy hiểm đang diễn ra là hành vi đang ở thời hiện tại chứ không phải hành vi trong quá khức hoặc hành vi tương lai mới xảy ra. Người gây thiệt hại cho người khác khi hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp chưa bắt đầu không được thừa nhận là phòng vệ chính đáng
Thứ hai, những điều kiện thuộc về hành vi phòng vệ:
– Hành vi phòng vệ phải chống trả lại, phải loại trừ hành vi nguy hiểm của chính người đang xâm phạm lợi ích hợp pháp. Người phòng vệ không được chống trả, gây thiệt hại cho người khác mà chỉ được chống trả hành vi của người đang tấn công. Quy định này đòi hỏi tính thận trọng của người phòng vệ, nhất là khi sử dụng vũ khí.
– Hành vi phòng vệ chính đáng phải là hành vi chống trả hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp ở mức độ cần thiết. Mức cần thiết được hiểu là mức độ vừa đủ mạnh, loại trừ được hành vi nguy hiểm cho xã hội đang xâm phạm lợi ích hợp pháp. Mức độ cần thiết là mức độ mà khi xem xét tương quan lực lượng giữa bên phòng vệ và bên có hành vi nguy hiểm thấy rằng thiệt hại do người phòng vệ gây ra là vừa phải. Người phòng vệ có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn ngừa hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp, có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe cho người tấn công, miễn rằng tương quan lực lượng và hoàn cảnh cụ thể cho thấy đây là mức độ vừa đủ sức mạnh loại trừ nguồn nguy hiểm.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn Luật Hình sự – Công ty luật LVN Group