1. Khái quát
Tiếp cận vấn đề các cơ chế bảo vệ quyền con người ở Đông Nam Á, trước tiên không thể không nhắc đến sự thiết lập quyền con người ở khu vực này. Tại đây, thông qua các đặc trưng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, v.v…, mà quyền con người được nhận thức như thế nào, có tầm quan trọng đến đâu và được thực thi ra sao? Tức là trước tiên phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ của chính chủ thể hưởng quyền: nhân dân Đông Nam Á, rồi sau đó mới có thể xem xét đến các chủ thể chịu trách nhiệm thực thi quyền con người các thiết chế, các cơ chế ở cấp độ quốc gia và khu vực.
Đông Nam Á vốn được coi là khu vực có tính nhất thể cao nhất ở châu Á. Có lẽ cái gọi là sự liên kết nội tại chặt chẽ của khu vực Đông Nam Á chỉ là khi được so sánh với các khu vực khác của châu Á tràn ngập những sự khác biệt, và cũng bởi ở châu Á, đây là tiểu khu vực duy nhất có được một thiết chế liên kết lẫn nhau khá vững chắc: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
2. Về mặt dân tộc
Ở khu vực Đông Nam Á, không có một quốc gia nào thuần nhất về mặt dân tộc, ở những đất nước đông dân như Indonesia, số lượng tộc người là hàng trăm. Đông Nam Á có vài nước có diện tích rất nhỏ (như Singapore, Brunei, Đông Timor) và số dân thấp, nhưng không phải vì thế mà thuần nhất về mặt dân tộc: ở Singapore, người Hoa chiếm 77%, người Mã Lai 15%, người Ân 6% và 2% người các dân tộc khác. Trong số người Mã Lai có người Giava-Mã Lai, Riau-Mã Lai, người Mã Lai Malaysia… Người Ân gồm có người Tamil, người Malayali, người Kamara, người Pandjab, người Sing, người Hindustan… Trong số 2% người các dân tộc khác thì còn có thể kể ra rất nhiều. Đất nước có số’ dân ít nhất Đông Nam Á là Brunei cũng tồn tại trên 10 tộc người. Hơn 1 triệu dân Đông Timor cũng có rất nhiều tộc người, trong đó có cả người bản địa và người nhập cư. Sự đa dạng về tộc người trước hết sẽ dẫn đến sự đa dạng về mặt văn .hoá, trong ngôn ngữ, trong phong tục tập quán, trong lối sống. Những sự đa dạng này đương nhiên ảnh hưởng đến vấn đề thực hiện quyền con người (các cách nhìn khác nhau về quyền con người nói chung, các quan niệm khác nhau về tầm quan trọng của mỗi quyền cụ thể, v.v…).
3. Về mặt lịch sử
Lịch sử Đông Nam Á rất phức tạp, với sự hợp tan của nhiều quốc gia. Các tộc người bản địa có mặt từ rất sớm trên lãnh thổ Đông Nam Á, nhưng các quốc gia được định hình thường chỉ bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ X, XI sau CN. Singapore mãi đến thế kỷ XIV mới có tên trên các tài liệu lịch sử. Triều đại đầu tiên của người Thái chỉ xuất hiện từ thế kỷ XIII, sau một thời gian dài dân tộc Thái di cư xuống những vùng miền của người Môn và của đế quốc Angkor đang suy yếu. ơ các quần đảo thuộc Phillipines ngày nay, có lẽ trước thời Tây Ban Nha xâm lược (thế kỷ XVI) vẫn chưa tồn tại ý thức quốc gia (có một vài nhà nước nhỏ lẻ, nhưng chưa có ý thức quốc gia chung trên toàn bộ quần đảo). Trên vùng đất là Đông Nam Á hiện tại, đã từng có những nhà nước hết sức thịnh trị nhưng giờ cũng không còn tồn tại (như các vương quốc Srivijaya, Java, Majapahit, Angkor…). Biên giới lãnh thổ theo đó cũng không ổn định trong suốt chiều dài lịch sử. Phần lớn các dân tộc Đông Nam Á mới thoát được ách thực dân từ sau năm 1945, sau hàng thế kỷ bị áp bức và bóc lột. Cá biệt có nước như Đông Timor mới trở thành quốc gia độc lập vào đầu thế kỷ XXL Lịch sử phức tạp và không ổn định này tác động đến rất nhiều mặt của đời sống đương đại, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền con người và các cơ chế bảo vệ quyền con người.
