1. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là gì?

Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Cầm cố tài sản.

2. Thế chấp tài sản.

3. Đặt cọc.

4. Ký cược.

5. Ký quỹ.

6. Bảo lưu quyền sở hữu.

7. Bảo lãnh.

8. Tín chấp.

9. Cầm giữ tài sản.”

Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đẩy đủ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết, thì người có quyền có thể áp dụng biện pháp bảo đảm nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều mang tính chất dự phòng và luôn tổn tại kèm theo một nghĩa vụ chính nên chỉ được áp dụng khi bên có nghĩa vụ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ chính mà họ đã tự nguyện cam kết. Tùy từng trường hợp và tùy thuộc vào việc cam kết, thỏa thuận, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có những quy chế xử lí khác nhau. Bộ luật dân sự quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự sau đây: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, kí cược, kí quỹ, bảo lãnh, phạt vi phạm. Mỗi biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có đặc trưng và bản chất pháp lí khác nhau.

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể hiểu theo hai phương diện:

+ Về mặt khách quan là sự quy định của pháp luật, cho phép các chủ thể trong giao dịch dân sự hoặc các quan hệ dân sự khác áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo đảm cho một nghĩa vụ chính được thực hiện đồng thời xác định và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên trong các biện pháp đó.

+ Về mặt chủ quan là việc thỏa thuận giữa các bên nhằm qua đó đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.

2. Chủ thể của quan hệ bảo đảm

Chủ thể của quan hệ bảo đảm bao giờ cũng chỉ gồm hai bên, một bên đươc gọi là bên bảo đảm còn bên kia được gọi là bên nhận bảo đảm.

2.1. Bên bảo đảm

Bên bảo đảm trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là bên cam kết trước bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng quan hệ bảo đảm đó về việc bằng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc bằng việc thực hiện một công việc nhất định để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 21/2020/NĐ-CP về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự quy định:

“Bên bảo đảm bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên bảo lãnh, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở trong trường hợp tín chấp, bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.”

Như vậy, có thể thấy, trong một quan hệ bảo đảm thì bên bảo đảm là bên cam kết trước bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đó.

Bên bảo đảm có thể đồng thời là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp bảo đảm đó. Ví dụ minh họa: B vay tiền của A và lấy tài sản của mình để cầm cố, thế chấp bảo đảm cho việc trả tiền đó.

Bên bảo đảm có thể là người khác mà không đồng thời là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp bảo đảm đó. Ví dụ, B vay tiền của A nhưng C là người thế chấp tài sản của mình để bảo đảm việc trả nợ của B trước A.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên bảo đảm gồm: bên cầm cố tài sản, bên thế chấp tài sản, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lưu quyền sở hữu, bên bảo lãnh, bên tín chấp, bên cầm giữ tài sản.

2.2. Bên nhận bảo đảm

Bên nhận bảo đảm trong quan hệ bảo đảm là bên chấp nhận sự cam kết của bên kia về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sư bằng tài sản hoặc bằng việc thực hiện công việc nhất định.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 21/2020/NĐ-CP về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự quy định:

” Bên nhận bảo đảm bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên có quyền trong ký quỹ, bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp, bên có quyền trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.”

Như vậy, bên nhân bảo đảm luôn luôn là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vu được bảo đảm bằng quan hệ bảo đảm.

3. Chủ thể có liên quan đến quan hệ bảo đảm

3.1. Người được bảo đảm

Trong những trường hợp người bảo đảm đồng thời là người có nghĩa vụ thì nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ của chính họ nên người được bảo đảm chỉ được coi là chủ thể có liên quan đến quan hệ bảo đảm trong trường hợp người bảo đảm không đồng thời là người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm. Cụ thể hơn, người được bảo đảm là chủ thể có liên quan đến quan hệ bảo lãnh hoặc là người có nghĩa vụ mà nghĩa vụ của họ được người khác bảo đảm bằng biện pháp cầm cố hoặc thế chấp. Trong những trường hợp này, chủ thể của quan hệ bảo đảm là bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, còn người có nghĩa vụ được bảo đảm bằng các biện pháp bảo đảm đó là chủ thể liên quan đến quan hệ bảo đảm. Sự liên quan của người có nghĩa vụ được bảo đảm đến quan hệ bảo đảm có thể vừa liên quan về tính ý chí vừa liên quan về quyền và nghĩa vụ, nhưng có thể chỉ liên quan về quyền và nghĩa vụ.

