1. Khái quát chung
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của các nhà nước, song cũng là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Điều này đã được nêu trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về trách nhiệm bảo vệ quyền con người của mọi cá nhân, tổ chức (1998) cũng như nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác về quyền con người. Đây cũng là những vấn đề được quy định trong pháp luật của hầu hết quốc gia.
Việc xác định các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể, đặc biệt là của các cá nhân, như nêu ở trên là rất quan trọng để bảo đảm hiện thực hóa các quyền con người trên thực tế. Tuy nhiên, ngay cả khi đã xác định được các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể thì việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người vẫn có thể vẫn chưa hiệu quả nếu không thiết lập được các cơ chế cho việc thực thi các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ đó.
Hiện nay, trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, ngoài cơ chế quốc tế (mà nòng cốt là cơ chế của Liên hợp quốc), còn có các cơ chế khu vực và quốc gia. Chương này đề cập và phân tích một cách khái quát những đặc trưng cơ bản của các cơ chế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cả ba cấp độ, trong đó phần dung lượng lớn nhất được dành cho cơ chế của Liên hợp quốc.
2. Cơ chế quốc tế
Bộ máy các cơ quan và các quy tắc, thủ tục thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong hệ thống Liên Hợp quốc (LHQ) còn được gọi với tên là “cơ chế quốc tế” hoặc “cơ chế LHQ” bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Các cơ quan quyền con người Liên hợp quốc được chia thành hai dạng: các cơ quan được thành lập theo (dựa trên) Hiến chương (charter-based organ hoặc charter bodies), và các cơ quan được thành lập theo (hoặc dựa trên) một số công ước quan trọng về quyền con người (treaty bodies). Một số tài liệu gọi hệ thống các cơ quan và thủ tục này là cơ chế dựa trên Hiến chương (charter-based mechanism) và cơ chế dựa trên công ước (treaty-based mechanism).
– Cơ chế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc
Do bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc nên cả 6 cơ quan chính (Đại hội đồng (General Assembly), Hội đồng Bảo an (Security Council), Hội đồng Kinh tế và Xã hội (Economic and Social Council – ECOSOC), Hội đồng Quản thác (Trusteeship Council) và Toà án quốc tế (International Court of Justice – ICJ) đều có trách nhiệm trên lĩnh vực này. Một số cơ quan chính thiết lập một mạng lưới các cơ quan giúp việc về quyền con người, đồng thời xây dựng một quy chế để huy động sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (quốc tế, khu vực và quốc gia) vào hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
– Cơ chế dựa trên công ước
Cơ chế này được dựa trên các ủy ban giám sát việc thực hiện một số công ước quốc tế về quyền con người (treaty-based bodies), được thành lập theo quy định của chính các công ước đó (ngoại trừ Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được thành lập theo một nghị quyết của ECOSOC).
Nếu như các cơ quan trong cơ chế dựa trên Hiến chương có những chức năng đa dạng, bao gồm cả việc nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn kiện, thẩm định, theo dõi, giám sát và điều hành các chương trình, hoạt động về quyền con người…thì hệ thống uỷ ban công ước có chức năng hẹp hơn. Các uỷ ban này được thiết lập chỉ để giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, thông qua việc nhận, xem xét và ra khuyến nghị liên quan đến các báo cáo về việc thực hiện các công ước này của những quốc gia thành viên (và với một số uỷ ban, còn thông qua thẩm quyền nhận, xem xét và xử lý các khiếu nại về việc vi phạm các quyền con người được ghi nhận trong một số công ước).
Hiện tại, có 9 công ước được coi là điều ước quốc tế căn bản về quyền con người (core international human rights treaties) của Liên hợp quốc. Một trong số đó chưa có hiệu lực là Công ước về cưỡng bức đưa đi mất tích. Tám công ước còn lại được giám sát bởi các uỷ ban giám sát và một cơ quan tương tự là nhóm công tác.
Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, 1965
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966
Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, 1979
Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo,vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác, 1987
Công ước về quyền trẻ em, 1989
Công ước về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ, 1990
Công ước về quyền của người khuyết tật, 2007
3. Cơ chế khu vực
Bên cạnh cơ chế có tính chất toàn cầu của Liên hợp quốc và một số tổ chức liên chính phủ khác, một số tổ chức khu vực cũng ban hành các văn kiện và thành lập các cơ chế để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong phạm vi khu vực đó. Ở mức độ nhất định, một số cơ chế khu vực (ví dụ như ở châu Âu) còn tỏ ra chặt chẽ, hiệu quả hơn so với cơ chế của Liên hợp quốc.
