1. Khái quát chung

Công ước nhân quyền châu Âu năm 1950, cùng với những sửa đổi bổ sung theo quy định của Nghị định thư số 11, đã thiết lập ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu về quyền con người, ủy ban châu Âu về quyền con người có nhiệm vụ giám sát các quốc gia thành viên Công ước trong việc bảo vệ và phát triển các quyền cơ bản của con người được quy định trong Công ước. Tòa án châu Âu về quyền con người cũng là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền con người ở châu Âu. Thẩm quyền bắt buộc của Tòa đã được các quốc gia thành viên Công ước chấp nhận.

Tương tự Công ước nhân quyền châu Âu, Công ước nhân quyền châu Mỹ thiết lập một hệ thống gồm ủy ban liên Mỹ và Tòa án liên Mỹ về quyền con người có nhiệm vụ kiểm tra khả năng và những nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các cam kết được ghi, nhận trong Công ước. Trong khi đó, Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền dân tộc lập ra một ủy ban có quyền điều tra và báo cáo về các đơn kiện vi phạm nhân quyền. Việc giám sát thường xuyên tình hình thực hiện Công ước được thực hiện trên cơ sở xem xét báo cáo quốc gia do ủy ban thực hiện. Toà án quyền con người châu Phi cũng đã được nhất trí thành lập nhưng trên thực tế chưa đi vào hoạt động.

2. Toàn án Nhân quyền Châu Âu

Tòa án Nhân quyền châu Âu (tiếng Anh: European Court of Human Rights, tiếng Pháp: Cour européenne des droits de l’homme) trụ sở tại Strasbourg, (Pháp) là một tòa án siêu quốc gia, được lập ra bởi Công ước châu Âu về Nhân quyền, một cấp tòa cuối cùng mà một người có thể cầu cứu khi cảm thấy nhân quyền của mình bị một nước ký kết Công ước châu Âu về Nhân quyền vi phạm.

“Công ước châu Âu về Nhân quyền” đã được thông qua dưới sự bảo trợ của Ủy hội châu Âu, tất cả 47 nước thành viên đều gia nhập Công ước này.

Mọi nước thành viên của Ủy hội châu Âu đều được yêu cầu ký kết và phê chuẩn Công ước châu Âu về Nhân quyền và được quyền có một thẩm phán được Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu bầu chọn vào làm việc ở Tòa án. Mặc dù có sự phù hợp là mỗi nước thành viên có một thẩm phán đại diện, tuy nhiên, không có yêu cầu về quốc tịch cho các thẩm phán (ví dụ một thẩm phán Thụy Sĩ có thể được bầu ở công quốc Liechtenstein). Các thẩm phán được coi là những trọng tài không thiên vị hơn là đại diện của bất cứ nước nào. Thẩm phán được bầu với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu lại.

Tòa án Nhân quyền châu Âu được chia thành 5 “ban”, mỗi ban bao gồm một lựa chọn cân bằng về địa lý và giới tính của thẩm phán. Toàn bộ thẩm phán bầu một Chủ tịch Tòa và 5 trưởng ban, hai trong số trưởng ban cũng làm Phó Chủ tịch Tòa án; tất cả đều có nhiệm kỳ 3 năm. Mỗi ban chọn ra một Phòng, gồm trưởng ban và 6 thẩm phán khác luân phiên thay đổi. Tòa án cũng có một Phòng lớn 17 thành viên, trong đó có Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các trưởng ban, thêm vào một lựa chọn luân phiên các thẩm phán từ một trong hai nhóm cân bằng. Việc lựa chọn các thẩm phán dự khuyết giữa các nhóm diễn ra mỗi 9 tháng. Từ năm 2006 tới 2010, Nga là nước thành viên duy nhất từ chối phê chuẩn Nghị định thư số 14, nghị định thư này nhằm thúc đẩy công việc của tòa án tiến nhanh hơn, một phần bằng cách giảm số lượng thẩm phán theo đòi hỏi, khi phải đưa ra các quyết định quan trọng. Trong năm 2010, Nga đã chấm dứt việc chống đối Nghị định thư này, để đổi lấy đảm bảo rằng các thẩm phán của Nga sẽ được tham gia vào việc xem xét các khiếu tố đối với Nga

