Trả lời:

Mua bán doanh nghiệp có thể được phân loại theo các hình thức khác nhau tùy thuộc vào tiêu chí, căn cứ phân loại mua bán doanh nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu các hình thức mua bán doanh nghiệp và dựa trên những phân tích luật thực định của Việt Nam về việc hình thành tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp và cách thức chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện quyền kiểm soát doanh nghiệp, có thể chia thành hai hình thức:

+ Hình thức thứ nhất là mua bán toàn bộ doanh nghiệp.

+ Hình thức thứ hai là mua một phần doanh nghiệp và kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu.

1. Mua bán toàn bộ doanh nghiệp

Mua bán toàn bộ doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu toàn bộ doanh nghiệp của mình cho bên mua. Hình thức mua bán toàn bộ doanh nghiệp gồm: mua bán doanh nghiệp tư nhân, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho bên nhận chuyển nhượng. Bên mua doanh nghiệp tư nhân, bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần thực hiện đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để nhận diện hình thức mua bán toàn bộ doanh nghiệp cần căn cứ trên những tiêu chí cơ bản sau:

Một là, bên bán doanh nghiệp phải là chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ sở hữu doanh nghiệp là các thành viên, cổ đông công ty, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân. Bên mua doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của các thành viên, nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của chù sở hữu công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông công ty, mua toàn bộ vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Hai là, quan hệ chuyển nhượng vốn giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và bên nhận chuyển nhượng được ghi nhận bằng hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; quan hệ mua bán doanh nghiệp tư nhân, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thể hiện qua hình thức hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng mua bán công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Ba là,đối tượng mua bán trong các thương vụ mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp. Các quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam xác định doanh nghiệp là chủ thể pháp lý độc lập và mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số thuế gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại.

Qua quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành ở Việt Nam có thể nhận xét: doanh nghiệp là đối tượng của thương vụ mua bán (gọi chung là doanh nghiệp mục tiêu) vẫn tồn tại liên tục trước, trong và sau quá trình mua bán. Doanh nghiệp mục tiêu vẫn được giữ nguyên tư cách pháp lý và mã số doanh nghiệp sau khi bên bán chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua.

Bốn là, bên nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, toàn bộ vốn điều lệ hoặc mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi thành viên, đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần, bán doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật thì bên chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không còn là chủ sở hữu của công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần, bên mua doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành những chủ sở hữu mới của doanh nghiệp mục tiêu và có quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu.

Trong một số lĩnh vực liên quan đến an ninh kinh tế, những quy định mua bán doanh nghiệp đó có thể có những điểm khác với bản chất mua bán doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác. Có thể Nhà nước sẽ giới hạn hình thức mua bán doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ về thủ tục mua bán doanh nghiệp.

Ví dụ:như quy định về mua bán tổ chức tín dụng tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng và Thông tư số 36/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng.

2. Mua bán một phần doanh nghiệp

Mua bán một phần doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu một phần doanh nghiệp cho bên mua để bên mua có quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu. Hình thức mua bán một phần doanh nghiệp bao gồm: các thành viên, cổ đông công ty chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối (gọi chung là phần vốn góp chi phối) cho bên nhận chuyển nhượng để bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp có thể kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu. Tỉ lệ phần vốn góp chi phối do pháp luật hoặc Điều lệ doanh nghiệp quy định. Bên mua một phần doanh nghiệp trở thành các đồng chủ sở hữu và phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý để thực hiện hình thức mua bán toàn bộ doanh nghiệp là quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán và pháp luật đầu tư.

Các tiêu chí để nhận diện mua bán một phần doanh nghiệp tương tự như tiêu chí nhận diện mua bán toàn bộ doanh nghiệp về chủ thể mua bán doanh nghiệp, về thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mua bán một phần doanh nghiệp có một số đặc điểm khác biệt với mua bán toàn bộ doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Một là,đối tượng mua bán một phần doanh nghiệp không phải là toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ là một phần doanh nghiệp. Bên mua mua một phần doanh nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chi phối của chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu. Khác với mua bán toàn bộ doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp không hoàn toàn từ bỏ tư cách chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mục tiêu mà vẫn là đồng chủ sở hữu doanh nghiệp cùng với các chủ sở hữu mới là bên nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.

