Căn cứ pháp lý:

Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

Nghị định 30/2018/NĐ-CP.

1. Định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

Văn bản yêu cầu định giá tài sản có các nội dung:

  • Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá;
  • Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
  • Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá;
  • Tên tài liệu có liên quan (nếu có);
  • Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
  • Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Việc định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản thực hiện theo thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết.

Việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản tiến hành. Phiên họp định giá tài sản có thể thực hiện tại nơi có tài sản được định giá hoặc nơi khác theo quyết định của Hội đồng định giá tài sản.

Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá tài sản biết; khi được sự đồng ý của Hội đồng định giá tài sản thì có quyền đưa ra ý kiến.

Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.

Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

2. Các trường hợp không được tham gia định giá tài sản

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được tham gia định giá tài sản:

– Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Đương sự trong tố tụng hình sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Người đại điện của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo là người nhân danh bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo để thực hiện một số hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.

Người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo có thể là người có quan hệ với bị hại, đương sự, bị can hoặc bị cáo. Bao gồm: 

  • Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;
  • Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;
  • Cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

– Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá.

Đã tham gia định giá tài sản đang được trưng cầu định giá tức là trước đó, tài sản này có thể đã được tiến hành định giá 1 lần trong một vụ án khác và người này có tham gia vào Hội đồng định giá tài sản.

Định giá lại tài sản đang được trưng cầu định. Trong một số trường hợp sẽ được phép tiến hành định giá lại tài sản. Trước đó, trong vụ cùng vụ án, người này đã tham gia định giá thì trong lần định giá lại sẽ không được tham gia định giá nữa.

– Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

– Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

 Người tiến hành tố tụng gồm:

  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;
  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, tức là đã tham gia vụ án với một trong các tư cách trên.

– Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá.

Vô tư tức là không nghĩ đến lợi ích riêng tư. Sự giúp đỡ hào hiệp, vô tư; Không thiên vị ai cả. Một trọng tài vô tư. Nhận xét một cách vô tư, khách quan.

Không vô tư trái ngược lại với vô tư. 

– Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Ví dụ: Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, công chức phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

– Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

3. Kết luận định giá tài sản

Kết luận định giá tài sản phải ghi rõ kết luận về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Căn cứ kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản quy định tại Điều 19 Nghị định 30/2019/NĐ-CP, Hội đồng định giá lập kết luận định giá tài sản bằng văn bản. Kết luận về giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam.

Kết luận định giá được gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Hội đồng định giá tài sản lập kết luận định giá tài sản.

– Kết luận định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản;

b) Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;

c) Số của văn bản yêu cầu định giá và ngày nhận văn bản yêu cầu định giá;

d) Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản;

đ) Tên tài sản cần định giá;

e) Thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;

g) Kết luận về giá của tài sản;

h) Chữ ký của các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp định giá tài sản và dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận định giá tài sản được lập thành ít nhất 03 bản, 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản.

4. Quyền của người định giá tài sản

Người định giá tài sản có quyền:

– Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá;

– Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá;

– Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

– Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản;

– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

5. Nghĩa vụ của người định giá tài sản

Người định giá tài sản có nghĩa vụ:

  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.

Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Người định giá tài sản phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
  • Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
  • Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.