4. Về mặt tôn giáo
Tất cả các tôn giáo lớn đều có mặt trên vùng Đông Nam Á, trong đó đạo Hồi và đạo Phật xét về số lượng dân cư theo đạo là lớn hơn cả. Nhưng không phải vì thế mà các tôn giáo khác bị giảm tầm quan trọng. Phần đông các nước ở vùng bán đảo theo đạo Phật, như ở Myanmar số người theo đạo Phật chiếm 85% dân số; Lào, Thái Lan và Campuchia đều là những đất nước của Phật giáo Nam tông. Còn hầu hết các nước vùng đảo thì theo đạo Hồi, như Brunei, Malaysia, Indonesia (Indonesia là nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới nhưng đạo Hồi không phải là quốc giáo không được chính thức khẳng định trong Hiến pháp, như trường hợp của Malaysia). Cũng là vùng đảo nhưng Đông Timor và Philippines lại là những đất nước mà Công giáo đóng vai trò quốc giáo. Còn Singapore và Việt Nam, dưới ảnh hưởng của chủ trương tự do tôn giáo, tất cả các tôn giáo đều có điều kiện để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, ỏ Việt Nam, do những ảnh hưởng từ trong lịch sử, Phật giáo có phần lấn át về số lượng tín đồ hơn các tôn giáo khác (Phật giáo Việt Nam cũng có đặc điểm khác với Phật giáo các nước trong khu vực: khi các nước trong khu vực hầu hết theo Phật giáo Nam tông thì ở Việt Nam Phật giáo Bắc tông chiếm ưu thế, Phật giáo Nam tông chỉ tồn tại chủ yếu ở vùng đồng bằng sông cửu Long), và đặc biệt rất ít người theo đạo Hồi. Nhiều nước trong khu vực còn chịu ảnh hưởng của đạo Hindu. Ngoài ra, ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, các tín ngưỡng bản địa vẫn tiếp tục chi phối, và ngay cả trong các xã hội hiện đại của khu vực Đông Nam Á, người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian.
5. Về kinh tế
Có rất nhiều khác biệt giữa các nước trong khu vực. Có nước đã được xếp vào hàng ngũ những nước phát triển như Singapore, có nước có thu nhập bình quân theo đầu người ỏ vào hạng cao nhất thế giới như Brunei, một vài nước vẫn còn phải nhận viện trợ từ IMF như Lào và Đông Timor. Trong mỗi quốc gia, các vùng khác nhau cũng có sự phát triển kinh tế không cân bằng. Sự chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia cũng như giữa các vùng khiến cho các chính sách khu vực nếu có sẽ phải được điều chỉnh để phù hợp với từng nơi, và như vậy có nghĩa là khó đạt đến thống nhất, cho dù các thành viên của tổ chức ASEAN đều mong muốn sự thống nhất này thể hiện qua khẩu hiệu Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những chính sách về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
6. Chính trị
Cuối cùng, những khác biệt và sự đa dạng về chính trị và hệ thống pháp luật. Đây là lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến vấn đề về các cơ chế bảo vệ quyền con người. Trong 11 quốc gia Đông Nam Á hiện tại, có đến 4 quốc gia vẫn còn theo chế độ quân chủ, 4 quốc gia theo thể chế cộng hoà, 2 quốc gia là những nước xã hội chủ nghĩa và 1 nằm dưới quyền kiểm soát của một chính phủ quân sự. Trong số các quốc gia quân chủ, có Brunei theo chế độ quân chủ chuyên chế, nhà vua là nguyên thủ, đồng thời nắm toàn bộ quyền lập pháp và là tổng tư lệnh quân đội; hai quốc gia quân chủ khác là Thái Lan và Campuchia thì theo chế độ quân chủ lập hiến, nhà vua không nắm quyền trực tiếp; còn một quốc gia (Liên bang Malaysia) thì theo chế độ quân chủ lập hiến, nhưng thông qua bầu cử: là một liên bang, cứ 5 năm một lần, 9 tiểu vương của 9 bang Hồi giáo ở Malaysia sẽ bầu ra một người đứng đầu quốc gia. Các nước Indonesia, Singapore, Philippines và Đông Timor đều theo chế độ cộng hoà đại nghị với tổng thống là nguyên thủ vối những khác biệt nhất định trong hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc gia thường xuyên gặp phải sự chỉ trích của dư luận quốc tế là Myanmar, vì hiện giờ Myanmar vẫn đang ồ dưới quyển của một chính phủ quân sự, do một thống tướng đứng đầu, nắm tất cả quyền lực. Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, các tướng lĩnh quân sự cao cấp nhất của Myanmar đã đồng loạt từ chức, mở đường cho một chính phủ dân cử vào đầu tháng 11 tới sau khi Hiến pháp mới (quy định về một chính phủ dân sự) đã được thông qua vào năm 2008. Dù vậy, tình hình bất ổn ở Myanmar cũng là một ví dụ cho thấy, về mặt thể chế, chính trị và chính sách, Đông Nam Á là một khu vực không đồng nhất.
