1. Chính sách đối với các quốc gia láng giềng

Chính sách mở rộng Liên minh châu Âu có lẽ là một công cụ có hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy và thực hiện các quyền con người ở châu Âu. Việc gia nhập đòi hỏi phải chấp nhận pháp luật của Liên minh châu Âu (theacquys) và tuân thủ các tiêu chuẩn Copenhagen, đảm bảo rằng các thiết chế ổn định nhằm bảo đảm dân chủ, nhà nước pháp quyền, quyền con người, tôn trọng và bảo vệ các dân tộc thiểu số. Mỗi năm ủy ban châu Âu sẽ chuẩn bị báo cáo gia nhập của các ứng cử viên và các ứng cử viên tiềm năng trong đó bao hàm cả các báo cáo về quyền con người và xác nhận các lĩnh vực có sự tiến bộ.

Mười sáu quốc gia láng giềng đã được lựa chọn để thực thi chính sách đối với các quốc gia láng giềng của Liên minh châu Âu chính sách có liên hệ với các cam kết thực hiện các giá trị chung (dân chủ và quyền con người, nhà nước pháp quyền, quản trị tốt, nguyên tắc kinh tế thị trường và phát triển bền vững). Một kế hoạch hành động được sự đồng thuận của các bên đã đặt ra Chương trình cho những cải cách trong ngắn và trung hạn. Theo đó, ủy ban châu Âu có trách nhiệm giám sát, cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng thực thi.

Liên minh châu Âu cũng thực hiện các sáng kiến kết nối các nhu cầu phát triển khu vực hiện nay, cụ thể:

– Liên minh Địa Trung Hải, được thành lập vào ngày 13-07-2008 tại Paris, cũng khẳng định rằng: tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ, quyền con người và các nền tảng tự do cơ bản.

– Các đối tác phương Đông, được thành lập vào ngày 07-05-2009 dựa trên nền tảng các cam kết tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và các giá trị nền tảng.

– Hiệp đồng Biển Đen, được thành lập vào ngày 14-02-2008 tại Kiev, đã tuyên bố mục tiêu tăng cường dân chủ, tôn trọng quyền con người và thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự.

Liên minh châu Âu là một đối tác lâu dài của Hội đồng châu Âu (CoE), thiết lập các tiêu chuẩn ban đầu cho lục địa châu Âu. Hội đồng châu Âu có trụ sở tại Strasbourg có mục tiêu ban đầu là kiến tạo dân chủ và một nền pháp lý chung trên toàn bộ lãnh thổ châu Âu, đảm bảo tôn trọng các giá trị cơ bản: các quyền con người, dân chủ và nhà nước pháp quyền. Theo đó, Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu sẽ có các cuộc họp thường xuyên vối các quan chức của Liên minh châu Âu. Trên thực tế Liên minh châu Âu cũng tài trợ cho các hoạt động, chương trình đa dạng của Hội đồng châu Âu, đặc biệt là hoạt động của Cao ủy về nhân quyền của Hội đồng châu Âu.

Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) có vai trò quan trọng trong việc giám sát bầu cử tại châu Âu. Tổ chức này thực hiện vai trò của mình thông qua Cơ quan về các thiết chế dân chủ và nhân quyền (ODIHR) có trụ sở tại Warsaw. Theo đó, Liên minh châu Âu cam kết đảm bảo cho sự an toàn và hoạt động độc lập của ODIHR và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bầu cử và các thiết chế bảo vệ quyền con người. Liên minh châu Âu cũng duy trì hoạt động đối thoại thường xuyên với tổ chức OSCE.

2. Liên minh Địa Trung Hải

Liên minh Địa Trung Hải bao gồm tất cả các nước thành viên EU và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ ở Bắc Phi, vùng Balkan và Trung Đông. Liên minh có tổng cộng 756 triệu dân sống trên khu vực trải dài từ Tây Âu tới sa mạc Jordan.

