1. Mở đầu
Hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội dưới góc độ bảo đảm và bảo vệ quyền con người chủ yếu thông qua dưới một số hình thức cơ bản sau đây: tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, kiến nghị chính sách, tham gia các hoạt động giám sát thực thi chính sách của chính quyền địa phương các cấp, tham gia ký kết các thoả ước lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, đấu tranh chông phân biệt, đối xử bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân trước các cơ quan pháp luật theo quy định, tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ chính sách pháp luật, v.v… Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề bảo vệ quyền con người của các tổ chức chính trị xã hội thông qua việc tham gia xây dựng và hoạch định chính sách. Trước tiên phải nắm rõ thế nào là tổ chức chính trị xã hội? Một số tổ chức chính trị xã hội điển hình và các đặc điểm của tổ chức chính trị xã hội.
2. Tổ chức chính trị xã hội là gì?
Tổ chức chính trị – xã hội là các tổ chức tự nguyện được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức xã hội này có điều lệ hoạt động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu các thành viên thông qua. Bao gồm:
3. Một số tổ chức chính trị xã hội
– Mặt trận tổ quốc Việt Nam: Đây là liên minh chính trị – tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo;
- Là tổ chức đại diện cho ý chí đại đoàn kết và nguyện vọng chân chính của nhân dân;
- Nơi tập hợp trí tuệ của con người Việt Nam yêu nước, nơi thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền thực hiện nền dân chủ, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân;
- Giám sát, bảo vệ, tham gia xây dựng nhà nước, quản lí xã hội.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam được thành lập theo cơ chế bầu cử dân chủ được phân cấp để hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
– Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
- Là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra;
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp công nhân, có chức năng: Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên công nhân viên chức lao động phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Ðoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Là tổ chức chính trị – xã hội tập hợp tầng lớp thanh niên, là đoàn thể của các thanh niên ưu tú, đội hậu bị của Đảng.
- Tổ chức Đoàn được thành lập trên phạm vi cả nước, có mặt ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ trung ương đến địa phương nhằm thu hút thế hệ trẻ vào những hoạt động xã hội bổ ích, lành mạnh, qua đó giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho đoàn viên thanh niên.
- Ðoàn thanh niên cũng là nơi đào tạo ra các viên chức, cán bộ có phẩm chất trong bộ máy nhà nước, hoặc giữ những chức vụ trọng trách trong các tổ chức chính trị xã hội, ví dụ như Ðảng, công đoàn.
– Hội liên hiệp Phụ nữ
- Là tổ chức chính trị – xã hội của giới nữ, có chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, tham gia quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng.
- Hội đoàn kết, vận động, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
– Hội Nông dân Việt Nam
- Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Được thành lập nhằm động viện, tổ chức nông dân lao động trong cả nước hăng hái tham gia sản xuất, giáo dục tinh thần yêu nước. Mặt khác, hội còn là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giai cấp nông dân Việt Nam- một bộ phân dân cư lớn nhất ở nước ta.
– Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- Là đoàn thể chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội.
- Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu.
Ngoài các tổ chức trên đây, nhiều tổ chức xã hội khác cũng được coi là tổ chức chính trị – xã hội như Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam (VUSTA), Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…
4. Đặc điểm của các tổ chức chính trị xã hội
Tổ chức chính trị xã hội là một loại tổ chức chặt chẽ và được phân chia thành nhiều lớp để hoạt động hiệu quả.
Tổ chức chính trị xã hội thể hiện màu sắc đặc trưng đúng như cái tên của nó đó là màu sắc chính trị. Đứng ra đại diện để thể hiện ý chí đối với các tầng lớp trong xã hội đối với những công việc, hoạt động cụ thể của bộ máy Nhà nước.
Tổ chức chính trị xã hội góp phần trong việc bảo vệ, xây dựng cũng như đối với sự phát triển của đất nước.
Tổ chức hoạt động dựa trên nguyên tắc chính đó là nguyên tắc tập trung dân chủ, với hệ thống trải dài từ trung ương đến địa phương. Hoạt động theo điều lệ được lập tại hội nghị đại biểu các thành viên hoặc hội nghị toàn thể thông qua.
5. Bảo vệ quyền con người của các tổ chức chính trị xã hội thông qua việc tham gia xây dựng, hoạch định chính sách
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh Phát huy sự đa dạng về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước… để bảo đảm tốt nhất các quyền và lợi ích của con người, bảo đảm an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển con người bền vững. Điều đó cũng được pháp luật quy định rất cụ thể, chẳng hạn, Điều 5 Luật Công đoàn quy định: “1) Trong phạm vi các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; 2) Công đoàn tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; 3) Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ về lao động; hoặc khoản 1 Điều 16 Luật Công đoàn quy định: “Công đoàn phối hợp với cơ quan nhà nước nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp…
Các tổ chức chính trị – xã hội tham gia các hoạt động tại địa phương. Để tập hợp sức mạnh của người dân, rất cần sức mạnh của các tổ chức chính trị – xã hội, chính trị xã hội – nghề nghiệp, đoàn thể quần chúng với sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cần cụ thể hoá “việc cần tham gia” bằng các chương trình, hoạt động cụ thể, lồng ghép, gắn chặt với chiến lược, chương trình hành động phát triển bền vững của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi vùng dựa trên những lĩnh vực cần ưu tiên trong chiến lược phát triển. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể cho thấy rằng, sự chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm giữa ủy ban nhân dân xã và những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể tạo cho các tổ chức đoàn thể có điều kiện và tư cách chính thức khi tham gia vào việc ra các quyết định liên quan đến phát triển, ổn định kinh tế – xã hội địa phương. Từ đó làm cho vai trò của các tổ chức này phát huy được tính chủ động, sáng tạo cùng với chính quyền trong giải quyết các công việc của nhân dân. Khi quyền hạn và trách nhiệm được chia sẻ hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống quản lý hành chính – chính trị xã hội và người dân, sức ép xã hội kết hợp với sự can thiệp một cách chủ động của chính quyền địa phương giúp làm giảm mâu thuẫn và tiêu cực trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong công việc vì mục tiêu phát triển cộng đồng, v.v… Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp xúc với các dịch vụ tiện ích trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Thông qua hoạt động của mình phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với chính quyền và kiến nghị các hướng giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân… Đồng thời chia sẻ, gánh vác trách nhiệm cùng chính quyền cơ sở về việc thực hiện dân chủ cơ sở, làm như vậy các quyển của người dân được tôn trọng và bảo vệ.
Có thể nhận thấy rõ ràng trong hệ thống chính trị – xã hội Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội đóng vai trò vừa là trung tâm đoàn kết, tập hợp đông đảo các lực lượng quần chúng nhân dân (tính chất xã hội), đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên vừa thực hiện vai trò nền tảng chính trị của chính quyền nhân dân, tổ chức động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. So với các tổ chức xã hội khác, vai trò này của các tổ chức chính trị – xã hội có tính trực tiếp hơn trong việc phục vụ sự nghiệp cách mạng theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)