1. Bồi thường thiệt hại là gì?

Bồi thường thiệt hại là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra. Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại; ngoài ra bên vi phạm còn phải bồi thường tổn thất tinh thần cho bên bị vi phạm. Vì vậy, bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra, và có đủ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Về nguyên tắc, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra; Khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

2. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định tại các điều khoản sau của Bộ luật Dân sự năm 2015: Điều 13 quy định, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Điều 360 cũng có quy định tương tự, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần (Điều 361). Điều 419 quy định cụ thể về xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm: (i) Thiệt hại vật chất thực tế xác định được: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại , thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; (ii) Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại; (iii) Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; (iv) Thiệt hại về tinh thần.

Có thể nhận thấy, thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự mở rộng hơn so với quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 khi thiệt hại được bồi thường không chỉ bao gồm những thiệt hại thực tế, hiện hữu mà còn bao gồm cả khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Sự mở rộng này có sự tương đồng với quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm” (khoản 2 Điều 302).

Như vậy, quy định về bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là rõ ràng và mở rộng hơn cả. So với Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giá trị được bồi thường đã được mở rộng hơn, đồng thời chỉ rõ rằng những thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi được bồi thường do vi phạm hợp đồng – nội dung gây nhiều tranh cãi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. So với Luật Thương mại nắm 2005 thì sự mở rộng hơn được thể hiện ở việc quy định những thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

3. Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Quy định về việc xác định thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi được bồi thường khi vi phạm hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 cho đến nay. Hơn nữa, dù Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định một cách cụ thể rằng thiệt hại về tinh thần cũng có thể được bồi thường trong vi phạm hợp đồng, nhưng cũng được hiểu một cách mặc thị rằng, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ một tiền lệ nào về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Có thể thấy, cho dù căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng nhưng khi xác định liệu có đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho những tổn thất tinh thần do vi phạm hợp đồng hay không lại là điều không dễ dàng.

Đối với các thiệt hại về tinh thần được các Tòa án chấp thuận bồi thường ngoài các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã nêu trên thì còn cần phải có hai dấu hiệu:

Thứ nhất, là tính dự đoán được của thiệt hại. Bên có nghĩa vụ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình đã dự đoán trước hoặc có thể dự đoán trước một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng như là một hậu quả có thể xảy ra từ việc vi phạm hợp đồng. Đây cũng là nội dung được nêu ra trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT về “tính dự đoán trước được của thiệt hại” cùng với yêu cầu về “tính xác thực của thiệt hại” trong khi yêu cầu về mức bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, những tổn thương tinh thần mà bên bị vi phạm phải gánh chịu phải là những thiệt hại “đáng kể”. Có thể hiểu “thiệt hại đáng kể” là những thiệt hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của bên bị vi phạm và có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe tinh thần, tâm lý của bên bị vi phạm.

Những thiệt hại tinh thần được bồi thường thường là các hợp đồng mang tính “cá nhân” (hợp đồng dân sự thông thường) hơn là các hợp đồng mang tính thương mại. Những loại hợp đồng sau đây là những hợp đồng thường được chấp thuận các khoản bồi thường cho thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng: (i) Hợp đồng giải quyết các vấn đề về nhà ở; (ii) Hợp đồng hỗ trợ cho việc sinh con; (iii) Hợp đồng vận chuyển hành khách; (iv) Hợp đồng bảo hiểm cho những chiếc ô tô mới. Có thể thấy, đối tượng của những hợp đồng này là những tài sản, công việc phải thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân. Khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, việc gây ra những tổn thương về tinh thần là điều không tránh khỏi, thậm chí còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài. Đó là lý do một số Tòa án chấp nhận các khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần trong các dạng hợp đồng như vậy cho dù pháp luật không có quy định về điều này.

4. Ví dụ minh hoạ về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Xin đưa ra một ví dụ như sau: A là tài xế xe tải. A đem xe tải đến tiệm của B để kiểm tra định kỳ và hẹn lấy xe sau 2 ngày. Nhưng B sơ suất làm mất xe của A. Cả hai đã đi tìm nhưng không thấy và B phải bồi thường do vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, A sẽ được B bồi thường những khoản nào?

Theo như quy định của Bộ luật Dân sự 2015 đã nêu ở trên, B có trách nhiệm phải bồi thường cho A như sau:

Thứ nhất, bồi thường toàn bộ thiệt hại: A phải được bồi thường số tiền tương đương với chiếc xe mà B làm mất.

Thứ hai, bồi thường phần lợi ích đáng lẽ A được hưởng: B phải bồi thường tiền thù lao mà nếu không mất xe, A sẽ kiếm được cho đến khi A tìm được xe hoặc A có xe mới.

Thứ ba, bồi thường những chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại do lợi ích mang lại: B phải bồi thường chi phí A dùng để tìm kiếm chiếc xe bị mất.

Thứ tư, bồi thường thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Trong trường hợp của A, thiệt hại về tinh thần có thể không đề cập đến.

Thứ năm, A và B có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Nếu việc thỏa thuận thành công, xem như việc bồi thường hoàn thành. Ngược lại, nếu hai bên không thể thống nhất mức bồi thường, A khởi kiện B tại tòa án, vậy mức chi phí mà A bỏ ra để thuê Luật sư của LVN Group bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chi phí tham gia quá trình tố tụng, thực hiện các thủ tục khởi kiện có được tính vào hay không. Đây là nội dung phổ biến trên thực tế mà chúng ta cần bàn luận.

5. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Điều 302 Luật Thương mại 2005 có quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Cách tiếp cận này ngắn gọn và đơn giản hơn nhiều so với Bộ luật dân sự 2015, nhưng lại chưa được bao quát hết các thiệt hại được bồi thường.

Bộ luật dân sự 2015, ngoài những tổn thất về vật chất thì tổn thất về tinh thần cũng được xem xét đến. Tổn thất về tinh thần đã rất phổ biến trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi tiến hành soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại về tinh thần đã được đưa vào cả lĩnh vực hợp đồng. Có thể xem đây là điểm tiến bộ, tiệm cận với pháp luật các quốc gia trên thế giới, “để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên không được thực hiện đúng hợp đồng và để pháp luật Việt Nam không quá xa với xu hướng chung của thế giới, nên cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần ngay cả đối với hợp đồng chịu sự chi phối của pháp luật thương mại nếu tổn thất đó thật sự tồn tại”.

Bộ luật dân sự 2015 cũng trao quyền cho Tòa án xác định mức bồi thường. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực thi quy định này. Theo quan điểm của tác giả, việc xác định tổn thất tinh thần do vi phạm hợp đồng hoàn toàn có thể áp dụng tương tự như xác định đối với thiệt hại ngoài hợp đồng tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, được quy định khá chi tiết tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Do đó, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn các nội dung về việc áp dụng tương tự pháp luật trong việc xác định trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Cụ thể là áp dụng mức bồi thường tổn thất về tinh thần tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các khoản thiệt hại được bồi thường không trùng lặp với khoản thiệt hại thực tế, khoản lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại có được thỏa thuận vượt quá khoản thiệt hại thực tế hay không.