Các khiếu tố về các vi phạm nhân quyền của các nước thành viên sẽ được gửi tới Tòa án ở Strasbourg, và được giao cho một Ban. Các khiếu tố được coi là không chính đáng có thể bị bác bỏ bởi một thẩm phán duy nhất. Các khiếu tố được coi là chính đáng sẽ do một phòng cứu xét. Các quyết định quan trọng có thể được kháng cáo lên Phòng lớn. Một quyết định của Toà án có hiệu lực ràng buộc các quốc gia thành viên và phải được tuân thủ, trừ khi nếu nó chỉ là ý kiến tư vấn. Ủy ban Bộ trưởng của Ủy hội châu Âu có trách nhiệm giám sát việc thi hành các phán quyết của Toà án Nhân quyền châu Âu. Cơ quan này không thể buộc các nước hội viên thi hành (phán quyết), và hình thức xử phạt cuối cùng cho việc không tuân thủ là trục xuất khỏi Ủy hội châu Âu.

3. Ủy ban nhân quyền liên Mỹ

Công ước châu Mỹ về Nhân quyền (tiếng Anh: American Convention on Human Rights) cũng thường gọi là Hiệp ước San José, là một Văn kiện về nhân quyền quốc tế. Công ước này được các nước châu Mỹ chấp thuận trong cuộc họp ở San José, Costa Rica ngày 22.11.1969, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18.7.1978 sau khi Grenada nộp văn kiện phê chuẩn thứ 11 (theo quy định).

Các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Công ước là những Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ và Tòa án Nhân quyền liên Mỹ, cả hai đều là các cơ quan của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ.

Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ (tiếng Anh: Inter-American Commission on Human Rights) là một cơ quan tự trị của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ.

Cùng với Tòa án Nhân quyền liên Mỹ, đây là một trong các cơ quan nằm trong hệ thống bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền liên Mỹ.

Ủy ban này là một cơ quan thường trực, có trụ sở ở Washington, D.C., Hoa Kỳ. Hàng năm Ủy ban họp các khóa họp thường xuyên và các khóa đặc biệt vài lần để xem xét các vụ tố cáo vi phạm nhân quyền ở bán cầu này. Nhiệm vụ của Ủy ban xuất phát từ 3 văn bản pháp lý sau:

– Hiến chương Tổ chức các quốc gia châu Mỹ

– Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và trách nhiệm của con người

– Công ước châu Mỹ về Nhân quyền

Nhiệm vụ chính của Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ là thúc đẩy việc tuân thủ và bảo vệ nhân quyền tại châu Mỹ. Để thi hành sự ủy nhiệm này, Ủy ban có nhiệm vụ:

– Thâu nhận, phân tích và điều tra các đơn của các cá nhân cho rằng họ bị vi phạm các quyền con người cụ thể được “Công ước châu Mỹ về Nhân quyền” bảo vệ.

– Làm việc để giải quyết các đơn khiếu tố đó bằng cách hợp tác hòa nhã với các bên (tranh chấp).

– Giám sát tình trạng nhân quyền tổng quát trong các nước thành viên của “Tổ chức các quốc gia châu Mỹ”, và khi cần, chuẩn bị và công bố các báo cáo nhân quyền cụ thể của một nước.

– Tiến hành các cuộc viếng thăm tại chỗ để xem xét tình trạng nhân quyền chung của các nước thành viên, hoặc để điều tra các vụ việc cụ thể.

– Khuyến khích nhận thức của quần chúng về nhân quyền và các vấn đề liên quan khắp vùng Tây bán cầu.

– Tổ chức các hội nghị, hội thảo và các cuộc họp với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các học viện vv… để thông tin và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan tới hệ thống nhân quyền liên Mỹ.

– Đưa ra các khuyến nghị cho các nước thành viên rằng – nếu được thông qua – sẽ tiếp tục nâng cao sự nghiệp bảo vệ nhân quyền.

– Yêu cầu các nước thành viên chấp thuận các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các thiệt hại nhân quyền nghiêm trọng, không thể khắc phục hậu quả trong những trường hợp khẩn cấp.

– Chuyển các vụ khiếu kiện về nhân quyền sang Tòa án Nhân quyền liên Mỹ, và biện hộ cho các vụ khiếu kiện này trước Tòa án.

– Yêu cầu Tòa án Nhân quyền liên Mỹ cho ý kiến tư vấn về các vấn đề liên quan tới việc giải thích Công ước (nhân quyền) hoặc các văn kiện có liên quan.