Hai là,chỉ được coi là mua một phần doanh nghiệp nếu bên nhận chuyên nhượng nhận chuyển nhượng phần vốn góp đến một tỉ lệ gọi là tỉ lệ phần vốn góp chi phối.

Ba là,bên nhận chuyển nhượng tỉ lệ phần vốn góp chi phối có quyền kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu. Kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu được hiểu là chủ sở hữu phần vốn chi phối tham gia vào bộ máy quản trị của doanh nghiệp và có sọ phiếu biểu quyết đủ để quyết định những vấn đề quan trọng nhất về tài chính, kinh doanh, nhân sự… của doanh nghiệp mục tiêu. Đặc điểm này phân biệt mua bán doanh nghiệp với những trường hợp bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp không tham gia quản trị và kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu, đó chỉ là hình thức đầu tư tài chính mà không phải là mua bán doanh nghiệp.

Hình thức mua bán một phần doanh nghiệp bao gồm những trường hợp sau:

– Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chuyển nhượng phần vốn chi phối cho tổ chức, cá nhân khác.

– Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên chuyển nhượng phần vốn chi phối cho các thành viên còn lại hoặc các tổ chức, cá nhân khác.

– Cổ đông công ty cổ phần chuyển nhượng cổ phần chi phối cho các cố đông còn lại hoặc các tổ chức, cá nhân khác.

– Thành viên hợp danh chuyển nhượng phần vốn góp cho các thành viên hợp danh hoặc cá nhân khác.

Công ty hợp danh là công ty đối nhân, ít nhất phải có hai thành viên hợp danh là cá nhân, có quyền quản lý công ty. Công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn, không cỏ quyền quản lý công ty. Mỗi một thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty. Những vấn đề quan trọng nhất của công ty phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận nếu Điều lệ công ty không quy định một tỉ lệ khác. Qua những quy định về công ty hợp danh, có thể thấy: về mặt lý thuyết, thành viên hợp danh có quyền bán một phần công ty bằng việc chuyển nhượng phần vốn góp đến một tỉ lệ theo quy định của Điều lệ mà cá nhân nhận chuyển nhượng phần vốn có thể quyết định những công việc kinh doanh quan trọng của công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán một phần công ty hợp danh không phổ biến vì: thành viên hợp danh thường quen biết nhau và bị hạn chế quyền chuyển nhượng phần vốn góp, các thành viên hợp danh cùng nhau quản lý công ty và biểu quyết về công việc kinh doanh của công ty không phụ thuộc vào tỉ lệ phần vốn góp mà tính theo số lượng thành viên hợp danh (nếu Điều lệ công ty không quy định khác). Với bản chất của công ty đối nhân, các thành viên có sự chia sẻ quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của công ty thì mua bán một phần công ty hợp danh sẽ khó khả thi trong thực tiễn và phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của các thành viên còn lại trong công ty.

Như vậy, quyền kiểm soát doanh nghiệp không thuộc về một hoặc một số thành viên như trong các công ty đối vốn vì nguyên tắc tổ chức hoạt động của công ty đối vốn phụ thuộc vào tỉ lệ phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp. Vì vậy, các thành viên công ty hợp danh chuyển nhượng phần vốn góp thì bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp trở thành chủ sở hữu công ty nhưng không kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp. Có thể có một số ngoại lệ để xuất hiện các thương vụ mua bán công ty hợp danh khi Điều lệ công ty quy định tỉ lệ phiếu biểu quyết quyết định các vấn đề quan trọng của công ty căn cứ trên tỉ lệ phần vốn góp của thành viên hợp danh. Tuy nhiên, như đã phân tích, công ty hợp danh hoạt động theo nguyên tắc của công ty đối nhân nên mua bán công ty hợp danh không diễn ra phổ biến trên thực tế.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)