Trường hợp có sự liên quan về ý chí nếu giữa người có nghĩa vụ được bảo đảm với người bảo đảm có thỏa thuận và theo đó người bảo đảm mới đứng ra cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của họ trước người có quyền. Trong trường hợp này thì bên có nghĩa vụ được bảo đảm đã biết người bảo đảm nghĩa vụ cho mình là ai và thông thương phải trả một khoản phí bảo đảm nhất định nếu có thỏa thuận.

Trường hợp không có sự liên quan về ý chí nếu người bảo đảm ra cam kết một cách độc lập trước người có quyền về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ không biết hoặc tuy có biết nhưng không có sự thỏa thuận về việc người đó đứng ra bảo đảm nghĩa vụ cho mình. Do đó, người bảo đảm không được quyền yêu cầu được bảo đảm trả phí bảo đảm dù đã thực hiện nghĩa vụ thay nghĩa vụ cho họ.

Theo Điều 340 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” nhưng không có quy định về mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ giữa người bảo đảm với người được bảo đảm trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố, thế chấp. Đây có thể coi là một khe hở của luật vì thế, để tránh tình trạng này cần quy định về nghĩa vụ hoàn lại giữa người được bảo đảm với người bảo đảm theo nguyên tắc sau khi bên bảo đảm đã thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo đảm đều phát sinh một quan hệ nghĩa vụ giữa người bảo đảm đối với người được bảo đảm, theo đó, người được bảo đảm phải hoàn lại cho người bảo đảm các chi phí mà người bảo đảm đã thực hiện trước người nhận bảo đảm.

3.2. Người giữ tài sản bảo đảm

Người giữ tài sản bảo đảm được coi là chủ thể có liên quan đến quan hệ bảo đảm nếu họ không phải là môt bên trong quan hệ bảo đảm.

– Người giữ tài sản cầm cố

Nếu người giữ tài sản cầm cố là một bên trong quan hệ đươc hình thành giữa họ với bên nhận cầm cố thì quyền và nghĩa vụ của họ chỉ liên quan đến bên nhận cầm cố và được xác định theo nội dung của quan hệ gửi giữ tài sản. Bên nhân cầm cố luôn là người chịu trách nhiệm trước bên cầm cố về việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất, bị hư hỏng, trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp khác.

Nếu người giữ tài sản cầm cố là người xác định theo ý chí của cả hai bên trong quan hệ cầm cố thì quyền và nghĩa vụ của họ liên quan đến cả hai bên trong quan hệ cầm cố đó.

– Người giữ tài sản thế chấp

Nếu người giữ tài sản cầm cố có thể là một bên trong quan hệ gửi giữ tài sản được hình thành từ sự thỏa thuận giữa họ với bên nhận cầm cố (bên nhận bảo đảm) thì người giữ tài sản thế chấp chỉ là một bên trong các quan hệ được hình thành từ sự thỏa thuận giữa họ và bên thế chấp (bên bảo đảm) bởi bản chất của thế chấp là bên thế chấp không chuyển giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Bao gồm quan hệ gửi giữ tài sản, quan hệ cho thuê, cho mượn tài sản, ngoài ra người giữ tài sản thế chấp có thể là người có quyền trong trường hợp pháp luật có quy định, vì vậy, người giữ tài sản thế chấp có các quyền và nghĩa vụ liên quan sau đây:

Trong trường hợp người thứ ba giữ tài sản thế chấp phải bồi thường thiệt hại do làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản thế chấp thì số tiền bồi thưòng trồ thành tài sản bảo đảm,

Trong trường hợp bên có quyền cầm giữ tài sản mà tài sản này đang được dùng để thế chấp thì quyền của bên cầm giữ được ưu tiên hơn so vối quyền của bên nhận thế chấp.Bên cầm giữ tài sản có trách nhiệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xõ lý theo quy định của pháp luật, sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ.

Người giữ tài sản ký quỹ

Trong biện pháp ký quỹ, ngân hàng nơi ký quỹ được coi là người có liên quan đến quan hệ bảo đảm bồi ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu của bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thưòng thiệt hại trong phạm vi giá trị tài sản ký quỹ, hoàn trả tài sản ký quỹ côn lại cho bên ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng và số tiền đã thanh toán theo yêu cầu của bên có quyền khi chấm dứt ký quỹ.