Tổ chức quốc tế có quy mô lớn này được hình thành theo đề xuất của Pháp, nhằm mục tiêu giải quyết hàng loạt vấn đề từ xung đột trong khu vực, tình trạng nhập cư bất hợp pháp, tới nạn ô nhiễm môi trường.

Trong bài phát biểu tuyên bố thành lập liên minh tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris, Tổng thống Pháp Sarkozy kêu gọi các quốc gia Trung Đông chấm dứt bạo lực và chiến tranh. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của EU, ông cam kết sẽ thúc đẩy với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Liên minh Địa Trung Hải cũng khẳng định rằng: tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ, quyền con người và các nền tảng tự do cơ bản.

3. “Đối tác phương Đông”

Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 8/12/2008 đã thông qua Chương trình Đối tác phương Đông (EaP) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất nhằm tăng cường quan hệ với 6 nước thuộc Liên Xô trước đây (gồm Ukraine, Gruzia, Armenia, Azerbaijan, Moldova và Belarus). EaP được xem là định hướng chính sách đối ngoại chính giữa Brussels với các quốc gia vùng ngoại biên phía Đông châu Âu.

Nhóm đối tác 27+6 này đã được bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, sau cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia, các thành viên quyết định đẩy nhanh các vòng đàm phán với 6 quốc gia trên về chương trình này. Ý tưởng về chương trình hợp tác này được Thụy Điển và Ba Lan đề xuất trong lúc Pháp ủng hộ thành lập Liên minh Địa Trung Hải vào tháng 7, gồm có EU và các quốc gia Địa Trung Hải.

Theo lời Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề đối ngoại và chính sách láng giềng Benita Ferrero-Waldner, những mục tiêu ưu tiên của chương trình này là mở rộng hợp tác kinh tế, tiến tới thành lập khu vực thương mại tự do, thành lập thị trường dầu khí và năng lượng điện tự do, cũng như đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, tiến tới áp dụng chế độ miễn thị thực vào EU với các nước kể trên. Ngoài ra, EU còn tăng gấp đôi khoản tài trợ, lên 600 triệu Euro, cho nhóm 6 nước này trong giai đoạn 2010-2013 và 1,5 tỷ Euro cho tới năm 2020.

4. Hội đồng châu Âu (CoE)

Hội đồng châu Âu (tiếng Anh: European Council) là cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh châu Âu. Hội đồng gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên Liên minh châu Âu cùng với chủ tịch Ủy ban châu Âu. Các cuộc họp của Hội đồng do chủ tịch Hội đồng châu Âu chủ tọa.

Trong khi Hội đồng không có quyền hạn chính thức về hành pháp hoặc lập pháp, hội đồng là một cơ quan thể chế giải quyết các vấn đề lớn và mọi quyết định là “một sự thúc đẩy chủ yếu trong việc vạch rõ các đường lối chỉ đạo chính trị chung của Liên minh châu Âu”. Hội đồng họp mỗi năm ít nhất 2 lần, thường là tại tòa nhà Justus Lipsius, hành dinh của Hội đồng Liên minh châu Âu (Consilium) ở Bruxelles.

Hội đồng châu Âu không phải là một cơ quan thể chế chính thức của Liên minh châu Âu, mặc dù nó được các hiệp ước nói đến như một cơ quan “sẽ đem lại cho Liên minh sự thúc đẩy cần thiết cho việc phát triển Liên minh”. Về cơ bản, nó vạch rõ chương trình nghị sự chính sách của Liên minh châu Âu và vì thế được coi là động lực của việc hội nhập châu Âu. Hội đồng làm việc đó mà không có bất cứ quyền lực chính thức nào, mà chỉ dựa vào ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo quốc giao. Ngoài nhu cầu đưa ra sức thúc đẩy, hội đồng cũng đóng các vai trò khác nữa: “giải quyết các vấn đề còn tồn tại từ các cuộc thảo luận ở cấp thấp hơn”, hướng dẫn chính sách đối ngoại – bề ngoài đóng vai một quốc trưởng tập thể (collective Head of State), “chính thức phê chuẩn các tài liệu quan trọng” và tham gia các cuộc thương thuyết về (thay đổi) các hiệp ước Liên minh châu Âu.