4. Tòa án Nhân quyền liên Mỹ

Tòa án Nhân quyền liên Mỹ (tiếng Anh: Inter-American Court of Human Rights) là một cơ quan pháp luật tự trị, có trụ sở ở thành phố San José, Costa Rica. Tòa án này cùng với Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ hình thành hệ thống bảo vệ nhân quyền của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, dùng để duy trì và thăng tiến các quyền căn bản và các quyền tự do ở châu Mỹ.

“Tổ chức các quốc gia châu Mỹ” lập ra Tòa án Nhân quyền này trong năm 1979 để buộc các nước thành viên tuân thủ và giải thích các quy định của Công ước châu Mỹ về Nhân quyền. Như vậy, hai chức năng chính của Tòa án này là làm trọng tài xét xử và tư vấn. Trong chức năng thứ nhất, Tòa án nghe các luận cứ của 2 bên nguyên đơn và bị cáo và xét xử về các vụ vi phạm nhân quyền cụ thể được chuyển tới Tòa án. Trong chức năng thứ hai, Tòa án đưa ra ý kiến về các vấn đề giải thích luật pháp do các nước thành viên hay các cơ quan khác của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ tham khảo.

Chức năng trọng tài xét xử đòi Tòa án phải xét xử các vụ khiếu kiện được đưa ra Tòa, trong đó một bên nước ký kết Công ước châu Mỹ về Nhân quyền – và như vậy đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án – bị cáo buộc tội vi phạm nhân quyền.

Chức năng tư vấn của Tòa án này cho phép nó trả lời các tham khảo ý kiến được gửi tới bởi các cơ quan thuộc Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và các nước thành viên, liên quan đến việc giải thích Công ước Nhân quyền hoặc các văn kiện khác chi phối nhân quyền ở châu Mỹ; nó cũng trao quyền cho Tòa án đưa ra lời khuyên về các luật quốc gia và dự án luật đề nghị, và để làm rõ chúng có phù hợp với các quy định của Công ước hay không. Việc tư vấn này dành cho tất cả các nước thành viên của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, không chỉ các nước có phê chuẩn Công ước và chấp nhận thẩm quyền xét xử của Tòa. Các trả lời của Tòa án cho những tham khảo ý kiến nêu trên được coi như các ý kiến tư vấn và được công bố tách riêng với các phán quyết có thể gây tranh cãi của Tòa.

5. Cơ chế bảo vệ nhân quyền ở Châu Phi

Các quốc gia châu Phi cũng hướng tới việc xây dựng mô hình bảo đảm quyền con người ở cấp khu vực tương tự như châu Âu và châu Mỹ. Cơ chế châu Phi trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người bao gồm hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi cùng các thể chế tương ứng, bao gồm: Hiến chương châu Phi về Quyền con người và Quyền các dân tộc, được Tổ chức Liên minh châu Phi thông qua năm 1981; Ủy ban Quyền con người và Quyền các dân tộc châu Phi năm 1981; Tòa án châu Phi về Quyền con người và Quyền các dân tộc được thành lập theo Nghị định thư bổ sung của Hiến chương châu Phi về Quyền con người và Quyền của các dân tộc được thông qua năm 1998, năm 2004 mới có hiệu lực.

Ủy ban Quyền con người và Quyền các dân tộc châu Phi bao gồm 11 thành viên được bầu chọn bằng cách bỏ phiếu kín bởi Đại hội đồng châu Phi. Ủy ban có các chức năng: Bảo vệ các quyền con người và quyền của dân tộc; thúc đẩy các quyền của con người và quyền của dân tộc; giải thích Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của dân tộc (theo Điều 45 của Hiến chương); chuẩn bị các vụ khiếu kiện liên quan đến quyền con người do các công dân của các quốc gia thành viên gửi và chuyển cho Tòa án châu Phi về Quyền con người.

Tòa án Quyền con người châu Phi (hay còn gọi là Tòa án châu Phi về Quyền con người và Quyền các dân tộc) được sát nhập với Tòa Công lý châu Phi vào tháng 7-2004 trở thành Tòa án châu Phi về Quyền con người. Cơ cấu tổ chức của Tòa án bao gồm 11 thẩm phán, được bầu với nhiệm kỳ 6 năm, hoạt động kiêm nhiệm, được lựa chọn là các công dân giàu kinh nghiệm trên lĩnh vực xét xử và quyền con người của các quốc gia thành viên. Thẩm quyền và phạm vi áp dụng của các phán quyết của Tòa án này còn rất hạn chế so với cơ chế của khu vực châu Âu và châu Mỹ. Chức năng chính của Tòa án châu Phi về Quyền con người chủ yếu là tham vấn.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)