Mặc dù trái đất có 4 châu lục chính, song hiện tại chỉ có 3 châu lục là châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đã thiết lập được cơ chế khu vực về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
4. Cơ chế khu vực châu Âu
Châu Âu là khu vực đi đầu trên thế giới về việc phát triển cơ chế bảo vệ quyền con người khu vực. Hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Âu có nòng cốt là Công ước châu Âu về Bảo vệ Quyền con người và Tự do cơ bản (The European Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms) được Hội đồng châu Âu thông qua từ ngày 4/11/1950, có hiệu lực từ tháng 9/1953. Bên cạnh việc ghi nhận các quyền và tự do cơ bản, Công ước này còn quy định cơ chế giám sát thực hiện gồm ba cơ quan là: Ủy ban Quyền con người trực thuộc Hội đồng châu Âu (được thành lập năm 1954 nhưng đã kết thúc hoạt động từ năm 1990), Tòa án Quyền con người châu Âu (1959) và Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (gồm Ngoại trưởng hoặc đại diện của các quốc gia thành viên). Công ước cũng quy định hai loại khiếu nại (applications) về những vi phạm quyền con người có thể được tiếp nhận và xem xét là khiếu nại của các cá nhân và của các quốc gia đối với nhau.
5. Cơ chế khu vực châu Mỹ
Cơ chế quyền con người châu Mỹ cũng có lịch sử tương đối sớm. Ngay từ năm 1948, Tuyên ngôn châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người (American Declarattion of the Rights and Duties of Man) đã được thông qua bởi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (Organization of American States – OAS), trước Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người 6 tháng. Tiếp theo đó, năm 1959, Ủy ban Quyền con người châu Mỹ (Inter-American Commission on Human Rights – IACHR) được thành lập. Đến năm 1969, các nguyên tắc nền tảng trong Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và trách nhiệm của con người được tái khẳng định trong Công ước châu Mỹ về quyền con người (American Convention on Human Rights). Công ước này xác định các quyền con người mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ và đảm bảo, đồng thời quy định việc thiết lập Tòa án Quyền con người châu Mỹ (Inter-American Court of Human Rights). Công ước này hiện có giá trị bắt buộc đối với 24 trong số 35 quốc gia thành viên của OAS.
6. Cơ chế khu vực châu Phi
Nền tảng của hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi là Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc (African Charter on Human and Peoples’ Rights), được thông qua bởi Tổ chức Liên minh châu Phi (Organization of African Uninty – OAU) vào ngày 27/6/1981, có hiệu lực vào ngày 21/10/1981. Đây là văn kiện nền tảng trong hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi. Cùng với ngày Hiến chương này có hiệu lực, Ủy ban quyền con người và quyền các dân tộc châu Phi (African Commission on Human and Peoples’ Rights) cũng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định thư bổ sung Hiến chương quyền con người châu Phi (được thông qua năm 1998) có hiệu lực vào ngày 25/1/2004, Tòa án châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc (African Court on Human and Peoples’ Rights) mới chính thức được thành lập.
Bộ máy cơ quan quyền con người của châu Phi bao gồm Ủy ban quyền con người và quyền các dân tộc châu Phi và Tòa án Quyền con người châu Phi.
7. Cơ chế quốc gia
Bên cạnh cơ chế quốc tế và khu vực, các quốc gia thường có cơ quan chuyên trách bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Tuy nhiên, các quốc gia lại lựa chọn các mô hình tương đối khác nhau.
Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Các cơ chế quốc gia bảo vệ quyền con người, nếu xét theo nghĩa rộng, rất đa dạng. Về lý thuyết, các cơ quan nhà nước có chức năng duy trì ổn định, trật tự xã hội và bảo đảm quyền của người dân. Các chính quyền dân chủ tồn tại để phục vụ nhân dân, do đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có chức năng bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, chính các cơ quan và viên chức nhà nước cũng đồng thời là chủ thể chính vi phạm quyền con người, vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập các cơ quan độc lập hoặc bán độc lập với bộ máy nhà nước để tăng cường hiệu quả của việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Một số dạng chính của các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (national institution on the protection and promotion of human rights hoặc national human rights institutions – NHRIs) đã được thành lập ở nhiều nước trên thế giới như:
– Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human Rights)
– Thanh tra Quốc hội (Ombudsman)
Một số quốc gia có quan chức chuyên trách về nhân quyền với tên gọi khác. Chẳng hạn như Cao uỷ Nhân quyền của Nghị viện Ukraina (Ukrainian Parliament Commissioner for Human rights): Điều 55 Hiến pháp quốc gia này quy định: Mọi người có quyền khiếu nại đến Cao uỷ Nhân quyền Quốc hội.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)