Do Hội đồng gồm các nhà lãnh đạo quốc gia, hội đồng gom lại quyền hành pháp của các nước thành viên, có rất nhiều ảnh hưởng bên ngoài Cộng đồng châu Âu: ví dụ đối với Chính sách an ninh và đối ngoại chung và Việc hợp tác trong các vấn đề Tư pháp và Cảnh sát. Hội đồng cũng hành xử nhiều quyền hành pháp của Hội đồng Liên minh châu Âu, như bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban châu Âu.Với các quyền hành pháp siêu quốc gia của Liên minh, cùng với các quyền khác nữa, vì thế Hội đồng châu Âu được một số người mô tả như “giới chức chính trị tối cao” của Liên minh.

5. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là một tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới. Tổ chức ban hành các vấn đề về kiểm soát vũ khí, quyền con người, quyền tự do báo chí và bầu cử tự do. Phần lớn trong số 3500 cán bộ thành viên của tổ chức đều trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội, chỉ có 10% là làm việc tại trụ sở.

OSCE là tổ chức hoạt động theo hiến chương của Liên hiệp quốc, các vấn đề quan tâm của tổ chức này liên quan gồm có cảnh báo và ngăn chặn xung đột, kiểm soát khủng hoảng và tái thiết thời hậu chiến. Tổ chức được thành lập thời chiến tranh lạnh, như là một diễn đàn an ninh Âu Á, vào năm 1975 với cái tên là Conference on Security and Co-operation in Europe (CSCE) tổ chức tại Helsinki, Phần Lan. Đến năm 1995 thì mới đổi tên là OSCE. 57 quốc gia thành viên bao gồm tất cả các nước châu Âu ngoại trừ Kosovo, Các nước xuất phát từ Liên Xô, Mông Cổ cũng như Hoa Kỳ và Canada. Trụ sở của tổng thư ký tổ chức đặt ở Viên.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có nguồn gốc từ Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) năm 1973. Các hội nghị bàn thảo về vấn đề hợp tác an ninh tại châu Âu đã bắt đầu từ những năm 1950 tuy nhiên do những cản trở của Chiến tranh lạnh đã không đạt được tiến bộ cụ thể nào cho đến tận Hội nghị tại Dipoli, Helsinki tháng 11 năm 1972. Các hội nghị này được tiến hành với sự gợi ý của Liên Xô, vốn có ý định dùng các hội nghị này để duy trì sự kiểm soát với các nước cộng sản tại đông Âu. Tuy nhiên các nước tây Âu nhìn nhận đây là cơ hội thông qua đàm phán để giảm căng thẳng trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế và đạt được những tiến bộ nhân đạo trong khối các nước cộng sản. Nghị trình đàm phán được giới thiệu trong “Sách Xanh” đã xác lập trên thực tế một tiến trình đàm phán gồm ba giai đoạn, gọi là tiến trình Helsinki. CSCE khai mạc ngày 3 tháng 7 năm 1973 tại Helsinki với sự tham dự của đại diện từ 35 quốc gia. Giai đoạn thứ nhất kéo dài 5 ngày với kết quả là thông qua nghị trình được khuyến cáo trong Sách Xanh. Giai đoạn hai là giai đoạn đàm phán chính, tiến hành tại Geneva từ ngày 18 tháng 9 năm 1973 đến ngày 21 tháng 7 năm 1975 với kết quả là Hiệp ước Helsinki (Helsinki Final Act hay Helsinki Accord). Giai đoạn ba được tiến hành tại nhà hát Finlandia Hall, Phần Lan, từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8 năm 1975, với sự chủ tọa của nhà ngoại giao của Tòa thánh Vatican Cardinal Agostino Casaroli, 35 nước tham gia đàm phán đã ký kết Hiệp ước Helsinki.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)