7. Cơ chế bảo vệ quyền con người
Hiến chương ASEAN ra đời vào năm 2008. Cùng với Hiến chương ASEAN, hàng loạt các văn kiện quan trọng khác đã góp phần vào việc hoàn thiện khung pháp luật và thể chế cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở khu vực được xem là năng động nhất trên thế giới hiện nay. Tại Điều 14 của Hiến chương đã xác lập nguyên tắc về việc thành lập cơ quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người liên chính phủ. Các văn kiện quan trọng liên quan, bao gồm: Chương trình hành động Hà Nội (1997 – 2004); Chương trình hành động Vientiane (2004 – 2010); Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ ở khu vực ASEAN (2004); Tuyên bố chống lại việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em ở ASEAN (2004); Khuôn khổ hợp tác ASEAN – UNIFEM (2006); Hợp tác ASEAN – UNIFEM về trẻ em; Kế hoạch hành động ASEAN về trẻ em (1993); Tuyên bố ASEAN về những cam kết về trẻ em ở ASEAN (2001); Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (2007); Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (2012)…
Trong nỗ lực hướng tới một cộng đồng chung về kinh tế, chính trị vào năm 2015, tháng 9-2009, ASEAN đã ra mắt Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Tháng 4-2010, tại Hà Nội, Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) ra đời, đồng thời thảo luận sớm thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền của Hiệp hội. Những năm gần đây, bên lề các cuộc hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ASEAN đều có một hình thức tập hợp và hoạt động của các tổ chức xã hội dưới hình thức diễn đàn. Tại đây, mọi vấn đề nhân quyền bức xúc đều được đưa ra thảo luận nhằm đi đến kiến nghị tập thể đối với các chính phủ.
Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) là một cơ quan thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cấp tiểu khu vực, được thành lập ngày 23-10-2009 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15 họp tại Cha Am Hua Hin, Thái Lan theo Điều 14 của Hiến chương ASEAN: “Phù hợp với mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản, ASEAN sẽ thành lập một cơ quan nhân quyền ASEAN”.
AICHR tiến hành hai cuộc họp thường xuyên hàng năm và các cuộc họp bất thường khi cần thiết. Kể từ năm 2010 đến nay AICHR tiến hành nhiều cuộc họp và đối thoại và đối thoại với Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Ủy ban Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu và Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Chức năng và nhiệm vụ của AICHR được quy định rõ trong Điều khoản Tham chiếu (TOR) của AICHR bao gồm 14 nhiệm vụ/ thẩm quyền.
Mặc dù đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy chế về tổ chức và hoạt động, AICHR bước đầu đóng góp tích cực vào quá trình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở khu vực ASEAN cũng như tăng cường đối thoại, hiểu biết lẫn nhau về quyền con người giữa các quốc gia thành viên cũng như giữa ASEAN và các tổ chức, thể chế khu vực, quốc gia và quốc tế trên phạm vi toàn thế giới.