Dựa theo tính chất, mức độ nhận thức có ý thức pháp luật thông thường, ý thức pháp luật mang tính lí luận, ý thức pháp luật nghề nghiệp (còn gọi là ý thức pháp luật chuyên ngành).

– Ý thức pháp luật thông thường (hay còn gọi là ý thức pháp luật phổ thông) là những quan niệm, sự hiểu biết và thái độ, tình cảm của con người được hình thành từ mức độ nhận thức cơ bản đối với các quy định pháp luật cũng như các hiện tượng pháp lí thường nhật xảy ra trong đời sống xã hội. Ý thức pháp luật thông thường có tính sinh động, cụ thể phản ánh tư duy, cảm quan trực tiếp đối với các hiện tượng thực tiễn. Nó không phản ánh tính hệ thống, chiều sâu của nhận thức và không hình thành nên cơ sở lí luận chuyên biệt về đối tượng và sự tác động điều chỉnh.

– Ý thức pháp luật mang tính lí luận là phạm trù, cấp độ ý thức bậc cao trong nền tảng ý thức xã hội, được thể hiện dưới dạng các học thuyết, quan điểm, trường phái về pháp luật, điều chỉnh pháp luật. Đó là hệ thống lí luận mang tính khái quát hóa, khoa học và được trải nghiệm từ thực tiễn đời sống xã hội. Ý thức pháp luật mang tính lí luận là cơ sở, nền tảng nhận thức chỉ đạo quá trình xây dựng pháp luật, điều chỉnh pháp luật, giáo dục và đào tạo pháp luật, tổ chức thực hiện và bảo vệ các giá trị của pháp luật trên thực tế.

– Ý thức pháp luật nghề nghiệp (còn gọi là ý thức pháp luật chuyên ngành) là phạm trù ý thức chuyên sâu gắn với thực tiễn nghề nghiệp liên quan đến việc sử dụng công cụ pháp luật. Xuất phát từ tính đa dạng về đối tượng điều chỉnh của pháp luật và thực tiễn hoạt động pháp lí trên nhiều lĩnh vực đã hình thành nên những mặt ý thức pháp luật có tính chuyên biệt, đặc thù gắn với từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, nhiều loại chủ thể có ý thức pháp luật chuyên nghiệp bảo đảm việc thực thi các hoạt động pháp luật trên thực tế như xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, đào tạo, nghiên cứu pháp luật hoặc hành nghề dịch vụ trực tiếp bào chữa, trợ giúp pháp lí, tư vấn pháp luật như Luật sư của LVN Group, luật gia, công chứng viên, tư vấn… Đặc biệt, đội ngũ các chức danh nghề luật hoạt động trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như thẩm phán, công tố viên, điều tra viên, thanh tra viên, thẩm định viên, giám định viên… đòi hỏi và phải thể hiện năng lực và ý thức pháp luật chuyên nghiệp rất cao ưong quá trình thực thi công vụ. Theo đỏ, trong lĩnh vực ý thức pháp luật nghề nghiệp có một số chủ thể là chuyên gia với ý thức pháp luật chuyên môn sâu đã đóng góp vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề đặc thù, phức tạp của thực tiễn pháp lí.

– Ý thức pháp luật cá nhân

Ý thức pháp luật cá nhân là quan niệm, sự hiểu biết và tình cảm, thái độ của cá nhân con người đối với pháp luật và các hoạt động thực tiễn pháp lí. Ý thức pháp luật cá nhân phản ánh đặc điểm nhân cách cá nhân và điều kiện tồn tại của mỗi người do đó thường mang tính chủ quan, phiến diện. Điều này cũng có nghĩa là khoảng cách và sự khác biệt nhất định về ý thức pháp luật giữa các cá nhân công dân trong xã hội luôn tồn tại và rất khó đem lại sự tương đồng. Tuy nhiên, ý thức pháp luật của cá nhân là cơ sở tạo lập ý thức pháp luật xã hội. Việc giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật nói chung chỉ có hiệu quả thực sự khi giải quyết được một cách căn bản những vấn đề thuộc về điều kiện tồn tại và ý thức của mỗi cá nhân.

– Ý thức pháp luật nhóm (nhóm người)

Tập hợp những cá nhân với sự liên kết theo những mục đích cụ thể tạo nên nhóm người có sự đồng điệu về lối sống, sự hiểu biết và phương thức ứng xử. Chẳng hạn, những nhóm người được hình thành từ sở thích, độ tuổi, chính kiến, quan niệm, lối sống… Chính vì vậy, nhóm người cũng có các quan niệm, cách tiếp cận, thái độ tình cảm, sự đánh giá đối với pháp luật và thực tiễn pháp lí khá tương đồng. Tuy nhiên, do tổ chức, cấu trúc nhóm nhìn chung khá lỏng lẻo và nhất thời nên việc nhận diện ý thóc pháp luật theo nhóm ít phục vụ cho việc giải quyết vấn đề của thực tiễn điều chỉnh pháp luật.

– Ý thức pháp luật xã hội

Xã hội là một thiết chế mang tính cộng đồng của con người.

Phạm trù ý thức pháp luật xã hội được hiểu với nghĩa rộng là tổng thể những quan điểm, quan niệm, hệ thống tri thức về pháp luật và thái độ, tình cảm, sự đánh giá của cộng đồng các thành viên trong xã hội đối với các lĩnh vực của đời sống pháp lí. Ý thức pháp luật xã hội là yếu tố phản ánh điều kiện tồn tại xã hội, các đảm bảo của nhà nước, khuynh hướng định chế, điều chỉnh pháp luật cũng như trạng thái, trình độ văn hóa pháp lí của một quốc gia, dân tộc. Mặt khác, ý thức pháp luật xã hội cũng mang tính phản biện, lên án đối với những khuynh hướng pháp luật không phù hợp, thái độ thờ ơ, coi thường pháp luật hoặc những hoạt động pháp lí làm phương hại quyền, lợi ích con người, xã hội. Trong xã hội hiện đại, bảo vệ những giá trị nhân quyền, bảo đảm chủ quyền nhân dân, tôn trọng thực thi pháp luật là những yếu tố cốt lõi luôn hàm chứa trong nội dung của ý thức phảp luật.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)