1. Khái niệm tội phạm

Khái niệm tội phạm có thể được coi là khái niệm cơ bản nhất trong luật hình sự Việt Nam. Khái niệm này một mặt là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, mặt khác trực tiếp thể hiện một cách rõ nét những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam. Nội dung của khái niệm tội phạm xác định giới hạn giữa tội phạm và không phải là tội phạm, giữa trách nhiệm hình sự và những trách nhiệm pháp lý khác. Khái niệm tội phạm là cơ sở để xây dựng các cấu thành tội phạm cụ thể với ý nghĩa là mô hình pháp lý của từng loại tội phạm và qua đó cũng là cơ sở để quy định khung hình phạt tương ứng. Trong thực tiễn áp dụng luật hình sự, cơ quan có thẩm quyền tuy dựa vào cấu thành tội phạm để xác định tội phạm nhưng chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ về bản chất cũng như những đặc điểm của tội phạm nói chung mới có thể áp dụng luật hình sự một cách đúng đắn qua việc xác định đúng tội danh, đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

Căn cứ quy định tại Điều 8 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì khái niệm tội phạm được hiểu như sau:

Tội phạm phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội tức là hành vi xâm phạm (gây thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại) một hay nhiều khách thể nhất định.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”

Như vậy, chỉ có luật hình sự mới có quy định về Tội phạm, tội phạm phải là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội dù là cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các mối quan hệ được luật Hình sự bảo vệ. Như mối quan hệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, các mối quan hệ về an ninh – quốc phòng,…Chủ thể thực hiện tội phạm có thể là người có năng lực hành vi dân sự và pháp nhân thương mại. Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, mà tội phạm được chia làm 4 loại.

2. Phân loại tội phạm theo Bộ Luật hình sự

Căn cứ Điều 9 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, có 4 loại tội phạm:

Một là, Tội phạm ít nghiêm trọng, là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

Hai là, Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

Ba là, Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

Ví dụ: A lợi dụng dịch Covid đi quảng cáo về loại vaccine chống Covid, mời mọi người mua với giá 4.000.000 đồng/liều. A lừa được 20 người với tổng số tiền thu về là 80.000.000 đồng. Sau khi đã thu được tiền thì A bỏ trốn.

=> Hành vi của A thuộc điểm c khoản 3 điều 174 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù

=> Loại tội mà A phạm phải là loại tội rất nghiêm trọng.

A có tình tiết tăng nặng phạm tội 03 lần (đã lừa nhiều nhóm)

Bốn là, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, theo Bộ luật Hình sự 2015, Tội phạm được phân làm 4 loại. Căn cứ để phân loại tội phạm dựa trên tính chất nguy hiểm, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội và cụ thể hơn, người ta dựa vào khung hình phạt đối với tội đó mà nhìn nhận nó thuộc loại tội phạm nào.

3. Cách xác định tội phạm

STT Loại tội Cách xác định
1 Ít nghiêm trọng

– Mức độ nguy hiểm không lớn

– Mức hình phạt cao nhất là:

+ Phạt tiền

+ Phạt cải tạo không giam giữ

+ Phạt tù đến 03 năm

2 Nghiêm trọng

– Mức độ nguy hiểm lớn

– Khung hình phạt cao nhất là từ trên 03 năm đến 07 năm tù giam

3 Rất nghiêm trọng

– Mức nguy hiểm rất lớn

– Khung hình phạt cao nhất là từ trên 07 năm đến 15 năm tù giam

4 Đặc biệt nghiêm trọng

– Mức nguy hiểm đặc biệt lớn

– Khung hình phạt cao nhất là:

+ Trên 15 năm đến 20 năm tù

+ Tù chung thân

+ Tử hình

Ngoài ra, để quyết định hình phạt đối với một tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền không chỉ căn cứ vào mức độ nguy hiểm cùng tính chất của hành vi phạm tội mà còn căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, nhân thân của người phạm tội….

4. Các yếu tố cấu thành tội phạm

Dù là loại tội phạm nào cũng được cấu thành bởi 4 yếu tố bao gồm: Chủ thể, Khách thể, Mặt khách quan và Mặt chủ quan của tội phạm

  • Chủ thể của tội phạm:

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có thay đổi vượt bậc hơn “Bộ luật hình sự năm 2015” khi đưa Pháp nhân thương mại trở thành một chủ thể của tội phạm.

Khi các mối quan hệ xã hội dần trở nên phức tạp thì theo đó, các chủ thể của quan hệ pháp luật cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp. Vì vậy cho đến thời điểm hiện tại Chủ thể của tội phạm gồm 2 chủ thể: Cá nhân và pháp nhân thương mại.

Đối với chủ thể là cá nhân phải là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự. Hiện tại pháp luật không có khái niệm nào chỉ năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân tuy nhiên chúng ta có thể định nghĩa như sau: Năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân là khả năng nhận thức của người đó về tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình.

Theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 thì, Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân còn thể hiện ở độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với chủ thể là Pháp nhân thương mại, Pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 74 và Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể Pháp nhân thương mại vừa phải đảm bảo điều kiện của một pháp nhân là phải được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác, tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình và phải nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập vừa phải đáp ứng điều kiện là phải hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

  • Khách thể của Tội phạm

Như đã phân tích ở trên, Tội phạm phải xâm phạm vào các mối quan hệ được pháp luật về Hình sự bảo vệ mà căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự thì các mối quan hệ đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Đó cũng chính là khách thể của Tội phạm.

  • Mặt khách quan của Tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là những yếu tố phải được thể hiện ra bên ngoài tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, thời gian, địa điểm, phương thức phạm tội, phương tiện và công cụ tiến hành tội phạm, hậu quả do hành vi đó gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Có thể nói mặt khách quan của tội phạm chính là những yếu tố mà chúng ta có thể nhìn thấy được từ hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Mặt chủ quan của tội phạm là các yếu tố không được thể hiện ra bên ngoài của hành vi phạm tội. Nó là các yếu tố xuất hiện bên trong hành vi phạm tội như: thái độ tâm lý, động cơ, mục đích của người phạm tội.

5. Ví dụ về phân loại tội phạm

Ông A(35 tuổi) trong lúc ghen tuông đã dùng tay bóp cổ vợ mình đến chết dù biết là vợ đang mang bầu.

Trong tình huống trên, các yếu tố cấu thành tội phạm là:

Về chủ thể: Ông A chính là chủ thể (cá nhân) thực hiện hành vi phạm tội

Về khách thể: Tính mạng, quyền được sống của con người, cụ thể là vợ ông A

Về mặt khách quan của tội phạm gồm: Ông A dùng tay bóp cổ vợ mình đến chết; ông A biết vợ mình có thai nhưng vẫn có hành vi xâm phạm tính mạng của vợ mình.

Về mặt chủ quan của tội phạm:

Thái độ tâm lý: Trong lúc gây ra hành vi này, ông A đang ở trong trạng thái tin thần kích động mạnh.

Động cơ: Ghen tuông (được xem là động cơ đê hèn)

Mục đích: Cố ý, muốn vợ mình phải chết. Mục đích ông A dù biết vợ đang mang thai nhưng vẫn cố ý xâm phạm tính mạng sức khỏe của vợ mình, mặc khác thời gian từ lúc ông A bắt đầu thực hiện hành vi đến lúc vợ ông A chết, phải mất một khoản thời gian xác định. Nhưng ông A vẫn cố tình và mong muốn hậu quả xảy ra.

Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)